„Nhìn về quê hương tôi, đất nước la liệt những điều xấu xí,…
tất tần tật các thứ chuyện kinh hoàng ảnh hưởng đến đời sống của họ
trên đời này, hình như không khiến con người ta bận tâm, hoặc chí ít là nhắc đến
thôi, họ cũng không hào hứng bằng việc vui thú với sự trải nghiệm một trò chơi ảo
giác thâu đêm suốt sáng,…“
Cuộc đời và tuổi
trẻ của bạn bỗng trở nên rẻ nhạt, nhạt nhẽo và trôi qua thực sự vô nghĩa với những
trò chơi bắt con Pokemon ảo ảnh như hình ảnh thực sự đáng buồn dưới đây.
Nhưng có lẽ, chỉ
khi đi qua rồi người ta mới nhận ra, đã từng có một quãng đời mình đã phung phí
quá nhiều thứ, từ thời gian, ước mơ, cơ hội và cả sự trưởng thành nữa, và vô
tình họ đã trở thành nô lệ của những thú vui tầm thường, nhảm nhí. Một cách mê
muội đến mụ mị không lối thoát ra.
Người ta vẫn hay
nói, chúng ta không được quyền lựa chọn hoàn cảnh mình sinh ra, nhưng chúng ta
hoàn toàn được quyền lựa chọn cách sống như thế nào.
Nhìn vào người
đàn ông tật nguyền không chân, không tay, Nick Vujicick, anh ấy sống một cách
can trường, đầy cố gắng và làm sao cho mọi thứ trở nên ý nghĩa nhất, trong từng
giờ trôi qua. Anh ấy mang lại niềm vui sống và nghị lực cho những người không
chỉ ở nơi anh ấy sinh ra, mà là nhiều nơi trên thế giới này, anh ấy truyền cảm
hứng cho những người tật nguyền khác, thậm chí cả triệu người lành lặn tay chân
mà trong đời lại bỏ rơi và lãng quên mất mình.
Nhìn về quê
hương tôi, đất nước la liệt những điều xấu xí, nào là thảm hoạ biển miền Trung
vẫn còn day dứt và che lấp những cuộc đời của hàng vạn ngư dân, đến mức họ phải
đặt tên những con ghe với những cái tên lạ lùng là Cầu, Nguyện, An, Lành – để
mong rằng họ sẽ sớm được trở lại cuộc sống đời thường bằng những chuyến ra khơi
hay những mẻ cá đầy lưới trở về.
Chuyện người ta
cắt cỏ ở thủ đô một năm hết tới 700 tỷ đồng, bằng 1/16 lần con số mà Formosa hứa
sẽ bồi thường cho ngư dân của thảm hoạ biển chết, mà đến nay điều đó vẫn chưa
được thực hiện. Chuyện người ta định di dời trụ sở hiện đại mới sử dụng được
hai năm vỏn vẹn với trị giá 2.000 tỷ đồng chỉ vì lý do “khó thở” bởi ít oxy.
Tuy nhiên, người ta hiểu, nó còn nhiều nguyên nhân sâu xa nữa mà người ta không
thể nói trắng phớ ra được, vì những tấm kính bao bọc toà nhà đó là do những nhà
thầu Trung cộng lắp đặt.
Thứ
gì có hai từ “Trung cộng” là khiến con người ta nghĩ đến sự gian manh, nguy
hiểm đầy rủi ro, bất trắc và cả sự nhạy cảm về một mục đích chính trị, dân
sinh, kinh tế khác nữa.
Rồi chuyện lộ ra văn bản cảnh báo người dân rằng hãy cẩn trọng với nạn bắt cóc
trẻ em để mua bán nội tạng từ nước ta sang nước láng giềng phương Bắc, nhưng
ngay sau đó người ta lại phủ nhận điều đó chỉ vì “lỗi đánh máy”. Nhưng hơn ai hết,
mọi người dân đều hiểu và từ lâu cũng đã biết, nạn bắt cóc trẻ em, thậm chí
buôn bán nam giới sang Trung cộng để lấy nội tạng là điều không có gì phải bàn
tán rầm rộ cả, như việc người ta vẫn bảo biển không nhiễm độc và cá vẫn an toàn
vậy.
Và cũng ngay sau
sự phủ nhận ấy, toà án tối cao bên Trung cộng đã tuyên một bản án tử hình dành cho kẻ cầm đầu đường dây mua bán trẻ em Việt
Nam sang Trung cộng như một sự thật ngược lại và bác bỏ những gì mà người
ta vừa đưa ra ở xứ này. Hay trớ trêu và nực cười hơn, đó chính là chuyện chính
Chính phủ còn không biết tin vào số liệu thống kê nào mà được báo cáo hoàn toàn
không giống nhau bởi chính các bộ, ngành khác nhau của Chính phủ về cùng một đối
tượng kinh tế vĩ mô. Lạ lùng thay, khi ngay cả chính quyền mà còn không thể
trung thực và có niềm tin vào chính mình, thì dân chúng lấy gì để gắn mình vào
một sự xác tín mà gọi là có cơ sở nào đó đối với hiện tình đất nước, rằng, đâu
là sự thật đáng tin cậy?
Hay người ta sẽ
chỉ còn biết tin vào sự hoài nghi của chính mình là chắc chắn nhất?
Chuyện toà nhà hình trái bắp trị giá 2000 tỷ; chuyện
cắt cỏ một năm chỉ cho một thành phố ngốn hơn 700 tỷ trong khi lương người cắt tỉa lại èo ọt, rẻ rúng; chuyện rác thải độc
hại của Formosa phát hiện chôn ở Đà Nẵng
vừa mới đây nhưng lại không phải xuất phát từ Hà Tĩnh mà từ bên ngoài lãnh thổ
tuồn vào. Tội ác nào mà lại kinh hoàng đến thế? Kẻ nào mà to gan và liều lĩnh đến
thế? Biến đất nước thành một bãi rác độc hại khổng lồ, bất chấp mạng sống của
nhân dân trên mảnh đất này. Chắc hẳn là vì mớ tiền đầy túi tham, để chúng hưởng
thụ đời mình, cho con cái đi du học phương Tây, còn bỏ mặc đất nước này cho những
kẻ vô lương hoành hành đến khốn khổ và ra sao thì ra?
Chuyện của những mảnh đời oan khuất tày trời bao năm mới được sáng tỏ, chuyện còn rõ mồn một trước
mắt với những vụ bất chấp pháp luật mà hành xử để kết án oan cho những thanh
niên kém may mắn hay một bản án vội vàng như để “trả thù” người tố cáo tiêu cực
của thư ký toà án, mà cũng làm sao bỏ qua được chuyện người ta cứ cố gắng khởi
tố cho bằng được những người dân làm ăn kinh doanh lương thiện, dù chỉ là với
chút vốn liếng cỏn con để tạm bợ qua ngày. Quả là những lát cắt đầy khuất tất
và đau đớn của một nền tư pháp mà sẵn có quá nhiều lỗ hổng, cả về trí tuệ, nhân
lực và hệ thống luật pháp thực thi.
Chuyện của thảm họa biển miền Trung, thảm họa
hạn hán và xâm lấn ngập mặn miền Tây Nam Bộ, chuyện
của bắt cóc trẻ em buôn bán nội tạng, chuyện
tham nhũng ngày càng phát triển, chuyện người ta giành giật và cướp lộc – không chỉ trong ngày lễ vu lan hay ngày tết âm lịch,
hội hè dẫm đạp, đâm chém, xô xát ở các miền quê, diễn ra ở mọi nơi như chùa chiền,
đình đền, miếu mạo; chuyện người ta bắt dân nộp sưu cao thuế nặng, đến đứa
trẻ mới mở mắt đã đóng thuế như kẻ thành niên; những sinh viên ra trường thất nghiệp; những nhà vệ sinh tiền tỷ mọc lên giữa đồng không mông quạnh, những con đường vừa đưa vào lưu thông đã sụt
lún; những cây cầu vừa xây xong đã sập…
tất tần tật các thứ chuyện kinh hoàng ảnh hưởng đến đời sống của họ
trên đời này, hình như không khiến con người ta bận tâm, hoặc chí ít là nhắc đến
thôi, họ cũng không hào hứng bằng việc vui thú với sự trải nghiệm một trò chơi ảo
giác thâu đêm suốt sáng, ở nhiều tầng lớp, mọi địa hình, thời gian như đã thấy.
Phải chăng, khi người ta đau quá, người ta sẽ không
còn biết đau là gì nữa? Như một kẻ trên bàn mổ mà được tiêm moóc phin làm tê liệt
cảm giác của thần kinh, trí não?
Hôm qua tôi đã xem clip ở bờ Hồ Gươm, Hà Nội, hàng
loạt xe máy táp vô lề đường để “bắt Pokemon”. Hôm nay lại thấy hàng loạt những
con người ở Sài Gòn cắm đầu mải mê chỉ để bắt con vật này cho đủ bộ sưu tập 300
con của nhà sản xuất đưa ra.
Đúng là một thảm họa của quốc gia. Về nhận thức và sự
lệch lạc của con người, trong hành xử và định hướng hành vi lý tính.
Những thảm họa tự nhiên, như cơn bão vừa qua đổ bộ
vào Hà Nội, và sáng sớm mai, cơn bão cấp 14 sẽ ập đến Quảng Ninh mà càn quét,
nhưng có lẽ nó không đáng sợ bằng thảm họa của sự tụt dốc về văn hoá con người,
về sự thờ ơ vô cảm với đất nước của những hình hài đầy đủ thể lý bình thường
trong một quốc gia, mà tổ quốc ấy, nó đang phải gánh trên mình chi chít những vết
thương quá sâu đến nghẹt thở từng ngày, trong tiếng kêu rên âm ỉ của hàng vạn
triệu người dân, đang từng giờ vật lộn để sống.
Qua ngày.
Ngắn ngủi.
Trong khi, bên cạnh cuộc đời, có những con người, ngủ
vùi, trong những cuộc chơi.