06.08.2016

Cái Căm Thù Của Người Cộng Sản - Nguyễn Thị Cỏ May

"Cộng sản thành hình, lớn mạnh, cướp được chánh quyền, cai trị dân, nhờ biết căm thù. Và đối tượng cộng sản căm thù khi nắm trọn quyền lực không ai khác hơn là nhơn dân. Vì họ biết chỉ có nhơn dân mới có đủ sức mạnh thanh toán họ..."

Cái Căm Thù Của Người Cộng Sản

Nguyễn Thị Cỏ May

Căm thù là “đức tánh cách mạng “mà người cộng sản phải có, phải thắm nhuần như xương thịt của mình được kinh điển “Giáo lý của người cách mạng “dạy để làm cách mạng cộng sản cướp chánh quyền (Le catéchisme du révolutionnaire, Serge Netchaev).

Người cộng sản căm thù giai cấp, căm thù xã hội chưa được cộng sản "giải phóng”chưa đủ, mà còn phải biết căm thù cả người chết. Căm thù nấm mồ.

Ở Việt Nam, sau 30/04/1975, chiếm xong Miền Nam, tập trung tất cả nhơn viên các ngành nghề của chánh phủ Sài gòn, cộng sản Hà Nội bắt đầu xử lý nghĩa địa. Họ cho đập phá ngay bức tượng Thương Tiếc trước cổng Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, phong tỏa nghĩa trang không cho mọi người lui tới cúng lễ, tu bổ mộ phần thân nhơn.

Tới thập niên 90, cộng sản Hà Nội vẫn còn tiếp tục thể hiện tánh căm thù nhằm vào hai ngôi mộ của nhà thơ lớn Bích Khê và nhà ái quốc Huỳnh Thúc Kháng với những lý do đã quá lỗi thời và vô cùng ngu ngơ, lố bịch một cách thật quá đáng thương!

Nhà thơ Bích Khê và ngôi mộ ở Thu Xà

"Đầy cỏ xanh xao mây lớp phủ
Trên mồ con quạ đứng im hơi “(Nấm mộ, Bích Khê)

Phải chăng đây là lời tiên tri của nhà thơ về nấm mồ của chính mình ở Thu Xà, tỉnh Quảng Ngãi, nửa thế kỷ sau?




Nhà thơ Bích Khê  Hình Internet


Bích Khê sanh trưởng ở làng Phước Lộc, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi năm 1916. Năm 15 tuổi, ông đã bắt đầu làm thơ Đường. Bích Khê được đề cao là nhà thơ có những vần thơ hay nhứt trong thi ca Việt nam. Phê bình Bích Khê:

Nếu Nguyễn Bính là một miền đồng bằng thân thuộc thì Bích Khê là một đỉnh núi lạ. Có những nhà thơ làm thơ. Có những nhà thơ vừa làm thơ vừa đẩy lịch sử thơ ca duy tân thêm một bước. Có những nhà thơ đem đến một mùa lương thực.... (Chế Lan Viên, Đỗ Ngọc Thạch trích dẩn).

Khi giới thiệu Bích Khê trên cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã viết, Bích Khê có “những câu thơ hay vào bực nhất trong thơ Việt Nam”, như:

Ô! hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông...

Hay:

Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương.... »

Nhưng liền sau đó Hoài Thanh thú nhận: “Tôi chưa thể nói nhiều về Bích Khê. Tôi đã đọc không biết mấy chục lần bài Duy Tân. Tôi thấy trong đó những câu thơ thật đẹp. Nhưng tôi không dám chắc bài thơ đã nói hết cùng tôi những nỗi niềm riêng của nó. Hình như vẫn còn gì nữa...Còn các bài khác hoặc chưa xem hoặc mới đọc có đôi ba lần. Mà thơ Bích Khê, đọc đôi ba lần thì cũng như chưa đọc...”.

Và đây hai câu thơ ẩn ý nhìn về tương lai của nhà thơ. Tuy đã hơn nửa thế kỷ qua nhưng khi đoc lên, người đọc vẫn còn thấy lời thơ như mới đây. Như hảy còn nóng bổng mô tả tương lai của ông, nấm mồ của ông ở Thu Xà vào thập niên 90:

"Sau nghìn thu nữa trên trần thế,
Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi"...

Báo Lao Động số ngày 20/01/1994 có đăng một bài phóng sự của nhà báo Trần Đăng về ngôi mộ của nhà thơ Bích Khê ở Thu Xà. Nhà báo đã vất vả lặn lội tới tận ngôi mộ Bích Khê để thăm viếng. Có lẽ một phần do lòng ngưỡng mộ nhà thơ tài hoa mà mệnh yểu. Động cơ chánh, có tính thời sự, là để quan sát tại chỗ ngôi mộ nhà thơ bị nhà cầm quyền địa phương đã phá bỏ chưa?. Với lý do hận thù theo nguyên lý “Ta/Địch".

Nhà báo Trần Đăng tới xã nơi có ngôi mộ Bích Khê, hỏi thăm Bí thư xã về ngôi mộ để đi thăm viếng, được Bí thư xã trả lời: "Quanh chuyện Bích Khê còn nhiều vấn đề lôi thôi lắm. Năm 1991, gia đình có làm đơn xin chánh quyền địa phương bốc mộ ông về xây trong vườn nhà, nhưng chúng tôi không đồng ý". Lý do, viên Bí thư tiếp, với giọng của người cộng sản đạt lý: "Thứ nhứt, ông ấy bị bịnh lao phổi rồi chết, giờ đem về vườn nhà sẽ gây ô nhiểm môi trường khu dân cư. Thứ hai, ông ấy là trốt-kít".

Ông Trần Đăng vả vờ không hiểu, hỏi lại Bí thư xã "Kít, Kít...gì đó, sự thật là gì?". Viên Bí thư xã, tuổi lối 30, thật thà trả lời hắn cũng không biết. Chỉ nghe các cụ cách mạng lão thành trên huyện, trên tỉnh nói "Trốt-kít là phản động lắm". (**)

Thế là bản án tử hình về tội phản động, chống cách mạng đã ban cho nhà thơ qua nấm mồ một cách chắc nịch như đinh đóng cột.

Trong quyển "Tìm hiểu phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân tỉnh Quảng Ngãi (1885-1645, trg 179, Ban Nghiên cứu lịch sử đảng và Sở Thông tin Văn hóa Nghĩa Bình xb, 1985), tác giả Bùi Định viết: "Từ năm 1935, ở Quảng Nghĩa có nhóm tờ-rốt-kít ở vùng Thu Xà, Tư Nghĩa, do Lê Quang Lương (Thi sĩ Bích Khê) cầm đầu.“ Nhưng theo gia đình thì năm 1935, Bích Khê ở Phan thiết dạy học.

Thế mà năm 1945, nằm trên giường bịnh, Bích Khê lại bảo gia đình khiêng ông ra ngõ để nhìn thấy đoàn người biểu tình ủng hộ cuộc Cách mạng mùa Thu!

Trostky là kẻ thù không đội chung Trời của Staline, bị Staline cho mật vụ theo dõi ám sát năm 1940 ở Mễ Tây Cơ (Mexique). Ở Việt nam, hơn hai mươi năm sau, Hồ Chí Minh, học trò ngoan của Staline, ra tay sát hại những người trốt-kít nhưng là những người yêu nước tài hoa: Tạ Thu Thâu, Trần văn Thạch, Nguyễn văn Sâm, Hồ văn Ngà,... và nguyền rủa hằn học “Đồ chó chết...".

Vì tính giai cấp, Hồ Chí Minh đã thù và giết đồng bào yêu nước cho Staline!

Định phá mộ bia Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng

Cụ Huỳnh Thúc Kháng, người sáng lập tờ báo Tiếng Dân. Hình Internet

Trong chuyến về Đà Nẵng dự lễ kỷ niệm hai Cụ Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng, Giáo sư quốc văn Nguyễn Q. Thắng, người Quảng Nam, nghe chuyện chánh quyền địa phương dự định đập bỏ tấm bia trước mộ Cụ Huỳnh Thúc Kháng có khắc bài thơ chữ hán mà theo đó, chánh quyền hiểu là Cụ Huỳnh có ý "thù Cụ Hồ".

Gs Nguyễn Q. Thắng xem lại bài thơ bằng chữ hán do một người cháu họ của cụ Huỳnh Thúc Kháng đọc lại và diễn dịch cho chánh quyền địa phương nghe để can thiệp, bảo vệ ngôi mộ của cụ Huỳnh cho nguyên vẹn.

Bài thơ nguyên văn như sau:

“Ngũ hành linh địa phụng tề phi,
Thúc Kháng tiên sinh chiếm nhứt chi.
Quốc tỉnh thành chung văn tứ cảnh,
Dân Thanh báo quán đạt tam kỳ.
Cừu Tần tạm tá Hồ công thủ,
Phá Lỗ trường lưu Lộ Bố thi.
Vị toái hương hoài mai ánh lãnh
Thiên thu chánh khí nhật tinh huy".

Dịch nghĩa:

"Đất thiêng của Ngũ Hành Sơn là nơi sản xưất ra nhiều bậc văn nhân, Tiên sinh Huỳnh Thúc Kháng riêng chiếm một cành.
Tiếng chuông hoán tỉnh nhân dân vang dội khắp bốn cõi,
Báo Tiếng Dân tiếng vang cả ba kỳ.
Tạm mượn tay ông Hồ để trả thù giặc Tần tàn ác.
Có thơ Lộ Bố phá Lỗ còn lưu lại lâu đời.
Hương mai còn tỏa nơi đỉnh núi lạnh.
Vầng chính khí ngàn năm vẫn còn rực rỡ như ánh trăng sao".

Chánh quyền địa phương nghe lời diễn dịch của Gs Q.Thắng, không còn thấy Cụ Huỳnh Thúc Kháng có ý thù cụ Hồ nữa nên hứa sẽ không đập phá mộ bia, trái lại, sẽ cho trùng tu lại mộ phần. Nhưng đó là lời nói của người cộng sản ở ngày hôm ấy.

Người đọc bài thơ trên mộ bia thắc mắc có phải câu thơ thứ 5 “Cừu Tần tạm tá Hồ công thủ “bị chánh quyền ở Quảng Ngãi hiểu là ngụ ý nói Cụ Huỳnh Thúc Kháng có lòng căm thù Hồ Chí Minh chăng?

Cụ Huỳnh Thúc Kháng là nhà nho uyên bác, đỗ Tiến sĩ năm 1904, cùng với các nhà ái quốc Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quí Cáp lãnh đạo Phong trào Duy Tân, tranh đấu cho Việt nam độc lập. Năm 1945, Hồ Chí Minh muốn có chánh nghĩa, mời cụ tham gia chánh phủ liên hiệp với chức Bộ trưởng Nội vụ. Năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng được Hồ Chí Minh mời thay thế ông làm Quyền Chủ tịch nước trong lúc ông qua Pháp tham dự hội nghị về Việt nam với Pháp. Thế mà Cụ chỉ muốn mượn tạm tay Hồ Chí Minh để chống kẻ thù, chớ không chọn theo Hồ Chí Minh vì sự lãnh đạo của Hồ sao?

Mà cụ Huỳnh Thúc Kháng có thiệt tình không theo Hồ chí Minh, có chống chủ thuyết mác-lê hay không?

Trong tập Kỷ yếu Hội thảo Khoa học do Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản năm 1993, có bài viết về cụ Huỳnh Thúc Kháng viết:

“Chúng tôi cố gắng tìm kiếm thêm tài liệu để minh chứng rằng Huỳnh Thúc Kháng không phải là “người chống cộng”, thậm chí sau Cách mạng tháng tám (1945) vẫn “chưa từ bỏ hẳn lập trường chống cộng”, như một số người viết về cụ Huỳnh mà tiêu biểu là Lâm Quang Thự, Quảng Nam (địa lý, lịch sử, nhân vật) và nhất là một số tác giả ở vùng tạm chiếm miền Nam muốn mô tả Huỳnh Thúc Kháng như một người chống cộng triệt để (Anh Minh Ngô Thành Nhân (*), Nhà cách mạng công khai không đảng phái nào hết, Anh Minh xuất bản, Huế).

Riêng trên báo Tiếng Dân (1929,1930), cụ Huỳnh Thúc Kháng phê phán truyền đơn Cộng sản và chủ nghĩa Nga đỏ và ngỡ ngàng với Cách mạng tháng tám 1945 (Trần Viết Ngạc, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng nghĩ và viết về chủ nghĩa Mác, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng, NXB Đà Nẳng 1993, trang 311-313.

Và trong một loạt bài “Cứu thời chi luận”cũng trên báo Tiếng Dân, cụ trách than “truyền đơn Cộng sản chỉ mang họa đến cho nhân dân vô tội” (Tiếng Dân, ngày 16-11-1929), và “chủ nghĩa Nga đỏ truyền sang nước ta trở thành nguy hiểm vì tiếng bom, tiếng súng xen lẫn tiếng than khóc. Càng kể bao nhiêu, càng đau lòng bấy nhiêu “(Tiếng Dân, ngày 9-8-1930).

Cộng sản thành hình, lớn mạnh, cướp được chánh quyền, cai trị dân, nhờ biết căm thù. Và đối tượng cộng sản căm thù khi nắm trọn quyền lực không ai khác hơn là nhơn dân. Vì họ biết chỉ có nhơn dân mới có đủ sức mạnh thanh toán họ. Họ nỗ lực đàn áp nhơn dân, làm cho nhơn dân hoại liệt sức đề kháng. Nhưng có ai biết đâu một lúc nào đó, vì sức chịu đựng có hạn, nhơn dân sẽ nổi lên tiêu diệt cộng sản, giành lại cho mình quyền sống trọn vẹn.

Lịch sử thường có những cái bất ngờ. Trước đây, có ai ngờ cả khối cộng sản liên-xô và đông âu đã sụp đổ như chưa bao giờ có cộng sản!

Nguyễn thị Cỏ May

Ghi chú:

(*) Anh Minh, theo lời kể của Lê văn Hảo ở Paris, Giáo sư ở Đại học Huế, chạy theo VC năm 68, thì Anh Minh Ngô Thành Nhân bị VC bắt cầm tù trên vùng núi Huế, sau Tết Mậu Thân 1968, và bị bắn chết trên đường vượt ngục!

Chú thích thêm:
(**) Thơ của Bích Khê không được nhắc đến trong một thời gian dài ở miền Bắc, phần vì người ta không hiểu thơ Bích Khê, nhưng lý do chính là chính trị: Bích Khê dịch cuốn Retour de L’U.R.S.S (Ở Nga về) của André Gide, viết năm 1936, kể lại nỗi thất vọng sau khi đi thăm "thiên đường cộng sản". Mặc dù chưa in, nhưng việc dịch này, kèm thêm sự kiện Bích Khê tỏ ý bất bình khi nghe tin Tạ Thu Thâu bị ám sát, đã khiến người ta liệt Bích Khê vào hàng ngũ phản động Trotskite, và tên tuổi ông bị chính thức loại ra khỏi danh sách những nhà thơ tiền chiến.

Năm 1966, tại Sàigòn, báo Văn (do Trần Phong Giao quản nhiệm) làm số tưởng niệm Bích Khê (số 64, ra ngày 15/ 8/ 1966), với những tư liệu do gia đình cung cấp và bạn thân viết. Nhờ những bài của bà Lê Ngọc Sương (chị ruột nhà thơ), của Tam Ích, của Quách Tấn... mà chúng ta biết rõ thêm những chi tiết về cuộc đời Bích Khê, và một số thơ của ông cũng đến được với độc giả. (Bích Khuê)