15.03.2017

Gặp gỡ một số gương mặt trẻ gốc Việt tại Đại Hội Tự Do Internet 2017

Gặp gỡ một số gương mặt trẻ gốc Việt tại Đại Hội Tự Do Internet 2017 *

   Trinh Nguyễn tại đại hội IFF

Đại Hội Tự Do Internet 2017 (Internet Freedom Festival- IFF) được tổ chức vào đầu tháng Ba tại Valencia, Tây Ban Nha là một sự kiện lớn của các nhà hoạt động trên toàn thế giới, với khoảng 1,300 người đến từ hơn 100 quốc gia. Trong đại hội này có khoảng 50 người Việt Nam đến từ Âu, Á, Mỹ, Úc. Và điều đáng tự hào cho người Việt Nam là nhiều gương mặt trẻ đã tham gia vào việc tổ chức, điều hành sự kiện mang tầm vóc quốc tế này. Sau đây là một vài gương mặt trẻ tiêu biểu đó:


Trinh Nguyễn: đến từ Vancouver, Canada. Những người tham gia IFF thấy Trinh đứng trên sân khấu cùng nhóm chính của ban tổ chức trong ngày khai mạc đại hội. Họ còn thấy Trinh ở khắp nơi trong suốt thời gian đại hội diễn ra. Cô gái Việt 29 tuổi này, rời Gò Công-Việt Nam để sang Mỹ định cư cùng gia đình vào năm cô chỉ mới 6 tuổi. Trinh lớn lên ở Texas, tốt nghiệp đại học ngành Quan Hệ Quốc Tế ở Washington D.C & Boston. Hiện nay Trinh đang làm việc cho Rhize, một tổ chức NGO chuyên huấn luyện cho các phong trào đấu tranh xã hội, chính trị theo phương pháp bất bạo động trên toàn thế giới. Trinh là một chuyên viên huấn luyện của Rhize trong lĩnh vực hoạt động trên mạng internet, chống lại bạo hành giới tính… Chỉ mới đây thôi, Trinh có mặt ở Uganda, Keyna để huấn luyện cho các nhà tranh đấu phụ nữ tại những quốc gia Châu Phi này.

Là một trong những cố vấn của đại hội IFF, Trinh Nguyễn cho rằng IFF là một cơ hội rất tốt cho những nhà hoạt động Việt Nam trong và ngoài nước học hỏi, phát triển kỹ năng hoạt động trên mạng internet. Những chuyên gia kỹ thuật, những nhà hoạt động khắp nơi đổ về đây để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm.

Trinh Nguyễn nói tiếng Anh như một người Mỹ, mặc dù cô nói và hiểu tiếng Việt khá tốt. Lớn lên ở Mỹ, những tâm cô lúc nào cũng hướng về Việt Nam. Cô cho là mình phải có bổn phận để phục vụ cho tổ quốc Việt Nam, và cảm thấy mình đang có những tố chất để làm việc này. Việt Nam cần phải thay đổi. Và Trinh tin là những người cùng một lý tưởng bất bạo động với cô đang đi đúng hướng trong sứ mệnh làm thay đổi Việt Nam bằng những hình thức đấu tranh ôn hòa, tránh gây thêm căm thù, chia rẽ cho một nước Việt Nam trong tương lai.

Lê Xuân Đôn tại đại hội IFF

Lê Xuân Đôn: đến từ Sydney, Úc. Đôn là người điều hợp buổi hội thảo “Ask Me Anything About Vietnam” tại đại hội IFF, với sự tham gia của hơn 30 nhà họat động đến từ Pháp, Brazil, Mỹ, các quốc gia Đông Nam Á… Chàng thanh niên gốc VIệt 26 tuổi này sinh ra ở Úc, nhưng nói tiếng Việt thật rành. Đôn cho biết tiếng Việt của mình mới được cải thiện nhiều chỉ mới những năm gần đây, khi Đôn quyết tâm dấn thân vì Việt Nam. Đôn đang theo học về ngành Truyền Thông tại Anh, và lấy vài ngày nghỉ để sang dự đại hội IFF.

Khi được hỏi tại sao lại chọn con đường đấu tranh cho Việt Nam, trong khi bản thân có thể có một cuộc sống bình yên ở ÚC, Đôn tâm sự rằng trước đây thời còn học trung học, Đôn thường xuyên theo gia đình về thăm Việt Nam.  Đôn nhận ra rằng quê hương mình đang bị lạc hướng, với quá nhiều bất công xã hội, với tình trạng bất cân xứng giữa tiềm năng và thực trạng đáng buồn. Một quê hương gấm vóc, với những người dân cần cù, chịu khó, mà đang bị tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực. Khi đi học đại học, Đôn tham gia vào Tổng Hội Sinh Viên tại ÚC. Đôn có dịp đi dự Đại Hội Sinh Viên ở Phi Luật Tân, nơi đó anh gặp một số bạn sinh viên đến từ Việt Nam. Thấy những người đồng trang lứa với mình tại quê nhà trăn trở vì vận mệnh hiểm nghèo của đất nước, Đôn nghĩ mình phải làm một cái gì đó để thay đổi Việt Nam. Sau một thời gian tìm hiểu các tổ chức đấu tranh trong và ngoài nước, Đôn quyết định tham gia tổ chức Việt Tân, vì thấy đường lối đấu tranh bất bạo động, canh tân Việt Nam của tổ chức này phù hợp với mình. Phong trào đấu tranh của giới trẻ trong nước Việt Nam chỉ mới hình thành, còn non trẻ. Đôn tin là những người Việt trẻ như mình ở hải ngoại sẽ là một cầu nối thích hợp với giới trẻ trong nước, để truyền lửa về cho phong trào của giới trẻ tại Việt Nam.

Còn nhiều gương mặt trẻ gốc Việt nữa tại đại hội. Đó là Giang đến từ Nhật, Jenny đến từ Washington D.C, Tiffany đến từ Đức… Những người trẻ tuổi này đã là nguồn cảm hứng của những người thuộc thế hệ đi trước.

Nhà báo kỳ cựu Nguyễn Văn Khanh- Trưởng Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do- đã tâm sự rằng những khuôn mặt trẻ trung, rạng rỡ, với tài năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau này chính là tương lai của cộng đồng hải ngoại, và của đất nước Việt Nam.

Một nhà hoạt động trong nước đã nói rằng chẳng cần chính quyền CSVN làm điều chi to tát trong chính sách đối ngoại với Tàu, với Mỹ. Chỉ cần họ tạo điều kiện để những tài năng trẻ gốc Việt, có lòng với quê hương có cơ hội đóng góp công sức của mình để xây dựng tổ quốc. Làm được như vậy, Việt Nam chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều so với bây giờ. Khi cả nước đang than van là không có người tài điều hành đất nước, thì những người trẻ có khả năng lại bị chính quyền xếp vào nhóm “phản động”, ngăn cản họ về giúp cho dân tộc. Biến những tài năng này từ “thù” thành “bạn” chính là cách đổi mới cần thiết nhất, mà chính quyền CSVN có thể thực hiện trong lúc sơn hà nguy biến hiện nay.

Đoàn Hưng / SBTN


* Đại Hội Tự Do Internet (IFF- Internet Freedom Festival) được tổ chức lần thứ ba tại thành phố Valencia, miền Nam Tây Ban Nha từ ngày 6 đến 10 tháng 3 2017. IFF là một hội thảo quốc tế, qui tụ những nhà hoạt động, những nhà phát kiến kỹ thuật, công ty internet, nhà làm luật, phóng viên, những tổ chức xã hội dân sự… có cùng một mục tiêu chung: bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên internet cho cư dân mạng toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia mà chính quyền áp dụng chính sách kiểm duyệt, ngăn cấm người dân sử dụng quyền căn bản này.

Mặc dù chỉ mới được tổ chức lần thứ ba, IFF 2017 đã qui tụ đến khoảng hơn 1300 người, đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới! Phân loại một cách đơn giản, sẽ có hai thành phần đến tham dự IFF: một là những người đi tìm cách để bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên internet của mình; và hai là những người đến để cung cấp những giải pháp để bảo vệ quyền lợi đó. Họ là các nhà hoạt động tại Iran, Nigeria, VIệt Nam… đến để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, giải pháp với các công ty kỹ thuật liên quan đến internet, với các Tổ Chức Ký Giả Không Biên Giới, Tổ Chức Bảo Vệ Ký Giả, …