25.09.2016

Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 25.09.2016)

Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung cộng
(ngày 25.09.2016)

Việt Nam: Tranh chấp tại Biển Đông đe dọa hòa bình thế giới
Phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Việt Nam, Phạm Bình Minh tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 24/09/2016.

Tại phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại New York, Hoa Kỳ vào ngày 24.09, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh kêu gọi các nước có tranh chấp trên biển Đông tự kềm chế và giải quyết những bất đồng bằng biện pháp hòa bình.


Ông Phạm Bình Minh còn nói rằng các bên có liên quan đến tranh chấp biển Đông phải tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về luật biển, cũng như tôn trọng những qui trình pháp lý và ngoại giao. Theo ông thì chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế, hoà bình, hợp tác và phát triển là những công cụ để xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hoà bình và ổn định và thịnh vượng.

Liên quan đến các vấn đề pháp lý ở biển Đông mà ông Phạm Bình Minh đề cập, vào ngày 12 tháng Bảy vừa qua tòa trọng tài thường trực quốc tế có trụ sở ở Hà Lan ra phán quyết có lợi cho Phi Luật Tân. Theo đó tòa trọng tài quốc tế không công nhận cái mà Bắc Kinh gọi là chủ quyền lịch sử của họ bao trùm trên 90% diện tích biển Đông.

Trung cộng luôn luôn cho rằng tòa án này không có giá trị pháp lý đối với các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Trong khi đó, các quốc gia khác trong đó có Việt Nam tuyên bố rằng mình ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế.

Hiện có tất cả 6 quốc gia tranh chấp chủ quyền các hòn đảo nhỏ trên biển Đông là Việt Nam, Trung cộng, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei, và Đài Loan.
Ngoài ra ông Phạm Bình Minh cũng thông báo, Việt Nam quyết định ứng cử làm thành viên không thường trực Hội Đồng Bảo An nhiệm kỳ 2020-2021, tăng cường tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Việt Nam từng là thành viên không thường trực nhiệm kỳ 2008-2009 và đã tham gia vào chiến dịch gìn giữ hòa ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.


Biển Đông: Yêu sách của Trung cộng không hề có căn cứ lịch sử

Một nhà địa lý uy tín người Anh khẳng định những yêu sách chủ quyền của Trung cộng ở Biển Đông và việc tạo lập khu vực duyên hải của nước này dựa trên những sự kiện của thế kỷ XX, từ cuộc khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn đến sự thất bại của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai, chứ không phải bắt nguồn từ lịch sử lâu đời của nhà nước phong kiến Trung cộng.

Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa đã bị Trung cộng bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép với đường băng, nhà chứa máy bay và các công trình quân sự

Trang Học viện Hải quân Mỹ ghi nhận khẳng định này dấy lên một số câu hỏi nóng từ phía công chúng. Trước câu hỏi cho rằng những tuyên bố chủ quyền của Trung cộng là hợp lệ vì họ luôn tuyên bố ngang nhiên rằng “những lãnh thổ này từ trong lịch sử đã là của chúng ta” – Bill Hayton, một học giả tại Chatham House ở London và là tác giả của cuốn “Biển Đông, cuộc cạnh tranh quyền lực ở châu Á” cho rằng “một trăm năm trước, người dân Trung cộng chắc chắn sẽ không cảm thấy như vậy”. Với phần lớn lịch sử Trung cộng, Biển Đông được coi là “địa phận của cướp biển”.

Phát biểu tuần trước tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ ở Washington D.C, ông Hayton bổ sung thêm, hiện nay “trẻ em Trung cộng được dạy rằng Bãi ngầm James (Trung cộng gọi là Tăng Mẫu) là phần lãnh thổ xa nhất về phía nam của Trung cộng.” Bãi ngầm này nằm dưới nước và đang bị tranh chấp bởi ba nước cùng tuyên bố chủ quyền là Trung cộng, Đài Loan và Mã Lai. Bãi ngầm này nằm cách xa bờ biển Trung cộng hơn 1000 dặm trong khi chỉ cách bờ biển Malaysia vỏn vẹn 50 dặm.

Trả lời câu hỏi liệu truyền thông có làm gia tăng căng thẳng về các tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông hay không, ông Hayton cho rằng: “Câu chuyện vốn bắt nguồn từ một tuyên bố chủ quyền của Trung cộng từ đầu thế kỷ XX liên quan tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản và Pháp đã biến thành vấn đề nước nào có ảnh hưởng mạnh nhất trong khu vực, Mỹ hay Trung cộng”.

Trung cộng đã đưa hỏa tiễn chống chiến hạm YJ-62, chiến đấu cơ J-11B ra đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, quân sự hóa Biển Đông nhưng lại đổ lỗi cho Mỹ và nước khác leo thang căng thẳng.

Ông Hayton cho rằng phán quyết gần đây của Tòa Trọng tài quốc tế đối với Trung cộng nằm trong các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển cho rằng Trường Sa không phải là quần đảo. “Không hề có ghi chép nào về những gia đình Trung cộng định cư trên quần đảo này.” Trong khi Công ước cho rằng “phải có người sinh sống được” thì mới gọi là đảo, do đó các thực thể địa lý ở Trường Sa không phải là đảo theo nghĩa này.

Ông Hayton bổ sung thêm rằng Trung cộng là một trong những nước đầu tiên ủng hộ mạnh mẽ Công ước này để ngăn chặn các nước không tự do tuyên bố chủ quyền như những gì nước này tuyên bố với bãi cạn Scarborough.

Ông Hayton cho biết lần đầu tiên cụm từ “đường chín đoạn” xuất hiện trong một tài liệu chính thức là năm 1946, bao gồm cả quần đảo Trường Sa trong một tấm bản đồ năm 1947. Thời điểm trên Trung cộng đang bám vào Hiệp ước Đồng minh nói rằng “mọi phần lãnh thổ Nhật Bản chiếm của Trung cộng sẽ phải hoàn trả lại”. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: “Biên giới của Trung cộng nằm ở đâu?”

Học giả Hayton nêu rõ, cho dù Trung cộng không có quá nhiều công việc ở Biển Đông và ngư dân nước này cũng không liên tục lui tới các rặng san hô và bãi ngầm, Trung cộng bắt đầu vẽ các tấm “bản đồ tủi nhục quốc gia” trong giai đoạn những thập kỷ đầu thế kỷ XX. Những tấm bản đồ này nhận vơ rằng các thực thể trên biển do Nhật Bản, Hàn Quốc, Mã Lai và Phi Luật Tân tuyên bố chủ quyền đều nằm dưới sự kiểm soát của Trung cộng. Cái gọi là “đường chín đoạn” đã bị chuyển dịch vài lần nhằm mục đích khiến cho vùng lãnh thổ này có vẻ tiếp giáp phần lãnh thổ thuộc kiểm soát của Trung cộng.

Theo ông Hayton, các quan chức triều đình Trung cộng đầu thế kỷ XX đã đưa ra những tuyên bố đầu tiên này là nhằm thể hiện quan điểm nước này sẵn sàng đương đầu với nước ngoài. Chính quyền phong kiến nhà Thanh lúc bấy giờ cố gắng giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ của mình, thường là những đảo gần đất liền và củng cố sự ủng hộ của người dân trong nước.
Sau đó, giới chức nước Trung cộng sau này tiếp tục thực hiện những bước đi nói trên bằng cách “cắm cờ” trên quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và thể hiện với Nhật Bản và bất kỳ nước nào không tôn trọng cái gọi là “chủ quyền và tuyên bố lãnh thổ của Trung cộng”. 


Tư lệnh Hải quân hơn 80 nước họp tại Mỹ bàn cách chống chiến tranh ở Biển Đông

Ông Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung cộng tham gia cuộc họp tại Hoa Kỳ, ảnh: Nikkei Asian Review.

Nikkei Asian Review ngày 21/9 đưa tin, Tư lệnh Hải quân từ hơn 80 quốc gia trên thế giới đang tập trung tại Hoa Kỳ tuần này để thảo luận về các tranh chấp, căng thẳng và nguy cơ xung đột ở Biển Đông.

Đây là một hội nghị quốc tế được tổ chức hai năm một lần tại Học viện Chiến tranh Hải quân. Hội nghị diễn ra từ 21/9 đến 23/9 sẽ tập trung vào vấn đề tự do hàng hải. Tư lệnh Hải quân Trung cộng Ngô Thắng Lợi cũng được mời tham dự hội nghị.

Trong bối cảnh ám ảnh xung đột Trung – Mỹ trên Biển Đông ngày càng tăng, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tránh được xung đột, đối đầu.
Cả hai phía Washington và Bắc Kinh đều đang thiếu một phương tiện để ngăn chặn chính mình rơi vào một cuộc chiến ở Biển Đông.

Kết quả từ những phiên hội thảo và các hoạt động nghiên cứu chiến lược tương tự sẽ được báo trở lại Ngũ Giác Đài, làm căn cứ sử dụng lập kế hoạch phòng thủ chiến lược cho hải quân Mỹ.

Lo ngại nguy cơ chiến tranh Trung – Mỹ ở Biển Đông gia tăng

Mỹ lập luận rằng, hoạt động xây dựng các tiền đồn quân sự (bất hợp pháp) và đòi yêu sách 90% diện tích Biển Đông từ phía Trung cộng đang đe dọa tự do hàng hải, thương mại quốc tế.

Giám đốc Học viện Chiến tranh Hải quân, Đô đốc Jeffrey Harley nhận định:
“Một số người tin rằng, một cuộc xung đột với Trung cộng chắc chắn không thể tránh khỏi. Trong khi một sức mạnh tiếp tục gia tăng, chúng ta có thể tìm thấy không gian trên thế giới bằng cách tuân thủ luật pháp quốc tế.”

Rand Corporation, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ nhận định, quân đội Hoa Kỳ sẽ chiếm ưu thế trong bất kỳ cuộc chiến nào ở thời điểm hiện nay (với Trung cộng), hơn là đợi 1 thập kỷ nữa tính từ bây giờ, khi quân đội Trung cộng lớn mạnh hơn.

Năm 2015, Trung tâm nghiên cứu Belfer thuộc Đại học Harvard công bố một kết quả nghiên cứu, trong đó nhận xét, nhiều trường hợp một siêu cường mới nổi thách thức một siêu cường hiện có, thường cuối cùng hay nổ ra chiến tranh.

Trong thế kỷ trước, điều này ứng với trường hợp của nước Đức ở châu Âu và Nhật Bản ở châu Á. Graham Allison, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết:
“12 trong số 16 trường hợp trong 500 năm qua đều có kết quả là chiến tranh nổ ra. Để tránh được chiến tranh, đòi hỏi các bên nỗ lực rất lớn, điều chỉnh thái độ và hành động.”

Tính đến nay, cả Bắc Kinh lẫn Washington đều chưa điều chỉnh thái độ hay hành động, chủ yếu vì hai bên nhìn nhận vấn đề Biển Đông theo các lăng kính khác nhau.

Biển Đông sẽ là nơi thử nghiệm, nếu không có sự thay đổi đáng kể từ hai phía, nguy cơ xung đột có thể nổ ra..

Vẫn có những quan điểm lạc quan về khả năng kiểm soát xung đột Biển Đông

Theo nhận định của nhà nghiên cứu Denny Roy từ Trung tâm Đông – Tây, Honolulu bình luận trên The National Interest ngày 21/9, các nhà lãnh đạo Trung cộng đang làm dấy lên chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hiếu chiến trong chính sách đối ngoại để thu hút sự chú ý của dư luận trong nước khỏi những bất mãn về đối nội.

Nhận thức được điều này không phải là lý do để Hoa Kỳ và các đồng minh thu mình lại trước những hành động bất hợp pháp của Bắc Kinh.
Có thể các nhà lãnh đạo Trung cộng sẵn sàng hoặc thậm chí tìm kiếm một cuộc đối đầu quân sự, xem đó như một phương tiện chuyển hướng sự chú ý của dư luận trong nước khỏi các vấn đề đối nội.

Tuy nhiên Trung Nam Hải sẽ phải tính đến những khó khăn kinh tế, bất ổn xã hội nếu để đất nước rơi vào một cuộc chiến tranh.
Học giả Wang Jisi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế, Đại học Bắc Kinh, Trung cộng thì có một cái nhìn tích cực hơn.

Theo bài phân tích của ông trên The Huffington Post ngày 21/9, Trung – Mỹ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh trong một “trạng thái bình thường mới”.

Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu và xã hội dân sự hai nước nên mở rộng đối thoại để giảm nghi ngờ lẫn nhau.



“Mỹ nên chọn Nam Dương làm trọng tâm “xoay trục” sang châu Á”
Tổng thống Nam Dương Joko Widodo trong một lần thị sát chiến hạm ngoài khơi Natuna. Ảnh: gisreportsonline.com.

Nhà nghiên cứu an ninh quốc gia Mỹ Stanley A. Weiss ngày 23/9 bình luận trên The Huffington Post, đã đến lúc Mỹ “xoay trục” sang Nam Dương trong bối cảnh Trung – Nga vừa có cuộc tập trận chung ở Biển Đông, còn Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte cấm hải quân nước này tuần tra chung với Hoa Kỳ ở Biển Đông.

Bất cứ ai trở thành Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ vào năm tới, làm thế nào để tái khẳng định sức mạnh Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn là điều quan trọng.

Người mà vị Tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ có thể “chọn mặt gửi vàng” chính là ông Joko Widodo, Tổng thống Nam Dương.

Stanley A. Weiss lập luận, không có quốc gia Đông Nam Á nào tốt hơn Nam Dương trong việc cung cấp cho Mỹ những gì cần thiết ở Biển Đông để cân bằng với liên minh Trung – Nga, không chỉ bởi vị trí chiến lược, mà còn bởi nền kinh tế tăng trưởng mạnh của đất nước vạn đảo.

Đồng thời Nam Dương cũng là một quốc gia Hồi giáo chiếm đa số, lựa chọn quốc gia này sẽ giúp Mỹ chứng minh cho thế giới thấy, nền dân chủ phương Tây và thế giới Hồi giáo hoàn toàn có thể chung sống hòa bình và hợp tác, phát triển.

Nam Dương cùng với 4 quốc gia thành viên ASEAN khác đã bị yêu sách đường lưỡi bò Trung cộng ở Biển Đông xâm hại. Đáng ngại nhất là hiện nay Trung cộng đã xây dựng 7 đảo nhân tạo (bất hợp pháp) và quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực.

Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Phi Luật Tân và Trung cộng hôm 12/7 đã bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò. Tuy nhiên, Trung cộng vẫn tiếp tục phát triển lực lượng hải cảnh và tàu cá đổ xuống Biển Đông, mà Nam Dương cũng là một nạn nhân. Trong 5 năm qua, số vụ đụng độ giữa hải quân Nam Dương với tàu cá Trung cộng (có những trường hợp có tàu hải cảnh Trung cộng hộ tống) thường xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế Natuna của Nam Dương.

Từ năm 2014, ông Joko Widodo cùng Bộ trưởng Thủy sản Susi Pudjiastuti đã cho đánh chìm 220 tàu cá nước ngoài xâm phạm và đánh bắt trái phép, một thông điệp không thể nhầm lẫn nhằm vào Bắc Kinh.

Tháng Sáu vừa qua để củng cố thêm sức mạnh, ông Joko Widodo đã có chuyến thị sát, làm việc trên chiến hạm ngoài khơi đảo Natuna.
Do đó theo Stanley A. Weiss, hiện tại là thời điểm thích hợp cho Mỹ tăng cường quan hệ với Jakarta. Washington có thể làm điều này qua 4 cách.

Đầu tiên, Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ nên đến thăm Nam Dương càng sớm càng tốt, đồng thời thể hiện rõ lập trường, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ 4 năm tới là Nam Dương.

Thứ hai, Mỹ nên hỗ trợ sự quyết đoán mới nổi của Nam Dương trong vấn đề Biển Đông, bao gồm giúp đỡ nước này nâng cao khả năng tuần tra trên biển, cả về phương tiện tàu thuyền lẫn huấn luyện đào tạo.

Ba là, tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với Nam Dương, bởi lẽ lâu nay vẫn tồn tại một nỗi sợ hãi rằng Nam Dương ngày càng phụ thuộc trong quan hệ kinh tế với Trung cộng, có thể buộc Jakarta phải thỏa hiệp trong vấn đề Biển Đông.

Mỹ nên đầu tư vào giáo dục và phát triển, hỗ trợ và cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, cung cấp cho Jakarta sự thay thế vai trò của Trung cộng trong chiến lược cải thiện chất lượng nền kinh tế.



Báo chí Canada: Trung cộng đã lập 2 “vùng nhận dạng”, khai triển 3 tàu ngầm Type 094 ở Biển Đông

Báo Canada cho rằng Trung cộng đang từng bước thiết lập "vùng nhận dạng âm thanh nước" và "vùng nhận dạng hàng hải", đồng thời có thể công bố thiết lập ADIZ vào năm 2017.

Từ ngày 19 – 21/7/2016, một sư đoàn không quân Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung cộng tiến hành tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông. Ảnh: Chinanews

Tờ nguyệt san Kanwa Defense Review của Canada vừa có bài viết cho rằng Hải quân Trung cộng đang từng bước thiết lập cái gọi là “vùng nhận dạng âm thanh nước” và “vùng nhận dạng hàng hải” ở Biển Đông để sớm do thám tàu ngầm của Mỹ và Nhật Bản, đồng thời qua đó ngăn chặn tàu ngầm tiến vào vùng biển Đài Loan từ hướng bắc. Trung cộng sẽ không công khai tuyên bố những vùng nhận dạng này.

Vùng nhận dạng âm thanh nước tức là xây dựng vùng nhận dạng chủ yếu sử dụng thiết bị định vị thủy âm kéo và thiết bị định vị thủy âm đáy biển ở các đảo đá, chủ yếu dò tìm tàu ngầm của Mỹ, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á đi vào những nơi mà Trung cộng tự coi là “lãnh hải” và “vùng đặc quyền kinh tế” của mình. Vùng nhận dạng này sẽ thiết lập (bất hợp pháp) ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam).

Tờ Kanwa Defense Review còn cho rằng hiện nay Quân đội Trung cộng khai triển cả 3 tàu ngầm động cơ hạt nhân lắp hỏa tiễn Type 094 ở đảo Hải Nam. Điều này có nghĩa là tác dụng quân sự của vùng nhận dạng âm thanh nước còn có tính chiến lược.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 của Hải quân Trung cộng. Ảnh: Sohu

Quân đội Trung cộng sẽ tận dụng nước sâu của Biển Đông để các tàu ngầm hạt nhân chiến lược đi lại giữa đảo Hải Nam với đảo Phú Lâm (thuộc chủ quyền của Việt Nam do Trung cộng chiếm đóng trái phép), làm cho hệ thống săn ngầm của Mỹ khó có thể tiếp cận những khu vực này.

Một khi tàu ngầm, tàu mặt nước của Quân đội Mỹ tiến hành vào hai vùng nhận dạng trên, Hải quân Trung cộng sẽ lập tức theo dõi.

Theo phân tích của Kanwa, việc xây dựng hai loại vùng nhận dạng này của Trung cộng ở Biển Đông có ý nghĩa quân sự hơn so với thiết lập “vùng nhận dạng phòng không”.

Trung cộng cũng sẽ xây dựng (bất hợp pháp) nhiều hơn radar tìm kiếm đối hải, thiết bị dò tìm âm thanh nước, thiết bị định vị thủy âm kéo ở trên các đảo đá chiếm đóng cùng với hệ thống định vị thủy âm đáy biển ở đá ngầm vòng.

Tờ Kanwa năm nay từng cho rằng Trung cộng đã quyết định phạm vi bao quát của cái gọi là “Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) Biển Đông”, có thể chính thức tuyên bố vào năm 2017.

Trung cộng được cho là xây dựng bất hợp pháp radar cao tần ở đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AMTI/CSIS

Nguyên tắc cơ bản phân chia vùng nhận dạng này là “lấy vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của đảo Hải Nam, 7 đảo nhân tạo và  đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) làm tiêu chuẩn.

Trung cộng trước đây cất quân xâm lược quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhảy vào tranh chấp Biển Đông, gây ra điểm nóng Biển Đông hiện nay.

Trung tuần tháng 9/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada thăm Mỹ, cho biết Hải quân Mỹ và Nhật Bản sẽ tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông.

Chuyên gia Trung cộng dọa nạt rằng nếu tàu chiến Mỹ và Nhật Bản xuất hiện ở vùng biển và vùng trời các đảo đá có liên quan, “Trung cộng sẽ áp dụng biện pháp cứng rắn. Nếu xung đột xảy ra thì Nhật Bản phải chịu trách nhiệm hoàn toàn”.



Biển Đông : Mỹ cần áp dụng một loạt biện pháp mới chống Trung cộng
Các tàu nạo vét của Trung cộng tại Đá Vành Khăn. Ảnh chụp từ phi cơ trinh sát P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ ngày 21/05/2016. REUTERS

Nhân cuộc điều trần hôm 21/09/2016 tại Hạ Viện Mỹ, ba chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Biển Đông đã phê phán các thiếu sót trong đối sách của Mỹ chống lại sự bành trướng của Trung cộng trên Biển Đông. Điểm lý thú là các chuyên gia này đã đề xuất nhiều biện pháp rất cụ thể, cả về pháp lý, chính trị hay quân sự, được cho là có tác dụng răn đe Bắc Kinh nhiều hơn.

Về pháp lý, tiến sĩ James Kraska, giáo sư luật quốc tế tại Học Viện Hải Chiến Hoa Kỳ (US Naval War College) cho rằng chính quyền Obama đã hoàn toàn sai lầm khi chỉ gọi các yêu sách chủ quyền của Trung cộng tại Biển Đông là « quá đáng », mà không dám gọi thẳng đó là « phi pháp ».

Đối với giáo sư Kraska, Hoa Kỳ cần phải làm rõ vấn đề cách gọi, vì yêu sách chủ quyền của Trung cộng không chỉ là « quá mức » mà là « bất hợp pháp ». Do vậy ông Kraska đề nghị : « Chúng ta phải nói thẳng, phải loại bỏ các từ ngữ quá ngoại giao, vì điều đó chỉ nuôi dưỡng sự mơ hồ và hoài nghi, có lợi cho Trung cộng ».

Còn bà Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu châu Á tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, thì nhấn mạnh trên tác hại của thái độ quá thận trọng của chính quyền Obama đối với Trung cộng trong thời gian qua. Bà Glaser nêu bật việc chính quyền Obama đã dành ưu tiên hợp tác với Trung cộng trong lãnh vực biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran, vì thế đã không dám cứng rắn đối với Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông.

Thế nhưng theo chuyên gia này, chính quyền Mỹ đã sai lầm khi cho rằng quá cứng trên vấn đề Biển Đông sẽ hại cho các hồ sơ khác cần sự hợp tác của Trung cộng. Đối với bà Glaser Mỹ hoàn toàn « có thể làm cả hai việc cùng một lúc, và nhất thiết phải nói nói rất rõ cho Trung cộng biết rằng hành vi của họ không thể chấp nhận được. »

Về phương diện quân sự, các chuyên gia đều chỉ trích thể thức « qua lại vô hại » (innocent passage) mà Hải Quân Mỹ đã áp dụng trong ba chuyến tuần tra bên trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo do Trung cộng bồi đắp tại Trường Sa.

Đối với giáo sư luật Kraska, Hoa Kỳ không nên dùng thủ tục yếu nhất để thách thức đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung cộng, vì rõ ràng là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển không công nhận lãnh hải chung các đảo nhân tạo của Trung cộng.

Giáo sư Kraska đề nghị là Hoa Kỳ phải cho phi cơ bay qua các đảo nhân tạo trong tay Trung cộng ở Trường Sa, chẳng hạn như qua Đá Vành Khăn (Mischief Reef), và tiến hành nhiều cuộc tuần tra hơn vì quyền tự do hàng hải trong khu vực, một mình hay với nước khác.

Riêng tiến sĩ Andrew Erickson, giáo sư tại Viện Nghiên Cứu về Hàng Hải Trung cộng cũng thuộc Học Viện Hải Chiến Mỹ, thì phê phán các quan chức Mỹ không dám thừa nhận một cách công khai là ngoài lực lượng Hải Quân và Hải Cảnh, Trung cộng còn có một lực lượng thứ ba đang giúp Bắc Kinh thâu tóm Biển Đông : Đó là lực lượng « dân quân biển ». Đối với chuyên gia này, Washington phải cấp tốc đề ra một chiến lược toàn diện hơn để đối phó với Bắc Kinh.

Trong chiến lược toàn diện này có vấn đề pháp lý và giáo sư Kraska gợi ý rằng nếu Trung cộng không sẵn sàng chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực, thì các nước vẫn có thể kiện Trung cộng ra các tổ chức quốc tế khác về các vi phạm mà Tòa Trọng Tài nêu bật.

Tổ chức Hàng Hải Quốc Tế có thể xét xử vụ Hải Cảnh và dân quân biển Trung cộng vi phạm các quy định quốc tế về phòng ngừa va chạm trên biển (COLREGS), Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế có thể xử lý các vi phạm mã số bay, và Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc có thể phán quyết về việc biến tàu cá thành công cụ của quân đội.

Theo tin VOA, RFA, RFI