02.08.2016

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 02.08.2016)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 02.08.2016) 
Nhật cảnh cáo Trung cộng về các hành vi hung hăng trên biển

Công trình bồi đắp bãi ngầm Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef) của Trung cộng đang hoàn thiện. Nguồn : China Topix
Bắc Kinh có nguy cơ bị cuốn vào một cuộc xung đột với các láng giềng do lập trường hung hăng trong các tranh chấp trên biển. Trong bản báo cáo thường niên về quốc phòng công bố hôm nay, 02/08/2016, Nhật Bản không ngần ngại công kích các hành vi bị cho là thái quá của Trung cộng cả ở Biển Đông lẫn Biển Hoa Đông, có nguy cơ dẫn đến chiến tranh ngoài ý muốn.

Về Biển Đông, báo cáo quốc phòng của Nhật Bản ghi nhận là Trung cộng « tiếp tục hành động một cách quyết đoán » và trong các hành động của Trung cộng « có những hành vi nguy hiểm, có thể dẫn đến những hậu quả ngoài ý muốn ».
Phán quyết của Tòa Trọng Tài đã tăng sức ép trên Bắc Kinh, và Sách Trắng Quốc Phòng của Nhật Bản vào hôm nay lo ngại rằng Trung cộng « chuẩn bị có hành vi áp đặt yêu sách đơn phương mà không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào », trong đó có việc « biến những thay đổi hiện trạng bằng biện pháp cưỡng chế thành sự đã rồi ».
Tokyo một lần nữa đã kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của Tòa án quốc tế mà Bắc Kinh cho là bất hợp pháp.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tháng Hai vừa qua đã cho rằng sự hiện diện quân sự của Trung cộng ở Biển Đông đã làm tăng nguy cơ « tính toán sai lầm hoặc xung đột ». Washington thường xuyên gửi tàu chiến vào Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải.
Về Biển Hoa Đông, nơi Tokyo có tranh chấp với Bắc Kinh trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Nhật Bản cũng bày tỏ mối quan ngại về hoạt động gia tăng của Trung cộng. Báo cáo viết : «Gần đây, Trung cộng đã gia tăng hoạt động gần quần đảo Senkaku, như cho máy bay quân sự bay gần các đảo ».
Trong vòng một năm, cho đến tháng 3/2016, máy bay Nhật đã phái 571 lần bay lên nghênh chiến máy bay Trung cộng bay sát không phận Nhật, một con số cao hơn năm trước đó đến 107 lần.
Tháng 6 vừa qua, Tokyo cũng tố cáo Bắc Kinh cho tàu do thám xâm nhập hải phận Nhật Bản vào lúc nước này tập trận cùng với Hoa Kỳ và Ấn Độ.
Trung cộng đã cực lực bác bỏ các cáo buộc của Nhật Bản nêu lên trong Sách Trắng về quốc phòng vừa công bố. Theo AFP, hãng tin chính thức Trung cộng Tân Hoa Xã đã lớn tiếng tố cáo Tokyo là đã có «những nhận xét vô trách nhiệm » về quốc phòng Trung cộng và những hoạt động trên biển được Bắc Kinh gọi là « bình thường và hợp pháp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông ».

Nam Dương và Mã Lai đồng thuận về vấn đề Biển Đông
Tổng thống Nam Dương Joko Widodo (phải) bắt tay với Thủ tướng Mã Lai Najib Razak tại dinh tổng thống ở Jakarta vào ngày 1 tháng 8 năm 2016.   AFP photo

Biển Đông cũng là đề tài được hai nhà lãnh đạo Nam Dương và Mã Lai nói đến, trong cuộc gặp gỡ mới diễn ra sáng nay tại Jakarta, bên lề Diễn Đàn Kinh Tế Các Nước Hồi Giáo Toàn Cầu do Nam Dương tổ chức.
Theo lời Bà Ngoại Trưởng Nam Dương Retno Marsudi, Tổng Thống Joko Widodo và Thủ Tướng Najib Razak của Mã Lai đồng ý Biển Đông là vấn đề cả 2 nước đều quan tâm.
Bà Ngoại Trưởng Nam Dương cũng cho hay trong cuộc thảo luận, Tổng Thống Nam Dương nhấn mạnh mọi quốc gia đều phải tôn trọng quy định của luật pháp quốc tế, đồng thời Nam Dương không muốn thấy biển Đông trở thành lãnh địa của các siêu cường.
Bà Ngoại Trưởng Retno Marsudi nói thêm Thủ Tướng Mã Lai đồng ý với những nguyên tắc mà Nam Dương đang theo đuổi để giải quyết vấn đề Biển Đông.

Trung cộng sẵn sàng chiến tranh để khẳng định chủ quyền Biển Đông
Tàu Trung cộng trong cuộc diễn tập cấp cứu ở Biển Đông gần Tam Sa, tỉnh Hải Nam về phía nam của Trung cộng. Ảnh chụp ngày 14 tháng bảy năm 2016.  AFP PHOTO

Trung cộng tiếp tục khẳng định chủ quyền lịch sử ở Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời đang cân nhắc những đòi hỏi phải có phản ứng mạnh mẽ, kể cả việc không ngần ngại đối đầu với chiến tranh.
Đó là nội dung những bản tin được các hãng thông tấn nước ngoài đánh đi từ Bắc Kinh ngày hôm nay, nói về phản ứng mới nhất của lãnh đạo Trung cộng trước những căng thẳng đang xảy ra ở Biển Đông, đặc biệt sau khi Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế ra phán quyết nói rõ Bắc Kinh không có chủ quyền lịch sử lẫn pháp lý ở vùng biển đảo mà họ tự nhận là của mình.
Bản tin của hãng thông tấn AP cho biết tối hôm 31.7 khi tham dự một buổi chiêu đãi tổ chức tại Bắc Kinh để chào mừng 89 năm ngày thành lập quân đội Trung cộng, Tướng Thường Vạn Toàn, Bộ Trưởng Quốc Phòng nói rằng nhân dân và quân đội Trung cộng cương quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải, bảo vệ an ninh và quyền lợi của quốc gia.
Trong bản tin nói về buổi chiêu đãi này, Tân Hoa Xã cho hay ông Bộ Trưởng Quốc Phòng cũng nói rằng Hoa Lục chẳng bao giờ sợ chiến tranh, nhưng chắc chắn mong muốn thấy hòa bình.
Bản tin của AP cũng cho hay Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung cộng chính là người chủ trương cải tạo các bãi đá, xây dựng căn cứ và phi trường ở những hòn đảo nằm trong vùng 9 đoạn, còn được gọi là vùng lưỡi bò, mà Trung cộng tự vẽ ra và nói chủ quyền thuộc về họ.
Vẫn theo AP, Tướng Thường Vạn Toàn còn là người rất thân cận với lãnh tụ Tập Cận Bình, đồng ý với chính sách cứng rắn mà ông Tập muốn thực hiện trong cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Trong bản tin cũng đánh đi từ Bắc Kinh, hãng thông tấn Reuters trích dẫn những nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo và quân đội Trung cộng nói rằng hiện có xu hướng muốn phản ứng mạnh hơn với Hoa Kỳ và các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực, bất chấp chuyện va chạm quân sự có thể xảy ra.
Một trong những nguồn tin này nói với hãng thông tấn Reuters rằng quân đội Trung cộng đã sẵn sàng, để “đánh sặc mồm” những nước đang gây khó khăn cho Hoa Lục, tương tự như hồi 1979 lãnh tụ Đặng Tiểu Bình đã ra lệnh mở cuộc chiến với Việt Nam.
Cũng theo Reuters, mặc dù có xu hướng muốn phản ứng mạnh như vừa nói, nhưng các nhà lãnh đạo Trung cộng phải cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra quyết định.
Một nhà ngoại giao đang làm việc tại Bắc Kinh cho rằng điều Trung cộng lo ngại là sẽ gặp phản ứng mạnh của thế giới, một nguồn tin khác lại nói với hãng thông tấn Reuters là hải quân Trung cộng không đủ sức để đối đầu với hải quân Hoa Kỳ.
Nguồn tin này nói thêm nếu chiến tranh bùng nổ thì chính người dân Hoa Lục sẽ bị thiệt thòi, do đó, chiến tranh là điều khó có thể xảy ra.
Những bản tin mà chúng tôi ghi nhận được trong ngày hôm nay không nói lãnh đạo chính quyền và quân đội Bắc Kinh sẽ quyết định như thế nào.
Reuters cho hay khi được hỏi liệu quân đội có thể thúc đẩy phải có phản ứng mạnh hơn ở biển Đông hay không, phát ngôn viên Dương Vũ Quân của Bộ Quốc Phòng Trung cộng chỉ nói là quân đội sẵn sàng bảo vệ chủ quyền và quyền lợi lãnh hải bằng mọi giá.
Ông này cũng nói là Trung cộng luôn luôn góp phần xây dựng ổn định và hòa bình, nhưng đồng thời sẵn sàng đối phó với mọi đe dọa và thử thách.
Vẫn theo Reuters, có thể Bắc Kinh sẽ loan báo dựng vùng nhận dạng phòng không tại Biển Đông, đặt những hệ thống hỏa tiễn và máy bay ném bom có khả năng bắn hạ những mục tiêu ở Philippines và Việt Nam.

Biển Đông : Bắc Kinh dùng luật đánh cá để chống phán quyết quốc tế

Tham vọng chủ quyền trên gần trọn Biển Đông của Trung cộng bị Tòa Án Trọng Tài Thường Trực bác bỏ ngày 12/07/2016.Ảnh : Reuters
Tòa Án Tối Cao Trung cộng vào hôm nay, 02/08/2016, đã quy định các hình phạt đối với những hành động bị coi là đánh cá « bất hợp pháp » trong vùng biển Trung cộng, kể cả khu vực mà Bắc Kinh đòi chủ quyền tại Biển Đông. Thông báo này bị đánh giá là một động thái thách thức mới của Bắc Kinh, ba tuần sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye hôm 12/07, khẳng định rằng các yêu sách chủ quyền của Trung cộng ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý.
Theo Tòa Án Tối Cao Trung cộng, bất kỳ ai, kể cả ngư dân ngoại quốc, bị bắt khi đánh cá trái phép trong vùng biển nước này, đều có thể bị phạt đến 1 năm tù. Phạm vi áp dụng biện pháp trừng phạt bao gồm các vùng tiếp giáp lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý bao quanh một « lãnh thổ » của Trung cộng.
Vấn đề là trong phán quyết ban hành hôm 12/07 vừa qua, tòa trọng tài La Haye đã cho rằng không một thực thể nào mà Trung cộng kiểm soát tại khu vực quần đảo Trường Sa có quy chế hải đảo, cho phép Bắc Kinh được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Cho đến nay, Bắc Kinh thường xuyên cho tàu Hải Cảnh của họ trục xuất tàu đánh cá Phi Luật Tân hoạt động tại các khu vực mà Trung cộng tự nhận chủ quyền.
Chính tranh chấp về quyền đánh cá tại Biển Đông là một nhân tố chủ chốt thúc đẩy Manila kiện Bắc Kinh ra Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ở La Haye, dẫn đến phán quyết vào trung tuần tháng 7 vừa qua, một phán quyết bị Trung cộng bác bỏ, cho là định chế trọng tài quốc tế không có thẩm quyền xem xét vụ việc.
Việc Tòa Án Tối Cao Trung cộng nhập cuộc được xem là một hành động trong chiến lược của Bắc Kinh, dùng luật pháp quốc gia để chống lại luật lệ quốc tế.

Biển Đông : Trung cộng để báo chí lớn tiếng sỉ nhục Úc
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop (T) và đồng nhiệm Trung cộng Vương Nghị trong chuyến thăm Bắc Kinh, ngày 17/02/2016.REUTERS/Wu Hong/Pool
Dùng lời lẽ ngoại giao để phản đối chưa đủ, Bắc Kinh vào hôm nay 31/07/2016 đã bật đèn xanh cho Hoàn Cầu Thời Báo lớn tiếng sỉ nhục nước Úc vì đã dám kêu gọi Trung cộng tôn trọng phán quyết về Biển Đông ngày 12/07 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye.
Tờ báo nổi tiếng với lời lẽ cực đoan của Trung cộng còn đe dọa rằng Úc sẽ là « một mục tiêu lý tưởng để Trung cộng cảnh cáo và tấn công » nếu tiến vào vùng Biển Đông đang tranh chấp.  Tờ phiên bản phổ thông đại chúng của Nhân Dân Nhật Báo, Trung cộng đã không ngớt lăng mạ Úc, gọi quốc gia này là một « đất nước với một lịch sử ô nhục…, thoạt đầu là một nhà tù của Vương Quốc Anh… được thành lập qua những phương tiện kém văn minh, trong một quá trình đầy nước mắt của thổ dân ».
Bài xã luận đã đả kích tuyên bố chung của Úc cùng với Mỹ và Nhật Bản hôm 25/07, bên lề Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN ở Lào, kêu gọi Trung cộng dừng việc xây dựng tiền đồn quân sự và bồi đắp thêm đất đai trong vùng đang có tranh chấp ở Biển Đông.
Hoàn Cầu Thời Báo kêu gọi Trung cộng trả đũa Úc và cho rằng « sức mạnh của Úc có nghĩa lý gì so với sự an toàn của Trung cộng. Nếu Úc bước vào vùng biển Hoa Nam (tên Bắc Kinh gọi Biển Đông), nước này sẽ là một mục tiêu lý tưởng để Trung cộng cảnh cáo và tấn công ».
Và tờ báo kết luận : « Úc thậm chí không phải là một con hổ giấy », mà giỏi ra thì chỉ là « con mèo giấy ».
Cho dù không muốn phá hoại quan hệ tốt với Trung cộng - đối tác thương mại lớn nhất của Úc – Canberra dường như vẫn chủ trương duy trì các cuộc tuần tra bên trong và bên ngoài vùng Biển Đông trong khuôn khổ Chiến dịch Gateway có từ thời Chiến Tranh Lạnh.
Theo ông Euan Graham, giám đốc Chương Trình An Ninh Quốc Tế tại Viện nghiên cứu Lowy ở Sydney, tính chất thóa mạ và xúc phạm nước Úc cũng như lời lẽ đe dọa « đã tăng lên nhiều bậc », thể hiện ý muốn « bắt nạt » nước Úc.
Đối với chuyên gia này, hành động đó của Trung cộng sẽ khiến cho một số người ở Úc thức tỉnh trước chủ nghĩa Sô Vanh nước lớn của Trung cộng, cho dù nó cũng có thể củng cố quan điểm của những người đang sợ nước Úc đã rơi vào cái « bẫy » của liên minh với Mỹ, bị cho là một nguy cơ lớn hơn đối với nền an ninh Úc.
Tuy vậy, ông Graham cho rằng bài xã luận đó không đáng để cho chính quyền Úc có phản ứng chính thức.


Tin BBC, RFI, RFA