22.10.2016

Sống chết mặc bay - Quảng Tín

„Nước lũ đã rút để lại hậu quả nặng nề về sinh mạng và tài sản. Nhưng không thấy một cá nhân nào trong bộ máy công quyền và lãnh đạo nhà máy thủy điện Hố Hô đứng ra chịu trách nhiệm về những khía cạnh “nhân tai” trong trận lũ vừa qua. Họ đùn đẩy trách nhiệm và không chịu bất cứ một hình thức trừng phạt nào cho dù đã gây ra hàng chục tổn thất về sinh mạng con người.“

Sống chết mặc bay
Quảng Tín

Sống chết mặc bay, truyện ngắn của cố nhà văn Phạm Duy Tốn (1881-1924) lấy bối cảnh của vùng nông thôn Bắc bộ đầu thế kỷ 20. Trong truyện tác giả miêu tả cảnh một khúc đê thuộc con sông Hồng bị nước lũ làm vỡ. Trong khi những người dân hộ đê vắt hết sức lực cuối cùng của mình từ chiều cho tới một giờ sáng, họ vật lộn với bùn lầy dưới cơn mưa như trút nước với hy vọng mong manh là bảo vệ đê khỏi dòng nước lũ. Tương phản với hình ảnh đó là sự phè phỡn, vô trách nhiệm của những viên quan lại. Họ ngồi ở nơi cao ráo, an toàn và thản nhiên chơi bài mặc cho dân chúng chống chọi lại với dòng nước hung dữ. Để rồi cuối cùng “…nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết, kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không ai chôn, lênh đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ, toàn cảnh sầu thảm, kể sao cho xiết” (trích từ tác phẩm).


Gần một thế kỷ sau khi tác phẩm Sống chết mặc bay ra đời, những hình ảnh trong tác phẩm đó được tái hiện một cách chân thực ở khúc ruột miền Trung trong những ngày qua.

Bối cảnh lần này cũng tang thương và đầy đủ những gom màu tương phản đầy phẫn nộ, giữa một bên là những người dân oằn mình chống lại sức mạnh dữ dội của dòng nước lũ và một bên là sự vô cảm đến khốn nạn của các quan chức của chính quyền cộng sản – những người luôn tự nhận mình là người “đầy tớ” trung thành của nhân dân.

Chiều ngày 14 tháng 10 năm 2016, lãnh đạo Nhà máy thủy điện Hố Hô nằm ở thượng nguồn con sông Ngàn Sâu, nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh quyết định xả lũ ồ ạt như “tiếp sức” cho các cơn mưa như trút nước tại bắc miền Trung tại thời điểm đó. Hành động “té nước theo mưa” của nhà máy thủy điện Hố Hô với lưu lượng được truyền thông trong nước cho là 1.800 m3/s đã nhấn chìm Quảng Bình và Hà Tĩnh trong biển nước. Người dân đã không kịp trở tay với “cú đấm kép” này của mẹ thiên nhiên và lãnh đạo nhà máy thủy điện Hố Hô. Chưa đầy một ngày sau đã xác định được hàng chục người chết và mất tích tại Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An, hàng chục tàu thuyền bị lật úp, mắc kẹt và cuốn trôi ra biển, hoa màu và vật nuôi cũng chị chung số phận.

Cũng ngay trong đêm 14 tháng 10 tang thương đó, trong lúc bà con miền Trung trong cơn nguy kịch đang oằn mình chống chọi lại với trận lũ lịch sử, hàng trăm nóc nhà bị nhấn chìm trong nước, tiếng kêu gào hoảng loạn của người dân trong đêm để vật lộn với chính mạng sống và tài sản của mình. Ở cách đó không xa, tại khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, bà Kim Ngân chủ tịch Quốc hội cùng gia đình tham gia “Lễ khai mạc Festival áo dài Hà Nội 2016”. Bà Ngân tối hôm đó trông thật lộng lẫy và nổi bật giữa đám đông quan khách với bộ trang phục áo dài nhung sang trọng. Nhưng giữa cái lúc mà đồng bào đang đối diện với con nguy kịch đó, hình ảnh long lanh và sang trọng của bà Ngân đã trở nên thật lố bịch và tệ hại.


Bởi một lẽ, với cương vị là chủ tịch Quốc Hội, trong tình trạng khẩn cấp như vậy mà bà Ngân vẫn rạng rỡ tươi cười vô tư lự thì hoặc là bà đã biết tin tình hình nguy kịch ảnh hưởng đến sinh mạng của hàng triệu sinh mạng đồng bào của bà ở miền Trung lúc đó nhưng bà không muốn làm hỏng hình ảnh vốn đang lung linh và rạng rỡ của mình. Hoặc là đám thuộc hạ của bà đã biết tin nhưng vì không muốn làm hỏng giây phút huy hoàng đó của bà nên chưa dám báo tin…còn nếu bà Ngân biện minh rằng trong lúc bà đang ngồi chễm chuệ trong cái lễ hội sang trọng đó bà không hề hay biết tin miền Trung đang trong cơn nguy kịch thì có lẽ bà nên xem lại trách nhiệm của một người đứng đầu Quốc hội như bà và cái đám thuộc hạ rồng rắn kia... 

Một ngày sau khi nước lũ rút với những thiệt hại nặng nề về người và tài sản mà đồng bào phải hứng chịu. Hàng chục lời kêu quyên góp của các các nhân, các nhà hoạt động xã hội và nhóm thiện nguyện trên khắp cả nước hướng về đồng bào miền Trung. Họ đã âm thầm mang hàng tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm đến với đồng bào Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An với mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình để tiếp một chút hơi thở vốn đang kiệt quệ của đồng bào vùng lũ. Bởi lẽ những thiệt hại về sinh mạng và tài sản là quá lớn và không gì có thể bù đắp được…

Và dường như để vớt vát cho hình ảnh lố bịch tối hôm đó, sáng ngày 19/10 bà Ngân xung phong dẫn đầu đoàn tùy tùng lặn lội vào Hà Tĩnh “thăm hỏi, tặng quà và động viên” đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt. Đi sau bà Ngân ngoài đám tùy tùng còn có một lực lượng đông đảo các phóng viên nhà báo rồng rắn lĩnh khỉnh các thiết bị ghi hình, quang cảnh trông cứ như một gánh xiếc với vô số những màn kịch bát nháo và giả tạo…

Nước lũ đã rút để lại hậu quả nặng nề về sinh mạng và tài sản. Nhưng không thấy một cá nhân nào trong bộ máy công quyền và lãnh đạo nhà máy thủy điện Hố Hô đứng ra chịu trách nhiệm về những khía cạnh “nhân tai” trong trận lũ vừa qua. Họ đùn đẩy trách nhiệm và không chịu bất cứ một hình thức trừng phạt nào cho dù đã gây ra hàng chục tổn thất về sinh mạng con người.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, các nhà máy thủy điện giống như một cỗ máy giết người hàng loạt sẵn sàng ra tay hạ sát đồng bào ở phía hạ lưu của các con sông chỉ trong nháy mắt. Người dân Quảng Nam chắc có lẽ vẫn chưa hết kinh hoàng sau vụ xả lũ ở các hồ thủy điện A Vương, Đắc-MySông Tranh 2 vào tháng 11 năm 2013 gây thiệt hại hàng chục sinh mạng ở hai huyện Điện Bàn và Đại Lộc. Và mới đây nhất cũng ở Quảng Nam là sự cố tại thủy điện Sông Bung 2 làm cuốn phăng một ngôi làng của đồng bào thiểu số tại huyện Nam Giang vào tháng 9 năm nay, con số thương vong vẫn chưa được thống kê đầy đủ.

Những hung thủ thực sự đứng đằng sau những vụ giết người “đúng quy trình” này vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, mạng sống của người dân bị những lãnh đạo các nhà máy thủy điện và quan chức chính quyền cộng sản coi rẻ như bèo bột. Người dân không biết cầu cứu từ ai trong khi quả bóng trách nhiệm được chuyền từ hung thủ này sang hung thủ khác.

Chắc hẳn khi tác phẩm “Sống chết mặc bay” ra đời và được đăng trên tạp chí Nam Phong năm 1918, cố tác gia Phạm Duy Tốn cũng không thể ngờ được rằng, gần một thế kỷ sau, tại Việt Nam ở thế kỷ 21 với sự tiến bộ của xã hội loài người trên thế giới, những bối cảnh “Sống chết mặc bay” khác lại được tái hiện một cách chân thực đến như vậy.