27.03.2017

Giáo phận Vinh kêu gọi ký tên thỉnh nguyện thư về việc giải quyết thảm họa Formosa

Giáo phận Vinh kêu gọi ký tên thỉnh nguyện thư về việc giải quyết thảm họa Formosa



Giáo phận Vinh vừa đưa ra một bản thỉnh nguyện thư trên mạng, kêu gọi người dân ký tên, với yêu cầu 75,000 chữ ký, để gửi tới Chính phủ Đài Loan, các tổ chức nhân quyền quốc tế, nhằm tạo áp lực yêu cầu Formosa Hà Tĩnh giải quyết thảm hoạ môi trường, đền bù thiệt hại cho bà con ngư dân miền Trung.


Đây là sáng kiến của Ban hỗ trợ môi trường của Giáo phận Vinh. Thỉnh nguyện thư gửi tới: Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ Đài Loan; Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP); Liên Hiệp Âu Châu; Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Á Châu; các tổ chức, hiệp hội bảo vệ môi trường quốc tế và những người yêu chuộng công lý và bảo vệ môi trường. Thỉnh nguyện thư kêu gọi sự ủng hộ để giúp giải quyết thảm họa Formosa.

Một năm kể từ sau ngày xảy ra thảm hoạ môi trường biển tại các tỉnh miền Trung. Hậu quả trước mắt và lâu dài của nó gây ra vẫn chưa hề được giải quyết. Dù chính quyền CSVN nói công ty Formosa đã đền bù 500 triệu Mỹ Kim, nhưng chỉ có khoảng 30% số tiền này được giải ngân. Với số tiền ít ỏi như vậy, cuộc sống ngư dân ở bốn tỉnh miền Trung bị Formosa đầu độc đang ở cảnh khốn cùng. Mọi cuộc khởi kiện của ngư dân Formosa của các Linh Mục và giáo dân tại Nghệ An đều bị chính quyền ngăn chặn, đàn áp.

Được biết, sau hai ngày kêu gọi ký trực tuyến, đã có hơn 61,000 chữ ký. Người đầu tiên ký vào bản thỉnh nguyện thư là Đức cha Paul Nguyễn Thái Hợp, Giám mục giáo phận Vinh với lời nhắn: “…con cháu chúng ta sau này sẽ hỏi: vào thời điểm đất nước lâm nguy, Biển Đông bị ô nhiễm, ông bà cha mẹ đã làm gì để cứu biển và cứu chúng con…”.

Trong bản thỉnh nguyện thư cho biết: “…chúng tôi rất cần sự hậu thuẫn của các cơ quan quốc tế, cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường lên tiếng bênh vực, và có những hoạt động thiết thực để trợ giúp chúng tôi trong thảm họa này. Chúng tôi rất mong quí vị hữu trách trong chính quyền Đài Loan sử dụng thẩm quyền của mình để buộc Formosa phải hành xử có trách nhiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh trên đất nước chúng tôi, tôn trọng môi trường sống của người dân Việt Nam, đồng thời đưa ra phương án cụ thể để khắc phục thảm họa, trả lại môi trường trong sạch và đền bù thỏa đáng cho các nạn nhân. Sau cùng, chúng tôi mong Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu Châu, Ngân Hàng Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu cùng với các tổ chức môi trường giúp chúng tôi đưa ra phương án, và yêu cầu chính phủ Việt Nam nỗ lực khắc phục môi trường và đời sống của nạn nhân…”

Tháng 4/2017 sắp tới sẽ đánh dấu 1 năm xảy ra thảm họa Formosa.

Nguyên Nguyễn (SBTN)


Dưới đây là toàn văn Thỉnh nguyện thư: (https://thamhoaformosa.com/)


Kiến Nghị về việc Giải Quyết Thảm Họa Formosa

Kính gửi:
·         Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ Đài Loan
·         Chương Trình Môi Trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP)
·         Liên Hiệp Âu Châu
·         Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu
·         Các tổ chức, hiệp hội bảo vệ môi trường quốc tế
·         Những người yêu chuộng công lý và bảo vệ môi trường

Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, là nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của thảm họa môi sinh do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh – một chi nhánh của Tập Đoàn Formosa Đài Loan – gây ra tại 4 tỉnh miền Trung Việt Nam, điều mà người dân Việt Nam chúng tôi gọi là “Thảm họa Formosa”.

Trước hết, chúng tôi tin tưởng các cơ quan của Liên Hiệp Quốc, các ngân hàng quốc tế, Liên Hiệp Âu Châu, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chính phủ và nhân dân Đài Loan là những người quan tâm sâu sắc đến ô nhiễm môi trường sống và hệ quả của nó lên con người. Vì thế, chúng tôi gửi thư này đến quý vị với mong muốn nhận được sự trợ giúp để giải quyết thảm họa Formosa.

Tháng 4/2016, Công ty Formosa đã thải một lượng lớn chất thải độc hại ra biển miền Trung Việt Nam gây ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài hơn 250 km bờ biển làm sinh vật chết hàng loạt. Cá, tôm, san hô và nhiều loại thủy sản chết làm hệ sinh thái thềm lục địa miền Trung Việt Nam bị phá hủy, theo đánh giá phải mất hàng chục năm mới có thể khắc phục hậu quả này. Ngoài ra, độc tố từ chất thải công nghiệp đang tích tụ vào trầm tích đáy biển là hiểm họa có thể gây bệnh tật nguy hại cho tương lai lâu dài của người dân Việt Nam.

Thảm họa Formosa đã phá hủy nguồn thủy sản, là nguồn thực phẩm chính yếu, truyền thống của người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, thảm họa này đã cướp mất nghề nghiệp của hàng trăm ngàn lao động trong các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá. Các nghề nghiệp liên quan như du lịch, khách sạn, nhà hàng… cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều gia đình lâm vào cảnh túng quẫn do thất nghiệp, nhiều người phải bỏ quê hương xứ sở đi mưu sinh ở những nơi xa. Nhiều trẻ em có nguy cơ rơi vào cảnh thất học do gia đình mất nguồn thu nhập.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn đối mặt với nguy cơ mắc các chứng bệnh nan y như ung thư, dị tật, quái thai, thần kinh… do ăn phải thực phẩm bị nhiễm độc tố kim loại nặng do Formosa thải ra tồn lưu trong biển. Kinh hoàng hơn nữa khi báo chí đã tiết lộ nhiều thông tin cho rằng, Formosa không chỉ xả thải ra biển mà còn chôn chất thải rắn nhiều nơi trên đất liền và cả nguồn khí thải cũng chứa nhiều độc tố. Chúng tôi thật sự rất hoang mang lo sợ cho sức khỏe, tính mạng của chúng tôi và tương lai giống nòi của chúng tôi.
Chính vì thế, chúng tôi rất cần sự hậu thuẫn của các cơ quan quốc tế, cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường lên tiếng bênh vực và có những hoạt động thiết thực để trợ giúp chúng tôi trong thảm họa này. Cách riêng, chúng tôi rất mong quí vị hữu trách trong Chính quyền Đài Loan sử dụng thẩm quyền của mình để buộc Formosa phải hành xử có trách nhiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh trên đất nước chúng tôi, tôn trọng môi trường sống của người dân Việt Nam, đồng thời đưa ra phương án cụ thể để khắc phục thảm họa, trả lại môi trường trong sạch và đền bù thỏa đáng cho các nạn nhân. Sau cùng, chúng tôi mong Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu Châu, Ngân Hàng Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu cùng với các tổ chức môi trường giúp chúng tôi đưa ra phương án và yêu cầu chính phủ Việt Nam nỗ lực khắc phục môi trường và đời sống của nạn nhân.

Chúng tôi rất mong được sự trợ giúp từ quý vị.

Chân thành cảm ơn!

Các nạn nhân trực tiếp và gián tiếp đồng ký tên.