12.05.2017

Tin Tổng Hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 11.05.2017)

Tin Tổng Hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng  (ngày 11.05.2017)


Lập pháp Mỹ kêu gọi Trump ‘cứng rắn’ với Trung cộng ở Biển Đông

Các Thượng nghị sĩ thuộc cả hai đảng trong Quốc hội Hoa Kỳ ngày 10/5 viết thư gửi Tổng thống Donald Trump thúc giục ‘cứng rắn’ hơn với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông, kêu gọi tiến hành thêm các cuộc tuần tra hải quân để duy trì quyền tự do hàng hải tại khu vực.


Lời kêu gọi của 7 Thượng nghị sĩ trong bức thư chung phản ánh mối quan ngại ngày càng tăng trong Quốc hội Mỹ e rằng chính quyền Trump có thể để lọt địa thế chiến lược vào tay Trung cộng trong lúc tìm kiếm sự hỗ trợ của Bắc Kinh nhằm áp lực Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Lá thư bày tỏ quan ngại về việc Mỹ ngưng các cuộc tuần tra ‘tự do hàng hải’ tại Biển Đông từ tháng 10 năm ngoái.

Ngoại trưởng Rex Tillerson thoạt đầu tỏ ý sẽ có chính sách cứng rắn hơn với Trung cộng tại Biển Đông, nhưng cho tới nay, việc này chưa được hiện thực hóa.

Vì vậy, chúng tôi thúc giục chính quyền của Tổng thống có các bước cần thiết để thực thi quyền tự do hàng hải-hàng không thường xuyên ở Biển Đông, vốn quan trọng đối với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ và hòa bình, thịnh vượng ở Châu Á Thái Bình Dương,” tờ Foreign Policy trích một đoạn trong kiến nghị thư của các Thượng nghị sĩ gửi Tổng thống cho biết.

Báo này cũng dẫn tin từ một số giới chức Ngũ Giác Đài và Quốc hội cho biết chính quyền Trump tới nay vẫn khước từ đề nghị của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ về các hoạt động ‘tự do hàng hải’ ở Biển Đông dù trước đây cả Tổng thống Trump lẫn các phụ tá của ông cam kết sẽ xác quyết lợi ích của Mỹ trước một Trung cộng ‘bành trướng.’

Thư ngỏ của các Thượng nghị sĩ cũng dẫn ra hàng loạt các hành động gây hấn và đáng ngại của Trung cộng ở Biển Đông bao gồm xây đảo nhân tạo, đâm húc tàu cá, và cảnh cáo tàu và máy bay lưu thông trong khu vực.
7 Thượng nghị sĩ đồng ký tên trong kiến nghị thư gồm Bob Corker, Marco Rubio, Cory Gardner, Benjamin Cardin, Jack Reed, Edward Markey, và Brian Schatz.

Nguồn: Foreign Policy/NYT


Biển Đông: Phi Luật Tân tăng cường quân và thiết bị trên đảo Thị Tứ
Toàn cảnh đảo Thị Tứ, nhìn từ trên cao. Ảnh chụp ngày 21/04/2017.REUTERS/Erik De Castro

Quân đội Phi Luật Tân ngày 11/05/2017 xác nhận Manila đã bắt đầu đưa binh lính và hàng tiếp liệu đến đảo Thị Tứ mà Phi Luật Tân đang kiểm soát ở vùng quần đảo Trường Sa đặt tên là Pag-asa. Mục tiêu là để chuẩn bị xây dựng một số công trình, trong đó có đề án củng cố và nối dài một phi đạo cũng như xây một bến tàu.

Theo hãng tin Mỹ AP, tướng Raul del Rosario, tư lệnh Bộ Chỉ Huy Miền Tây của quân đội Phi Luật Tân cho biết là quân lính và hàng tiếp liệu đã được vận chuyển đến đảo Thị Tứ vào tuần qua.

Chính quyền Manila đã quyết định dành 1,6 tỷ peso (tức 32 triệu đô la) cho việc xây mới và tu bổ các công trình trên đảo này, trong đó có một cảng dùng cho tàu cá, trạm điện mặt trời, trạm lọc nước biển, tu bổ nơi ở cho bính lính trú đóng trên đảo, cũng như các cơ sở dùng cho nghiên cứu hải dương học và cho du khách.

Là một trong những thực thể do Phi Luật Tân kiểm soát tại Trường Sa, đảo Thị Tứ cũng bị Trung cộng, Việt Nam, Đài Loan đòi chủ quyền. Trên đảo có khoảng 200 người Phi Luật Tân cư ngụ, chủ yếu là binh lính và ngư dân. Đảo này cũng có một phi đạo ngắn, đủ cho máy bay cỡ trung bình đáp xuống.

Vào tháng 04/2017, đích thân bộ trưởng Quốc Phòng Phi Luật Tân cùng một số sĩ quan cao cấp ra thăm Thị Tứ. Phát biểu nhân dịp đó, viên chức này nhắc lại kế hoạch tu bổ cơ sở trên đảo, biến nơi này thành một vùng bảo tồn biển, thậm chí thành một địa điểm du lịch.

Chuyến thăm đã bị Trung cộng phản đối, viện cớ rằng đảo này thuộc chủ quyền Trung cộng. Việt Nam cũng đã lên tiếng phản đối Phi Luật Tân về ý định củng cố, mở rộng sự hiện diện của họ tại Trường Sa.

Đảo Thị Tứ chụp ngày 28/4/2015.  Courtesy of csis.org


Việt Nam: Lệnh cấm đánh cá của Trung cộng vô hiệu lực
Tàu đánh cá của Trung cộng nằm bến tại cảng cá thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, ngày 1 tháng 5 năm 2017.AFP photo

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam vào ngày 10 tháng 5 ra thông cáo khẳng định lệnh cấm đánh bắt cá của Trung cộng áp dụng trên vùng Biển Đông từ ngày 1 tháng 5 đến 16 tháng 8 là không có giá trị.

Cơ quan quản lý nghề cá của Trung cộng mới đây ra thông báo tạm ngừng đánh cá có thời hạn đối với tất cả các nghề trừ nghề câu từ 12 giờ ngày 1 tháng 5 đến 12 giờ ngày 16 tháng 8 trên các vùng biển bao gồm, vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và vùng đánh cá chung giữa Việt Nam và Trung cộng ở phía đông đường phân vịnh Bắc Bộ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo các cơ quan chức năng thông báo cho ngư dân về thông báo mới của Trung cộng. Bộ cũng yêu cầu các tỉnh động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam.

Kể từ năm 1999 năm nào Trung cộng, vào dịp hè, cũng ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên một phạm vi rộng ở khu vực biển Đông là khu vực đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung cộng với một số nước châu Á khác trong đó có Việt Nam. Ngư dân Việt Nam đánh bắt cá ở ngư trường truyền thống ngoài quần đảo Hoàng Sa trong dịp này cũng thường xuyên phải đối mặt với tình trạng bị tàu chấp pháp của Trung cộng xua đuổi, bắt và tịch thu hải sản.

Hôm 8 tháng 5 có tàu Cảnh sát biển 8004  sang thăm Trung cộng hôm theo lời mời của Cảnh sát biển Trung cộng. Đây là chuyến thăm hữu nghị đầu tiên của tàu cảnh sát biển Việt Nam đến một quốc gia khác. Báo chí nhà nước VN cho biết chuyến thăm của tàu đến Trung cộng nhằm giúp tạo không khí thân thiện và hữu nghị giữa hai lực lượng và giảm nguy cơ va chạm xung đột trên các vùng biển của Việt Nam.



ASEAN giằng co giữa Mỹ-Trung 
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gặp gỡ Ngoại trưởng ASEAN ngày 4/5/17 tại thủ đô Washington.

ASEAN sẽ bị áp lực ‘nặng nề’ trong lúc tân chính quyền Mỹ tìm cách giao tiếp nhiều hơn mà chưa có chiến lược rõ ràng trước sự cạnh tranh của Trung cộng muốn ‘chinh phục’ Đông Nam Á, theo các nhà phân tích từ Trung Tâm Đông-Tây ở Hawaii.

Tờ The Nation dẫn nhận định của nghiên cứu gia cao cấp Denny Roy cho rằng dù khó đoán được chính quyền Trump định làm gì với mối quan hệ ASEAN, dự kiến Mỹ sẽ tiếp tục xem Đông Nam Á như một đối tác hữu ích.
Việt Nam là một trong bốn thành viên của khối ASEAN có tuyên bố chủ quyền một phần tại Biển Đông cùng với Brunei, Mã Lai, Phi Luật Tân. Nam Dương dù không tranh chấp chủ quyền tại vùng biển giàu tài nguyên này nhưng có một số xung khắc về hoạt động đánh bắt cá. Trung cộng nhận chủ quyền hầu hết Biển Đông.

“ASEAN sẽ tiếp tục chịu áp lực ‘nặng nề’, một bên bị Trung cộng níu kéo và bên kia là Mỹ, Biển Đông là một trong những vấn đề,” ông Roy nói.
Dù chính quyền Trump muốn có sự hiện diện tại Châu Á, nhưng theo nhà ngoại giao kỳ cựu Raymond Burghardt được tờ The Nation dẫn lời, ông Trump và các cố vấn của ông có ít kinh nghiệm với các vấn đề Châu Á, càng ít kinh nghiệm hơn với Đông Nam Á.

Nhân vật chính ‘đương đầu’ với Châu Á như Ngoại trưởng Rex Tillerson lại có nhiều hiểu biết hơn về Trung Đông, ông Burghardt nhận xét.

Cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam và là phó đặc sứ Mỹ tại Phi Luật Tân, Raymond Burghardt, cho rằng Việt Nam cần đóng vai trò quan trọng hơn trong việc dẫn dắt ASEAN đối phó với Trung cộng về vấn đề Biển Đông vì Phi Luật Tân dường như đã ‘dịu giọng’ để lấy lòng Bắc Kinh.

Từ quan điểm của một nhà ngoại giao kỳ cựu, ông Burghardt nói “Việt Nam có nhiều thứ để đóng góp trong việc mang lại một tiếng nói và quan điểm chặt chẽ trong ASEAN.”

Nguồn: The Nation


Chớ mơ hồ trong quan hệ với 2 siêu cường Hoa Kỳ, Trung cộng
Hình ảnh đá Chữ Thập, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam bị Trung cộng chiếm đóng và đảo hóa, quân sự hóa bất hợp pháp, ảnh: The New York Times.

Javier C. Hernández, phóng viên thường trú của tờ The New York Times tại Bắc Kinh, Trung cộng ngày 10/5 có bài phân tích đăng trên báo này với nhận định:

Thông điệp mơ hồ của Donald Trump về Biển Đông đang làm các đồng minh, đối tác của Hoa Kỳ ở châu Á cảm thấy lo lắng.  [1]

Người Mỹ đánh giá về chính sách của Mỹ ở Biển Đông và đồng minh châu Á

Javier C. Hernández tin rằng, các nhà lãnh đạo khắp châu Á đang nỗ lực tìm hiểu xem chính sách của Washington với một loạt các vấn đề đối ngoại cấp bách ở châu Á – Thái Bình Dương thế nào.

Nhưng cách tiếp cận thất thường của Tổng thống Donald Trump trong xây dựng chính sách đối ngoại và việc ông quá tập trung vào Bắc Triều Tiên đang gây hoang mang cho khu vực.

Tại Hàn Quốc, ông Trump đã khiến người dân nước này tức giận vì phát biểu gợi ý đồng minh hơn 6 thập kỷ phải trả cho Mỹ 1 tỉ USD để triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết sẽ tìm kiếm cách tiếp cận hòa giải hơn với Bình Nhưỡng, sẵn sàng đi Bắc Triều Tiên. Điều này cho thấy một rạn nứt tiềm năng với chính sách của Hoa Kỳ.

Đối với Phi Luật Tân, Việt Nam và Đài Loan, ông Trump đã cho thấy sự sẵn sàng thỏa hiệp với Trung cộng, thúc đẩy sự gia tăng lo ngại Hoa Kỳ sẽ ngừng các nỗ lực cân bằng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung cộng trong khu vực.

Washington là nhà phê phán chủ yếu các nỗ lực của Trung cộng quân sự hóa bất hợp pháp trên Biển Đông, nhưng chính quyền Trump gần đây rõ ràng né tránh các hành động có thể khiến Bắc Kinh tức giận.

Giáo sư Carlyle A. Thayer từ Đại học New South Wales ở Úc lo ngại: Biển Đông rồi đây sẽ thành ao tù của Trung cộng.

Thẩm phán Tòa án Tối cao Phi Luật Tân Antonio T. Carpio cho biết, ông hiểu trọng tâm chính sách của Trump là Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên ông lo lằng, nếu Trump thường xuyên nhượng bộ Trung cộng, chính nước Mỹ có nguy cơ bị “bòn rút”.

Ông Carpio lưu ý, chính sách đối ngoại giao dịch mới nổi của Donald Trump khiến các nước châu Á không yên tâm.

Tại Đài Loan, các quan chức hòn đảo này lo ngại Trump sẽ trì hoãn việc bán vũ khí cho Đài Loan vì sợ căng thẳng với Trung cộng, bao gồm chiến đấu cơ tàng hình F-35.

Hơn nữa, Trump đã công khai thể hiện rằng, ông sẵn sàng dùng Đài Loan như con bài để ngã giá với Trung cộng.

Tranh thủ thời gian Trump vừa vào Tòa Bạch Ốc, Trung cộng đã không ngừng củng cố sự hiện diện quân sự (bất hợp pháp) của họ trên Biển Đông.
Hiện nước này có khả năng triển khai phi cơ chiến đấu, bệ phóng tên lửa di động lên một số hòn đảo ở Biển Đông, theo ảnh chụp vệ tinh Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington cung cấp.

Giới quan sát khu vực đã từng hy vọng khi Tổng thống Obama tuyên bố điều động nguồn lực quân sự và kinh tế Mỹ lớn hơn sang châu Á.
Nhưng tất cả đã thất vọng khi thấy Trung cộng không ngừng bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông.

Những phát biểu hùng hồn của ông Donald Trump, ông Rex Tillerson ban đầu cũng hứa hẹn một khởi đầu mới. Nhưng đến giờ nước Mỹ dưới thời Trump vẫn chẳng làm gì cả.

Uy tín của Trump trong khu vực đã xuống thấp kể từ khi ông rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương.

Ngược lại, Trung cộng lại hứa sẽ tăng gấp đôi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xuống khu vực Đông Nam Á.

Giáo sư Alexander L. Vuving từ Honolulu nhận định: Bắc Kinh đã nhìn thấy một cơ hội vàng để bước vào khoảng trống quyền lực trong khu vực.
Những ngày gần đây, ông Donald Trump đã mời các nhà lãnh đạo Phi Luật Tân, Singapore, Thái Lan và Việt Nam tới Tòa Bạch Ốc.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Tillerson cố gắng trấn an ASEAN về sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á, hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông không có gì thay đổi.

Trung cộng không từ bỏ tham vọng, Biển Đông vẫn là “của để dành” với Hoa Kỳ

Quinn Marschik, cộng tác viên Trung tâm National Interest, Hoa Kỳ ngày 10/5 bình luận trên The National Interest:

Không có dấu hiệu nào cho thấy Washington đã dùng vấn đề Biển Đông để giao dịch, đổi lấy sự hợp tác của Bắc Kinh trong vấn đề ép Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo.

Mặc dù trên thực tế, Tổng thống Donald Trump đúng là rất mong muốn Trung cộng giúp đỡ trong việc kiềm chế Triều Tiên, và hiện có thông tin Lầu Năm Góc từ chối đề xuất của Hải quân Mỹ, tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông.

Nhưng các cuộc đàm phán giữa chủ nhân Nhà Trắng với người đứng đầu Trung Nam Hải về Triều Tiên xoay quanh một thỏa thuận thương mại Trung – Mỹ có lợi hơn cho Bắc Kinh, nếu ông Tập Cận Bình chịu giúp.
Sự giúp đỡ của Trung cộng là rất quan trọng để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Nhưng phải chăng sẽ là khôn ngoan nếu Mỹ không dùng đến con bài lớn hơn, đó là Biển Đông để mặc cả với Trung cộng, bởi Bắc Kinh sẽ không bao giờ làm điều gì khiến chính quyền ông Kim Jong-un bất ổn?

Trong khi quan hệ Mỹ – Trung còn hàng loạt vấn đề nan giải, như sự khó khăn trong việc kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ tại Trung cộng, hay cuộc chiến an ninh mạng .

Bên cạnh đó, Washington sẽ mất uy tín với các đồng minh và đối tác và có khả năng tạo rủi ro cho các lợi ích kinh tế của chính nước Mỹ.
Trung cộng sẽ không từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông bởi mấy lý do chính.

Hình biểu tượng sức mạnh quân sự Hoa Kỳ, ảnh: The National Interest.

Thứ nhất, chủ nghĩa dân tộc là một trụ cột cho tính chính danh của đảng Cộng sản Trung cộng.

Kiểm soát hoặc ít nhất là tăng quyền kiểm soát yêu sách mà Bắc Kinh tuyên bố ở Biển Đông sẽ cho phép Trung Nam Hải sử dụng chủ nghĩa dân tộc củng cố vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung cộng.

Chính phủ nước này đã liên tục tuyên truyền cho người dân của họ rằng, Biển Đông là “lãnh thổ cố hữu” của Trung cộng từ thời cổ đại.

Từ thời Mao Trạch Đông, đảng Cộng sản Trung cộng đã tuyên truyền về “sứ mệnh bảo vệ và mở rộng lãnh thổ Trung cộng”.

Bằng những hoạt động tuyên truyền liên tục, thường xuyên về “thế kỷ bị sỉ nhục”, đảng Cộng sản Trung cộng đã liên tục củng cố tính chính danh của mình.

Vì vậy, họ thấy cần phải áp dụng điều này vào các tranh chấp trên Biển Đông, nếu không có thể châm ngòi cho những làn sóng chủ nghĩa dân tộc đe dọa đến chế độ.

Thứ hai, Trung cộng đặc biệt quan tâm đến các nguồn lợi kinh tế – an ninh trên Biển Đông. 

Trước hết là an ninh năng lượng. Hiện tại 86% dầu thô và hơn 50% khí đốt Trung cộng nhập khẩu phải đi qua Biển Đông.

Sự phụ thuộc vào tuyến hàng hải huyết mạch này được dự báo sẽ tăng lên 25% vào năm 2035 khi tiêu thụ năng lượng tại nền kinh tế này sẽ tăng khoảng 50%.

Hơn thế nữa, Biển Đông được cho là có thể chứa đến 125 tỉ thùng dầu và 500 ngàn tỉ mét khối khí đốt tự nhiên. Vì vậy, kiểm soát Biển Đông sẽ cho phép Trung cộng khai thác (bất hợp pháp) nguồn năng lượng dồi dào này, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.

Tiếp đến là Bắc Kinh có lợi ích trong việc duy trì, bảo đảm tự do hàng hải cho tàu thương mại của mình trên Biển Đông, với 60% các mặt hàng thương mại xuất nhập khẩu của quốc gia này phải đi qua, trị giá tương đương khoảng 3 ngàn tỉ USD.

An ninh năng lượng và sự thịnh vượng kinh tế của không chỉ Trung cộng, mà còn Nhật Bản, Hàn Quốc – hai đối tác chính của họ, phụ thuộc rất lớn vào an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông.

Nếu tuyến hàng hải huyết mạch này bị nước ngoài (Hoa Kỳ) ngăn chặn, tăng trưởng kinh tế Trung cộng và các đối tác Nhật – Hàn có thể bị đe dọa.
Thứ ba là về an ninh, kiểm soát Biển Đông giúp Trung cộng ngăn chặn cái họ gọi là “thế lực thù địch”, đó là các hàng không mẫu hạm và tàu tuần dương, tàu khu trục mang hỏa tiễn của Hoa Kỳ tiếp cận Trung Hoa lục địa từ hướng Nam.

Hơn nữa, thống trị Biển Đông cũng cho phép Bắc Kinh dễ dàng “thu hồi” đảo Đài Loan thông qua việc ngăn chặn hoạt động trao đổi thương mại hàng hải của Đài Loan với các đối tác qua Biển Đông.

Quinn Marschik kết luận: với tầm quan trọng của Biển Đông lớn như vậy, nếu Hoa Kỳ đánh đổi vấn đề Biển Đông để lấy sự trợ giúp của Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên sẽ là  một món hời cho Trung cộng.

Con bài Biển Đông là vô cùng quý giá, Mỹ nên để dành dùng vào việc khác để có thể thu về các lợi ích lớn hơn.

Ảnh hưởng và sự can thiệp của Trung cộng với các nước khác ngày càng tăng

Michael Vatikiotis, Giám đốc khu vực châu Á của Trung tâm Đối thoại nhân đạo có trụ sở tại Thụy Sĩ, chuyên hỗ trợ trong hòa giải giữa các bên tranh chấp để ngăn chặn hoặc chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang, ngày 10/5 có bài bình luận đáng chú ý trên Nikkei Asian Review:

Về chiến lược “Một vành đai, một con đườngcủa ông Tập Cận Bình và ảnh hưởng của nó với khu vực.

Tác giả cho rằng, Trung cộng, một siêu cường mới đang xuất hiện theo đúng cách tương tự Hoa Kỳ.

Trong Chiến tranh Thế giới II, Mỹ là lực lượng mạnh nhất trong khối Đồng minh đánh bại phát xít Đức và Đế quốc Nhật.

Sau chiến tranh, Mỹ sử dụng hàng tỉ USD để giúp châu Âu tái thiết sau những tàn phá khủng khiếp, đồng thời nhằm mục đích kiềm chế sự mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô.

Nhà nghiên cứu Michael Vatikiotis, ảnh: trang Twitter cá nhân tác giả.

Sự xuất hiện của Trung cộng với vai trò siêu cường toàn cầu mới chính là một bản sao con đường thành siêu cường số 1 của Washington.

Bằng cách chi tiêu hàng tỉ USD vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn bộ vùng đất rộng lớn ở châu Á, Bắc Kinh hy vọng sẽ kiểm tra ảnh hưởng của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, vốn được coi là thách thức sâu sắc với trật tự toàn cầu hiện nay.

Thời điểm ông Tập Cận Bình lần đầu tiên phát biểu về sáng kiến Một vành đai, một con đường khi đến thăm Trung Á vào năm 2013, nhiều nhà quan sát đã tỏ ra nghi ngờ.

Nhưng ngày 14/5 tới đây, Bắc Kinh sẽ quy tụ được lãnh đạo từ 28 quốc gia đến tham dự hội nghị quốc tế quảng bá cho ý đồ chiến lược này, trong đó có Tổng thống Hy Lạp, người rất ca ngợi Trung cộng vì quyết định đầu tư vào cảng chiến lược Piraeus.

Trong nhiều thập kỷ, Trung cộng phản đối chính sách can thiệp của nước ngoài bằng trích dẫn một thỏa thuận với Ấn Độ năm 1954 về việc không can thiệp công việc nội bộ của nhau.

Tuy nhiên ngày nay có rất ít nghi ngờ về các hoạt động can thiệp đang ngày càng trở thành yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung cộng.

Những biện pháp can thiệp của họ khác nhau về chất lượng và hiệu quả.
Các nhà ngoại giao Trung cộng tham gia rất sâu vào việc thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa chính phủ Miến Điện và các nhóm vũ trang dọc biên giới với Trung cộng.

Đồng thời Bắc Kinh cũng ngày càng khẳng định sự can thiệp của mình trong việc bắt hồi hương công dân của mình từ các nước thứ ba, như đã từng thấy trong trường hợp khoảng 100 người Duy Ngô Nhĩ trốn qua Thái Lan năm 2015.

Việc đầu tư kinh tế theo “sáng kiến Một vành đai, một con đường” thường đi kèm các hoạt động viện trợ quân sự và hợp tác song phương ở Đông Nam Á.

Tại Phi Luật Tân, Trung cộng đã đề nghị giúp đỡ nước này chống cướp biển ở biển Sulu.

Ở Campuchia, các nhà quan sát thấy rằng quyết định của Phnom Penh mới đây chấm dứt tập trận chung với Mỹ là hệ quả của việc tăng viện trợ và hợp tác quân sự từ Trung cộng.

Tất cả điều này làm cho “Một vành đai, một con đường” trông giống như một “chiếc xe thùng” chở lợi ích chiến lược của Trung cộng.

Mặc dù cũng có người lập luận rằng, “Một vành đai, một con đường” chủ yếu là sáng kiến kinh tế, Bắc Kinh muốn củng cố vị thế của mình trong trung tâm chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu.

Những quan điểm này cho rằng, “Một vành đai, một con đường” là chìa khóa cho nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng trong những thập kỷ tới, như nhà nghiên cứu Hugh White người Úc viết gần đây.

Nhưng không ít nhà phê bình khác cảnh báo, có rất nhiều các dự án đầu tư trong khoảng kinh phí Trung cộng dự tính lên tới 500 tỉ USD có thể sẽ bị lãng phí bởi công suất và hiệu quả thấp.

Các nhà đầu tư và phát triển Trung cộng cũng phải chấp nhận các khó khăn tương tự như đồng nghiệp của mình từ các nước khác.

Ví dụ như sự không chắc chắn trong chính sách khai khoáng của Nam Dương, vấn đề chống phân biệt chủng tộc trong chính sách kinh tế mới của Mã Lai;

Hay việc nhà thầu Trung cộng trong dự án đường sắt ở Thái Lan đã phải vật lộn với các điều khoản đầu tư tài chính và hạn chế với quyền sở hữu đất đai của nước sở tại.

Nhưng dù sao đi nữa, tốc độ và mức độ cam kết của Trung cộng trong việc triển khai chiến lược “Một vành đai, một con đường” đã khiến nhiều nước trong khu vực lo lắng.

Nhiều người sẽ tự hỏi, quốc gia mình nên liên kết và phối hợp chiến lược phát triển của mình với chiến lược này của Trung cộng ở mức độ nào? Trong khi trên thực tế, sự thâu tóm của Trung cộng đã xảy ra.

Lấy ví dụ về thương mại điện tử, cả Mã Lai và Thái Lan đã tìm cách quyến rũ Jack Ma, ông chủ tập đoàn thương mại trực tuyến Alibaba với hơn 2 tỉ khách hàng.

Gần đây Jack Ma đã mua cổ phần kiểm soát tập đoàn mua sắm trực tuyến Lazada, Singapore, đồng thời công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm bán lẻ khu vực tại Kuala Lumpur, Mã Lai.

Các nước trong khu vực cũng sẽ rất khó cưỡng lại chiến lược “Một vành đai, một con đường”, khi Liên minh châu Âu – đối tác thương mại lớn của họ cũng phải tập trung tầm nhìn vào Trung cộng, khớp nối với “Một vành đai, một con đường”.

Nhật Bản có thể tập trung hơn vào khu vực, nhưng lại thiếu nguồn lực tài chính.

Mỹ có khả năng lớn nhất trong việc triển khai sức mạnh quân sự trong khu vực, nhưng thiếu chiều sâu và hạn mức ngân sách quốc phòng để mở rộng sự hiện diện khắp châu Á.

Do đó, chống lại “Một vành đai, một con đường” là vô ích.

Tốt hơn hết là các đối tác trong khu vực nên hợp tác chặt chẽ với Trung cộng để phát huy tối đa các lợi thế, đồng thời hạn chế tối đa các rủi ro.


Tổng hợp các tin tức và bình luận từ RFA, RFI, VOA