Người Việt Gốc Mỹ
Nguyễn Thế Thăng
Tác giả Nguyễn Thế Thăng tốt nghiệp khóa K2DH/DH/CTCT, định cư tại Mỹ 1992, diện HO 13, hiện là cư dân tiểu bang Oregon. Công việc: Sĩ quan điều hành nhóm thông dịch viên của Lực Lựơng Phòng Vệ thuộc Vệ Binh Quốc Gia, Oregon, cấp bậc Thiếu Tá. (Oregon Army National Guard/State Defense Force/Interpreters Team/X.O) (ORANG/SDF/Interp. Team/XO).
Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện về một người bạn cựu chiến binh Mỹ tự xưng là “người Việt gốc Mỹ”.
Tôi biết Mike
khoảng hai năm sau ngày đặt chân lên đất Hoa Kỳ. Dù hành trang sẵn
có chút ít tiếng Anh từ trước 1975, tôi vẫn phải vất vả hội nhập vào xã hội mới
bằng những bước chân chập chững, e dè trong độ tuổi “bất hoặc”.
Thật may mắn, tôi tình cờ được gặp và quen biết
Mike. Anh đã cho tôi một cái nhìn khá bao quát nước Mỹ từ phong tục tập quán đến
văn hóa xã hội lẫn chính trị. Mike đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ cả vật chất
tinh thần để tôi có được một nghị lực, niềm tự tin, sự phấn khởi tràn trề khi bắt
đầu nửa cuộc đời còn lại nơi tha phương, đất khách.
Trong buổi họp mặt cựu Chiến Binh nhân dịp Memorial
Day của State Guards Association of U.S (SGAUS), bàn của tụi tôi rất ồn ào với
đủ mọi vấn đề trên trời dưới đất, vui nhất là những chuyện tiếu lâm xoay quanh
đời sống thường nhật của người Mỹ, đặc biệt lớp tuổi về hưu phải đương đầu với
nhà dưỡng lão, bệnh tật, nhất là bệnh lãng trí Alzheimer… .
Hôm ấy, tôi kể chuyện một đôi vợ chồng già, Bác Sĩ
nói với người vợ: tôi thấy sức khỏe ông nhà ngày càng khá hơn khi ông tìm được
niềm vui nơi Thượng Đế, tin tưởng nhiều hơn vào Chúa Quan Phòng, đến nỗi, ông
nghĩ Chúa đang theo giúp đỡ ông trong mọi việc, trong từng bước chân đi. Ông
nói với tôi, đêm qua, khi ông vừa mở cửa nhà vệ sinh để đi tiểu thì Chúa bật
đèn lên cho ông liền….
Bà vợ la lên, ngắt lời Bác Sĩ:
–
Ôi lạy Chúa tôi, ổng lại đái vào tủ lạnh của tôi rồi!!!
Cả bọn cười bò lê bò càng. Cười lớn nhất là một
chàng cao lớn, tóc vàng tên là Mike.
Anh vỗ vai tôi:
– Ê, bạn người gốc nước nào?
– Việt Nam.
Mike bật đứng dậy,
bàn tay như hộ pháp chụp lên đầu tôi, nói thật lớn, nguyên văn bằng tiếng Việt
đặc sệt giọng miền nam:
– Đ.M. nãy giờ sao hổng nói?
– Ủa, anh biết tiếng Việt hả?
Mike vênh mặt
lên, tay phải vỗ bồm bộp vào cái ngực đang ưỡn, vẫn dùng tiếng Việt:
– Hai lần công tác Việt Nam, đem về Mỹ một cô giáo dạy
tiếng Việt tại gia từ 1972, học và nói tiếng Việt từ hồi đó đến giờ, bộ ngu lắm
sao mà không biết, biết rành quá đi chứ!!
Không ngờ trong
bàn lại có một số cựu chiến binh Việt Nam khác, đua nhau xổ ra những câu tiếng
Việt họ còn nhớ lõm bõm:
– Chòi đắt ui (trời đất ơi)
– chào cắc Ong, mành giỏi? (chào các Ông, mạnh giỏi)
– Con gái Viết Nàm dde.p lám (con gái VN đẹp lắm)
– Ngùi Viết Nàm tót lám, đi đi mao, đin – kí đàu (người
VN tốt lắm, đi đi mau, điên cái đầu !)….
Riêng Mike nói
tiếng Việt rất lưu loát, không hề sai một âm nào (giống như ca sĩ Delena hát tiếng
Việt vậy), kể cả cách dùng chữ rất trí thức, đôi khi dí dỏm, có lúc thật tiếu
lâm.
Tôi đã gặp một
nhân viên Bộ Ngoại Giao rành tiếng Việt đến nỗi khi tôi đùa hỏi “Anh người gì mà nói tiếng Việt ngon lành vậy”
Anh trả lời tỉnh bơ “Tôi người Bắc !”.
Tôi cũng đã gặp
một số người Mỹ chính gốc, thuộc giáo phái Mormon, họ thảo luận Kinh Thánh, đi
truyền đạo Tin Lành bằng tiếng Việt thật trôi chảy, nhưng đó là nghề của họ.
Còn Mike, anh
nói tiếng Việt bằng cả tấm lòng: tên Mỹ của tôi là Micheal, tên Việt của tôi là
Mai, theo giọng Việt Nam có nghĩa là hên, là may mắn, còn giọng Việt Bắc (?)
hay Việt Trung (?) có nghĩa là hoa mai, một loài hoa rực rỡ mùa xuân !
Vợ tôi vẫn thích
kêu tôi là Mai Cồ, hay Anh Cồ, hoặc Cồ ơi chỉ vì tôi bự con! Con rể của nước Đại
Cồ Việt mà! Một ông thày bói VN nói số tôi phải cưới vợ họ Trần vì cả đời tôi
không thích mặc áo..vv và vv … tôi há hốc miệng ngồi nghe một chàng mắt xanh,
mũi lõ, tóc vàng 100% Anglo-Saxon đang chơi chữ bằng chính ngôn ngữ của tôi !!!
Một đêm hội ngộ
tuyệt vời, vui như chưa từng thấy từ ngày sống kiếp lưu vong.
Một tuần sau,
Mike điện thoại mời tôi đến nhà.
Từ ngạc nhiên
này đến ngạc nhiên khác: gia đình Mike gồm vợ chồng và 2 con hoàn toàn sinh hoạt
theo truyền thống Việt Nam và tự nhận là người VN. Mike nói: đúng ra tôi là người
Việt gốc Mỹ! Người bản xứ khi nghe tôi giới thiệu là người VN, nói tiếng VN thì
họ vui lắm, vài người lúc đầu cứ tưởng nước VN ở đâu đó bên Đông Âu nên mới tóc
vàng, mắt xanh!
Người gốc VN lại
tưởng tôi là Mỹ lai, càng vui hơn, gần gũi hơn vì có 50% máu Việt Nam trong người
mà, ai cũng vui. Mike dùng chữ “vui cả làng”! Cả gia đình dùng tiếng Việt làm
ngôn ngữ chính.
Sống trên đất Mỹ,
Mike tâm sự, nói tiếng Anh là việc đương nhiên, thế mà nhiều gia đình VN từ vợ
chồng con cái đều ra vẻ hãnh diện với mớ tiếng Mỹ đôi khi trật giọng, sai văn
phạm….hoặc nói đệm, câu nào cũng chêm thêm chữ Mỹ vào, trong khi cố tình lơ lớ
tiếng mẹ đẻ của mình, dễ mất gốc quá, tủi hổ ông bà tổ tiên quá, uổng phí quá.
Lại có cả vài
người viết văn, nhiều chữ thông thường không biết, hay giả vờ không biết, lại
phải dùng tiếng Anh mới thấy dổm làm sao.
Tôi rất khâm phục
những gia đình còn giữ vững truyền thống tốt đẹp VN. Tôi thấy những em bé VN thật
dễ thương với tiếng Việt líu lo như chim hót, nhưng tôi nhìn các em với cặp mắt
bình thường nếu các em nói tiếng Anh, thật bình thường vì đây là nước Mỹ, sau
này khi lớn lên phải học thêm một ngoại ngữ ngoài tiếng Anh, họ sẽ hối hận. Tiếc
quá, Mike chặt lưỡi, lập đi lập lại, tiếc quá !!
Anh có biết “bà
lang kẹt” là ai không? Thế mà một ông VN đã tuyên bố tự nhiên như người Sàigòn,
vào mỗi mùa Đông, trên giường của ông phải có ít nhất hai bà lang kẹt ngủ mới
đã, mới đủ ấm !?!?
Mai Liên, vợ
anh, một sinh viên Đại Học Cần Thơ sinh quán Sóc Trăng.
Hai người quen
nhau khi Mai Liên đi học thêm Anh ngữ trong một lớp do chính Mike phụ trách phần
đàm thoại và luyện giọng. Thế rồi hai người yêu nhau nhưng không thể tiến đến
hôn nhân vì gia đình hai bên đều không tán thành.
Mike phải xin trở
lại Việt Nam lần thứ hai, kiên trì thuyết phục cha mẹ Mai Liên bằng chính tiếng
Việt anh đã học được từ người tình. Cuối cùng không những cha mẹ, anh chị em của
Mai Liên mà cả bà con xóm giềng cũng hài lòng với “thằng Cồ” vui tánh dễ thương
lúc nào, nơi nào cũng pha trò được.
Riêng gia đình
Mike lúc đầu vẫn chưa mấy thiện cảm với người dâu dị tộc. Hai vợ chồng son cố gắng
sống hòa hợp với mọi người, không tỏ ra khó chịu mà còn thấy vui vui với cái
tên Liên vài người cố tình đọc trại thành Alien (=người lạ).
Chẳng bao lâu
sau tình thế hoàn toàn đảo ngược. Khi cha mẹ Mike dọn vô nhà dưỡng lão chỉ có vợ
chồng Mike thăm viếng thường xuyên.
Ông bà rất cảm động,
thỉnh thoảng lại công khai ngỏ lời xin lỗi Mai Liên và giới thiệu với mọi người
Liên là đứa con gái yêu quý nhất.
Bốn gia đình anh
chị của Mike tan vỡ hết ba, sự kiện phổ thông với trên 60% gia đình Mỹ bị rắc rối
trong hôn nhân. Cứ một lần li dị lại một lần chia gia tài, riết giống như chuyện
thường tình. Tuy nhiên, có điều lạ là sau khi chia tay, họ vẫn liên lạc qua lại
với nhau, coi nhau như bạn, không ai ghen tuông gì hết.
“Tạ ơn trời đất (Mike không dùng chữ Chúa) tôi có được một bà vợ tuyệt vời. Liên lo lắng chăm sóc tôi kỹ lắm từ mọi sinh hoạt đến từng miếng ăn hàng ngày. Tôi đã quen và rất thích thức ăn Việt Nam. Rất hợp lý nếu ta không biết kiêng cữ, cứ ăn tầm bậy là đưa đủ thứ bệnh tật vào thân thể mình thôi. Anh ăn cái gì anh sẽ như thứ ấy (1).
Ăn nhiều rau, đậu, trái cây tươi, da thịt anh sẽ tươi.
Anh ăn mỡ, cơ thể anh sẽ phải đeo mỡ (2).
Tốt nhứt nên ăn chay. Gia đình tôi ăn chay mỗi tuần một
lần, nhiều nhất là các loại rau. Đồ chay Liên làm ngon lắm. Món nào cũng ngon,
cũng tốt cho sức khỏe vì Liên chỉ dùng dầu olive thay cho mỡ động vật, không mặn
lắm, không ngọt quá như đồ ăn Mỹ, nhất là hoàn toàn không dùng bột ngọt. Đặc biệt
nước mắm ăn riết rồi mê luôn nhưng điều cần thiết nước mắm mua ở chợ về phải
đem nấu cho sôi lên rồi đổ lại vô chai xài vì trong nước mắm có thể có nhiều
siêu vi trùng, nhất là siêu vi bệnh gan, các loại mắm cũng vậy.
Chế độ ăn uống như thế làm sao bị phát phì như ba phần
tư dân Mỹ hiện nay. Đến như con nít trên 6 tuổi thì phân nửa đã vượt quá trọng
lượng được coi là mập rồi. Còn về thẩm mỹ, Anh thấy không, thông thường da người
Mỹ trắng lại quá trắng, trắng nhễ nhại (?!)trắng như Bạch Tuyết nên trông có vẻ
yếu đuối, bệnh tật, vì vậy họ phải đi phơi nắng ngoài biển hay vô các phòng nhuộm
da trong các tanning clubs để cho da họ có màu đồng nâu hay màu bánh mật, nhìn
rất khỏe mạnh, thể thao hơn, mốt thời thượng mà! Bà xã tôi được Trời Đất thương
cho cái màu tự nhiên đó từ bé nên Ông Bà Ngoại sắp nhỏ mới đặt cho cái tên Mai
Liên, anh đọc lái lại coi?!”
Nghe đến đây chính
tôi đã phải kêu lên: chu choa mệ tổ ơi, mần
răng mà cái chi mô anh cũng biết hết rứa chừ hết biết luôn.
Mike hiện nguyên
hình một “chú Sam” há hốc miệng
“Wh…what? What d’you say?”
Ngay sau khi
dành thắng lợi đem được Mai Liên về Mỹ, Mike giải ngũ. Liên đi làm 2 nghề khác
nhau cho phép Mike trở lại Đại Học lấy xong bằng Kỹ Sư Điện Tử.
Mike rất vui mỗi
lần nhắc lại giai đoạn này:
Tôi sướng như
Ông Trời con, ngày ngày đi học, còn Liên cực lắm, hy sinh vừa đi làm vừa lo cho
tôi còn hơn Ba Má tôi ngày xưa, dĩ nhiên tôi yên tâm học xong rất nhanh.
Bên Mỹ này anh
muốn học là phải được, muốn học gì cũng được, muốn lấy bằng gì cũng có, chỉ cần
anh có ý thích và có ý chí. Anh có thể học toàn thời gian, bán thời gian, học
hàm thụ hay học ngay cả trên online. Không có tiền thì Chánh Phủ hoặc một cơ sở,
một công ty hay một tổ chức nào đó ứng tiền cho mượn nếu đủ tiêu chuẩn. Tuy
nhiên khi nộp đơn xin việc làm, người chủ chỉ căn cứ một phần trên bằng cấp,
còn phần lớn dựa trên kinh nghiệm việc làm đã qua và sự giới thiệu, phê bình của
các chủ cũ.
Tôi là cựu chiến
binh, gần lấy xong bằng Kỹ Sư thì hãng Điện Tử Intel đã nhận trước rồi.
Năm đầu tiên tôi
đi làm Liên chỉ còn làm một nghề, đến năm thứ hai Liên nghỉ việc hoàn toàn để
đi học ngành Y tá. Đó là lý do chúng tôi chậm có con và chỉ có hai đứa.
Bên Mỹ này nghe
nhà nào có 3,4 con là thiên hạ lắc đầu, le lưỡi liền. Có bầu, sanh con thật dễ
dàng nhưng khó nhất, đau đầu nhất là vấn đề giáo dục, không dạy dỗ con được thì
lại đổ thừa “cha mẹ sanh con, Trời sanh tánh”, chưa chắc vậy đâu !
Có rất nhiều gia
đình nuôi con đến 18 tuổi là bắt nó phải tự lập, nghĩa là đẩy nó ra ngoài xã hội,
xét cho cùng điều này cũng có phần tốt.
Vì vậy, cũng rất
công bằng khi bố mẹ già yếu, đến phiên chúng nó sẽ đẩy bố mẹ vô nhà hưu dưỡng
thôi!
– Mai Lan ơi, ra chào chú đi con, Mike gọi.
Một cô gái Mỹ đẹp
như tài tử điện ảnh Hollywood tươi cười bước ra, hai tay khoanh trước ngực, đầu
cúi xuống, nói bằng tiếng Việt rất chuẩn:
– Cháu tên Mai Lan, cháu chào chú.
Tôi đứng dậy,
Mai Lan bắt tay tôi bằng cả hai bàn tay:
– Chú tên là Long, Chú rất hân hạnh được biết cháu, được
quen biết gia đình cháu, một gia đình tuyệt vời, cháu là một cô gái tuyệt vời.
Cháu có về VN lần nào chưa?
– Dạ, cám ơn lời khen của Chú. Cháu đã về VN hai lần.
Năm rồi cháu đi VN miễn phí.
– Sao vậy?
– Cháu có hai người bạn, hai chị em, bố mẹ họ là người
Việt, hai bạn cháu không rành tiếng Việt nên bao cháu đi chung về VN để làm
thông ngôn. Vui quá chừng. Bà con chòm xóm dưới quê cứ nhìn cháu chằm chằm: sao
kỳ quá hè, Mỹ nói tiếng Việt còn Việt đặc thì bù trất, kỳ hén !
Lại nữa, Mỹ thì tên Việt còn Việt lại lấy tên Mỹ, ngộ
ghê!!
Cháu dịch lại cho hai đứa bạn nghe, tụi nó mắc cỡ quá,
về đến Mỹ bắt đầu học tiếng Việt ngay.
Ba má tụi nó kèm riết, cháu cũng dạy thêm, bây giờ nói
được hơi nhiều rồi. Hè năm nay tụi cháu lại về VN nhưng lần này cháu phải trả
tiền vé máy bay vì bạn cháu không cần thông ngôn nữa, thông ngôn thất nghiệp rồi
!!
Ông bà ngoại cùng gia đình mấy Cậu, mấy Dì thương cháu
lắm. Cũng có thể sẽ có anh Liêm đi cùng.
– Liêm là ai?
– Anh Hai cháu. Ảnh tên là Uy Liêm.
– Có phải đó là phiên âm tiếng Việt của chữ William
không?
– Dạ đúng
– Thế anh cháu thích tên nào?
– Cả nhà cháu thích tên Uy Liêm hơn vì đa số tên riêng
của Mỹ không có ý nghĩa gì hết, thường được bắt chước từ trong Kinh Thánh. Còn
tên VN có lồng nghĩa trong đó, có khi mang cả ước vọng của cha mẹ đặt ở người
con
.
– Vậy Uy Liêm nghĩa là sao? Tôi giả vờ hỏi.
– Uy là uy phong, uy nghi, uy quyền, uy lực… còn Liêm
là liêm chính, liêm sỉ, thanh liêm.
Người có quyền uy thì phải liêm chính. Người ta khi có
chút quyền chức thường hay sanh tật xấu, rồi tham nhũng, rồi phách lối.
Ba má cháu muốn anh Hai khi nào có địa vị lớn thì phải
sống thanh liêm.
– Anh hai cháu đã có địa vị lớn chưa?
– Dạ ảnh chỉ mới là Đại Úy Thủy Quân Lục Chiến đang
chiến đấu ở Iraq . Còn 4 tháng nữa ảnh sẽ xong nghĩa vụ, khi trở lại Mỹ, được
nghỉ phép, anh Hai sẽ theo tụi cháu về thăm Ngoại.
– Anh Hai có biết tiếng Việt không?
– Hết sẩy Chú ơi, dù dở nhứt nhà nhưng cũng gần ngang
tầm với Ba cháu …
Mike ngồi nghe
tôi khảo hạch cô con gái, miệng cứ tủm tỉm cười.
Tôi thật sự cảm
động, nếu không nói là choáng váng, cứ ngây người ra. Giả sử có ai đó kể tôi
nghe về một gia đình như thế này, về một cô gái Mỹ thế này, về một Đại Úy Đại Đội
Trưởng TQLC Mỹ như vậy… chắc chắn tôi không thể tin vì tôi đã phải chứng kiến
nhiều hoàn cảnh trái ngược.
Có lần, vừa bước
vô nhà một người bạn VN, ngay tại phòng khách treo một tấm bảng bằng carton với
chữ: “No Vietnamese!” tôi ngập ngừng,
hơi tái mặt, rồi lẳng lặng, chẳng nói chẳng rằng bước ra ngoài. Chủ nhà chạy
theo đon đả.
Tôi nuốt nước miếng
cho dằn cái gì đó nghèn nghẹn trong cổ họng rồi chậm rãi: có phải ông không muốn tiếp khách người VN hay ông không cho phép ai ngồi
trong phòng đó nói tiếng Việt ?
Anh ta phân bua:
tôi chỉ muốn bà Xã và các cháu luyện tiếng
Anh cho thật nhuyễn để mau thành dân Mỹ thôi !?!?
Vậy nếu ông vào một nhà hàng, một công viên, lên máy
bay, xe lửa, xe buýt hay vô nhà một người Mỹ nào đó, ông thấy hàng chữ này, ông
hiểu nó thế nào?!?!
Cách đây vài chục năm, khi tình trạng kỳ thị chủng tộc
còn tồn tại trên đất nước Mỹ, người ta thường thấy trên xe buýt hay công viên
có đeo bảng: No dogs and negroes (cấm chó và người da đen). Đến thập niên 60 mới
chấm dứt. Bây giờ ông treo “No Vietnamese” trong phòng khách nghĩa là làm
sao?!?!
Ông ta gỡ bảng xuống liền.
Ông bà này nghe
nói qua Mỹ có mấy năm đã về VN xum xuê, bà con bên nhà ngạc nhiên thấy ông và
gia đình lột xác nhanh quá, sức mạnh một đại cường quốc có khác.
Bên này cả hai
ông bà đi làm vệ sinh, quét dọn trường học, về VN khoe làm trong ngành giáo dục
nên rất ít nói tiếng Việt.
Riêng dân Mỹ hay
người VN tại Mỹ chỉ nghe âm Mít đặc, không cần nhìn, đều biết ngay ông chánh gốc
là “dân địa phương” Alaska vì, mười câu hết chín, ông đều nhắc đến tên một
thành phố lớn của Tiểu Bang này: Du nô (3).
Nhưng thôi, đây
là đất nước tự do mà! Tự do dân chủ với lưỡng đảng đàng hoàng.
Mike thường nói
đùa với tôi “coi dzậy chứ hổng phải dzậy
mà còn quá cha dzậy nữa” khi đề cập đến hệ thống lưỡng đảng của Hoa Kỳ hiện
nay.
Cứ nhìn vô gia
đình Thống Đốc Tiểu Bang California : Ông chồng Schwarzenegger thuộc đảng Cộng
Hòa trong khi bà vợ lại theo Dân Chủ. Khi làm việc, hai đảng kiểm soát lẫn nhau
như vợ theo dõi chồng, như chồng để ý coi chừng bà vợ.
Nhưng khi có những
sự kiện trọng đại liên quan đến an ninh đất nước, đến sự tồn vong của quốc gia,
đến sự sống còn của dân tộc Hoa Kỳ thì hai đảng chỉ là một như sau vụ 9/11 mấy
năm trước đây. Hình như có một thứ siêu chính quyền đâu đó quyết định tất cả,
tương tự ảnh hưởng nội ngoại trên hai vợ chồng giữ cho hạnh phúc lứa đôi bền vững,
từ đó nuôi dạy con cái thành công, kinh tế gia đình thịnh vượng, cho nước Mỹ chỉ
mới hơn 200 năm lập quốc đã tiến lên bá chủ hoàn cầu. Nước Mỹ đang đứng nhất
trên toàn thế giới về mọi phương diện nhưng rất tiếc, nhất luôn về vô luân thường,
vô đạo lý và nhất luôn về cả lãnh vực tội phạm!
Đấy, Mike hướng
dẫn cho tôi nhiều, rất nhiều điều, nhiều chuyện.
Chúng tôi ngày
càng thân hơn khi biết tôi ngày xưa cũng có một thời gian đi dạy học. Vợ chồng
Mike và cháu Lan lại thích tìm hiểu sâu xa tiếng Việt hơn qua những từ ngữ Hán
Nôm mà tôi đã được Ông Ngoại, một Cử Nhân Hán Văn, khoa thi cuối cùng, dạy dỗ.
Nhờ vợ chồng
Mike, tôi thực sự hội nhập vào xã hội Mỹ lúc nào không hay. Từ sự nhiệt tình giới
thiệu của Mike, tôi được một chân Technician trong hãng Merix ở Forest Grove. Một
năm sau, Mike khuyến khích và hướng dẫn vợ chồng tôi mua một cơ sở kinh doanh
riêng ngay trung tâm thành phố Tigard đến nay đã tròn 12 năm.
Thời gian cứ lặng
lẽ trôi nhanh như những áng mây ngoài khung trời rộng. Thênh thang như giấc mơ
Hoa Kỳ của gia đình tôi liên tiếp nở hoa.
Cho đến một ngày… Tin như sét đánh ngang tai. Hai vợ chồng Mike vừa qua đời trong một tai nạn xe! Cháu Lan gọi báo cho tôi bằng tiếng được tiếng mất, tức tưởi, nghẹn ngào.
Một anh Mễ nhập
cư bất hợp pháp say rượu lái xe vào đường cấm ngược chiều. Xe Toyota Camry của
vợ chồng Mike nằm bẹp dí dưới gầm chiếc xe tải F350 chở đầy đồ nghề làm vườn cắt
cỏ.
Toán cấp cứu phải
cưa xe mới đem được hai người ra nhưng cả hai đều đã tắt thở vì sức va chạm quá
mạnh và vì vết thương quá nặng….
Lại thêm một nhức
nhối của người Mỹ trước làn sóng nhập cư bất hợp pháp… lại thêm một vết đen tệ
nạn say rượu, say xì ke lái xe DUII (4) ngày càng nhiều….
Tang lễ thật đơn
giản gồm đa số người quen gia đình, bạn bè làm chung Intel với Mike và đồng
nghiệp trong bệnh viện của Mai Liên.
Cháu Uy Liêm được thông báo từ Iraq về để vừa kịp
nhìn cha mẹ lần cuối trước khi đóng nắp quan tài.
Trời Oregon chiều
nay mưa buồn day dứt. Nghĩa trang Finley Sunset Hills với những dốc thoai thoải
quay về hướng Tây, về hướng Thái Bình Dương mà tận cùng bên kia bờ có một vùng
đất mang tên Việt Nam, quê hương yêu dấu của Mike và Mai Liên suốt cả đời người.
Gió buốt miên man như xoáy sâu vào tận xương tủy. Như chưa bao giờ.
Vài tia sáng yếu
ớt long lanh trên những ngọn cỏ đầm đìa. Mắt tôi nhạt nhòa trong cái lạnh tái
tê. Cũng xong một kiếp trong vô lượng luân hồi. Một chút gì đó có lẽ hai người
đang hài lòng là vẫn còn được đi chung với nhau, vẫn còn được tay trong tay,
cùng qua một thế giới khác, hy vọng sẽ tốt đẹp hơn.
Ít nhất về vật
chất bây giờ xác hai người vẫn còn được nằm bên nhau, hai ngôi mộ song song,
cùng nhìn về quê hương Việ Nam tít mù xa thẳm cuối chân trời.
Riêng tôi lòng
trĩu nặng mối ân tình chưa thanh thỏa.
Trong suốt cuộc
đời còn lại, dù còn sống trên đất Mỹ này, hay giang hồ đó đây, hình ảnh tươi
vui khỏe mạnh, tràn đầy sinh lực, gương mặt dễ thương, cử chỉ ân cần, lời nói
nhã nhặn nhiệt tình và đặc biệt ân nghĩa của vợ chồng Mike đã dành cho gia đình
tôi chắc chắn sẽ khó phai mờ.
Cám ơn Michael
Erickson. Cám ơn Mai Liên Trần.
Xin tạm biệt.
Nguyễn Thế Thăng