20.06.2017

Thu hồi và huỷ tập thơ THÀNH PHỐ DỊU DÀNG

Thu hồi và huỷ tập thơ THÀNH PHỐ DỊU DÀNG
Dưới bàn tay của Ban tuyên giáo và Bộ 4T

Chuyện không xảy ra ở Bắc Triều Tiên

Dưới đầu đề trên, báo Tuổi Trẻ số đề ngày 13.6.2017 đưa tin : 
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - giám đốc kiêm tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã có quyết định "thu hồi và hủy tập thơ Thành phố dịu dàng xuất bản năm 2015".


Đây là tập thơ xuất bản năm 2015, gồm 48 bài của nhà thơ Trần Nhuận Minh đã được UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định trao giải nhất giải thưởng văn nghệ Hạ Long lần thứ 8 nhưng vấp phải ý kiến trái chiều của dư luận.

Vì vậy, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và truyền thông) đã ra văn bản yêu cầu đình chỉ phát hành tập thơ này.

Trong công văn gửi cục Xuất bản, In và Phát hành, ông Nguyễn Quang Thiều nêu rõ:

“Nhà xuất bản Hội Nhà văn đồng ý với nhận định của cục Xuất bản, In và Phát hành : “ Tập thơ là những hồi tưởng về quá khứ, miêu tả cuộc sống, số phận con người với sự đôn hậu, chân thành, xen lẫn day dứt, xót xa của tác giả. Tuy nhiên, 2 bài thơ Lúc ấy... và Những điều ấy... có cách viết mang tính chủ quan, không hợp lý ”.

Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã làm việc với biên tập viên và tác giả để rút kinh nghiệm trong công tác biên tập, cuối cùng “ đi đến quyết định thu hồi và hủy tập thơ Thành phố dịu dàng xuất bản năm 2015 và xin in lại tập thơ sau khi loại bỏ hai bài thơ nói trên ”, công văn nêu rõ.

Trước những thông tin trái chiều của dư luận về tập thơ Thành phố dịu dàng, nhà thơ Trần Nhuận Minh cũng đã có đơn xin rút khỏi giải thưởng văn nghệ Hạ Long lần thứ 8. Hội VHNT Quảng Ninh đang hoàn chỉnh văn bản báo cáo, trình UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định không trao giải thưởng cho tác phẩm này.

Ngay lập tức, các mạng xã hội đã phản ứng mỉa mai quyết liệt trước quyết định của bộ 4T và sự vâng lời của nhà thơ  giám đốc kiêm tổng biên tập của nhà xuất bản.

Trước hết, người ra đi tìm hai bài thơ "vì sao nên nỗi" mà có lẽ đến nay ít ai được đọc. Một lần nữa, mạng xã hội cho thấy hiệu quả và vận tốc của nó. Bản chụp hai bài thơ được phổ biến nhanh chóng :


 Trên trang FaceBook, nhà toán học Ngô Bảo Châu  bình luận :
đã vào thiên niên kỷ thứ ba lâu rồi mà ở đâu đó trên quả đất này vẫn có ai đó muốn kiểm soát thơ, cho rằng thơ không được chủ quan, thơ phải hợp lý. có phải họ nuối tiếc một cái gì đó mà đáng ra nên vĩnh viễn cho yên nghỉ với thiên niên kỷ trước hay không?

Một nhà toán học khác, Hà Huy Khoái , góp ý kiến rất xây dựng :
"Tôi nhận ra những điều ấy trong sách giáo khoa" : nếu thêm chữ "của địch" vào thì có phải sẽ được phổ biến rồi không !

Có thể trích vô vàn những lời bình luận khác. Nhưng xin để bạn đọc hứng thú khám phá trên các trang FaceBook.

Kiến Văn