20.04.2017

Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung Cộng (ngày 20.04.2017)

Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung Cộng (ngày 20.04.2017)

Tàu Phi Luật Tân đâm chìm tàu Hải cảnh của Trung cộng

Hiện trường tàu Hải cảnh 3062 bị đâm chìm.

Thông tin về sự việc được Cục cảng vụ Quảng Châu ra thông báo cho hay, vụ việc xảy ra khoảng 13h30 ngày 18/4, làm 8 cảnh sát biển Trung cộng bị thương khi rơi xuống nước. Sau đó họ đã được tàu cá ngư dân cứu kịp thời.

Dù đăng tải về vụ tai nạn nhưng truyền thông Trung cộng đã không hề tiết lộ chiếc tàu này bị đâm chìm tại vùng biển nào và danh tính chiếc tàu gây nên vụ việc này.

Theo thông của trang Guancha (Trung cộng), tàu Hải cảnh 3062 trước đây là tàu Hải giám 262 từng được Trung cộng đưa đến vùng biển quanh bãi cạn Scarborough xua đuổi ngư dân Phi Luật Tân đánh bắt hải sản tại khu vực này.

Hôm 12/6/2016, chiếc tàu này tham gia đội tàu Hải cảnh Trung cộng ngăn các nhóm thanh niên Phi Luật Tân, bao gồm 15 binh sĩ lên bãi Scarborough nhân kỷ niệm Ngày độc lập của nước này.

Cùng với hành động điều (bất hợp pháp) tàu Hải cảnh xuống Biển Đông, truyền thông Trung cộng đã đăng tải hình ảnh siêu tàu Hải cảnh lớp trên vạn tấn của Trung cộng mang số hiệu 2901.

Ngoài tàu Hải cảnh 2901, hình ảnh cho thấy Nhà máy đóng tàu ở đảo Trường Hưng-Giang Nam còn đang đóng 1 tàu nữa cùng lớp mang số hiệu 3901.

Theo quy định về biên chế tàu Hải cảnh Trung cộng. Số hiệu tàu 4 số là trực thuộc các Tổng đội Hải cảnh khu vực, 5 số là tàu trực thuộc lực lượng Hải cảnh của các tỉnh. Như vậy, các tàu Hải giám 2901 và 3901 là trực thuộc các Tổng đội Hải cảnh.

Theo quy định, số đầu tiên trong số hiệu tàu chỉ Tổng đội (số 1 là Tổng đội Bắc Hải, số 2 Đông Hải, số 3 Nam Hải; vị trí thứ 2 chỉ lượng giãn nước và vị trí thứ 3, thứ 4 chỉ số hiệu tàu. Như vậy, 2901 là tàu Hải cảnh 01, lượng giãn nước thấp nhất là 9000 tấn, trực thuộc Tổng đội Hải cảnh Đông Hải, còn tàu 3901 là của Tổng đội Nam Hải.

Từ trước đến nay, Trung cộng thường đóng đồng loạt 3 tàu cùng cỡ để trang bị đều cho cả 3 tổng đội. Theo quy luật này, rất có thể Trung cộng còn đang khởi đóng tàu Hải Cảnh 1901 cho Tổng đội Bắc Hải để sử dụng 3 tàu này làm kỳ hạm cho lực lượng chấp pháp biển trên 3 vùng biển.

Hiện nay, Trung cộng đang chế tạo hoặc sắp khởi đóng gần 50 tàu Hải Cảnh, Ngư Chính cỡ lớn, có lượng giãn nước từ 3000 tấn trở lên - một con số kỷ lục từ trước đến nay của lực lượng chấp pháp biển Trung cộng. Số lượng tàu công vụ ngang với một hạm đội tàu chiến của Mỹ này là điều mà lực lượng hải quân nhiều nước mơ cũng chẳng có.

Theo tin cho biết, số tàu chấp pháp cỡ lớn này gồm có 6 tàu Hải Giám lượng giãn nước 3500 tấn, 11 tàu Ngư Chính loại 3500 tấn, 10 tàu Hải Cảnh cỡ 4000 tấn, 4 tàu Hải cảnh chuyên chịu va đập loại 5000 tấn, 4 tàu Hải Cảnh loại 6000 tấn, và ít nhất là 4 tàu Hải Cảnh cỡ lớn có lượng giãn nước tới 12.000 tấn.

Có thể nhận định, trong thời gian tới đây, Trung cộng sẽ có lực lượng tàu chấp pháp siêu mạnh. Đây chính là lực lượng "Hải quân 2' trong chiến lược độc chiếm đại dương. Các tàu này sẽ là lực lượng nòng cốt trong tranh chấp chủ quyền và nguồn lợi hải dương với tàu công vụ các nước khác trong khu vực.



Biển Đông : Đài Loan tiếp tục quân sự hóa đảo Ba Bình
Đảo Ba Bình (Itu Aba) nhìn từ trên không. Ảnh chụp ngày 29/11/2016.

Hãng tin UPI hôm qua, 18/04/2017, dẫn nguồn tin từ báo chí Đài Bắc cho biết quân đội Đài Loan đề nghị tăng cường cho Ba Bình, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam, Phi Luật Tân và Trung cộng đang tranh chấp.

Theo tờ Apple Daily, bộ Quốc Phòng Đài Loan dự định trang bị một hệ thống có thể phóng nhiều hỏa tiễn từ xa, có khả năng chống đổ bộ, sẽ là xương sống cho hệ thống phòng vệ bờ biển.

Đài Bắc cũng xem xét khả năng triển khai hệ thống vũ khí tầm ngắn XTR-102, trong đó có hai khẩu súng tự động T-75 20 ly. Taipei Times cho biết loại vũ khí này do Viện nghiên cứu quốc gia Trung Sơn (Chungshan) thiết kế, có thể điều khiển từ xa. Hiện trên đảo Ba Bình đã được trang bị pháo phòng không 40 ly, 120 ly và hỏa tiễn chống tăng AT-4.

Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan dẫn lời phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trần Trung Cát (Chen Chung Chi) nói rằng bộ này đã vạch ra « một kế hoạch chi tiết và hoàn chỉnh » để « bảo vệ vùng biển của Đài Loan ». Các hình ảnh vệ tinh cho thấy các tháp pháo phòng không trên đảo Ba Bình từ tháng 9/2016.

Việc quân sự hóa Biển Đông đang diễn ra, chủ yếu từ phía Bắc Kinh. Trung cộng đã xây các phi đạo và nhà chứa máy bay trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Đầu tháng Tư, Bắc Kinh cho triển khai các chiến đấu cơ J-11 tại quần đảo Hoàng Sa, mà Trung cộng đã dùng vũ lực chiếm từ tay quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1974. Phía Việt Nam bố trí một hệ thống phòng không trên một đảo gần Đài Loan, còn Phi Luật Tân có thể sẽ tập trận chung với Mỹ trong tháng Năm.

Đảo Ba Bình (Itu Aba Island) thuộc cụm Nam Yết ở quần đào Trường Sa, nằm trong địa phận tỉnh Bà Rịa của Việt Nam thời Pháp thuộc, bị quân Nhật chiếm làm căn cứ tàu ngầm trong Đệ nhị Thế chiến. Năm 1946 lợi dụng danh nghĩa giải giáp tàn quân Nhật, Trung Hoa Dân Quốc đã đổ bộ lên đảo Ba Bình.



Trung cộng gọi thầu thăm dò dầu khí Biển Đông
Dàn khoan 981 của Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung cộng (CNOOC).

Bắc Kinh đang tìm kiếm các nhà thầu nước ngoài để giúp thăm dò dầu và khí đốt ở Biển Đông trong dự kiến sẽ gặp phải phản đối từ các nước có tranh chấp chủ quyền trong khu vực và hơn nữa việc tìm kiếm được dầu khí ở đây không có tiềm năng lợi nhuận cao.

Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung cộng (CNOOC) tuần trước đã mời mời các công ty nước ngoài tranh thầu thăm dò tìm kiếm nhiên liệu hóa thạch tại 22 lô ở vùng biển phía nam Trung cộng. Các lô này trải dài trên một vùng biển rộng 47.270 km vuông bao gồm vùng biển mà Đài Loan và Việt Nam có tranh chấp chủ quyền. Đáng lưu ý là Việt Nam đã thẳng thắn tuyên bố chủ quyền kể từ những năm 1970.

Vấn đề phức tạp

Các nhà phân tích cho rằng các công ty dầu hỏa nước ngoài quan tâm đến hồ sơ dự thầu có thể lo ngại các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung cộng, vì việc tranh thầu này có thể gây phương hại uy tín của họ với các nước có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, hoặc bất kỳ trữ lượng nhiên liệu nào tìm được sẽ trở thành tài sản bị tranh chấp. Hạn cuối nộp hồ sơ tranh thầu là tháng 9 này.

Ông Thomas Pugh, chuyên gia kinh tế của Viện Capital Economics ở London, Anh cho rằng “khu vực này có nhiều vấn đề, có nhiều rủi ro liên quan đến tranh chấp chủ quyền. Nếu các công ty ký thỏa thuận với Trung cộng và các công ty Trung cộng, họ có thể đánh mất cơ hội làm ăn với các nước trong khu vực đang tranh chấp chủ quyền với Trung cộng."

Tranh chấp chủ quyền tiếp tục

Ông Raymond Wu, giám đốc công ty tư vấn e-telligence của Ðài Loan chuyên về các rủi ro chính trị nói rằng việc thăm dò có thể bị các nước khác phản đối.

Ông Wu nói: "Các bên tranh chấp khác không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung cộng." Ông Wu nói thêm rằng các nhà thầu nước ngoài phải đối mặt "không chỉ với sự khó khăn và rủi ro trong việc thăm dò dầu khí, mà còn vấn đề trữ lượng nhiên liệu tìm được sẽ thuộc về nước nào. Vào thời điểm này tôi không thấy có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng nhập cuộc. "
Vào tháng 5/2014, tàu Việt Nam và Trung cộng đã va chạm nhau ở bên ngoài Vịnh Bắc Bộ nơi đang tranh chấp, sau khi Bắc Kinh đưa một giàn khoan đến khu vực này.

Trong thập kỷ qua, Trung cộng cũng đã làm Brunei, Mã Lai và Phi Luật Tân lo ngại bằng việc tăng cường kiểm soát khoảng 95% trong số 3,5 triệu kilômét vuông vùng biển vốn giàu tài nguyên, và trang bị máy bay chiến đấu và hệ thống radar ở các đảo nhân tạo.

Chi phí thăm dò tốn kém

Theo ông Triệu Tích Quân, Phó khoa Tài chính, Đại học Nhân dân Trung cộng, thăm dò dầu khí cũng đòi hỏi máy móc thiết bị đắt tiền, và đó là điểm khó khăn cho một số nhà thầu tiềm năng, trong khi không ai chắc chắn sẽ khai thác được bao nhiêu nhiên liệu. Ông Zhao Xijun nói thêm rằng tập đoàn CNOOC hy vọng sẽ bù đắp những rủi ro này bằng cách mời thêm các đối tác nước ngoài.

Ông Triệu nói: "Điều đầu tiên là rủi ro khá cao và thứ hai, yêu cầu kỹ thuật khá cao. Có lẽ các tổ chức hoặc công ty có thể tham gia vào dự án này sẽ phải đối mặt với một trở ngại nhất định."

Cơ hội

Tập đoàn CNOOC, nhà sản xuất dầu khí ngoài khơi lớn nhất của Trung cộng, cho biết trên trang web rằng sẽ chọn đối tác nước ngoài có một "tầm nhìn hợp tác cùng có lợi" và "các biện pháp linh hoạt và thuận lợi trong việc khai thác ở vùng biển sâu."

Trang web của tờ Hoàn Cầu Thời báo dẫn lời các nhà phân tích Trung cộng nói rằng vì hầu hết các lô khai thác đều gần Trung cộng, nên đây là những khoản đầu tư ổn định cho các nhà thầu nước ngoài.

Trung cộng cũng có một thỏa thuận với Việt Nam về việc sử dụng chung Vịnh Bắc Bộ, một khu vực dầu mỏ được nêu trong một hợp đồng mời thầu.
Ông Andrew Yang, Tổng thư ký của Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Cấp cao về Trung cộng ở Đài Loan cho biết: "Tôi không nghĩ rằng đó sẽ là một vấn đề, bởi vì Trung cộng và Việt Nam đã có một số thỏa hiệp hoặc phân giới cắm mốc, cố gắng phân chia lãnh hải, vì vậy nếu vấn đề này được nêu ra, tôi nghĩ rằng việc thăm dò này chắc chắn sẽ ở phần lãnh thổ Trung cộng."

Tuy nhiên, một chuyên gia nói với tờ Thời báo Hoàn cầu rằng những hãng khoan dầu nước ngoài có thể vẫn phải thận trọng hơn vì những tranh chấp lãnh hải.



Mỹ chuyển giao tàu tuần duyên đầu tiên cho Việt Nam
Tàu tuần duyên USCGC Morgenthau (WHEC 722) mới nghỉ hưu và được chuyển giao cho Việt Nam.(Hình: US Coastguard)

Lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ cho hay tàu tuần duyên USCGC Morgenthau (WHEC 722) vừa được nghỉ hưu trong một buổi lễ tổ chức ở Honolulu, Hawaii, hôm Thứ Ba sẽ được chuyển giao cho Việt Nam theo Đạo luật Viện Trợ Ngoại Quốc (Foreign Assistance Act) dành cho các nước thân hữu.

Trước đó, tin trên đã được Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Hoa Kỳ (Defense Security Cooperation Agency – DSCA) loan báo ngày 13 Tháng Tư 2017.

Tàu tuần USCGC Morgenthau thuộc lớp Hamilton do công ty Avondale Shipyards ở New Orleans tiểu bang Louisiana đóng cho Lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ, hạ thủy tử năm 1969. Ngay sau đó, nó đã được đưa sang Việt Nam yểm trợ các cuộc tuần tiễu chống xâm nhập người và vũ khí đường biển của quân đội Cộng Sản Bắc Việt.

Chiến công nổi bật của USCGC Morgenthau là năm 1971, tàu đã phát hiện, theo dấu rồi đánh chìm một tàu tiếp vận giả trang thành tàu đánh cá đang trên đường chở đồ tiếp tế cho cộng quân, sau 2 giờ tác chiến.

Lớp tàu Hamilton từng được viện trợ cho hải quân các nước Phi Luật Tân, Bangladesh, Nigeria, dài 115 mét, trọng tải 3,250 tấn, vận tốc 29 hải lý (hay 54km/giờ). Tầm hoạt động 14,000 hải lý (hay 26,000 km) với thời gian đi biển liên tục 45 ngày do một thủy thủ đoàn 167 người vận hành. Nó cũng có nhà chứa trực thăng.

Trang bị trên tàu khá mạnh về hỏa lực từ đại bác 76 ly, đại bác bắn nhanh 25 ly Mk38, đại bác bắn nhanh 6 nòng 20mm Phalanx và 6 đại liên 50 cùng các loại radar phòng không và radar tìm kiếm mặt nước.

Tuy nhiên, người ta không rõ chính phủ Hoa Kỳ chuyển giao “nguyên con” tàu tuần nói trên cho Việt Nam hay lấy lại các vũ khí (như áp dụng với Phi Luật Tân) dù năm ngoái, tổng thống Barack Obama loan báo gỡ bỏ toàn diện lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam khi ông đến Hà Nội hồi Tháng Năm 2016.

Mỹ cũng đã thỏa thuận cấp viện cho Việt Nam 18 triệu đô la để mua một số tàu cao tốc cỡ nhỏ do công ty Metal Shark ở bang Louisiana đóng, tăng cường khả năng tuần tra biển. Tuy nhiên, không thấy có tin tức gì cho hay số tàu này đã giao cho Việt Nam hay chưa.

USCGC Morgenthau sẽ là tàu quân sự hay bán quân sự lớn nhất của Việt Nam. 



Trung Cộng sắp ra mắt hàng không mẫu hạm tự chế
Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES Image caption Trung cộng làm lễ kỷ niệm ngày thành lập Hải quân Quân Giải phóng 1949-2017

Trung cộng lên kế hoạch hoàn tất hàng không mẫu hạm tự chế tạo đầu tiên vào dịp 68 năm thành lập Hải quân Quân Giải phóng, truyền thông nước này cho hay hôm 19/04.

Cùng thời gian, lãnh tụ tối cao Tập Cận Bình cũng công bố chương trình cải tổ quốc phòng sâu rộng để hiện đại hóa quân đội và tập trung vào các lĩnh vực ngoài bộ binh thuần tuý.

Nếu mọi việc tiến triển tốt, chiếc hàng không mẫu hạm loại Type-001A của Trung cộng có thể ra mắt vào ngày 23/04 năm nay.

Hiện con tàu này đang được Xưởng đóng tàu Đại Liên lắp các bộ phận cuối cùng để có thể hạ thủy.

Vận hành từ 2020

Tuy thế, theo BBC Tiếng Hoa từ Hong Kong, cũng phải đến năm 2019, con tàu mới được đem ra chạy thử để có thể vận hành bình thường từ 2020.
Chiếc hàng không mẫu hạm hiện Trung cộng đang sử dụng, tàu Liêu Ninh vốn có phần vỏ của tàu Varyag thuộc lớp Kuznetsov sản xuất từ thời Liên Xô của Ukraine.

Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES Image caption Sau chiếc Liêu Ninh theo mẫu Liên Xô, Trung cộng sẽ có các hàng không mẫu hạm thế hệ mới

Tàu Liêu Ninh được Trung cộng xếp loại Type-001.

Nếu hoàn tất đúng hạn, chiếc tàu mới là hàng không mẫu hạm đầu tiên do Trung cộng tự thiết kế và đóng trong nước, thuộc thế hệ sau, Type-001A.
Các báo quốc tế tin rằng sau chiếc tàu mới này, Trung cộng có tham vọng đóng thêm bốn hàng không mẫu hạm nữa.

Theo các tài liệu quốc phòng của Hoa Kỳ, phải đến thế hệ mới nữa (Type-002), Trung cộng mới đủ khả năng bỏ hệ thống bệ phóng phi cơ kiểu cũ thời Liên Xô của chiếc Liêu Ninh để chọn công nghệ mới hơn, trong tiếng Anh gọi là 'Electromagnetic Aircraft Launch System', giống như tàu USS Gerald Ford (CVN-78) của Hoa Kỳ vốn đã sắp bị thanh lý.

Viên chức quốc phòng Trung cộng cũng nói các hàng không mẫu hạm mới sẽ được trang bị nhiều tiện nghi hơn cho thủy thủ đoàn và có hình dáng giống các tàu Mỹ hơn là tàu của Liên Xô trước đây.

Giảm bộ binh, tăng tên lửa và hải quân

Cũng trong tuần này, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình công bố cuộc cải cách quân binh chủng của Quân Giải phóng.

Theo China Daily hôm 19/04, ông Tập muốn hiện đại hóa Quân Giải phóng bằng cách giảm đi 300 nghìn quân, nhưng tăng đầu tư vào các lực lượng như công nghệ thông tin, hỏa tiễn, hải quân.

Dự kiến sang 2020, Trung cộng sẽ lập ra một bộ tư lệnh tối cao liên binh chủng và giảm thiểu cách điều hành theo cơ chế quân khu.


Theo tin RFA,RFI, VOA, BBC