04.12.2016

Phản ứng thực dụng hung bạo của Bắc Kinh đối với trật tự đang di chuyển của thế giới

Phản ứng thực dụng hung bạo của Bắc Kinh đối với trật tự đang di chuyển của thế giới
(China’s brutally pragmatic response to a shifting world order)

Kevin Rudd (Finacial Times 1 Dec 2016)
Bình Yên Đông lược dịch


Bắc Kinh ghét cay ghét đắng cái không thể đoán trước. Với Trump, họ có cái không thể đoán trước chiến lược ở quy mô lớn.

Trung Hoa thích giao thiệp với người ác độc mà họ biết. Bắc Kinh rất sẵn sàng để giao thiệp với một Tổng thống Hillary Clinton, nhưng cũng như hầu hết chúng ta, cơ quan phụ trách chánh sách đối ngoại của họ không biết phải làm thế nào sau khi Donald Trump đắc cử. Đây chính là cái tạo ra sự bấp bênh thật sự ở Bắc Kinh.

Các phân tích gia về chánh sách của Bắc Kinh hiện đang làm việc ngày đêm để phác họa tương lai của mối quan hệ Hoa-Mỹ. Nói chung, có 3 trường phái chồng chéo lên nhau. Phản ứng của Bắc Kinh đối với ông Trump sẽ được xếp đặt bởi những gì đang thịnh hành. Dù bằng cách nào, nó sẽ thực dụng một cách hung bạo và rất xa vời với lý thuyết.


Trường phái thứ nhất có thể gọi một cách đơn giản là trường phái “bất ổn”. Trung Hoa có một cách tiếp cận rất bảo thủ với chánh sách quốc tế. Họ không thích cái không thể đoán trước. Với ông Trump, họ nhận được cái không thể đoán trước ở quy mô lớn.

Trường phái thứ hai là lạc quan dứt khoát, bởi nhiều lý do. Những người ủng hộ thấy “những hỗn loạn” trong kỳ bầu cử ở Hoa Kỳ như là một bằng chứng với dân số trong nước về nền dân chủ cấp tiến Tây phương không thể thực hiện được. Họ cũng xem ông Trump như một chánh trị gia chuyển tiếp, được các chủ thuyết về chánh sách ngoại giao Hoa Kỳ và tổ chức nhân quyền và tình báo làm nhẹ gánh nặng. Vì thế, đối với họ, ông là một lãnh đạo có nhiều tiềm năng hơn để họ giao thiệp, trên phương diện an ninh quốc gia hay chánh sách kinh tế.

Hơn nữa, với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – không có Trung Hoa tham dự – nay đã chết, Bắc Kinh sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn với cái sẽ thay thế nó.

Luận điệu chống Hồi giáo của ông Trump có tiềm năng làm hao mòn quyền lợi chiến lược của Hoa Kỳ ở Nam Dương và Mã Lai, nơi mà Trung Hoa đã có những tiến bộ đáng kể trong việc bành trướng ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Rộng lớn hơn, những người lạc quan xem lời lẽ tranh cử mơ hồ của ông Trump đối với các đồng minh Nam Hàn và Nhật Bản làm gia tăng xác suất để láng giềng của Trung Hoa sẽ bắt đầu thích nghi với quyền lợi của Bắc Kinh.
Những người lạc quan cũng thấy một cơ hội về chánh sách ngoại giao cho Trung Hoa để trở thành một người đi đầu, không chỉ là một người đi sau, đối với việc giải phóng thương mại và thay đổi khí hậu – một mối lợi tiềm tàng cho năng lực mềm của Trung Hoa.

Trường phái thứ ba là trường phái bi quan. Ông Trump, đối với họ, đã khẳng định Trung Hoa, chứ không phải Nga, như là một đe dọa đáng để ý duy nhất đối với sức mạnh của Hoa Kỳ. Họ xem kế hoạch tăng cường quân đội Hoa Kỳ của Tổng thống tân cử, đặc biệt là hải quân, như là một hành động trực tiếp chống lại Trung Hoa.

Những người bi quan xem “bình thường hóa” những mối quan hệ Mỹ-Nga – thí dụ, thỏa thuận về Syria và Ukraine, có thể gồm cả việc bãi bỏ cấm vận – có thể tác động đến giọng điệu, nội dung và mục tiêu của công quản chiến lược mà Bắc Kinh vừa hình thành với Mạc Tư Khoa. Họ kết luận rằng điều này sẽ giúp cho Tổng thống Vladimir Putin được tự do trong việc thỏa hiệp với Trung Hoa. Điều này xảy ra trong một khung cảnh của mối quan hệ phức tạp và luôn thù địch giữa Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh từ thời Sa hoàng, và gần đây hơn, trong việc cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược ở Trung Á.

Những người bi quan cũng ghi nhận rằng “đe dọa” kinh tế của Trung Hoa là trọng tâm của thông điệp vận động tranh cử của ông Trump về lý do tại sao giới trung lưu Mỹ đang đi thụt lùi và tại sao các kỹ nghệ đóng cửa và dời ra ngoại quốc. Họ xác định rất đúng ông Trump, tự bản năng, là một người chủ trương bảo vệ nền kỹ nghệ trong nước; khi ông nói về thuế tổng quát 45% đánh trên hàng hóa Trung Hoa, và tuyên bố Trung Hoa là một “kẻ đầu cơ tiền tệ”, ông có thể không nói đùa – vì nó có thể là thảm họa cho Hoa Kỳ, Trung Hoa và kinh tế thế giới trong việc theo đuổi chiến tranh thương mại và tiền tệ.

Theo quan điểm của những người bi quan, điều nầy sẽ đi vào trọng tâm của những ưu tiên quốc gia của Trung Hoa hiện nay: có tên là thành quả tương lai của nền kinh tế.

Hơn thế, những người bi quan cho thấy rằng ông Trump ít quan tâm đến nhân quyền, dân chủ và chủ nghĩa đạo đức ngoại lệ Mỹ tạo cho Hoa Kỳ một cơ hội sửa sai những quan hệ chiến lược với các đồng minh truyền thống chẳng hạn như Phi Luật Tân và Thái Lan.

Trường phái nào trong các trường phái trên sẽ thịnh hành ở Bắc Kinh? Sự thật là trái banh đang nằm trong sân của ông Trump. Mỹ đã trở thành “biến số chiến lược” trong mối quan hệ tương lai Hoa-Mỹ.

Tổng thống tân cử gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trong một hội nghị thượng đỉnh càng sớm càng tốt. Cả hai lãnh đạo có lẽ sẽ hành động quyết liệt và mạnh mẽ. Nhưng điều này có thể tạo đủ sự tương kính hỗ tương để có được mối quan hệ có hiệu quả.

Điểm mà hai lãnh đạo có thể thành công là Bắc Hàn, nơi mà đồng hồ nguyên tử đang chạy nhanh. Một thỏa thuận về vấn đề này có thể đủ để tái xác định triệt để tương lai của mối quan hệ Hoa-Mỹ một cách sớm sủa trong nhiệm kỳ của ông Trump.

Và đó sẽ là “nghệ thuật thỏa hiệp” tối thượng.

Tác giả là cựu Thủ tướng Úc và Chủ tịch của Asia Society Policy Institute ở New York.

B.Y.Đ.
Dịch giả gửi BVN

Nguồn nguyên bản lấy từ trang viet-studies: China’s brutally pragmatic response to a shifting world order (http://www.viet-studies.com/kinhte/ChinaShiftingWorldOrder_FT.htm)


Đọc thêm:

Cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái Vân Anh làm Bắc Kinh sửng sốt

Carrie Gracie Biên tập viên Trung cộng, BBC News

Quyết định của tổng thống mới đắc cử của Hoa Kỳ quay lưng lại với giao thức bốn thập niên của Hoa Kỳ với Đài Loan và nói chuyện trực tiếp với một tổng thống của Đài Loan sẽ làm giới hoạch định chính sách ở Bắc Kinh sửng sốt.

Kể từ cuộc bầu cử vào tháng trước, họ đã cố gắng hiểu xem ai đang cố vấn cho Donald Trump về châu Á và những chính sách về Trung cộng của ông sẽ như thế nào. Động thái này sẽ biến mối quan ngại thành thực trạng báo động và tức giận.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh. Không để Đài Bắc gài bẫy nhằm trở thành một nhà nước độc lập là một trong những ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung cộng.

Trong bốn thập niên, lãnh đạo Hoa Kỳ đã tôn trọng ranh giới đỏ của Bắc Kinh về việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thừa nhận rằng chỉ có "Một Trung cộng".

Cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái Anh Văn là liên lạc đầu tiên được biết đến giữa một tổng thống Hoa Kỳ hay tổng thống đắc cử và một nhà lãnh đạo Đài Loan kể từ khi Hoa Kỳ đã cắt quan hệ ngoại giao với hòn đảo này vào năm 1979.

Đài Loan không có hiệp ước phòng thủ chung chính thức với Hoa Kỳ, và các cam kết của Hoa Kỳ về bảo vệ hòn đảo này đang cố tình được duy trì ở khuôn khổ mơ hồ. Nhưng khi sức mạnh quân sự của Trung cộng gia tăng, Đài Loan kiểu gì cũng phải dựa vào chiếc ô an ninh của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á để đối phó trước khả năng bị xâm lược.

Đây đã là thời điểm nhạy cảm trong quan hệ giữa đại lục và Đài Loan.
Dưới quyền lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung cộng ngày càng gây sức ép kinh tế và ngoại giao với Đài Loan để tiến tới thống nhất đất nước.
Nhưng bất chấp nỗ lực của Bắc Kinh, đảng mà họ ủng hộ trong cuộc bầu cử bị thua trên diện rộng vào năm ngoái. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy rằng giới trẻ ở Đài Loan ngày càng phản đối khả năng thống nhất với đại lục.
Cả trước và sau khi trúng cử tổng thống vào tháng Một, bà Thái Anh Văn hứa sẽ giữ nguyên trạng mối quan hệ xuyên eo biển, nhưng Bắc Kinh không tin tưởng bà và đã cắt đứt liên lạc chính thức với chính quyền của bà.

'Đủ để chọc giận Bắc Kinh'

Trong bối cảnh này, bất kỳ sự thay đổi nào trong mối quan hệ giữa Đài Loan và Hoa Kỳ là đáng kể.

Trong một tuyên bố đưa ra sau các cuộc gọi, văn phòng tổng thống mới đắc cử cho biết hai nhà lãnh đạo ghi nhận sự tồn tại giữa Đài Loan và Hoa Kỳ đối với "các mối quan hệ an ninh chính trị, kinh tế gần gũi". Thông cáo cũng cho biết ông Trump "chúc mừng Chủ tịch Thái trở thành tổng thống của Đài Loan".

Nội dung này có thể là không gây tranh cãi xét bề ngoài, nhưng thực tế chính cuộc gọi của của một tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ chúc mừng tổng thống Đài Loan sẽ đủ để chọc giận Bắc Kinh.

Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ sau đó nói rằng chính sách của chính phủ Hoa Kỳ không thay đổi, nhưng nhóm làm việc của ông Trump đã không thông báo cho Nhà Trắng trước khi có cuộc gọi.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, khi Donald Trump được hỏi tên người ông ​​thường xuyên tham khảo nhất về chính sách ngoại, ông nói: "Tôi nói với bản thân mình, đó là số một, bởi vì tôi có một bộ não rất tốt và tôi đã nói rất nhiều điều ".

Ông Trump đã nói rất nhiều thứ ... về "thắng" Trung cộng về mậu dịch, về việc đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật Bản và Hàn Quốc cần trả thêm tiền cho quốc phòng của riêng họ, về việc bỏ thỏa thuận mậu dịch TPP vốn là trọng tâm trong chính sách ở châu Á của người tiền nhiệm của mình.

Giống như nhiều chính phủ khác, Bắc Kinh đang phân vân xem những điều gì thì đáng để tâm nghiêm trọng. Nhưng đối với Trung cộng thì ít có điều gì nghiêm trọng hơn hơn là tình trạng của Đài Loan.

Khi họ hiểu được ý nghĩa của cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái, dự kiến là đến lượt Bắc Kinh sẽ "nói rất nhiều điều".