20.06.2017

Trung cộng thắng thế việc kiểm soát Biển Đông - Ralph Jennings

Trung cộng thắng thế việc kiểm soát Biển Đông

Tàu Hải quân Hoa Kỳ USS Dewey tuần tra Biển Đông

Bắc Kinh đạt được một đỉnh cao mới trong việc kiểm soát Biển Đông có nhiều tranh chấp sau khi trấn an các đối thủ, đẩy Washington ra xa và xây các đảo nhân tạo để thiết lập cơ sở quân sự.


Theo một báo cáo của NGũ Giác Đài hôm 6/6, Trung cộng sẽ có thể bố trí ba trung đoàn phi cơ chiến đấu trên các đảo mà họ đã xây lắp trên biển Đông. Theo dự báo của nhóm chuyên gia vào tháng 3, ước tính Trung cộng sẽ sử dụng khoảng 3.200 mẫu Anh (tức khoảng 1.294 hecta) diện tích đất trong vùng biển rộng 3,5 triệu km vuông, chủ yếu phục vụ cho mục đích lắp ráp thiết bị quân sự.

Tập trận quân sự chung với Nga

Trong một dấu hiệu khác của nỗ lực tăng cường kiểm soát hàng hải, Tân Hoa Xã của Bắc Kinh hôm Chủ nhật cho biết một tàu khu trục Trung cộng đã tham gia cùng các tàu Nga trong giai đoạn một của cuộc tập trận chung "đa dạng " và "kéo dài" bắt đầu ở khu vực Biển Đông. Nga có các lực lượng vũ trang mạnh thứ nhì thế giới và Trung cộng mạnh thứ ba.

Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu về an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho hay: "Tôi nghĩ có một điều không cần nói ra nhưng ai cũng biết rằng không có cách nào ngăn chặn được Trung cộng. Tôi nghĩ một thực tế là ngoài Hoa Kỳ, Trung cộng có một vị trí thống trị trong khu vực."

Kiểm soát “đường chín đoạn"

Uy thế của Trung cộng nổi lên trên Biển Đông, khu vực có năm nước khác cũng tuyên bố chủ quyền, xảy ra sau một năm theo đuổi chính sách ngoại giao không ràng buộc với các nước trong khu vực, và sau một thập niên san lắp tất cả 500 đảo nhỏ để hỗ trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự.
Theo ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch Hàng hải Châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - CSIC, Trung cộng cuối cùng sẽ quyết định điều gì sẽ xảy ra trong tuyên bố chủ quyền “đường chín đoạn”, chiếm hơn 90% diện tích Biển Đông. Bắc Kinh trích dẫn các chứng cứ lịch sử để biện minh cho các tuyên bố chủ quyền.

Các quốc gia khác như Brunei, Mã Lai, Đài Loan, Việt Nam và Phi Luật Tân đều có tuyên bố các phần chồng lấn trong “đường chín đoạn” này. Tất cả các nước này đều đánh giá khu vực biển Đông giàu hải sản, nhiên liệu hóa thạch và là các tuyến đường biển quan trọng.

Trung cộng kiểm soát toàn bộ

Ông Poling nói: "Tôi nghĩ rằng Trung cộng có mục mở rộng chiếc ô bao trùm toàn bộ đường chín đoạn, để họ quản lý hiệu quả tất cả các khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, bao gồm tất cả các vùng biển và không gian mà họ tuyên bố chủ quyền lịch sử."

Ông Poling nói: "Vì vậy, điều này có nghĩa là nếu quý vị là ngư dân hoặc tàu tuần duyên hoặc tàu thăm dò dầu khí vùng Đông Nam Á, quý vị không thể hoạt động trừ khi Trung cộng cho phép.”

Du khách Trung cộng tại Việt Nam

Ngoại giao kiểu Trung cộng

Giới Lãnh đạo Cộng sản của Trung cộng đã tăng cường các cuộc đối thoại trực tiếp với các nước Đông Nam Á có khả năng quân sự yếu kém hơn, sau khi một trọng tài quốc tế ra phán quyết vào tháng 7 năm ngoái, chống lại bằng chứng pháp lý đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung cộng. Các nhà phân tích nói rằng Bắc Kinh cung cấp viện trợ cho các nước và đổi lại họ phải im lặng không phản đối sự mở rộng quân sự trên biển của Trung cộng.

Năm ngoái, Trung cộng đã cung cấp một khoản viện trợ và đầu tư trị giá 24 tỷ đôla cho Phi Luật Tân. Trung cộng cũng đã hỗ trợ ngành du lịch của Việt Nam bằng cách đưa du khách vào nước này trong khi tìm cách thảo luận về hợp tác hàng hải. Mã Lai xem Trung cộng là nhà đầu tư hàng đầu và là đối tác thương mại lớn.

Mỹ rút lui khỏi Biển Đông

Các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Phi Luật Tân từng xem Mỹ như một đối trọng chống lại Trung cộng. Nhưng hiện nay, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump muốn Trung cộng giúp ngăn chặn các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên.

Ông Sean King, phó chủ tịch cao cấp của Viện tư vấn chính trị Park Strategies có trụ sở New York cho biết:

"Không có sự phối hợp giữa các nước chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung cộng; và Việt Nam là nước duy nhất trong số này chắc chắn cảm thấy bị bỏ rơi sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – hay còn gọi là TPP. Do dó chắc chắn Việt Nam sẽ đặt nghi vấn là thực sự cam kết của Mỹ trong khu vực sẽ như thế nào.”

Ông Trump đã rút Mỹ khỏi TPP vào tháng 1, cho rằng hiệp định thương mại giữa 12 quốc gia thành viên này không tốt cho Mỹ.

Tuy nhiên, trong tháng này, các quan chức Mỹ đã gợi ý rằng họ sẽ có một chính sách cứng rắn hơn đối với việc Trung cộng bành trướng lãnh hải.
Vào tháng 5, Hải quân Hoa Kỳ đã cử tàu tuần tra hoạt động "tự do hàng hải" ở Biển Đông, mặc dù bị Bắc Kinh phản đối.

Theo trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis phát biểu trước hội nghị Quốc phòng châu Á hồi đầu tháng này rằng: "Tuyên bố chủ quyền của Trung cộng đối với Biển Đông cần phải được giải quyết một cách hòa bình và thông qua đàm phán, chứ không phải bằng cách xây dựng các đảo và đặt vũ khí lên trên đó.”

Ông Andrew Yang, Tổng thư ký của Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Cao cấp về các vấn đề Trung cộng tại Đài Loan cho biết “sự thận trọng” hiện nay trong vấn đề hợp tác Trung-Mỹ, cùng với sự hiện diện vai trò quân sự của Mỹ ở Biển Đông, sẽ giúp ngăn chặn Trung cộng ít hung hăng hơn đối với các quốc gia khác.


VOA Tiếng Việt