22.09.2016

Biển Đông: Mỹ và Trung cộng ai trúng kế ai? - Lữ Giang

Biển Đông: Mỹ và Trung cộng ai trúng kế ai?

Lữ Giang

Đài RFI của Pháp ngày 16.9.2016 có đăng bài "Tháng 11, thời điểm định mệnh của Biển Đông?" của Tú Anh tóm lược bài phân tích «Bắc Kinh có lẽ đang chờ thời điểm lý tưởng để tấn công ở biển Nam Trung Hoa» (Beijing may be waiting for the perfect timing to strike in South China Sea) của chuyên gia Harry Kazzianis, tân giám đốc Nghiên cứu Quốc phòng Mỹ thuộc Trung tâm vì Quyền lợi Quốc gia ở Washington. Tác giả cho biết một viên chức Bộ Quốc Phòng Mỹ nói rằng giai đoạn thích hợp nhất để Trung cộng tấn công (bãi cạn Scarborough) là từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 11, Hoa Kỳ bị «việt vị» ở Biển Đông vì cuộc bầu cử tổng thống. Trong khi đó một viên chức khác lại cho rằng «nếu Trung cộng ra tay thì thời điểm từ giữa tháng 9 đến tháng 11 không phải là tốt nhất». 


Vị trí bãi cạn Scarborough

Thật ra đây chỉ là một kiểu tung hỏa mù của báo Mỹ. Trong cuộc chiến Biển Đông hiện nay, chiến lược của Mỹ và của Trung cộng như thế nào? Trung cộng đã trúng kế Mỹ hay Mỹ đang trúng kế Trung cộng? Ai sẽ thắng ai? Để trả lời những câu hỏi này, trước hết phải nhìn lại chiến lược của cả Mỹ lẫn Trung cộng ở Trung Đông. Nếu chỉ nhìn các diễn biến thì không thể hiểu được.

CHIẾN LƯỢC CỦA HOA KỲ

Chúng tôi đã nhắc lại nhiều lần, trong một bài diễn văn đọc trước Quốc Hội Úc ngày 17.11.2011, ông Obama tuyên bố sẽ xoay trục từ Trung Đông về Á Châu Thái Bình Dương (để bao vây Trung cộng cả về kinh tế, chính trị lẫn quân sự). Ông nói: “Tại khu vực Á Châu Thái Bình Dương trong thế kỷ thứ 21, nước Mỹ sẽ toàn tâm toàn lực nhập cuộc.”

Xin nói rõ: Kế hoạch này không phải là kế hoạch của ông Obama. Vào tháng 7 năm 2001, Hội đồng Bang giao Quốc tế Mỹ đã phổ biến một tài liệu mang tên “Hoa kỳ và Đông Nam Á: Đề nghị một chính sách mới cho tân chính phủ Bush” do cựu Thượng Nghị sĩ John Kerrey và ông Robert A. Manning, một chuyên gia của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và Hội Đồng Đại Tây Dương soạn thảo. Tài liệu nói rõ rằng “Kinh nghiệm của Hoa kỳ ở Châu Á chỉ cho chúng ta thấy là chúng ta sẽ có thể gặp rất nhiều rủi ro ngày nào chúng ta còn lãng quên vùng Đông Nam Châu Á.” Người có nhiệm vụ thi hành kế hoạch này trước tiên là Tổng Bush, sau đó là Tổng Thống Obama. Người kế tiếp sẽ là bà Hillary hay bất cứ người nào nối quyền của Obama.

Tuy tuyên bố bằng dao to búa lớn như đã nói trên, từ năm 2011 đến nay Tổng Thống Obama xem ra chẳng làm gì để ngăn chận sự bành trướng của Trung cộng ngoài việc "biểu dương khí thế" bằng máy bay và tàu chiến, trong khi Trung cộng lấn chiếm hết đảo nọ đến đảo kia. Tại sao vậy?
Chúng tôi xin nhắc lại, trong cuộc họp ngày 18.11.2013 tại Bộ Tư Lệnh các nước Châu Mỹ ở Washington, sau khi nhắc lại học thuyết mang tên Tổng Thống Monroe được chấp thuận năm 1823 cho phép Hoa Kỳ can thiệp bằng quân sự khi các nước thuộc Châu Mỹ Latin bị xâm phạm, Ngoại Trưởng Kerry tuyên bố: "Ngày nay, chúng ta có một sự lựa chọn khác. Thời đại của học thuyết Monroe đã cáo chung" (The era of the Monroe Doctrine is over).

Trong thực tế, những hành động của Mỹ dựa vào học thuyết Monroe không phải chỉ cáo chung ở Châu Mỹ Latin, mà đang cáo chung tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại Đông Âu, Trung Đông và Biển Đông.
Kể từ khi các võ khí lỗi thời còn tồn động lại từ sau chiến tranh Việt Nam đã được Mỹ trút hết xuống Afghanistan và Iraq, Mỹ đã thay đổi chiến lược: Từ bỏ chiến lược CAN THIỆP BẰNG QUÂN SỰ dựa theo học thuyết Monroe, và thay thế bằng chiến lược CHIẾN TRANH ỦY NHIỆM (proxy war), đó là chủ trương thúc đẩy việc hình thành các lực lượng tại từng khu vực để các lực lượng này tự đối đầu với nhau, Mỹ chỉ đứng đàng sau yểm trợ và bán vũ khí.
Hiện nay trên Biển Đông, Mỹ chỉ "biểu dương khí thế" chứ không đối đầu trực tiếp với Trung cộng mà thúc đẩy Nhật, Úc, Phi Luật Tân, Việt Nam và Ấn Độ hình thành một lực lượng khu vực để đối đầu với Trung cộng. Tình hình nghiêm trọng hiện nay trên Biển Đông là do chiến lược nầy gây ra.

CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG CỘNG

Alexander L. Vuving, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh Châu Á - Thái Bình Dương ở Honolulu, chuyên gia trong lĩnh vực an ninh Châu Á, Biển Đông, Việt Nam và Trung cộng, đã tóm lược chiến lược của Trung cộng ở Biển Đông như sau:

Mục tiêu tổng thể của Trung cộng là giành quyền kiểm soát Biển Đông nhưng không phải thông qua các trận đánh lớn mà qua các hoạt động từng bước thay đổi thực địa, tạo dựng một sân chơi có lợi cho mình. Ý tưởng then chốt là làm sao để “không đánh mà vẫn thắng” (winning without fighting).

Khi cần tranh chấp lãnh hải, đầu tiên Trung cộng đưa tàu đánh cá đến khu vực, tiếp theo là tàu hải giám và cuối cùng mới là tàu chiến. Chiến lược này được gọi là chiến lược bóc lá bắp cải” hay chiến lược tằm ăn dâu”. Bình luận trên National Interest, tác giả Harry J. Kazianis cho rằng vũ khí lợi hại nhất của Bắc Kinh không phải là quân sự mà có thể là các tàu đánh cá.

Yếu tố đầu tiên là tránh tối đa những trận đánh lớn. Yếu tố thứ hai là kiểm soát các vị trí chiến lược trong khu vực nếu những vị trí này còn chưa có ai chiếm hữu. Cần phải chiếm một cách âm thầm lén lút nếu có thể, và nếu cần thiết, bằng một cuộc xung đột có giới hạn. Yếu tố thứ ba là phát triển những vị trí này thành các trạm kiểm soát mạnh, các trung tâm hậu cần vững chắc và các căn cứ triển khai sức mạnh quân sự một cách hiệu quả.

Trung cộng nhận thấy: Đảo Phú Lâm, bãi Chữ Thập, bãi Vành Khăn và bãi cạn Scarborough sẽ tạo thành một cụm bốn điểm mà từ đó, với bán kính 250 hải lý, Trung cộng có thể theo dõi chặt chẽ toàn bộ khu vực chính của Biển Đông. Cùng với đảo Phú Lâm và 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa, Trung cộng có thể triển khai hàng ngàn tàu cá và tàu hải giám, đẩy Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, và Nam Dương ra khỏi vùng biển mà Bắc Kinh coi là của riêng mình.

AI TRÚNG KẾ AI?

Để thực hiện chiến lược chiến tranh ủy nhiệm tại Biển Đông, như chúng tôi đã trình bày trong bài "Biển Đông: Những trò chơi tai hại!" phổ biến ngày 9.6.2016, các chuyên gia cho biết Mỹ đã có những hành động khiêu khích để Trung cộng phải nỗ lực lấn chiếm nhanh hơn vì sợ Mỹ sẽ ra tay trước. Phương thức này đã đưa đến năm hệ lụy chính sau đây:

(1) Tạo ra sự bất hòa và căng thẳng thường xuyên giữa Trung cộng và các nước trong vùng.

 (2) Thúc đẩy các nước trong vùng phải liên kết lại với nhau để đối phó với Trung cộng.

(3) Biến Trung cộng thành một quái vật trước dư luận quốc tế vì sống trên và ngoài vòng luật pháp quốc tế về luật biển.

(4) Bắt buộc Trung cộng phải gia tăng chi phí quốc phòng vào những mục tiêu phiêu lưu mà họ đang theo đuổi.

(5) Tạo lý do cho Bộ Quốc Phòng Mỹ xin gia tăng thêm ngân sách quốc phòng,

Nhìn vào 5 hệ lụy trên, chúng ta có thể nói Trung cộng đã trúng kế Mỹ. Nhưng Mỹ đã thất bại trong chiến thuật kích động các nước trong vùng liên kết lại với nhau để chống Trung cộng.

AI SẼ THẮNG AI?

Trong một bản báo cáo dài 430 trang mới được công bố có tên gọi là  "Tương quan quân sự Mỹ-Trung…", được soạn thảo bởi 14 học giả, tổ chức RAND, một tổ chức nghiên cứu ở Caloifornia, cho rằng lực lượng quân sự Mỹ vẫn luôn giữ được ưu thế trong hầu hết các tiêu chí về quân sự và quốc phòng.

Trong khi đa số người Việt đấu tranh lo lắng và gào thét về việc Trung cộng đang lấn chiếm Biển Đông, Hoa Kỳ ít quan tâm đến các cơ sở quân sự mà Trung cộng đang thiết lập trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Theo tổ chức RAND, nếu chiến tranh xảy ra, hệ thống tàu ngầm của Mỹ sẽ “san bằng” toàn bộ các đảo nhân tạo của Trung cộng ở Biển Đông một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Hoa Kỳ cũng không quan tâm đến việc Trung cộng dọa thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Ngày 23.11.2013 Trung cộng đã tuyên bố thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông. Chỉ ba ngày sau, ngày 26.11.2-16, Mỹ đã đưa 2 máy bay ném bom B-52 bay qua vùng ADIZ mà không hề thông báo cho phía Trung cộng biết. Sau đó, các hãng hàng không vận tải All Nippon Airways (ANA) và Japan Airlines (JAL) cũng tuyên bố không tuân thủ yêu cầu của phía Trung cộng. Từ thời điểm đó đến nay, vùng ADIZ ở biển Hoa Đông bị vô hiệu hóa. Số phận của ADIZ nếu được thiết lập tại Biển Đông thì cũng thế thôi.

Giáo sư Alexander L.Vuving cho rằng nếu các đối thủ của Trung cộng không có đối sách bẻ gãy chiến lược của Trung cộng, "Trung cộng sẽ nổi lên như là chúa tể của Biển Đông, ít nhất là trong nhận thức của hầu hết các nước trong khu vực. Từ đây, sẽ chỉ còn vài bước để vươn tới vị trí bá quyền khu vực và toàn cầu".

Mặc dầu có nhiều sự sự kích động như thế của Mỹ, việc hình thành một lực lượng vùng để chống Trung cộng là chuyện khó thành vì hai lý do chính sau đây: Lý do thứ nhất là các quyền lợi về mậu dịch giữa các nước trong vùng và Trung cộng còn rất lớn. Lý do thứ hai là mối đe dọa của Trung cộng mà các chuyên gia Mỹ nên ra ít có dấu hiệu trở thành hiện thực. Trung cộng chưa đủ lực để làm chuyện đó.

Vả lại, nếu Trung cộng thao túng Biển Đông, không phải chỉ các nước trong vùng bị thiệt hại mà các cường quốc, nhất là Mỹ, cũng phải bảo vệ quyền lợi của chính họ. Vì thế, Việt Nam đã tuyên bố dứt khoát: "Việt Nam không đi với nước này để chống lại nước kia". Phi Luật Tân là nước nằm trong hiệp định bảo vệ của Mỹ, cũng đã từ chối không tham gia vào các cuộc tuần tra của Mỹ. Phát biểu tại căn cứ không quân Villamor gần thủ đô Manila, ông Duterte xác định: «Chúng ta sẽ không tham gia bất kỳ một chiến dịch thuộc hải hành hoặc tuần tra biển nào (trên Biển Đông). Tôi sẽ không cho phép bởi vì tôi không muốn đất nước bị lôi kéo vào một hành động thù địch… »

Như vậy có thể kết luận rằng chiến lược chiến tranh ủy nhiệm của Mỹ tại Biển Đông đang thất bại, tuy Mỹ có bán thêm được một số vũ khí. Nhưng Mỹ chỉ trở lại chiến lược can thiệp bằng quân sự ở Biển Đông khi các quyền lợi cốt lõi của Mỹ ở đó bị xâm phạm mà thôi.

Ngày 22.9.2016
Lữ Giang