Người Hoa - người Trung Quốc (Tàu cộng*) và người Việt Nam
Trần Nhật Phong
Tối qua sau khi bà xã của tôi (nghệ sĩ Phượng Mai),
hát chúc tết cho những cụ già tại Westminster theo thông lệ hàng năm bà cô thường
làm, vợ chồng tôi về tới nhà rảnh rỗi mở Netflix lên xem, vô tình xem lại cuống
phim Cướp Biển Caribean (Pirate in Caribean), hình như là tập thứ hai, hay thứ
ba gì đó có nam tài tử người Hongkong Châu Nhuận Phát thủ vai ác và xuất hiện
không nhiều lắm.
Xem xong cuốn phim tôi chợt nhớ đến khi cuốn phim
này được chiếu ra mắt ở rạp, nhiều kẻ cực đoan ở Trung cộng đã lên án nam tài tử
này là “làm xấu hình ảnh của người Trung
Quốc” khi anh nhận vai ác và hóa trang theo hình thù khá kỳ dị.
Và rồi tôi lại nhớ đến cuộc biểu tình của các sinh
viên Hongkong, Châu Nhuận Phát chính là một trong những ngôi sao hiếm hoi lên
tiếng ủng hộ cho phong trào đòi hỏi dân chủ toàn diện cho Hongkong, khi Bắc
Kinh muốn kiểm soát cuộc bầu cử bằng cách chỉ cho dân chúng bầu chọn những người
do Bắc Kinh chọn.
Kết quả, Bắc Kinh ra lệnh rút toàn bộ hình ảnh của
Châu Nhuận Phát ra khỏi các hệ thống truyền hình, quảng cáo và màn ảnh rộng để
“trừng phạt”, Châu Nhuận Phát chỉ nhúng vai thản nhiên “thì kiếm ít tiền một chút thôi”. Câu trả lời đã nói lên nhân cách của
một ngôi sao lớn, được ăn học và đào tạo trong môi trường tự do, và đây là lý
do tại sao gần 20 năm trước giới điện ảnh Hoa kỳ chọn Châu Nhuận Phát là một
trong những tài tử gốc Á đưa vào thị trường Hoa Kỳ và Á châu, thay vì họ chọn
Jackie Chan (Thành Long) ngôi sao đã xuất hiện ở thị trường Hoa Kỳ trước Châu
Nhuận Phát hơn cả một thập niên.
Tôi nhớ không lầm thì năm 1997, lúc đó Liên Hiệp Âu
Châu vì bảo vệ cho ngành điện ảnh nội địa, đã ban hành luật giới hạn 40% phim
nhập cảng từ Hoa Kỳ, việc này gây cú “sốc” lớn cho các nhà làm điện ảnh
Hollywood.
Các công ty lớn như Sony Picture, Columbia, Tri-Star
và Universal đã phải tìm giải pháp để giữ lại mức sản xuất bằng cách thúc đẩy
điện ảnh Hoa Kỳ vào Á châu. Tuy nhiên khi hình ảnh các tài tử lừng danh của Hoa
Kỳ thời điểm đó như Will Smith, John Travota, Nicolas Cage thì khá xa lạ với khối
khán giả Á châu.
Các đạo diễn gốc Á thời điểm năm 1997 đã được mời
vào vị trí cố vấn cho các hãng phim, trong đó gồm có John Woo (Ngô Vũ Sâm) và Từ
Khắc (đều là người Hongkong), các đạo diển này khuyến cáo rằng muốn khán giả Á
châu làm quen với các tài tử lớn của Hoa kỳ, thì nên kèm vào các vai chính dành
cho tài tử gốc Á.
Thế là 2 người được chọn chính là Châu Nhuận Phát và
Lý Liên Kiệt (Jet Li), và cuối cùng họ đã thành công, Châu Nhuận Phát thành
công với cuốn phim Ana And The King (đóng với Jodie Foster, vì cuốn phim đầu
tay Replacement Killer thất bại do quá nhiều cảnh bạo động), còn Lý Liên Kiệt
thì thành công lớn với Lethal Weapon 4 đóng với nam tài tử Mel Gibson.
Kể lại câu chuyện này với các bạn trẻ ở Việt Nam,
tôi có vài vấn đề muốn nói với các bạn.
Điều thứ nhất là nên phân biệt rõ người
Trung Hoa và Trung Quốc (Tàu cộng*) hiện nay, những người Hoa sinh sống ở
Hongkong, Đài Loan, Mã Lai, Singapore hay Nam Dương, tất cả họ đều tồn tại một
nền văn hóa Trung Hoa cũ, họ có những nét tương đồng với người Việt ở miền nam
Việt Nam,
cần cù, tự trọng, không lười biếng và chịu ảnh hưởng nặng nề của nền giáo dục
gia đình, do đó khi dung hòa với những phát minh tân tiến của tây phương, họ đã
tạo ra được những nét văn hóa độc đáo, riêng biệt và được sự kính trọng của người
tây phương nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung.
Cho đến thời điểm này khi tôi đang nói chuyện với
các bạn, những người Hoa mà tôi đang đề cập, họ đều
không muốn bị gọi là người Trung Quốc (Chinese), họ muốn chúng ta gọi đúng nơi
họ sinh ra hay trưởng thành (Hongkongnese hay Taiwanese), do đó các bạn đừng
bao giờ đánh đồng với những người Trung Quốc (tức là những thế hệ sinh ra và lớn
lên ở Trung Hoa dưới sự cai trị của đảng cộng sản Trung Hoa).
Và điều thứ hai cũng là người miền Nam Việt
Nam, hay có gốc gác là người miền Nam Việt Nam, khi ra đến bên ngoài (tức là
không còn chịu đựng sự cai trị của cộng sản), thì người miền Nam Việt Nam trở
nên chịu khó, siêng năng và thành công hơn so với giai đoạn khi ở trong nước, đặc
biệt là nhân cách hơn hẳn, biết “cho” nhiều hơn là “xin”.
Đó là vì khi còn trong nước, với xã hội dưới nền
giáo dục “xã hội chủ nghĩa”, họ đã đánh mất đi những tinh hoa đẹp đẽ do ông bà
tổ tiên để lại, họ phải bươn chải trong cuộc sống và chấp nhận những “quái
thai” của nền giáo dục “xã hội chủ nghĩa” để sinh tồn, họ không còn lựa chọn
nào khác.
Và khi ra đến bên ngoài, họ tiếp cận lại với nền văn
hóa của những quốc gia văn minh, từ trong tiềm thức, họ thấy rõ ràng tương đồng
với nền văn hóa mà ông bà, cha mẹ của họ để lại, do đó họ nhanh chóng hội nhập
và có cuộc sống bình an, hạnh phúc, vì nó phù hợp với chính con người của họ.
Tại sao có những khác biệt như vậy trong cùng một
con người, ban đầu tôi cũng tưởng như các bạn là do con người khiến cho xã hội
trở nên có sự khác biệt, nhưng không phải các bạn ạ, đó chính là do nền giáo dục
nơi các bạn đang sinh sống, và do thể chế quản lý đất nước như thế nào? Đó
chính là cái gốc của vấn đề, chứ không phải là do “người Việt Nam khác biệt văn
hóa với các quốc gia khác” như “loa phường” hay tuyên truyền cho các bạn.
Một thể chế minh bạch, rõ ràng, một chế độ
pháp trị đúng nghĩa, có sự công bằng cơ hội cho tất cả mọi người, thì đương
nhiên xã hội đó sẽ có hướng phát triển đúng đắn, vì những người có khả năng
lãnh đạo sẽ ra đóng góp, và khả năng của họ sẽ được công chúng đánh giá qua việc
làm, qua con người rồi bầu chọn.
Một xã hội pháp trị, sẽ có một nền giáo dục
tốt, vì xã hội pháp trị luôn có những luật lệ minh bạch, rõ ràng, không “mù mờ”,
không “diễn dịch có lợi cho kẻ cầm quyền”, do đó giáo dục mới được phát triển
và trở nên tốt hơn.
Còn cái thể chế mà chỉ ưu tiên cho những kẻ có “thẻ
đảng”, thì rõ ràng đã giới hạn sự phát triển của cả dân tộc, vì những người có
khả năng, có tài đều không cơ hội nên họ phải rời bỏ mảnh đất đó, chỉ vì họ
không có “thẻ đảng”, trong khi những kẻ vô học, mua bằng cấp giả, không có khả
năng nhưng có “thẻ đảng” thì chễm chệ trong hàng ngũ lãnh đạo, thì chỉ tạo ra
những bất công và xã hội băng hoại, vô cảm và vô văn hóa.
Xã hội mà luật lệ lỏng lẻo, thiếu minh bạch, “mù mờ”,
đương nhiên những kẻ cầm quyền sẽ diễn giải luật lệ sao cho có lợi cho họ, ngăn
chặn những tiếng nói phản biện, chụp mũ cho những tiếng nói phản biện là “phản
động”, rồi bắt bớ, hành hung, cô lập những người khác chính kiến, quyền hạn của
an ninh, công an ngồi xổm lên luật pháp thì làm sao có một nền pháp trị được,
và làm sao có thể phát triển được.
Do đó tại sao cùng là người Việt, khi ra đến bên
ngoài thì biết tôn trọng luật pháp của nước sở tại, tôn trọng xã hội mà họ đến,
sẵn sàng đóng góp cho xã hội, là vì luật pháp, và thể chế phục vụ cho quyền lợi
của họ, được họ tin tưởng và tôn trọng.
Còn xã hội trong nước Việt Nam hiện nay, họ không
tin tưởng và luật pháp vì luật lệ đó chỉ phục vụ và bảo vệ cho những kẻ cai trị,
không phục vụ và bảo vệ cho người dân, thì đương nhiên người dân không thể tôn
trọng, và sẵn sàng “vi phạm” luật lệ của kẻ cai trị, vì tôn trọng luật lệ của kẻ
cai trị thì chính người dân đã tự “giết mình” bằng tù tội, bằng mất mát tài sản
và mất…. Cả mạng sống.
Đừng để cho kẻ cầm quyền “bịt mắt” các bạn bằng những
ngôn từ trên báo chí của kẻ cầm quyền rằng các bạn là “dân trí thấp”, các bạn
là “dân của nước nhỏ”, các bạn là dân “vừa trải qua chiến tranh”, để biện minh
cho sự dốt nát, yếu kém, bất tài, tham lam và vô học của những kẻ đang cầm quyền,
muốn xây dựng một đất nước cường mạnh, thì phải có nỗ lực của toàn dân tộc,
nhưng đáng tiếc ở Việt Nam, toàn dân tộc không có một chút cơ hội nào, ngoài trừ
hơn 3 triệu đảng viên, thì nước Việt Nam vĩnh viễn chỉ “ăn mày” khắp thế giới
và cuối cùng thì “xuống hố cả nước” (XHCN) mà thôi.
Trần Nhật Phong
(*) chữ BBT ghi chú thêm