Lữ Giang
Khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 23.6.2016 về việc Anh tách
rời khỏi Liên Minh Châu Âu được công bố, ông James Butterfill, Giám đốc nghiên cứu và là nhà chiến lược đầu tư
tại ETF Securities chia sẻ trên Bloomberg: "Mọi thứ thật đáng
sợ, tôi chưa từng chứng kiến điều gì giống thế này.
Luồng tiền đang bị xáo trộn trên thị trường. Có rất nhiều nhà đầu tư bị
"đánh bật" ra ngoài và nhiều người mất một khoản tiền lớn sau hôm nay".
Thị trường chứng
khoán giảm khoảng từ 12 đến 15 % trong phiên giao dịch ngày 24.6.2016, mất khoảng 3.000 tỷ
đôla, còn đồng Bảng Anh sụt giá 12% so với đồng USD và 18% so với đồng euro, tức xuống mức thấp
nhất trong vòng 31 năm qua.
Thủ tướng Đức
Angela Merkel nói: “Chúng tôi ghi nhận quyết định của người dân Anh
bằng một sự tiếc nuối. Rõ ràng đây là đòn giáng mạnh cho Châu Âu và cho quá
trình thống nhất Liên Âu.” Ngoại
trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nói ông "buồn cho Vương quốc Anh."
CHÂU
ÂU KHÔNG NGỪNG NHẬN THẢM HỌA
Trong 10 năm qua, Liên Minh Châu Âu (gọi tắt là Liên Âu) đã bị
nhiều đón rất nặng, phần lớn là từ Hoa Kỳ đưa tới. Trước hết là cuộc khủng hoảng kinh tế 2007 – 2009 ở Mỹ
do sự gian lận của các ngân hàng địa ốc Hoa Kỳ. Châu Âu vốn có quan hệ kinh tế
mật thiết với Hoa Kỳ nên đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều tổ chức tài
chính ở Châu Âu đã bị phá sản đến mức trở thành khủng hoảng tài chính ở một số
nước như Iceland. Các nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức và Ý rơi vào suy
thoái; Anh, Pháp, Tây Ban Nha giảm tăng trưởng. Khu vực đồng euro rơi vào cuộc
suy thoái kinh tế đầu tiên kể từ ngày thành lập.
Khi kinh tế Châu Âu mới được phục hồi, Hoa Kỳ chơi một đòn thứ hai
là áp dụng biện pháp “Nới
lỏng Định lượng” (Quantative Easing - giới bình dân gọi là in
bạc), tức bơm tiền và nền kinh tế, lúc đầu dự trù khoảng 3.000 tỷ USD, mỗi
tháng 85 tỷ USD, để cứu vãn nền kinh Mỹ. Số tiền này về sau lên đến khoảng
5.000 tỷ USD. Đồng đô la bị giảm giá, còn đồng euro tăng lên khiến Châu Âu
không còn xuất cảng được. Một số nước trong Liên Âu muốn tách ra và nới lỏng
đồng tiền riêng của họ để cứu vãn nền kinh tế. Cuối cùng Liên Âu cũng phải bung
ra khoảng 3.000 tỷ euro.
Hết chơi đòn kinh tế, Mỹ chơi đòn chính trị.
Vào tháng 9 năm 2015, Hoa Kỳ muốn chiếm vùng phía Bắc Syria để cắt đứt trục lộ
giao thông chính của Syria và lật đổ chế độ Assad. Một lực lượng có tên Ahrar
al-Sham (Phong trào Hồi giáo của người Syria Tự do) do
Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar thành lập, huấn luyện và trang bị với
khoảng từ 10.000 đến 20.000 quân. Tháng 9 năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở biên
giới giữa Thổ và Syria rồi cho các tổ chức buôn người lùa khoảng 3 triệu người
ở Bắc Syria qua Châu Âu và cho Ahrar al-Sham chiếm vùng này để tiến tới lật đổ
chế độ Assad. Nga thấy rõ âm mưu của Mỹ, nên ngày 30.9.2015 đã đổ quân vào
Syria và ngăn chận âm mưu đó. Hậu quả là Liên Âu phải gánh chịu nạn di dân Hồi
Giáo có thể kéo dài hàng chục năm với phí tổn và các tệ nạn xã hội rất nghiêm
trọng. Người Anh không muốn dính líu đến thảm họa này nên đã tìm cách tách ra,
đưa tới một thảm họa mới cho Liên Âu.
Vấn đề Liên Âu là một vấn đề khá phức tạp. Chúng tôi sẽ cố gắng
tóm lược để giúp độc giả có một khái niệm về biến cố quan trọng này.
VÀI NÉT VỀ LIÊN HIỆP CHÂU ÂU
Liên minh châu Âu (European Union - EU), cũng được gọi là Khối
Liên Âu, là một liên minh kinh tế chính trị bao gồm 28 quốc gia thành viên
thuộc Châu Âu. Ban đầu, Liên Âu bao gồm 6 quốc gia thành viên là Bỉ, Đức, Ý,
Luxembourg, Pháp, Hà Lan. Đến năm 2007 Liên Âu có 27 thành viên và ngày
1.7.2013 Croatia trở thành thành viên thứ 28. Dân số Liên Âu khoảng 500 triệu.
Thành viên có dân số lớn nhất là Đức với 82 triệu, ít nhất là Malta với 0,4
triệu.
Liên Âu được kết hợp do các hiệp ước sau đây: Hiệp ước Maastricht
(1992), Hiệp ước Schengen (1990), Hiệp ước Amsterdam (1999), Hiệp ước Nice
(2003) và Hiệp ước Lisbon (2009).
Hiệp ước Maastricht hay còn gọi là Hiệp ước Liên minh châu Âu
(Treaty of European Union) là hiệp ước căn bản, được ký ngày 7.2.1992 tại
Maastricht Hà Lan nhằm mục đích:
1.-
Thành lập liên minh kinh tế và tiền tệ: Có
một đơn vị tiền tệ chung và một ngân hàng trung ương độc lập.
Kể từ ngày 1.1.2002 đồng euro đã chính thức được lưu hành. Hiện
nay có 19 quốc gia thành viên (còn gọi là khu vực đồng euro) là Pháp, Đức, Áo,
Bỉ, Phần Lan, Ireland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,
v.v. Các nước đứng ngoài là Anh, Đan Mạch và Thuỵ Điển.
Liên Âu hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới,
GDP năm 2011 đạt 17,57 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 22% GDP danh nghĩa của thế
giới; Thu nhập bình quân đầu người toàn Liên Âu đạt 32.900 USD/năm.
2.- Thành lập một liên minh chính trị:
Thực hiện một chính sách đối ngoại và an ninh chung để tiến tới có chính sách
phòng thủ chung, tăng cường hợp tác về cảnh sát và luật pháp.
Tất cả các công dân của các nước thành viên được quyền tự do đi
lại và cư trú trong lãnh thổ của các nước thành viên. Được quyền bầu cử và ứng
cử chính quyền địa phương và Nghị viện châu Âu tại bất kỳ nước thành viên nào
mà họ đang cư trú. Thực hiện một chính sách đối ngoại và an ninh chung trên cơ
sở hợp tác liên chính phủ với nguyên tắc nhất trí để vẫn bảo đảm chủ quyền quốc
gia trên lĩnh vực này.
Hiệp ước Schengen (Luxembourg) được ký
kết ngày 19.6.1990 quy định quyền tự do đi lại của công dân các nước thành
viên. Đối với công dân nước ngoài chỉ cần có visa của 1 trong các nước thành
viên là được phép đi lại trong toàn bộ khu vực Schengen. Tính đến 19/12 năm
2011, tổng số quốc gia công nhận hoàn toàn hiệp ước này là 26 nước (22
quốc gia Liên Âu và 4 nước Đông Âu).
Các thể chế của Liên Âu: Các thể chế
chính trị quan trọng của Liên Âu bao gồm Ủy ban Châu Âu, Nghị viện Châu Âu, Hội
đồng Liên Âu, Hội đồng Châu Âu, Tòa án Công lý Liên Âu và Ngân hàng Trung ương
Châu Âu. Trụ sở đặt tại Brussels (Bỉ)
THUẬN LỢI VÀ BẤT LỢI CỦA LIÊN ÂU
Sau Thế Chiến Thứ 2, Liên Âu được thành lập để liên kết các quốc
gia Châu Âu lại, tạo nên một siêu quốc gia
gióng như Hoa Kỳ. Các quốc gia độc lập trong Châu Âu sẽ là những tiểu bang, mỗi
quốc gia đều có luật pháp và chính phủ riêng. Còn chính phủ và quốc hội Liên Âu
sẽ là chính phủ liên bang (như Mỹ). Tuy nhiên,
liên bang của Liên Âu khó phát triển như Hoa Kỳ được, vì mỗi
quốc gia có văn hóa riêng, nhất là ngôn ngữ riêng, có chính sách kinh tế và tài
chính riêng… Trong khi đó, Quốc Hội Liên Âu lại thông qua nhiều đạo luật và
muốn các quốc gia trong Liên Âu phải tuân theo, làm xói mòn tính cách độc lập
của mỗi quốc gia, gây khó khăn cho họ trong việc ứng phó với tình hình của mỗi
quốc gia. Biến cố mới nhất đang gây chia rẽ giữa các quốc gia thuộc Liên Âu, đó
và việc đối phó với cuộc di dân của Hồi Giáo Trung Đông
do sự thay đổi chiến lược của Hoa Kỳ đưa đưa tới, kèm theo là các cuộc khủng
bố.
Vấn đề với đồng euro, đồng tiền chung của 19 quốc gia:
Đó là những quốc gia độc lập, có quốc hội riêng, có chính phủ riêng, có chính
sách kinh tế và ngân sách riêng. Để
hoạt động hiệu quả, 19 quốc gia này phải có nền kinh tế tương đồng,
nhưng trong thực tế thì chỉ có Đức, Pháp và Ý là đủ tầm và đủ mạnh. Các quốc
gia còn lại quá nhỏ bé. Vì có sự chênh lệch giữa sức mạnh kinh tế, nên uy tín
trái phiếu của mỗi quốc gia khác nhau. Đức và Pháp thì xếp hạng tốt, nên thường
trả lãi suất thấp.
BẤT ĐỒNG GIỮA ANH VÀ LIÊN ÂU
Phần lớn phe muốn Anh rời khỏi Liên Âu
cho rằng làm thành viên Liên Âu không mang lại lợi ích gì, trái lại đã tước đi
của họ quá nhiều quyền như quyền thành lập thỏa thuận thương mại với các nước
khác, quyền sử dụng nguồn lực của Anh cho công dân Anh, hay quyền kiểm soát
biên giới quốc gia. Đặc biệt, nguyên tắc cho phép tự do đi lại và làm việc giữa
các nước thành viên đã khiến cho công dân từ các nước Liên Âu khác đổ xô đến
Anh sinh sống và tìm việc làm, gây quá tải cho hệ thống trường học, bệnh viện
và các dịch vụ công…, làm ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của họ.
Năm 2013, Thủ tướng David Cameron cho biết ông muốn thương lượng
lại với Liên Âu về những điều kiện đang gây thất vọng của người dân Anh. Bốn đề
xuất cải cách của Chính phủ Anh như sau:
(1) Bảo vệ thị trường chung cho Anh và các nước thành viên Liên Âu
khác nằm ngoài Khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone);
(2) Nâng cao khả năng cạnh tranh giữa các nước thành viên Liên Âu;
(3) Mở rộng quyền hạn cho Quốc hội các nước thành viên trong quá
trình xây dựng luật tại Nghị viện Châu Âu (EP) và
(4) Thắt chặt luật
nhập cư bằng cách xóa bỏ trợ cấp xã hội cho người nhập cư châu Âu trong 4 năm
đầu cư trú tại Anh, cấm người lao động châu Âu chuyển tiền trợ cấp
ra nước ngoài.
Pháp và một số nước đã nhấn mạnh rằng họ đang cân nhắc đề xuất của
Anh song sẽ không ủng hộ bất cứ giải pháp nào giới hạn hoặc có thành kiến liên
quan đến sự dịch chuyển một số các giá trị cơ bản của Liên Âu. Bất
đồng lớn nhất là yêu cầu giảm phúc lợi đối với người di cư. Chủ
tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cho rằng sự nhượng bộ này sẽ đưa tới
phân biệt đối xử giữa các công dân Liên Âu.
Phe muốn tách rời nói rằng nếu Anh ra khỏi Liên Âu, Anh sẽ tiết
kiệm được khoảng 8 tỷ euro mỗi năm do không phải đóng góp vào ngân sách của
Liên Âu, thoát khỏi chính sách nông nghiệp và các quy định tài chính Liên Âu.
Ngoài ra, người Anh không thể nào tiếp tục chứng kiến đất nước họ bị tràn ngập
bởi di dân Hồi Giáo.
Nhưng phe không muốn tách rời cho rằng nếu tách rời Anh cũng sẽ
phải chịu thiệt thòi không ít. Giao dịch thương mại với thị trường Liên Âu chiếm
một nửa kim ngạch xuất khẩu của Anh, nay nếu tách rời, giao
dịch đó sẽ xấu đi. Anh sẽ bị loại ra khỏi các hiệp định tự do thương
mại (FTA) mà Liên Âu ký với các nước khác như Canada, Mexico, Hàn
Quốc. Liên Âu cũng đã ký kết Hiệp định ưu đãi thương mại với 52 nước, và đang
đàm phán thỏa thuận này với 72 nước khác. Nay Anh sẽ phải thương lượng lại với
hàng chục quốc gia trong vùng trong tư thế yếu hơn và vị trí của Anh trên
trường quốc tế cũng sẽ giảm đáng kể. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Kinh tế
London (LSE) dự đoán dòng vốn đầu tư vào Anh có thể giảm đến 22% do
các công ty, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ, chuyển hướng hoạt động sang địa
bàn khác hoặc làm “đóng băng” các dự án sau khi Anh rời Liên Âu. Sự ra đi của
Anh còn gây khó khăn cho những nỗ lực đoàn kết để chống khủng bố.
Nhưng người Anh chủ trương rút ra khỏi Liên Âu đã coi ngày
23.6.2016 là ngày họ lấy lại độc lập và quyền tự chủ, và “thà
đau một lần rồi thôi, còn hơn phải đau một đời.”
DỰ
TRÙ KỊCH BẢN XẤU NHẤT
Ông Donald Tusk, Chủ tịch
Hội đồng châu Âu, đã lên tiếng về kết quả trưng cầu dân ý tại Vương quốc
Anh và khẳng định Liên Âu đã chuẩn bị trước cho "kịch bản xấu nhất".
Ông cho rằng không có cách nào tiên liệu được hết những hệ quả chính trị từ sự
kiện này, đặc biệt đối với Vương quốc Anh. Đây là một thời khắc lịch sử nhưng
chắc chắn đây không phải lúc phản ứng hỗn loạn. Ông nói với người dân Liên Âu
rằng chúng ta cũng đã chuẩn bị cho kịch bản xấu này.
Ông lạc quan chia sẻ: "Cuối cùng, có thể thấy những năm qua là những
năm tháng khó khăn nhất trong lịch sử Liên Âu của chúng ta. Tuy vậy, tôi luôn
nhớ tới câu nói cha tôi thường nói với tôi: Những
thứ không thể giết chết được con thì sẽ làm cho con mạnh mẽ hơn".
Đồng bảng Anh mất giá đã đẩy đồng USD lên giá, buộc Cục Dự trữ
Liên bang Mỹ (FED) phải hoãn quyết định tăng lãi suất lâu hơn vì cần có thời
gian để đánh giá tác động cũng như đàm phán các điều khoản liên quan đến việc
Anh "ly dị" Liên Âu. Bà Janet Yellen, Chủ tịch FED, nói rằng quyết
định này gây ra những tác động kinh tế lớn, nổi lên là việc giới đầu tư tìm đến
các tài sản định giá bằng đồng USD như là nơi trú ẩn an toàn, khiến đồng USD
tăng giá, làm suy yếu xuất cảng của Mỹ.
Trong 10 năm qua, Hoa Kỳ
đã giáng xuống Liên Âu ba đòn khá nặng, nay Anh giáng xuống Liên Âu
một đòn thứ ba. Liệu giữa Anh và Liên Âu có tiến tới một giải pháp "ổn
định" nhanh chóng được không?
Tổng thống
Pháp nói: “Tiến trình Anh rút khỏi Liên hiệp Châu Âu cần phải được
tiến hành sớm nhất có thể. Tôi không thể tưởng tượng ra khả năng chính phủ Anh
không tôn trọng sự lựa chọn của người dân nước mình”. Còn Chủ tịch Ủy hội Châu Âu nói trước khi
diễn ra một hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels: “Chúng ta không thể mãi ở trong tình trạng bất ổn định kéo
dài”.
Lữ Giang