16.07.2016

Thái độ của ASEAN và Liên Hiệp Âu Châu trước Phán Quyết Biên Đông

Thái độ của ASEAN và Liên Hiệp Âu Châu trước Phán Quyết Biên Đông

ASEAN im lặng trước phán quyết Biển Đông do áp lực Trung cộng
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (trái) và đồng nhiệm Lào Thongloun Sisoulith tại Phnom Penh, 27/06/2016.REUTERS/Samrang Pring

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ không ra được thông cáo chung về vụ Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông. Các nhà ngoại giao khu vực hôm nay 14/07/2016 cho AFP biết như trên, tố cáo sự im lặng này là do Bắc Kinh gây áp lực.


Các nước ASEAN đã nêu khả năng đưa ra tuyên bố về phán quyết hôm thứ Ba 12/7 của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, theo đó đường 9 đoạn do Trung cộng tự vẽ ra để đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, là bất hợp pháp. Nhưng 10 quốc gia thành viên ASEAN, mà tình đoàn kết đã bị rạn nứt trước chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh, không thể tìm được tiếng nói chung.

Nguồn tin ngoại giao trên đây cho biết : « Các viên chức ASEAN đã chuẩn bị một dự thảo, nhưng đã không đồng thuận được trong việc ra một thông cáo chung ».Người ta tin rằng Trung cộng đã sử dụng ảnh hưởng đối với các đồng minh Lào và Cam Bốt để ngăn chận việc ra tuyên bố về vụ kiện lịch sử này. « Một số nước ASEAN chắc chắn là không vui, hành động của Bắc Kinh có thể được cho là can thiệp vào chuyện nội bộ của ASEAN ».

Một nhà ngoại giao cao cấp khác của ASEAN cũng nhận định Trung cộng đã « thành công trong việc chia rẽ ASEAN trên hồ sơ Biển Đông, thông qua các đồng minh », ý nói Lào và Cam Bốt.

Tháng trước, ASEAN đã gây ngạc nhiên khi nhanh chóng rút lại một thông cáo chung do Malaysia soạn thảo sau hội nghị ASEAN-Trung cộng, cảnh báo về các hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông. Bắc Kinh bị tố cáo là đã gây áp lực, và thất bại trên đây cho thấy sự bất lực của khối ASEAN trong việc duy trì đoàn kết trên hồ sơ này.

Trong khi Phi Luật Tân và Việt Nam chỉ trích thái độ hung hăng của Trung cộng, Lào và Cam Bốt thường đứng về phía người láng giềng khổng lồ vốn tỏ ra hào phóng với họ. Lào giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay.

Khi được hỏi về sự thiếu vắng tuyên bố chung ASEAN, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Phi Luật Tân Charles Jose hôm nay trả lời : « Xin vui lòng chất vấn chủ tịch là Lào ». Còn Cam Bốt trước đó đã nói rằng sẽ không ủng hộ việc ra ASEAN ra tuyên bố, như vậy đã chặn đứng khả năng này vì khối ASEAN hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận.

Trong những năm gần đây, ASEAN đã từng phát hành các thông cáo chung bày tỏ sự quan ngại trước các hoạt động xây dựng tại Biển Đông, tuy vẫn thận trọng không nêu đích danh Trung cộng. Nhưng theo Lauro Baja, nguyên đại diện Phi Luật Tân tại Liên Hiệp Quốc, trong những ngày này, vấn đề có thể làm chia rẽ ASEAN không được đặt ra. Ông nói : « Nay chúng tôi không còn có thể hy vọng trong tương lai sẽ có được một tuyên bố chung của ASEAN về Trung cộng ».


Biển Đông : EU bất đồng nội bộ vì phán quyết của tòa

Thủ tướng Trung cộng Lý Khắc Cường (P) và tổng thống Croatia, Kolinda Grabar-Kitarovic, trong phiên khai mạc thượng đỉnh ASEM, tại Mông Cổ, ngày 15/07/2016.REUTERS/Damir Sagolj

Liên Hiệp Châu Âu bị chia rẽ trước thất bại của Trung cộng trong vụ kiện về Biển Đông. 28 thành viên không thể cùng đồng tình với phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực : một số nước được Trung cộng hậu thuẫn, trong khi đó một số nước khác cũng có tranh chấp lãnh hải tương tự như tại Biển Đông.

Theo hãng tin Reuters, bất chấp áp lực của Hoa Kỳ muốn Liên Hiệp Châu Âu bày tỏ ủng hộ về vấn đề này, cho đến nay, toàn khối vẫn không thể đạt được đồng thuận về một bản tuyên bố chung, để mặc các nhà ngoại giao tự xoay sở với những từ ngữ có thể chấp nhận được cho cả 28 thành viên.

Liên Hiệp Châu Âu cho biết không đưa ra quan điểm về vụ tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila, với phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye vào ngày 12/07/2016 về việc Trung cộng vi phạm chủ quyền kinh tế của Phi Luật Tân.

Tuy nhiên, Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục bày tỏ lo ngại về việc Trung cộng quân sự hóa các đảo và bãi cạn tại Biển Đông, nơi trung chuyển đến 5 000 tỷ đô la thương mại mỗi năm. Bruxelles tuyên bố luật pháp quốc tế phải được tôn trọng tại đây.

Chính vụ tranh chấp hàng hải tương tự giữa Slovenia và Croatia, hai thành viên của Liên Hiệp, đã cản trở Bruxelles có phản ứng chung. Croatia đã rút khỏi một phiên trọng tài vào năm 2015 cũng tại Tòa La Haye vừa ra phán quyết về tranh chấp tại Biển Đông giữa Trung cộng và Phi Luật Tân. Croatia muốn không đề cập đến UNCLOS trong bản tuyên bố, để các chính phủ khác thất vọng, cũng như các quan chức cao cấp của Liên Hiệp có mặt tại hội nghị ASEM diễn ra tại Mông Cổ vào ngày 15/07/2016.

Một viên chức ngoại giao ẩn danh nói với Reuters rằng « Chúng tôi có thể ra tuyên bố rằng bản phán quyết của Tòa Án Quốc Tế cần được tôn trọng » song các cuộc thảo luận về chủ đề này vẫn đang được tiến hành.

Nhiều nhà ngoại giao cho biết, thêm vào những khó khăn trên, các nước Đông Âu như Hungary đã được Trung cộng vận động hành lang trong những tháng gần đây. Bắc Kinh đã cung cấp nhiều hợp đồng béo bở và các dự án đầu tư, đổi lại Hungary ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về nhiều điểm, từ Biển Đông đến các tranh chấp thương mại với Bruxelles. Trong khi đó, Anh và Pháp là hai nước kêu gọi Trung cộng không leo thang căng thẳng trong khu vực Biển Đông.

Theo nhiều nhà phân tích, chính những chia rẽ như vậy đã khiến Liên Hiệp Châu Âu tỏ ra im lặng về vấn đề trật tự hàng hải quốc tế và có thể là nguyên nhân làm suy yếu vị thế của khối.

Trong khi chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk đã công khai đề cập đến phán quyết của Tòa tại Bắc Kinh thì ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu, bà Federica Mogherini, lại tỏ ra cẩn thận khi nói khối 28 nước không đưa ra lập trường về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, mặc dù bà kêu gọi tất cả các nước tôn trọng UNCLOS. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker lại tập trung bình luận về củng cố các mối quan hệ đầu tư và tìm giải pháp cho vấn đề sản xuất dư thừa thép.


Tin RFA