18.05.2017

600 ngàn tỷ: ‘Cục máu đông’ đã đông cứng!

„Mầm mống khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng bởi thế ngày càng lộ diện. „

600 ngàn tỷ: ‘Cục máu đông’ đã đông cứng!

Minh Quân

(VNTB) - Sát kỳ họp quốc hội vào tháng 5/2017, con số mới nhất về nợ xấu ngân hàng, còn được mệnh danh là ‘cục máu đông”, được công bố: 600.000 tỷ đồng!

Con số trên gồm: khoảng 150.000 tỷ đồng nợ xấu nội bảng hiện tại của các tổ chức tín dụng báo cáo; 207.876 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý; khoảng 254.000 tỷ đồng nợ tiềm ẩn có thể trở thành nợ xấu (chủ yếu là khoản đã được gia hạn nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ trong giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định 780 và Thông tư 02, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp).


Con số trên gấp đến 4 lần so với số liệu nợ xấu chỉ khoảng 150.000 tỷ đồng do cơ quan của nhân vật nổi tiếng “báo cáo láo” - Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình - thông tin vào năm 2012.

Cũng vào năm 2012, tỷ lệ nợ xấu đã bị Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phát hiện chiếm đến 17% tổng dư nợ. Có 9 ngân hàng yếu kém cõng khối nợ xấu khổng lồ bị buộc phải tái cơ cấu và đến nay đã tái cơ cấu xong với 5 trường hợp sáp nhập (SCB, Tín Nghĩa, Đệ Nhất, Western Bank, Habubank), 2 ngân hàng bị mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần giá 0 đồng (GPBank, TrustBank – VNCB) và 2 ngân hàng tự tái cơ cấu (Navibank – đổi thành NCB, Tienphongbank – đổi thành TPBank).

Đó là chưa kể những ngân hàng đã âm toàn bộ vốn và rơi vào đại án như Đại Dương của Hà Văn Thắm…

Sau 6 năm từ thời điểm 2011 khi thực hiện đề án xử lý nợ xấu, bất chấp vô số tuyên truyền một chiều của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và kể cả thời hậu Đại hội 12, cho tới nay nợ xấu ngân hàng không những không giảm đi mà còn tăng mạnh. Nếu vào năm 2015, số nợ xấu này được ước tính khoảng 500 ngàn tỷ đồng, thì nay đã đội thêm 100 ngàn tỷ đồng.

Nhưng con số 600 ngàn tỷ đồng nợ xấu mới chỉ là thống kê không đầy đủ. Theo chính tiết lộ của giới chuyên gia Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, bản thân Ngân hàng nhà nước cũng chẳng nắm được thực chất nợ xấu là bao nhiêu. Nhiều ngân hàng thương mại luôn có khuynh hướng giảm bớt số báo cáo nợ xấu để đạt “thành tích”. Do vậy con số thực về nợ xấu chắc chắn còn cao hơn 600 ngàn tỷ, thậm chí có thể cao hơn nhiều.

Còn VAMC (*) làm được gì? Thực chất, sau hơn 3 năm kể từ lúc thành lập VAMC, nợ xấu đã chạy đủ một đường vòng “đúng quy trình”: từ ngân hàng đến VAMC, rồi lại từ VAMC trở về ngân hàng. Giữa những khoảng trống vận động ấy, vẫn chưa có gì được lấp bù. Nghĩa là nợ xấu vẫn nguyên vẹn cùng lãi mẹ đẻ lãi con.

Cho tới tận giờ đây, hậu quả chôn vốn vẫn còn quá lớn. Các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước mới chỉ kịp thoái khoảng 50% vốn bị “ngâm”, trong  khi hệ thống ngân hàng vẫn chưa biết làm sao để thu hồi được nợ vay từ các con nợ “tiềm năng” của mình…

Gần đây, một số tờ báo nhà nước tỏ ra hoan hỉ khi tuyên giáo rằng Quốc hội sắp ban hành một nghị quyết về xử lý nợ xấu, và do đó nợ xấu sẽ được giải quyết sớm. Tuy nhiên theo giới chuyên gia phản biện độc lập, nợ xấu hiện thời là vô phương cứu chữa vì các kênh tiêu thụ nợ xấu hầu cũng bế tắc. Trong khi thị trường ngoài nước vẫn chưa phát ra bất kỳ tín hiệu nào sẽ “xếp hàng mua lại nợ xấu của Việt Nam” như lối quảng cáo của giới quan chức mắc chứng “hoang tưởng” của Ngân hàng nhà nước, và thực tế đến nay là đã không có bất kỳ phản hồi nào của các “đối tác nước ngoài” cho 500 bộ hồ sơ mà Ngân hàng nhà nước phát đi để kêu gọi mua nợ xấu Việt Nam, thị trường trong nước cũng không hề khả quan hơn với lý do “chưa có khung pháp lý để mua nợ xấu”.

Song nhiều chuyên gia trong ngành ngân hàng đã nói thẳng rằng khúc mắc lớn nhất không nằm ở hành lang pháp lý, mà chính bởi nhiều doanh nghiệp và ngân hàng không tìm thấy đầu ra nếu họ rước “của nợ” vào mình.

Mầm mống khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng bởi thế ngày càng lộ diện. 

Việt Nam Thời Báo


(*) VAMC Công ty Quản lý tài sản (tiếng Anh: VIETNAM ASSET MANAGEMENT COMPANY)