19.05.2017

Công an ‘nhan nhản’ trong ‘kế hoạch bảo vệ Formosa’

Công an ‘nhan nhản’ trong ‘kế hoạch bảo vệ Formosa’
Người dân biểu tình trước UBND huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, ngày 3/4/2017. (Ảnh Facebook Nhật Ký Yêu nước)

Lãnh đạo Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa, có buổi họp, để bàn về “công tác bảo đảm an ninh trật tự” khi lò cao số 1 của Formosa được vận hành. Buổi họp diễn ra chiều 17/5, tại Hà Tĩnh.

Trong khi đó, một thợ lặn ở Hà Tĩnh nói với VOA rằng “bây giờ công an nhan nhản” và ông không thể tin được người lạ nào ở đây vì “công an [mật] còn nhiều hơn dân.”


Tại buổi họp được đưa tin trên trang mạng của Công an tỉnh Hà Tĩnh, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, Đại tá Lê Văn Sao, cựu Phó cục trưởng Cục Tham mưu an ninh của Tổng cục An ninh, thông báo về tình hình an ninh trật tự tại địa bàn tỉnh và đặc biệt là tại khu kinh tế Vũng Áng sau 1 năm xảy ra sự cố môi trường biển.

Lãnh đạo công an Hà Tĩnh nói công tác an ninh tại đây đã được bảo đảm, với sự cộng tác của các lực lượng chức năng và “hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở”.

Đại tá Lê Văn Sao yêu cầu Công ty Fomosa “làm tốt công tác quản lý cán bộ”, trong đó có việc kiểm soát chặt chẽ người ra vào Formosa, yêu cầu công nhân cam kết không tham gia biểu tình, tụ tập; các nhà thầu cho Formosa phải trả lương cho công nhân đúng hạn để không xảy ra đình công, lãn công.

Phía Formosa cũng cam kết thực hiện các phương án bảo đảm an ninh trật tự và bảo vệ môi trường.

Nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh. Trong buổi họp chiều 17/5, công an tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Công ty Fomosa “làm tốt công tác quản lý cán bộ”, trong đó có việc kiểm soát chặt chẽ người ra vào Formosa.

Kể từ sau khi xảy ra thảm họa môi trường Fomosa, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại địa phương và nhiều tỉnh, thành khác.

Các cuộc biểu tình gần đây của người dân ở tỉnh Nghệ An, nơi không được xem là nạn nhân của Formosa, đã dẫn đến những vụ bắt giữ, đánh đập và truy nã những người tham gia.

Anh Phan Cường, một thợ lặn ở Hà Tĩnh đã phải bỏ nghề vì thảm họa Formosa, cho VOA biết tình hình an ninh ở khu vực nhà máy Formosa được thắt chặt. Ngoài những hàng rào thép gai, rào chắn kiên cố quanh nhà máy, anh Cường cho biết trong khu vực còn được cài lực lượng công an mật.

Bây giờ công an về đây với lại công an mật. Chừ bây giờ mình ra đường gặp người lạ mình không thể tin được đấy là người dân bình thường hay là công an. Nói chung, nó đóng [vai] đủ nhiều kiểu. Nó đi bán bánh, đi rao thế nọ thế kia. Khi dân hỏi thì nó nói nó đi bán bánh trôi. Bây giờ công an nhan nhản. Trong khu vực này bây giờ công an nhiều hơn dân”.

Anh Cường cho biết anh và những nạn nhân khác của Formosa đã phải bỏ nghề để tìm việc làm khác kiếm sống, trong khi những người không có cơ hội việc làm khác vẫn phải đi đánh cá dù biết rằng cá vẫn còn nhiễm độc và số tiền kiếm được cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày.

Chứ bây giờ kêu cũng không biết kêu ai, mà đợi cũng không biết đợi tới khi nào nữa. Formosa thì vẫn làm, vẫn xả. Cá thì vẫn có cá chết. Khói thì ngày đêm vẫn xả. Vô tư thế!”

Anh Cường cho biết mỗi khi người dân phẫn uất tổ chức biểu tình, thì lập tức có hàng trăm, hàng ngàn cảnh sát, an ninh đổ về bao vây khu vực. 

Nhưng người thợ lặn mất việc này khẳng định “Nếu người dân đã đứng lên biểu tình, thì bao nhiêu cảnh sát cơ động cũng không đủ.”


VOA Tiếng Việt