29.03.2017

Tin Tổng Hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (29.03.2017)

Tin Tổng Hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (29.03.2017)

Phi Luật Tân - Trung cộng sẽ họp song phương về Biển Đông
Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte (trái) bắt tay Thủ tướng Trung cộng Lý Khắc Cường tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh vào ngày 20 tháng 10 năm 2016.  AFP photo

Tháng Năm tới đây, Trung cộng và Phi Luật Tân sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên về cơ chế tham vấn song phương để cùng giải quyết những vấn đề liên quan đến Biển Đông.


Tin này được phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại Giao Trung cộng loan báo trong cuộc gặp gỡ thường ngày với báo chí tại Bắc Kinh, nói thêm hai quốc gia hiện đang duy trì những cuộc đàm phán mang tính hữu nghị về vấn đề này.

Quyết định thành lập cơ chế tham vấn song phương về Biển Đông được Manila và Bắc Kinh thông qua hồi đầu năm nay, với mục đích giải quyết cuộc tranh chấp đang có giữa 2 nước về khu vực biển mà Phi Luật Tân nói là có chủ quyền, đồng thời cũng để tăng cường hợp tác an ninh và hợp tác hàng hải, cùng nhau xây dựng phát triển bền vững.

Không đầy 2 tuần lễ trước khi có tin về cuộc họp song phương sẽ diễn ra vào tháng Năm tới đây, Tổng Thống Phi, ông Rodrigo Duterte, cho biết đang suy tính việc hợp tác với Trung cộng để cùng khai thác tài nguyên thiên nhiên ở khu vực tranh chấp. Trước đó, Tổng Thống Phi còn nói rằng ông không muốn đối đầu với Bắc Kinh, nêu ra lý do quân đội Phi không đủ mạnh để bảo vệ an ninh quốc phòng, đồng thời Trung cộng là một nước bạn, sẽ giúp Phi phát triển về kinh tế.

Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, bà phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh cho hay Trung cộng đã ngỏ lời mời phái đoàn đại diện lực lượng tuần duyên Phi sang thăm Hoa Lục. Chuyến viếng thăm này sẽ diễn ra trong một ngày gần đây.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung cộng nhắc lại tháng Hai vừa rồi tại hội nghị thành lập Ủy Ban Hợp Tác Tuần Duyên Và Hàng Hải, hai chính phủ đã đưa ra danh sách những hoạt động cùng làm trong năm 2017, bao gồm các chuyến viếng thăm cấp cao, tầu thuyền 2 nước sẽ ghé thăm cảng của nhau, song song với hợp tác diễn tập và hoạt động chung trên biển.
RFA


Trung cộng sẽ tăng lực lượng hải quân lên 100.000 người
Lính Hải quân của khu trục hạm Trung cộng "Ích Dương - Yancheng" lúc cập bến San Diego, California, Mỹ, trong 6 ngày viếng thăm vào tháng 12/2016.Bill Wechter / AFP

Theo tờ báo Hồng Kông South China Morning Post, Trung cộng có kế hoạch tăng lực lượng hải quân từ 20.000 lên 100.000 quân. Tờ báo dẫn một nguồn tin nội bộ ẩn danh và các chuyên gia cho biết, lực lượng này có thể trú đóng ở nước ngoài, trong đó có cảng Djibouti ở vùng Sừng Châu Phi, và Gwadar, ở miền tây nam Pakistan.

Hải quân Trung cộng đang dần mở rộng tầm vóc trong những năm gần đây. Vùng hoạt động cũng được dần dà trải rộng ra, từ các hoạt động ở vùng duyên hải Trung cộng – trong đó có việc bảo việc lợi ích của Bắc Kinh tại biển Hoa Đông và Biển Đông, chuẩn bị cho khả năng đổ bộ tấn công Đài Loan – cho đến những nhiệm vụ mang tính toàn cầu.

« Hải quân Trung cộng có thể được tăng lên đến 100.000 quân, gồm sáu lữ đoàn trong thời gian tới, để hoàn thành các nhiệm vụ mới của đất nước chúng tôi » - một nguồn tin nói với South China Morning Post. Nguồn tin này cũng cho biết hai lữ đoàn tác chiến đã sẵn sàng được điều sang hải quân, làm tăng quân số của hai lữ đoàn đang thiếu người từ 12.000 lên 20.000.

Mỗi lữ đoàn hải quân được chia làm một trung đoàn thiết giáp và hai tiểu đoàn lính thủy. The Diplomat dẫn trang tin chuyên về quốc phòng IHS Jane’s cho biết, bộ Quốc Phòng Trung cộng cũng có thể xem xét trang bị cho các lữ đoàn hải quân loại chiến xa lội nước Norinco ZTL-11 trang bị súng cối 105 ly, có thể mang theo hỏa tiễn chống tăng tầm bắn 5.000 mét, tấn công được trực thăng bay thấp.

Trung cộng đang chuẩn bị tăng lực lượng cơ giới thủy quân lục chiến (AMID) từ hai lên bốn lữ đoàn, tức từ 30.000 lên 60.000 quân. Mỗi lữ đoàn được trang bị đến 300 thiết giáp và xe lội nước, trong đó có ZBD05 và ZLT05, cũng như các chiến xa hạng nặng đầy đủ trang thiết bị.
Tuy nhiên hiện hải quân và thủy quân lục chiến chưa có hệ thống chỉ huy chung.

Trong khi Trung cộng có thể tăng cường hai lực lượng này, điểm yếu nhất vẫn là năng lực vận chuyển lính thủy đánh bộ. Theo ước lượng của RAND Corporation, quân đội Trung cộng có thể huy động 89 tàu đổ bộ trong năm 2017, kể cả năm chiếc tàu đổ bộ cấp Ngọc Châu (Yuzhao) Type 071, cho đến hai chiếc tàu đổ bộ lớn hơn cấp Tây Sa (Xisha) Type 081.

Tàu Type 071 có thể vận chuyển đến 600 quân và từ 15 đến 20 xe bọc thép, còn Type 081 loại lớn nhất chở được 900 đến 1.100 lính thủy và 30 đến 40 thiết giáp (cùng với 8 trực thăng). RAND ước đoán tổng năng lực vận chuyển một chiều của Trung cộng đến cuối năm 2017 là 2,7 sư đoàn hay khoảng 40.000 quân.

Tuy nhiên, ước tính này dựa trên kịch bản xâm lược Đài Loan, không áp dụng cho việc triển khai các đơn vị hải quân rộng rãi hơn trên toàn cầu. Dù vậy, đến giai đoạn này Trung cộng chắc chắn có khả năng tiến hành thành công các chiến dịch đổ bộ lên những hòn đảo có diện tích trung bình tại Biển Đông, hoặc xa hơn nữa.

Thụy Mi (RFI)



AMTI :Trung cộng sẵn sàng bố trí chiến đấu cơ tại Trường Sa

Ảnh vệ tinh do AMTI công bố ngày 14/03/2017 cho thấy các căn cứ mà Trung cộng xây dựng trên đá Subi, Trường Sa, Biển ĐôngMANDATORY CREDIT CSIS/AMTI DigitalGlobe/Handout via REUTERS

Kế hoạch của Trung cộng bồi đắp và xây dựng cơ sở quân sự ở các đảo nhân tạo ở Biển Đông gần như hoàn tất. Bắc Kinh có thể bố trí máy bay quân sự bất cứ lúc nào tại Trường Sa. Trên đây là nhận định của một cơ quan tham vấn chiến lược Mỹ Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI), một bộ phận của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế ở Washington công bố hôm thứ Hai 27/03/2017.

Reuters trích dẫn tuyên bố của giám đốc cơ quan tham vấn Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI Greg Poling cho biết hình ảnh vệ tinh chụp trong tháng này cho thấy Trung cộng vừa trang bị thêm nhiều « ăng-ten » ra-đa trên hai đảo đá Chữ Thập và Subi . Như vậy, Trung cộng dường như đã hoàn tất phần lớn cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo tại Trường Sa và có thể bố trí bất cứ lúc nào từ máy bay chiến đấu, tàu chiến cho đến các trang thiết bị quân sự khác từ đại pháo cho đến tên lửa ở ba đảo đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn. Theo chuyên gia Greg Poling, với hai « ăng-ten » mới này, Trung cộng chuẩn bị các động thái mới trong nay mai.

Tại hai quần đảo tranh đoạt với Việt Nam và Phi Luật Tân, Bắc Kinh đã xây dựng xong ba căn cứ quân sự ở Trường Sa và một căn cứ quân sự ở đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) ở phía bắc. Bốn tiền đồn này, với phi đạo và ra-đa cho phép chiến đấu cơ Trung cộng hoạt động bao trùm toàn bộ Biển Đông.

Từ một năm nay, Trung cộng bố trí tên lửa phòng không HQ-9 ở Phú Lâm và ít nhất một lần đưa tên lửa chống hạm ra đảo này. Vệ tinh còn phát hiện các cơ sở có mái che « đóng mở » ở ba đảo Chữ Thập và Subi và Vành Khăn, bảo vệ các dàn tên lửa di động. Đảo Chữ Thập còn có cơ sở đủ lớn để chứa 24 máy bay quân sự.

Tuần qua, khi thăm viếng Úc, thủ tướng Trung cộng Lý Khắc Cường vẫn tuyên bố « không có ý đồ quân sự hóa Biển Đông » mà chỉ muốn « bảo vệ lưu thông hàng hải quốc tế ».

Tú Anh (RFI)



Bắc Kinh kêu gọi hợp tác giải quyết chuyện Biển Đông

Thứ Trưởng Ngoại Giao Trung cộng Lưu Chấn Dân.  AFP photo

Một lần nữa, Bắc Kinh lại lên tiếng kêu gọi các nước trong vùng Biển Đông hãy hợp tác với Trung cộng, để tạo dựng niềm tin, giải quyết căng thẳng đang có trong khu vực.

Trong bài phát biểu mới đọc tại Hải Nam, Thứ Trưởng Ngoại Giao Trung cộng Lưu Chấn Dân nói rằng Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với các nước trong nhiều lãnh vực, từ chống thiên tai, cứu hộ trên biển, nghiên cứu khoa học, cũng như đảm bảo an toàn hàng hải.

Thứ Trưởng Ngoại Giao Trung cộng nhấn mạnh hợp tác giữa Bắc Kinh với các nước trong vùng Biển Đông nhắm vào mục đích cùng nhau xây dựng niềm tin, chứ không phải để giải quyết tranh chấp chủ quyền, vì Trung cộng có chứng cớ lịch sử xác nhận những hoàn đảo, bãi đá, đang chiếm giữ là của mình.

Đây không phải lần đầu tiên Thứ Trưởng Ngoại Giao Trung cộng Lưu Chấn Dân kêu gọi hợp tác đồng thời khẳng định chủ quyền ở hầu hết khu vực Biển Đông.

Giữa tháng Bảy năm ngoái khi Tòa Trọng Tài Quốc Tế The Hague ra phán quyết nói rằng Trung cộng không có chủ quyền lịch sử lẫn chủ quyền pháp lý trong khu vực “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh tự ý vẽ ra, ông Thứ trưởng Lưu Chấn Dân nói rằng phán quyết của Tòa chỉ là một tờ giấy đáng vứt bỏ, đồng thời còn đe dọa Trung cộng có quyền thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, như họ từng làm hồi 2013 ở Biển Hoa Đông.

Ông Thứ Trưởng Ngoại Giao Trung cộng  cũng nhiều lần lên tiếng cho rằng nhiều nước đang tìm cách can dự ở Biển Đông, khiến nguy cơ xung đột có thể xảy ra.

Chỉ trích này được xem là nhắm vào Hoa Kỳ và Nhật Bản, là những nước thường xuyên lên tiếng chỉ trích việc Bắc Kinh xây dựng, cải tạo những hòn đảo, bãi đá mà họ tự ý chiếm giữ, đồng thời còn gia tăng nỗ lực quân sự hóa Biển Đông.

RFA


Trung cộng hoàn tất các căn cứ trên 3 đảo nhân tạo ở Trường Sa
Đảo nhân tạo Su Bi gần hoàn tất các công trình xây dựng cơ sở, các vị trí phòng hóa tiễn thủ cũng như tấn công. (Hình: CSIS/DigitalGlobe)

Công việc xây dựng các cơ sở, trang bị các hệ thống căn bản cho các tòa nhà, cơ sở trên ba đảo nhân tạo lớn nhất mà Trung cộng xây dựng ở Trường Sa coi như đã xong để sử dụng.

Bài viết tóm tắt kèm theo các không ảnh mà bộ phận Asia Maritime Transparency Initiative (Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu) của Tổ Chức Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) tại Washington DC vừa công bố hôm 27 Tháng Ba 2017 cho người ta những thông tin mới nhất về hành động lấn tới từng bước trong tham vọng khống chế toàn bộ Biển Đông của Trung cộng.

Hơn một năm trước, cựu giám đốc tình báo quốc gia James Clapper gửi cho nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng Viện, lá thư đưa ra một số nhận định của ông về hoạt động và ý đồ của Trung cộng trên Biển Đông. Theo ông Clapper, Trung cộng sẽ hoàn tất các việc xây dựng tại các đảo nhân tạo vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017.

Lời tiên đoán của ông Clapper cũng không sai chạy bao nhiêu khi phân bộ Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu phân tích các tài liệu và các không ảnh họ nhận được mới nhất được chụp hơn một tuần lễ mới đây, tức vào các ngày 9, 11 và 14 Tháng Ba 2017.

Đảo nhân tạo Đá Thập gần hoàn tất các công trình xây dựng cơ sở, các vị trí phòng hóa tiễn thủ cũng như tấn công. (Hình: CSIS/DigitalGlobe)

Ba đảo nhân tạo lớn có phi đạo dài 3,000 mét gồm đảo Đá Thập, đảo Vành Khăn và đảo Su Bi đã xong các cơ sở cho hải quân, không quân, radar cũng như các cơ sở phòng thủ khác mà bộ phận Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu theo dõi sát suốt từ gần hai năm qua. Chúng hầu như đã hoàn tất.
“Bây giờ Bắc Kinh có thể điều động các trang bị quân sự gồm cả phi cơ chiến đấu và các giàn hỏa tiễn lưu động đến quần đảo Trường Sa bất cứ lúc nào.” Bản tường trình của Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu viết.

Theo tổ chức này, ba căn cứ không quân ở ba đảo nhân tạo nói trên cùng với căn cứ không quân đặt trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa cho phép phi cơ Trung cộng hoạt động gần như bao trùm toàn diện Biển Đông. Điều này cũng đúng đối với khả năng bao trùm khu vực của các giàn radar tân tiến mà họ đặt trên các đảo làm nhiệm vụ quan sát, cảnh báo sớm như tại đảo Đá Thập, đảo Su Bi, đảo Vành Khăn, đảo Châu Viên, đảo Phú Lâm và nhiều đảo khác nhỏ hơn ở cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Trung cộng đã duy trì hỏa tiễn phòng không tầm xa HQ-9 tại đảo Phú Lâm từ hơn năm qua mà ít nhất họ đã lộ ra cho mọi người thấy 2 dàn sau khi một khu trục hạm Hoa Kỳ đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của đảo Tri Tôn, đảo cực nam của quần đảo Hoàng Sa.

Bây giờ, người ta thấy trên ba đảo nhân tạo nói trên có các cơ sở rất kiên cố với mái che bấm điện mở ra đóng lại sẽ được dùng để tàng trữ các giàn hỏa tiễn lưu động.

Đi vào chi tiết, các nhà chứa máy bay trên đảo Đá Thập đủ lớn để chứa 24 máy bay chiến đấu, 4 máy bay lớn như máy bay vận tải, tiếp dầu trên không hay máy bay ném bom tầm xa đã hoàn tất. Từ Tháng Giêng vừa qua, các vòm radar đã được lắp trên ba tòa tháp cao ở phía tây bắc cũng như một tòa tháp cao ở phía bắc của phi đạo trên đảo mà trước đây chưa biết họ làm gì. Một nhóm nhiều vòm radar ở phía bắc của phi đạo được hiểu là các giàn radar và hệ thống cảm biến điện tử.

Đảo nhân tạo Vành Khăn gần hoàn tất các công trình xây dựng cơ sở, các vị trí phòng hóa tiễn thủ cũng như tấn công. (Hình: CSIS/DigitalGlobe)

Trên đảo nhân tạo Vành Khăn, các nhà chứa đủ cho 24 máy bay đã hoàn tất và trong những ngày đầu Tháng Ba, nhân công đã hoàn thiện những chi tiết cuối cùng cho 5 nhà để máy bay lớn. Một tòa tháp radar đạt ở giữa đảo và ba tòa tháp lớn được xây dựng tại góc tây nam. Việc đặt các vòm radar trên mặt đất bên cạnh các tòa tháp này cho người ta hiểu là chúng cũng sẽ được lắp giống như ờ Đá Thập và Su Bi. Các mái che kéo ra kéo vào được cũng đã được lắp vào các cơ sở chứa các giàn hỏa tiễn di động mới hoàn tất.

Trên đảo nhân tạo Su Bi, xây dựng cũng đã hoàn tất cho nhà chứa 24 máy bay và 4 nhà chứa máy bay lớn. Những hình ảnh mới nhất cho thấy những dãy vòm radar trên ba tòa tháp đang ở những giai đoạn hoàn thiện khác nhau trong khi một tòa tháp radar đã hoàn tất bên cạnh phi đạo. Trên đảo này còn có một giàn radar đặc biệt mà các đảo khác chưa thấy, nhiều phần là radar tần số cao được đặt gần các vị trí phòng thủ nhằm bảo vệ chống lại các vụ tập kích từ trên không hay hỏa tiễn bắn tới.

Ngày 23 Thán Hai 2017, Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu cũng đã có một bản tường trình về các tòa nhà dành cho các giàn hỏa tiễn lưu động và các vị trí hỏa tiễn phòng không tại các đảo Vành Khăn, Đá Thập và Su Bi.

Trước đó, ngày 8 Tháng Hai 2017, họ cũng đã tường trình về các hoạt dộng mở rộng, bồi đắp một số đảo tại quần đảo Hoàng Sa mà Trung cộng cướp của Việt Nam. 

Người Việt



Cận cảnh các cơ sở quân sự Trung cộng xây phi pháp ở Trường Sa

Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) hôm 27.3 đã công bố các hình ảnh vệ tinh chụp hồi đầu và giữa tháng 3, theo dõi việc xây dựng phi pháp của Trung cộng tại các đảo nhân tạo tại Biển Đông.

Hệ thống radar Trung cộng xây phi pháp trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ảnh vệ tinh DigitalGlobe chụp ngày 9.3.2017

Trung cộng đã gần hoàn thành các cơ sở phòng thủ và tấn công tại ba đảo nhân tạo phi pháp lớn nhất ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, máy bay quân sự Trung cộng nay có thể hoạt động gần như toàn bộ Biển Đông.

Các hình ảnh mới của AMTI cho thấy hầu hết các công trình quân sự của Trung cộng đều sắp hoàn thành, giúp Trung cộng có thể triển khai hàng loạt khí tài quân sự đến các đảo nhân tạo phi pháp này vào bất kỳ lúc nào, bao gồm cả máy bay chiến đấu và bệ phóng tên lửa di động. Hầu hết các công trình radar, cơ sở phòng thủ trên biển và trên không của Trung cộng đều đang ở giai đoạn cuối cùng.

Theo đánh giá của AMTI, với các căn cứ không quân tại 3 đảo nhân tạo trên và thêm một căn cứ ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, máy bay quân sự của Trung cộng sẽ có thể hoạt động gần như trên toàn bộ Biển Đông. Tầm hoạt động của radar Trung cộng cũng bao phủ gần cả Biển Đông rộng lớn. Lý do là vì trong thời gian qua Trung cộng đã lắp đặt phi pháp hệ thống radar giám sát và cảnh báo sớm ở đá Chữ Thập, Xu Bi và Châu Viên (thuộc quần đảo Trường Sa) cũng như trên đảo Phú Lâm. Hệ thống radar với quy mô nhỏ hơn được lắp đặt ở nhiều nơi khác trên Biển Đông.

Tại đảo Phú Lâm, Trung cộng đã triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 trong hơn một năm qua, chưa kể ít nhất một lần từng triển khai tên lửa hành trình chống hạm đến đây.

Hiện việc xây dựng tại bộ ba đảo nhân tạo phi pháp nói trên ở quần đảo Trường Sa tập trung cho các nhà chứa bệ phóng tên lửa di động được gia cố vững chắc và có mái che.

Đá Chữ Thập

Tất cả các nhà chứa máy bay trên đá Chữ Thập nay đã hoàn tất, đủ chỗ cho 24 máy bay chiến đấu và 4 máy bay lớn hơn như máy bay vận tải, tiếp dầu, ném bom...

Hồi tháng 1.2017 vừa qua, các mái vòm che radar đã được Trung cộng lắp đặt trên 3 tháp lớn ở phía đông bắc của đá Chữ Thập cũng như trên một tháp ở đầu phía bắc đường băng tại đây. Tính tổng thể, một loạt mái vòm che radar được phát hiện ở phía bắc của đường băng cho thấy Trung cộng đã lắp đặt cả một hệ thống radar, cảm biến ở đây.

Nhà chứa máy bay trên đá Chữ Thập AMTI

Đá Vành Khăn

Nhà chứa cho 24 máy bay chiến đấu đã hoàn thành xong. Đến đầu tháng 3, công trình 5 nhà chứa máy bay lớn hơn cũng đã ở giai đoạn cuối cùng. Ở giữa đá Vành Khăn nay sừng sững một tháp radar đã xây xong. Ở góc tây nam của đảo nhân tạo phi pháp này, thêm 3 tháp radar lớn đang được xây dựng.

Các nhà chứa máy bay Trung cộng xây phi pháp trên đá Vành Khăn AMTI

AMTI nhận định rằng việc xây dựng tương tự cũng sẽ được tiến hành trên đá Chữ Thập và Xu Bi.

Hệ thống radar trên đá Vành Khăn AMTI

Đá Xu Bi

24 nhà chứa máy bay chiến đấu và 4 nhà chứa dành cho máy bay lớn hơn đã được xây xong. Các hình ảnh chụp gần đây cho thấy mái vòm trên 3 tháp radar cũng đã ở giai đoạn xây dựng cuối cùng. Sát đường băng ở đá Xu Bi, một tháp radar đã hoàn tất.

Đá Xu Bi là nơi đặt radar tần số cao nhất trong ba đảo nhân tạo phi pháp Trung cộng xây dựng trên Biển ĐôngAMTI

Đá Xu Bi cũng là nơi Trung cộng đặt hệ thống radar tần số cao, ở mức độ vượt trội trong bộ ba đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa. Cùng với hệ thống radar trên các đá khác, radar tần số cao nhằm mục đích bảo vệ các công trình Trung cộng xây phi pháp trước các cuộc tấn công từ trên không và tấn công bằng tên lửa.

Nhà chứa máy bay trên đá Xu Bi

Thanh Niên Online



Nhật bàn giao 2 phi cơ cho Phi Luật Tân tuần tra Biển Đông

Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 27.3 chính thức bàn giao 2 phi cơ huấn luyện TC-90 đầu tiên trong số 5 chiếc nước này đồng ý cho Phi Luật Tân thuê để tăng cường tuần tra ở Biển Đông.

Phi cơ CT-90 của Nhật Bản REUTERS

Lễ bàn giao diễn ra tại trụ sở của đơn vị Không quân Hải quân ở tỉnh Cavite, Phi Luật Tân. Hai chiếc phi cơ TC-90 nói trên đã cất cánh từ Nhật Bản hôm 24.3, theo báo The Rappler.

Theo thỏa thuận thuê 5 chiếc TC-90, Phi Luật Tân sẽ trả 28.000 USD/năm cho phía Nhật Bản. Trước đó, một số nguồn tin ở Nhật Bản tiết lộ với Reuters rằng Tokyo muốn tặng cho Phi Luật Tân 3 phi cơ TC-90 để tuần tra Biển Đông. Tuy nhiên theo tờ The Japan Times, Nhật Bản quyết định cho Phi Luật Tân thuê phi cơ TC-90 vì luật pháp Nhật không cho phép cấp miễn phí thiết bị quân sự cho các nước khác.

TC-90 được Lực lượng phòng vệ Nhật Bản dùng để huấn luyện phi công quân sự, nhưng phi cơ này có thể được gắn radar giám sát trên biển và trên không khi được chuyển giao cho Phi Luật Tân, theo Reuters.
Hải quân Phi Luật Tân hiện sử dụng phi cơ Islander để tuần tra và tiếp tế cho các chốt quân sự của nước này ở Biển Đông. Theo The Rappler, Hải quân Phi Luật Tân sẽ cho Islander “về hưu” sau khi nhận được 5 chiếc CT-90.

Hồi tuần trước, Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte chỉ trích Mỹ đã bất động trước những hành động của Trung cộng ở Biển Đông, và ông còn đặt vấn đề tại sao Washington không điều 5 tàu sân bay đến khu vực này để ứng phó, theo Reuters.


RFA