Việt Nam thua Lào và Campuchia mọi mặt - Vì sao?
Cát
Linh (RFA)
Cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama (thứ
4 từ trái) và phu nhân thủ tướng Hunsen thăm một trường học ở Siem Reap vào
ngày 21 tháng 3 năm 2015. AFP photo
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa kết thúc chuyến thăm
chính thức Campuchia và Lào từ ngày 24 đến 27 tháng 4, năm 2017.
Theo thông tin nhận được từ trong nước, rất nhiều hợp
tác quan hệ song phương giữa Việt Nam, Lào và Campuchia được đánh giá tăng trưởng
tốt trong vài năm qua. Tuy nhiên, theo những số liệu
báo cáo do Ngân hàng thế giới – World Bank và Diễn đàn kinh tế Thế giới – WEF
đưa ra cho thấy Việt Nam ngày càng thua Lào và Campuchia về mọi mặt.
Thậm chí, trong một bài viết đăng tải trên báo Một
Thế giới viết rằng: “Việt Nam bị Lào, Campuchia vượt
qua không còn là dự báo, không còn là nguy cơ nữa mà đã thành hiện thực và cái
danh sách thua kém ngày càng dài ra.”
Kinh tế
Nói về báo cáo của các tổ chức tài chính thế giới
liên quan đến mức tăng trưởng của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Tiến sĩ
kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện
trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, từ Hà Nội đưa ra những điểm ông cho là
đáng chú ý:
“Cái tốc độ
tăng trưởng của nền kinh tế Campuchia và của Lào cao hơn Việt Nam những năm gần
đây. Campuchia tăng trưởng khoảng 7 – 8%. Trong khi đó Việt Nam năm ngoái
chỉ tăng 6,21%, quí 1 năm nay tăng 5%.
Cái thứ hai, số
hãng tư nhân của Campuchia thì cũng cao hơn Việt Nam.
Campuchia cũng ít, hay hầu như không có
những hãng nhà nước lớn như Việt Nam kinh doanh vào những lĩnh vực có tính chất
thương mại.
Lào có nhiều tài nguyên, nhất
là tài nguyên thuỷ điện. và Lào đang cố gắng hướng
đến sự phát triển mạnh mẽ.”
Báo Một Thế Giới từng trích dẫn lời chuyên gia kinh
tế Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển – đánh giá về khả
năng hoạt động của các doanh nghiệp ở Việt Nam so với Lào và Campuchia. Ông đã
đưa ra một vài nhận định khá đồng thuận với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
Điển hình là ở mô hình kinh tế, một vấn đề dẫn đến sự
tụt hậu của Việt Nam. Ông Lưu Bích Hồ
cũng nói rằng “hãng tư nhân của Campuchia không bị trì trệ, và đặc biệt,
Campuchia không có nhiều công ty nhà nước nên họ không gặp trở ngại về hệ thống
hành chính”. Ngược lại, theo ông, nguyên nhân
chủ yếu của Việt Nam là do “bộ máy hành chính quá cồng kềnh và chậm chạp trong
việc cải cách.”
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan hoàn toàn không phản biện vấn đề này. Bà chia sẻ ý kiến
với báo trong nước rằng hoạt động kinh tế của Lào và
Campuchia không xây dựng ở quy mô hoành tráng. Ngược lại, họ tập trung một số ít ngành có thế mạnh nên dẫn đến phẩm chất
hoạt động của hãng xưởng tốt hơn Việt Nam.
Giáo dục dừng lại
Không phải chỉ riêng nền kinh tế, sự thụt lùi của Việt
Nam so với Lào và Campuchia được báo chí trong nước nhắc đến ở nhiều dấu hiệu.
Một trong những dấu hiệu đó nằm ở lĩnh vực giáo dục.
Tiến sĩ, nhà giáo Vũ Minh Giang đưa ra ý kiến về dấu
hiệu tụt hậu giáo dục ở Việt Nam so với hiện tại và thập kỷ trước.
“Có một thời kỳ người ta đánh giá cao
giáo dục Việt Nam thì lúc đó, tôi nghĩ rằng, những thành tựu của giáo dục Việt
Nam tập trung ở cái giải quyết mặt bằng có tính đại trà.
Ví dụ từ một dân tộc mà số người không
biết chữ rất đông, sau đó bằng nhiều chính sách có tính chất phổ cập thì người
biết chữ gần như phổ cập toàn bộ thì đó là thành tích rất lớn của giáo dục Việt
Nam.”
Với điều kiện kinh tế, xã hội, địa lý rất khác nhau
của các vùng miền trong xã hội Việt Nam, nhưng nền giáo dục Việt Nam đã tạo ra
được một sự tương đối khá đồng đều, Nhà giáo Vũ Minh Giang đánh giá đó là một nỗ
lực rất lớn.
Tuy nhiên, ông đưa ra phản biện về ý kiến nói rằng
giáo dục Việt Nam đã tụt hậu so với các nước láng giềng từ sau khi giáo dục được
phổ cập toàn bộ.
Một trung tâm mua sắm ở Vientiane, Lào
vào ngày 29 tháng 2 năm 2008.AFP photo
“Những gì mà ngay cả thời kỳ gọi là phát
triển mạnh ấy thì bây giờ không gọi là tụt hậu mà là vẫn duy trì như thế. Người
ta gọi là dừng lại. Trong khi đó thì các nước xung quanh phát triển bắt kịp với
chuyển biến nhanh của thế giới.”
Vào giữa năm 2016, Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu
tư Bùi Quang Vinh, với vai trò là diễn giả trong buổi toạ đàm tại trường Đại học
Tôn Đức Thắng cho biết điều ông trăn trở nhất là nguồn nhân lực của Việt Nam
không được đào tạo và sử dụng có hiệu quả. So sánh với hình thức thi cử của các
nước khác, ông Vinh chỉ ra thể chế của giáo dục Việt Nam là “kiểm soát đầu vào
chặt chẽ mà không xem xét kết quả”.
Nhận xét về điều này, nhà giáo, Tiến sĩ Vũ Minh Giang nói rằng hệ thống giáo dục đào tạo Việt Nam cần phải có những cải
cách rất mạnh mẽ và cấp bách. Ông gọi vấn đề này là “Đổi mới căn bản
toàn diện.”
Theo ông, giáo dục Việt Nam đã dừng lại quá lâu một
phương thức tiếp cận mà cho đến bây giờ không phù hợp nữa, là tiếp cận nội
dung, tức là dạy rất nhiều những kiến thức mà rồi kiến thức đó vận dụng vào xã
hội khó khăn. Để tiếp cận nội dung thì học sinh phải học và nhớ rất nhiều. Hệ
thống thi cử đánh giá thì cũng theo cách đó.
“Đấy là một hạn chế mà bây giờ đang bắt
đầu công việc đổi mới không hề dễ chút nào, rất là khó khăn. Nó chuyển đổi hẳn
sang một tiếp cận để người học được học phương pháp, học kỹ năng, học làm người
và nhiều cái khác nữa. Bởi bây giờ, kiến thức thì người ta có thể tìm thấy ở bất
cứ đâu, học ở bất cứ đâu.”
Bên cạnh đó, ông ý kiến thêm, người học phổ thông ở
Việt Nam còn nhiều hạn chế về định hướng ngành nghề tương lai. Ông nhận thấy sự
học ở Việt Nam vẫn còn trong tư tưởng Đại học là con đường duy nhất nên tạo ra
sự mất cân đối trong đào tạo.
Bên cạnh nền giáo dục có tính cách đại chúng, theo
nhà giáo Vũ Minh Giang, cần phải có
một cơ chế thu hút nhân tài, sử dụng tài năng.
“Việc tìm, phát
hiện và đặc biệt sử dụng tài năng ở Việt Nam hiện nay vẫn còn đang nhiều cái
chưa phù hợp, chưa thu hút tài năng. Nguồn nhân lực tài năng hiện nay
đang tìm đường đi nơi này nơi khác, nên vẫn còn hiện tượng người ta hay gọi là
chảy máu chất xám.”
Cải cách thể chế
Không thiếu những buổi toạ đàm, những ý kiến của
chuyên gia, tiến sĩ trong nước bày tỏ lo ngại về lời cảnh báo Việt Nam thua kém
Lào và Campuchia. Ông Võ Trí Thành,
chuyên gia kinh tế vĩ mô – Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, trong lần
trả lời báo trong nước vào năm 2016 cho biết giải pháp cần thiết theo ông là chính sách tiền tệ phải được cân bằng, giữ ổn định thành quả
kinh tế vĩ mô. Nhưng quan trọng hơn hết là cải cách thể chế.
Đồng thuận với ý kiến này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói
rằng Việt Nam cần phải xem xét thực hiện một số vấn đề liên quan đến thể chế.
“Cái điều Việt Nam cần phải làm là cải
cách thể chế, cải cách bộ máy, nghĩa là nhà nước làm những việc mà đích thị nhà
nước làm có hiệu quả và cần thiết. Như chăm lo bảo vệ môi trường, xây dựng kết
cấu hạ tầng, chăm lo giáo dục y tế. Còn các lĩnh vực thuần tuý thương mại như sản
xuất bia nước ngọt thì nhà nước nên thoái vốn để tư nhân hoạt động có hiệu quả
hơn.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói rằng những vấn đề này một
lần nữa đã được đề cập trong nghị quyết 19 của năm nay. Kết quả thực hiện sẽ
như thế nào, vẫn còn là câu hỏi chưa có đáp án đối với xã hội, người dân Việt
Nam. Tuy nhiên, có hai điều mà ai quan tâm đến tình hình tăng trưởng của
đất nước cũng tìm hiểu được, đó là chiếc ôtô "Angkor EV 2014" lấy tên
ngôi đền cổ Angkor của Campuchia được điều khiển bằng điện thoại thông minh và
thẻ căn cước tần số rađiô (RFID) có trang bị hệ thống GPS, có vận tốc tối đa
60km/giờ và do nhà sáng chế Nhean Phaloek, người Campuchia thiết kế.
Điều thứ hai, là câu nói nổi tiếng của ông Lý Quang
Diệu, cố Thủ tướng Singapore từng nhận xét hàng: “Nếu có vị trí số một Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam.”