29.11.2016

Âm Nhạc và Chính Trị - ĐÀO VIÊN

Âm Nhạc và Chính Trị 
ĐÀO VIÊN

Phần Thứ Nhất

1. Âm nhạc ảnh hưởng vào Chính trị

If I were not a physicist, I would probably be a musician.
I see my life in terms of music. I get most of my joy in life out of my violin. 
—- Albert Einstein

Tháng Tư năm 1958 Mạc Tư Khoa (Moscow) là mùa Xuân, trời đã lạnh. Một chàng thanh niên người Hoa Kỳ, 23 tuổi, đã lặn lội từ Nữu Ước đến phi trường Mạc tư khoa.

Xuống đến nơi, một người phụ nữ Nga đã có mặt đón người khách lạ. Bà chào bằng tiếng Anh, một thứ tiếng Anh của người Nga, rất khó nghe:  “Welcome to Moscow, Mr. Van Cliburn”. Người thanh niên Hoa Kỳ một lúc sau mới biết là bà ta đang nói với mình. Người phụ nữ này tên là Henrietta Vileava, về sau trở thành một người bạn thân của Van Cliburn.

Người thanh niên Hoa kỳ, tên Van Cliburn, đến Mạc Tư Khoa, là để tham dự cuộc thi độc tấu dương cầm có tên là The International Tchaikovsky Competion, mở ra lần đầu tiên cho mọi dương cầm thủ thế giới. Về phương diện thời gian thì kỳ thi này rất có lợi cho nước Nga, còn có tên là Cộng Hòa Liên Bang Sô viết, dưới quyền điều khiển cuả lãnh tu Nikita Krutschev.


Quả thật vậy Nga Sô lúc đó đang dẫn đầu thế giới trong cuộc đua chinh phục không gian.

Chỉ trước đó ít lâu, ngày  4 tháng 10, 1957 người Nga đã phóng lên không gian vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới Sputnik 1 bay quanh trái đất, vừa bay vừa phát tín hiệu cho toàn thể thế giới thấy – kể cả Hoa Kỳ – báo hiệu một kỷ nguyên mới: Kỷ Nguyên Không Gian.

Sputnik 1 trên bầu trời năm 1957

Ngày 3 tháng 11, 1957, Sputnik 2 lại được phóng lên qũy đạo. Lần này vệ tinh nhân tạo Nga đã mang theo một con chó có tên là Laika, lúc trở về trái đất, Laika vẫn còn sống làm toàn thế giới rất vui mừng

Chính quyền Sô Viết mở cuôc thi âm nhac  International Tchaikosky Competition cũng có ý nhằm mục đích tỏ ra cho thế giới biết dân Nga không những giỏi về khoa học mà còn giỏi cả về nghệ thuật âm nhạc nữa.
Tại Hoa kỳ, khi nghe tin này, Van Cliburn đã quyết định sang Nga tham dự.
Van Cliburn là ai?  Ông tên thật là Harvey Lavan Van Cliburn, sinh ngày 12 tháng Bẩy 1934, tại thành phố Shreveport, tiểu bang Louisiana. Mẹ ông là nhạc sĩ dương cầm Rildia O’Bryan Bee. Ngay khi mới 3 tuổi, Van Cliburn đã được mẹ dạy chơi dương cẩm. Ba năm sau, cả gia đình dọn về Kilgore, tiểu bang Texas. Tại đây, khi ấy  mới 12 tuổi, Van Cliburn dành giải nhất cuộc thi dương cầm cho toàn tiểu bang, thế là  chàng trai này được mời vào đoàn Houston Symphony Orchestra. Năm năm sau, ở tuổi 17, Van Cliburn vào học trường âm nhạc Juilliard, Nữu Ước, được trông nom và huấn luyện bởi  bà Rosina Lhévinne. Bà Lhévinne là một dương cầm thủ chuyên chơi âm nhạc cổ điển, nhạc phái lãng mạn Nga. Khi được 20 tuổi, Van Cliburn thắng giải Leventritt, từ đó ông trở thành vai chính dương cầm thủ tại Carnrgie Hall.

Lần đầu tiên vào đại nhạc viện Tchaikovsky dự thí, Van Cliburn không khỏi hồi hộp, khi thấy ban giám khảo, rất đông, được giới thiệu là những nhạc sĩ nổi tiếng của Nga như các ông Shostakovich, Emil Gilels, Sviatoslav Richter, Kabalevsky, Oborren…

Cliburn với ngón tay dài

Dân Nga không hề gặp Van Cliburn trước bao giờ. Họ chỉ thấy một chàng trai cao ráo, hơi gầy, tóc bù xù không chải, nhưng đôi bàn tay với những ngón tay rất dài, hứa hẹn một màn trình diễn dương cầm độc đáo . Cuộc thi bao gồm nhiều màn đôc diễn dương cầm, tận cùng bằng hai bản 
Concerto Tchaikovsky’s Piano Concerto No. 1 và Rachmaninoff’s Piano Concerto No. 3, vào ngày 13 tháng Tư, 1958.


Van Cliburn trình diễn Tchaikovsky Concerto No. 1
Trước đây người Nga vẫn nghĩ ông  Lev Vlassenko, 29 tuổi, nhà đại dương cầm thủ của Liên Bang Sô Viết sẽ thắng giải này. Nhưng, khi Van Cliburn ngổi  xuống trình diễn song hai bản Concerto đó vời ban nhạc đại hòa tấu, người Nga mói thấy đây mới thực là một thiên tài về dương cầm. Tất cả khán giả hôm ấy đều đứng dậy hoan hô tán thưởng tài nghệ âm nhạc chàng trai Van Cliburn rất lâu, trong 8 phút.

Toàn thể ban giám khảo , gồm những nhạc sĩ danh tiếng nhất nước Nga như các ông Shostakovich, Emil Gilels, Sviatoslav Richter, Kabalevsky, Oborren… đều công nhận người thắng giải phải là chàng thanh niên Hoa Kỳ 23 tuổi Van Cliburn. Nhung họ thấy rằng, trong tình thế hiện tại, họ không thể đơn phương quyết định được. Ông trưởng ban, Dimitri Shostakovich  phải đích thân đến gặp lãnh tụ Nikita Khrushchev để xin chỉ thị có nên cho người thanh niên Hoa kỳ giải nhất không. Khrushchev hỏi lại: “Tên này có là người giỏi nhất không?” Khi được trả lời đúng vây, ông Krushchev phán ngay: “Vậy thì trao giải hạng nhất cho hắn“.


Van Cliburn trình diễn Rachmaninoff Concerto No. 3

Tin này loan ra làm sửng sốt tất cả mọi người, từ Liên bang Sô viết đến Hợp Chủng Quốc Hoa kỳ.

Tại Nga Sô người dân đón nhận tin này như là một vinh dự: một nhạc sĩ dương cầm, bất luận là người nước nào, đã biểu diễn tuyệt vời hai bản nhạc của người Nga Tchaikovsky và Ratchnaninoff, hay chưa từng thấy. Tinh thần nghệ thuật âm nhạc Nga đã thể hiện trên Van Cliburn. Van Cliburn chính là hiện thân của nền âm nhạc Nga, đại diện bởi Tchaikovsky và Ratchmaninoff.

Kể từ ngày ấy, người Nga đều gọi ông với một tên Nga rất thân thương là Vanya

Tiếp rước Cliburn tại New York

Trở về Hoa kỳ, ông Van Cliburn được đón tiếp rất trong thể. Tin này được đăng trên trang Nhất của báo chí. Tờ Time đăng ảnh ông lên bìa ngoài cùng, Ông được người dân Nữu Ước mời lên xe đi diễu hành trên các đại lộ để người dân xem mặt.

Chân dung Cliburn trên báo Time

Với danh tiếng này nhạc sĩ Van Cliburn đã được mời đi biểu diễn nhiều nơi, cho nhiều vị nguyên thủ quốc gia: Tổng Thống Harry Truman, Tổng thống George W Bush và sau cùng là Tổng thống Barack Obama.

Ông Van Cliburn đã trở lại Nga nhiều lần theo lời mời của chính phủ Nga,. Năm 1962 trở lại Liên bang Sô Viết, Vanya Cliburn biểu diễn dương cầm cho ông Nitika Krushchev và Chính phủ của ông ta, trong số này có ông Andrei Gromyko là Ngoại trường đương thời. Năm 1972 Van Cliburn lại sang Nga, chơi đàn với ban đại Hòa tấu Moscow Orchestra của nhạc trưởng Kondrashin, trình diễn bản nhạc Brahms Piano Concerto No. 2 và Rachmaninoff Rhapsody on a Theme of Paganini. Cũng trong năm ấy, về lại Hoa Kỳ, ông đến dinh Spaso House là tư dinh của Đại sứ Nga. Nhân dịp này, ông Đại Sứ mời luôn Tổng thống Richard Nixon và Ngoại trưởng William P. Roger đến tham dự.

Tháng 10 năm 2004 Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời ông sang Mac tư Khoa biểu diễn. Tổng thống Putin đã tặng ông huy chương Tình Hữu Nghị , (the  Order of Friendship) là huy chương cao quý nhất của Nga dành cho một công dân dân sự nước ngoài.

Dân Nga chào đón Vanya Cliburn

Nhiều người cho rằng nhờ có ông Van Cliburn, Chiến Tranh Lạnh giữa Nga Sô và Hoa kỳ đã giảm nhiệt độ rất nhiều, nguy cơ gây chiến không còn nữa.
Âm nhạc, đại diện bởi Van (Vanya) Cliburn, trong thời gian và không gian đó quả thật đã ảnh hưởng đến, tác động tốt đẹp vào Chinh Trị. Điều này không chắc đã đúng trong một thời gian và không gian khác.

Người chơi dương cầm giỏi như ông Cliburn tất nhiên phải có một cây đàn dương cầm thật tốt. Công ty làm dương cầm tốt nhất thế giới là Steinway & Sons, một người Đức  làm ăn tại Hoa Kỳ (New York, quận Queens). Mỗi cây đàn Steiway & Sons đều có một  số danh bạ riêng.

Cây đàn của ông Cliburn có số danh bạ là 157754. Hai ông bà thân sinh ra Van Cliburn đã mua cây đàn này năm 1923, khi đó đã cũ 11 năm rồi. Ông Van Cliburn tập đánh dương cầm từ nhỏ trên cây đàn này,  đến khi ông vào học trường âm nhạc Juilliard. Năm 1956 cây đàn 1577547 được đem về xưởng Steinway & Sons để tu bổ lại.

Hai năm sau, năm 1958, sau khi thắng giải International Tchaikovsky Competition, trở về Hoa Kỳ, ông Van Cliburn có ngay một số đàn đại  dương cầm (Grand piano) của Steinway & Sons gửi tặng. Trong đời, trước khi mất, ông Van Cliburn đã sở hữu 25 cây đại dương cầm Steinway & Sons.
Đàn dương cầm của Van Cliburn mang ra đấu giá

Những cây đàn đại dương cầm của ông Van Cliburn – kể cả cây đàn 157754 nay đã 100 tuổi – đươc trưng bầy tại Rokkefeller Center, Nữu Ước trước khi nhà buôn Christie mang ra bán đấu giá . Christie ước lượng cây đàn 100 tuổi  trên sẽ bán được từ $ 40,000 đến $ 60,000 đô la.

Nghe tin này, nhiều dương cầm thủ tài tử đã đến Rockfeller Center chơi đàn trên những cây đàn quá tốt của Van Cliburn. Trong số những tài tử này có một thanh niên Việt Nam. Cậu này thấy có cây đàn của Van Cliburn, thích quá chơi đàn quên cả ngày giờ, từ sáng đến trưa. Chơi nhạc của Bach, Mozart, Chopin, Brahms, Litz. Khán giả nghe tiếng đàn hay kéo đến, vây quanh, từ trên lầu xuống đến sàn nhà vỗ tay khuyến khích. Một  quang cảnh ít thấy.

Bán đấu giá song,  ông Cliburn sẽ trich ra một số tiền để tặng trường Juilliard và trường âm nhạc Moscow Conservatory tai Mạc Tư Khoa.
Phỏng theo tổ chức International Tchaikovsky Competition của người Nga, trường Đại học Texas Christian University ở Houston, cũng đứng ra tổ chức những cuộc tranh tài về dương cầm, đặt tên là The Van Cliburn International Competition (VCIC) để vinh danh người nhạc sĩ này.

Cuộc thi này chỉ mở ra bốn năm một lần, đúng vào những năm bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. Những ứng viên thắng giải, chính thức hay dự khuyết, đều được giải thưởng bằng hiện kim, và được mời đi trình diễn tài nghệ của mình tại nhiều nơi trên thế giới.

Khi ông Van Cliburn còn tại thế, ông không trực tiếp tham dự cuộc thi mang tên ông – kể cả việc ngồi trong ban giám khảo hay giúp tiền bạc – nhưng ông vẫn đến, có mặt, dể khuyến khích những nhạc sĩ trẻ tăng tiến nghề nghiệp, hầu giúp nền âm nhạc Hoa kỳ được thế giới biết đến nhiều hơn.
Nhạc sĩ Van Clibrun, mất ngày 27 tháng Hai, 2013,  tại tư thất, Fort Worth, Texas, hưởng dương 78 tuổi.


Âm Nhạc và Chính Trị (2)

Only in a free society is man able to creare the invention and cultural values which make life worthwhile to modern man
—— Albert Einstein

Phần Thứ Hai

Chính trị ảnh hưởng vào Âm nhạc.

Với phần thứ nhất của bài viết, chúng ta đã thấy rõ Âm nhạc có ảnh hưởng vào Chính trị, một ảnh hưởng tốt đẹp cho nền giao thương giữa hai cường quốc thế giới là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và Liên Bang Sô Viết Nga La Tư.

Ta sẽ xem dưới đây tại Việt Nam sự việc đã không xẩy ra như vậy. Ngược lại Chính trị đã có ảnh hưởng nặng nề đến Âm nhạc, một ảnh hưởng xấu, không làm Âm nhạc phát triển tốt đẹp lên được.

Trên thực tế, Việt Nam và Nga có rất nhiều điểm tương đồng. Thứ nhất: Việt Nam và Liên Bang Sô Viết Nga, cả hai theo chế độ độc đảng – Đảng Cộng Sản – chính quyền kiểm soát, chi phối mọi hoạt động của người dân trong xã hội. Thứ hai: Nếu ông Vanya Cliburn là một nhạc sĩ lỗi lạc thắng giải Tchaikovsky International Competition, đã cảm hóa được người Nga thì ông Đặng Thái Sơn, xuất thân từ một Âm nhạc học viện rất có tiếng của Nga là học viện Tchaikovsky, đã từng làm say mê người Ba Lan để cho ông giải nhất Chopin và nhiều giải phụ khác.

Vậy thì tại sao có khác biệt?

Sự khác biệt nằm ngay giới lãnh đạo chính trị giữa hai nước, những người cầm vận mệnh người dân trong tay, kể cả số phận những nhạc sĩ. Giới lãnh đạo Nga thời đó (những năm 1900-1970) là các ông Nitika Khruschev, thủ tướng chánh phủ, Andrei Gromyko, tổng trưởng Ngoại giao, Alexis Kosygin, Anastas Mikoyan. Giới lãnh đạo Việt Nam là các ông Hồ Chí Minh, Trường Chinh Đặng Xuân Khu, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp..

Các ông Kruschev, Gromyko là những người Nga, hiểu biết âm nhạc Nga, thấy cái hay cái đẹp của âm nhạc Tchaikovsky, âm nhạc của Rachmaninoff.. cho nên khi thấy Van Cliburn, một người ngoại quốc trình diễn rất hay, hay hơn tất cả những nhạc sĩ bản xứ, họ đã mở lòng ra đón nhận người nhạc sĩ tài ba này như người bản địa.

Trong khi ấy, các ông Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm văn Đồng dường như không biết đến cái hay cái đẹp của Nghệ Thuật mà Âm nhạc là một thành phần. Họ không thấy Âm nhạc là một chuyện cần thiết. Âm nhạc, đối với những nhà làm Cách mạng như các ông Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm văn Đồng là những thứ rất xa lạ, nếu không là trái ngược với những lý thuyết nằm lòng, những chủ trương lý luận căn bản của họ: Giai Cấp Đấu Tranh, Duy Vật Biện chứng, Duy Vật Lịch Sử, Chủ Nghĩa Xã hội, Cứu Cánh biện minh cho Phương tiện. Bởi vậy ông Đặng Thái Sơn đi học âm nhạc ở ngoại quốc, dù tại một nước đồng minh, cũng theo chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Cộng sản là Nga Sô, đối với các vị đó là chuyện vô ích .

Kết Luận: Số phận ông Đặng Thái Sơn đã được định trước. Chính trị quyết định Âm nhac.

Bây giờ chúng ta hãy xem tác động của Chính trị vào Âm nhac tại Việt Nam. Câu chuyện này bắt đầu năm 1956 tại miền Bắc Việt Nam. Nhiều nhà văn, nghệ sĩ đã đứng lên tham gia một phong trào văn học có tên là Trăm hoa đua nở, là chữ viết tắt, dịch rất sát từ Bách gia tranh minh, bách hoa tề phóng, một thành ngữ Trung Hoa “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” của Mao Trạch Đông.

Tạp chí Nhân Văn

Rất đông văn nghệ sĩ đã tham gia phong trào này. Nổi tiếng nhất gồm có Phan Khôi, Chủ nhiệm tạp chí Nhân Văn, Trần Duy Thư ký tòa soạn, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Quán, Văn Cao, Nguyễn Tuân, Thụy An, Có nhiều nhà trí thức, không phải văn nghệ sĩ, như Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu cũng tham gia phong trào này, mà mọi người biết đến dưới tên là nhóm Nhân Văn Giai Phẩm.

Nhà thơ Đặng Đình Hưng

Trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm có một nhà thơ tên là Đặng Đình Hưng  Ông chính thức làm thơ từ cuối những năm 1950 cho đến khi qua đời, hoạt động nghệ thuật của Đặng Đình Hưng về chữ nghĩa gồm 6 tập thơ, với những vần thơ khó hiểu(1), rất khác người. Ông còn đuợc biết đến như một kiến trúc sư, nhạc sĩ, hoạ sĩ.

Năm 1957 Đặng Đình Hưng lấy bà Thái thị Liên, một nhạc sĩ dương cầm (piano) nổi tiếng đương thời. Bà Thái thị Liên đã có hai đời chồng trước, khi bà ở hải ngoại (Pháp, Tiệp Khắc) và đã có ba người con. Năm 1958, vợ chồng họ Đăng và họ Thái sinh được một cậu con trai. Họ đặt tên là Đặng Thái Sơn, một cái tên mang cả hai họ.

                              Bà Thái thị Liên

Niềm vui này chẳng được bao lâu thì tai họa ập đến. Chính quyền Cộng Sản, dưới sự lãnh đạo của các ông Hồ Chí Minh, Phạm văn Đồng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Võ Nguyên Giáp đã ra tay dẹp phong trào Trăm Hoa Đua Nở và nhóm Nhân Văn Giai Phẩm(2). Nhiều văn nghệ sĩ bị đưa đi nông trường, nặng hơn nữa thì bị khép án, tù tội. Bị xử nặng nhất là Thụy An và Nguyễn Hữu Đang.

Ai là người quyết định “đánh” Nhân Văn Giai Phẩm? Chính thức được nêu tên là các ông Trường Chinh và Tố Hữu. Theo ông Nguyễ hữu Đang, người rất thân cận và từng làm việc với ông Hồ chí Minh trong những ngày đầu tháng 8 năm 1945 khi mặt trận Việt Minh ra mắt dành chính quyền, thì cho rằng nếu không có sự đồng ý hay cho phép của ông Hồ Chí Minh thì Nhân văn Giai Phẩm không thể bị dẹp.

Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm ra toà đại hình

Với một ông chồng là một nhân vật trong Nhân Văn Giai Phẩm, bị coi là một tay phản động chống Đảng, bà Thái thị Liên bị sức ép, phải chia tay với Đặng Đình Hưng năm 1978. Kể từ ngày ấy, bà Liên với 3 người con riêng và cậu quý tử Đặng Thái Sơn, phải ra ở riêng, dạy nhạc kiếm sống: Bà đành chịu một cuộc đời cực nhọc vất vả.

Đặng Thái Sơn, học âm nhạc, học chơi dương cầm với mẹ. Bà là một nhà sư phạm nghiêm khắc, khó tính và ít khi đưa ra lời khen. Khi Đặng Thái Sơn bắt đầu tập đàn piano, chả mấy khi Đặng Thái Sơn được mẹ khen, thậm chí lại còn bị “đối xử” rất khắt khe nữa.

Năm 1974, một chuyện bất ngờ đã xẩy ra làm cho cuộc đời của Đặng Thái Sơn bước sang một khúc ngoặt. Lúc đó một vị giáo sư âm nhạc người Nga, gốc Do Thái tên là Isaac Katz, sang dạy cho trường âm nhạc Hà Nội đã tình cờ phát hiện ra Đặng Thái Sơn. Chuyện kể rằng một buổi chiều nọ, ông Katz đang tản bộ trên con đường gần nhà bà Thái thị Liên, ông nghe thầy môt tiếng đàn dương cầm rất hay, rất đáng chú ý. Lần hồi ông Katz đã tìm đến nhà bà Thái thị Liên với cậu con trai Đặng Thái Sơn, một học sinh trường Âm nhạc Hà Nội, năm nào cũng đứng đầu lớp.

Đặng Thái Sơn với Isaac Katz

Sau vài lần chứng nghiệm khả năng của người học sinh này, giáo sư Isaac Katz chính thức yêu cầu trường âm nhạc Hà Nội cho ông được đích thân truyền dạy cho người học sinh xuất sắc này, mặc dù trên nguyên tắc ông Issac Katz chỉ dạy những học sinh năm chót trước khi thi tốt nghiệp, và người học sinh đó phải một năm sau mới hội đủ điều kiện này.

Năm 1975 giáo sư Isaac Katz về nước. Trước đó ông đã đề nghị cho Đặng Thái Sơn (ĐTS) được theo học dương cầm tại Nga. Lời đề nghị này không được chấp thuận, bởi vì chính quyền đã thấy ĐTS là con của một người đã dính vào Nhân văn Giai phẩm. bị coi là một loại phản động nguy hiểm cho nhà nước. Lời đề nghị không có phản hồi. Giáo sư Isaac Katz đã phải yêu cầu lần thứ hai, kèm theo lời đề nghị này là thái độ khó khăn với những du học sinh con ông cháu cha, thiếu khả năng thật sự. Ông tạo một sức ép đủ mạnh để người học trò ông chọn phải được dạy dỗ đến nơi đến chốn.

Năm 1976, Đặng Thái Sơn được phép đi học âm nhạc tại Nga. Anh tạo thành tích ngay lập tức là thi đậu vào học viện âm nhạc Tchaikovsky. Trước anh chưa có một người nào vào được học viện này mà không qua một năm dự bị. Năm đó anh mới 18 tuổi.

Đặng Thái Sơn với Giáo sư Natason

Khi vào học tại học viện âm nhạc Tchaikovsky, Đặng Thái Sơn gặp một vị danh sư khác. Đó là giáo sư Natanson. Nếu như Isaac Katz là người khám phá ra tiếng đàn Đặng Thái Sơn, tìm mọi cách mang anh về Nga để có thể tìm đúng thầy, thì Natanson chính là ông thầy này, một thầy dạy dương cầm tận tâm, dậy đàn rất giỏi..

Anh được cấp học bổng 60 rúp một tháng. Số tiền này chẳng nhiều nhặn gì, nếu tính theo hối đoái thời đó thì chỉ tương đương với khoảng 20 đô la Mỹ. Anh có hai người bạn thân trong thời gian này, cả ba góp gạo thổi cơm chung, dè sẻn từng đồng mới tạm có thể đủ ăn. Anh phải đi làm thêm để kiếm tiền chi dụng hàng ngày.

Năm 1980, anh tốt nghiệp học viện âm nhạc Tchaikovsky với hạng tối ưu. Tòa Đại sứ Việt Nam tại Mạc Tư Khoa chắc được chỉ thị của chính quền Hà Nội đã coi như không biết, không để tâm đến thành tích của người đồng hương này mà còn có ý muốn truy nã, gây khó khăn cho Đặng Thái Sơn chỉ vì anh ta có lý lịch xấu. Bố anh thuộc “thành phần phản động Nhân Văn Giai Phẩm”‘.

Tốt nghiệp song phải làm gì? Giáo sư Natanson thúc đẩy anh phải nộp đon và hoàn tất thủ tục xin dự thi, nhân kỷ niệm Chopin hàng năm tại Ba Lan. Đặng Thái Sơn bèn làm đon với tòa Đại sứ Việt Nam xin được giới thiệu là một ứng viên Việt Nam đi thi Chopin và được cấp ít tiền lộ phí vì đường đi từ Mạc tư Khoa đến Varsovie, thủ đô Ba Lan quá xa, mà anh làm gí có tiền. Đon anh bị bác.

Trong khi ấy nước Nga cũng cử một số nhạc sĩ đi Varsovie. Họ tổ chức một kỳ thi tuyển lựa cả trăm người để tìm ra mươi người đại diện cho Nga. Những người này sẽ được chính phủ Nga giúp đỡ. Đặng Thái Sơn cũng thi “ké” vào đó. Anh được chấm điểm cao nhất, nhưng anh không ở trong danh sách đại diện nước Nga để đi thi được. Anh phải dự thi với tư cách tự do, vô tổ quốc và không được chính quyền Nga giúp đỡ.

Không những thế ban tổ chức kỳ thi ở Ba Lan đã toan bác đơn xin dự thi của Đặng Thái Sơn, vì đơn dự thi của anh không một lời giới thiệu, chẳng biết anh là ai, nhưng rồi họ cũng thông qua, vì Sơn là người Việt Nam đầu tiên xin dự thi từ trước đến giờ. Vả lại anh có sau lưng cả một học viện âm nhạc Tchaikovsky làm chứng cho khả năng của mình, một khả năng hạng tối ưu khi ra trường.

Giáo sư Natason thấy vậy lại phải ra tay giúp đỡ vì ông biết người trò cưng đầy tiềm năng của ông rất có hy vọng thắng giải. Ông phải bỏ tiền ra cho Đặng Thái Sơn lấy xe lửa đi Varsovie, thuê nhà trọ, thuê cả dàn nhạc đệm cho anh ta đánh đàn. Một số tiền không nhỏ.

Đặng Thái Sơn đã phải đi thi Chopin trong những điều kiện rất khó khăn nản lòng.

Sơn không có tiền mua vé máy bay, và chỉ đủ tiền mua vé xe lửa hạng nhì. Anh không có một người thân nào ra tiễn tại sân ga Mạc Tư Khoa, cũng chẳng có một người bạn nào đến đón khi tới Varsovie. Hành lý của anh thì thật nhẹ, vài bộ quần áo tạm lành lặn. Anh không có cả một bộ đuôi tôm để lúc hữu sự dùng đến. Buồn quá, Sơn đã phải dốc bầu tâm sự với ông bố Đặng Đình Hưng.

Trong thư gửi cho cha mình, Đặng Thái Sơn viết: “Con bị ốm nặng bố ạ, có lẽ vì hành trình đi Vac-sa-va quá dài mà con đi bằng xe lửa. Sứ quán bác đơn xin tiền lộ phí của con để đi thi, họ cũng khước từ bảo hộ cho danh xưng của con trong cuộc thi. Nhưng con quyết định liều và giáo sư Na-tan-xon một lần nữa lại giúp con, ông ấy cho con tiền đi đường, tiền thuê dàn nhạc đệm và tiền trọ… Trong cơn sốt 39.5 độ, con đã chảy nước mắt ròng: Các nước tham dự cuộc thi đều được chào cờ và cử quốc ca của mình, mà Việt Nam thì không có – Con tham dự với tư cách thí sinh tự do… Nhưng cũng nhờ sự cay đắng đó mà con gặp được Chopin – Những nỗi đau giao thoa với nhau đã bật lên tiếng đàn của hồn ông…”

Anh qua được vòng loại một cách dễ dàng, loại hầu hết 149 đối thủ thuộc 37 quốc gia trên toàn thế giới, rồi tiến lên vào vòng chung kết. Để vào vòng chung kết Sơn bị kẹt một điều là thí sinh phải mặc áo đuôi tôm. Anh có hai ngày chuẩn bị cho vào chung kết , làm sao có áo đuôi tôm bây giờ? Người gỡ rối cho anh là giáo sư Natanson. Ông thầy phải lôi anh đến một cái tiệm, sắm cho anh một bộ, nhưng tìm cả nửa ngày không có một chiếc nào vừa với thân thể nhỏ thó của anh. Thế là đành may ngay một chiếc, lấy trong vòng 24 giờ. Anh bước vào phòng thi với cái áo còn chưa đựoc nhặt sạch chỉ.

Đặng Thái chơi bài Chopin Concerto No. 2
Kết quả anh đã thắng giài đầu là giải quan trọng nhất anh còn đoạt thêm 11 giải phụ nữa, trong đó có một giải của hãng truyền hình NHK của Nhật Bản, chính hãng NHK sau này mở cho anh một con đường ra khỏi nước.

Tin Đặng Thái Sơn đoạt giải Chopin ở Varsovie đã như một làn sóng chấn động giới âm nhạc cổ điển thế giới. Khi tin này về tới Việt Nam thì báo Nhân Dân, của nhà nước Việt Nam, những người đã từng không muốn anh ra khỏi nước, không muốn anh học dương cầm tại Nga, lại còm tìm cách cản trở anh đi Varsovie tham dự khì thi Chopin, đã đăng tin này lên trang Nhất trong 3 ngày liền, vời lời sẽ ca tụng quá lố đến nỗi cả tháng sau, khi về nước thăm ông cụ thân sinh, anh hơi ngượng khi đọc những dòng chữ này.


Đặng Thái Sơn chơi bài Scherzo của Chopin
Sau khi chia tay, nhà thơ Đặng Đình Hưng bị ung thư phổi. Khi Đặng Thái Sơn tham dự cuộc thi âm nhạc năm 1980 tại Ba Lan, lúc ấy, Đặng Đình Hưng đang phải sống trong cảnh ở gầm cầu thang nhà ông bạn, không nhà không cửa, chỉ nằm chờ chết.

Đặng Thái Sơn về nước kịp thời. Cha anh bị bệnh đã khá lâu và không được điều trị một cách đúng mức. Cha anh cần phải mổ ngay, một cái bướu trong phổi. Anh về nhà hôm trước, vài ngày sau cha anh nhập viện, một bệnh viện dành cho các cán bộ cấp cao cỡ thứ trưởng trở lên. Cha anh được bác sĩ Tôn Thất Tùng, người bác sĩ số một của y khoa Hà Nội khám bệnh và được giải phẫu bởi một bác sĩ lừng danh về phẫu thuật. Nhờ vậy mà anh cứu ông cụ sống thêm được mười năm nữa.

Đến đây, chúng ta đã có thể có nhận định: Tại Việt Nam, không như tại Liên bang Sô viết, Chính tri đã không có một ảnh hưởng hay một tác dụng tốt đẹp nào đến Âm nhạc.

Đặng Thái Sơn với Mẹ, bà Thái thị Liên

Ông Đặng Thái Sơn đã được nhà nước phong danh hiệu là Nghệ Sĩ Nhân Dân. Có lẽ người nhạc sĩ đã không để tâm đên danh hiệu này, vì ngay sau đó ông ta cùng với người mẹ, bà Thái thị Liên, đã định cư tại Montreal và xin nhập quốc tịch Gia Nã Đại.


1) Vài hàng thơ lạ và khó hiểu của Đặng đình Hưng

Bến Lạ:

Tôi lại đi…
   jữa cái nong hình záng
     lưng tôi,
     một bảng đen trước mặt,
     một vòng phấn dưới chân,
          zính zính…
          những con 8 lộn zọc nhẵn thin nam châm gói trong hạt thóc jống của không biết.”

Bến lạ

    ngay gầm jường
    mưa to ngay ở gầm bàn
       và trong hòm mọi con người chở một con tàu navir trọng tải
          những hình thù Hồng hải căng lên
          những cái yếm mùi nồng của đám cưới năm ngoái hong ra
          khoe và đã đi – những cột đèn đứng lại.

(2) Những bài thơ nổi tiếng của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm

của Trần Dần

Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Đất hôm nay tầm tã mưa phùn
Bỗng nhói ngang lưng
máu rỏ xuống bùn
Lưng tôi có tên nào chém trộm?
A! Cái lưỡi đao cùn!
Không đứt được – mà đau!
Chúng định chém tôi làm hai mảnh
Ơi cả nước! Nếu mà lưng tê lạnh
Hãy nhìn xem: Có phải vết đao?
Không đứt được mà đau!
Lưng Tổ Quốc hôm ngày hôm nay rớm máu.
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ

  của Phùng Quán

Con ơi

Con ơi
trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.
– Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
            Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Nguồn: