„Đồng Tâm hiện thời, và có thể những Đồng Tâm khác trong tương lai,
sẽ mạnh mẽ cứng cỏi hơn, tự bảo vệ mình hiệu quả hơn nếu biết gác lại tư tưởng
- lá chắn “có đảng là có tất cả”,…“
Có đảng là có tất cả?
Một
cảnh sát lạy tạ dân làng Đồng Tâm sau khi được phóng thích hôm 22 tháng Tư.
(REUTERS/Kham)
Một facebooker là Anh Nam chia sẻ một câu chuyện thật
đáng suy ngẫm: trước khi báo chí thông tin về vụ Công an Hà Nội bất ngờ khởi tố
người Đồng Tâm vào ngày 13/6/2017, anh có đi xe Uber của một tài xế gốc Đồng
Tâm. Anh tài xế đã tự hào kể: “Làng em đã đấu tranh thành công buộc ông
Chung chủ tịch phải cam kết không khởi tố hình sự dân làng”. Khi được hỏi
là vì sao thành công, anh tài xế nói: “Vì làng em không theo bọn phản động,
không tiếp xúc với bọn phản động. Vẫn treo cờ đỏ sao vàng, cờ đảng và sáng chiều
đều phát Quốc ca”.
Không thể phủ nhận rằng đoạn tự bạch là một tin vui
cho đảng, nhưng lại khiến cho những người đi tiên phong tranh đấu cho dân chủ
và nhân quyền có phần thất vọng: nẻo đường đưa Việt Nam đến một chỉnh thể về
dân chủ vẫn còn xa vời vợi.
“Dân vẫn tin đảng” đã bị bội phản như thế nào?
Nhìn lại càng thấm thía: “Nhân dân xã Đồng Tâm tuyệt đối tin tưởng và chính sách và đường lối của đảng và nhà nước” - một trong những khẩu hiệu tiêu biểu mà người dân thôn Hoành của xã Đồng Tâm trương lên vào giữa tháng Tư năm 2017, dù bầu không khí khi đó không khác gì “rào làng chiến đấu” và sẵn sàng một mất một còn với chính quyền.
Sao lại thế?
Vì sao ngay cả sau khi phải thức trắng đêm vì lệnh
khởi tố ngày 13/6 của Công an Hà Nội, ông Lê Đình Kình - một trong những “lãnh
đạo” của thôn Hoành - vẫn một lòng trung trinh khi trả lời đài BBC: “Đến giờ
phút này, tôi vẫn tin vào Đảng, có Đảng là có tất cả, nhưng nếu cứ tiếp tục để
những kẻ tham ô không bị xử lý mà lại đi xử lý người dân tố tham ô thì Đảng có
nguy cơ mất quyền lãnh đạo”?
“Tâm lý học nhân dân” lại càng trở nên mâu thuẫn khi
ông Lê Đình Kình lại là nạn nhân đã 82 tuổi của một vụ công an hành hung làm
gãy xương hông và sau đó còn bắt cóc ông mang về đồn giam giữ.
Lại có một thực tế không thể bỏ qua là tại
“miền Bắc xã hội chủ nghĩa”, cho đến
nay những cựu binh đã trải qua ba cuộc kháng chiến như ông Kình vẫn còn hiện diện
và vẫn còn ảnh hưởng đối với cộng đồng xung quanh. Ở
khu vực cộng đồng làng xã nông thôn, thông thường giới cựu binh sinh hoạt xã hội
như nhiều người dân khác. Nhưng khi “có biến”, nghĩa là có một vụ đụng độ giữa
người dân địa phương với chính quyền mà người dân hoặc là nạn nhân của trưng
thu đất đai vô lối, hoặc nạn nhân về môi trường, vai trò và ảnh hưởng của những
cựu binh lại bất thần xuất hiện. Thậm chí kinh nghiệm tổ chức tác chiến, dân vận,
binh vận, phòng gian bảo mật và hậu cần kỹ thuật của họ đã lập tức khiến cộng đồng
người dân địa phương tự nguyện tôn họ làm thủ lĩnh của “phong trào khởi nghĩa”.
Trong cuộc “Cách mạng Thái Bình 1997”, vai trò dẫn dắt và lãnh đạo như thế đã thuộc về giới cựu chiến
binh: cũng là việc dân bắt giữ nhân viên công lực, rào làng, tạm thiết lập
“chính quyền nhân dân”, sau đó phong trào còn lan ra một số tỉnh…
Cho tới nay, số cựu binh như thế vẫn còn rải rác ở
các tỉnh miền Bắc và Trung Bộ. Khủng hoảng Đồng Tâm đã chứng minh một thực tế
là ở những địa phương có số đảng viên cao, thậm chí ở những nơi đảng viên chỉ
sinh hoạt chiếu lệ hoặc đa phần đã thoái đảng, vẫn
chưa có thành phần nào khác có thể thay thế vai trò dẫn dắt, định hướng của giới
cựu binh nhiều kinh nghiệm và đã quá hiểu những mưu tính và hành vi của đảng.
Đó chính là nguồn cơn để những cựu binh Đồng
Tâm đưa ra chủ trương “chỉ chống tham
nhũng, không chống đảng”. Đây cũng là một lá chắn mà những
người lãnh đạo của “khởi nghĩa Đồng Tâm” hy vọng vẫn giữ được một “ranh an
toàn”, hy vọng đảng vẫn ghi nhận truyền thống thượng tôn kỷ luật của mình mà
không đến nỗi đối xử cạn tàu ráo máng với “toàn thể nhân dân Đồng Tâm”. Tâm lý này khác hẳn với đặc thù xã hội học ở các tỉnh miền
Trung như Hà Tĩnh, Nghệ An - những
nơi chỉ có ít đảng viên nhưng tập trung số đông người Công giáo ngoài đảng,
trong phong trào phản kháng Formosa. Rất nhiều cuộc biểu tình của giáo dân và
ngư dân đã thẳng tay giương biểu ngữ “Phản đối đảng Cộng sản…”, thậm chí “Đả đảo
đảng Cộng sản…”.
Thế nhưng cái hậu của vụ Đồng Tâm lại đã hiện hình
phản trắc chưa từng có: nhân vật từng được báo đảng vinh danh “người hùng”, “bản
lĩnh Nguyễn Đức Chung”, sau việc ký bản cam kết và lăn tay trước dân đã quay
ngoắt phủ nhận hành động ấy, để mặc cho Công an Hà Nội muốn làm gì thì làm.
Vấn đề giờ đây chỉ là có dám “làm” hay không.
Chua chát thay, chủ trương ngoài miệng “dân vẫn tin đảng” của những cựu binh như
ông Lê Đình Kình đã bị thất bại, bị bội phản, hoặc gần như thế, bởi thói đổi trắng
thay đen quá nhanh từ chính những đại diện của đảng.
Khởi tố dân để đấu đá nội bộ?
Ngay khi lệnh khởi tố Đồng Tâm được Công an Hà Nội phát ra, không chỉ người dân xã này mà rất nhiều người lo lắng hiện tình đất nước đã choáng váng.
Nhưng sau đó là ngạc nhiên, kinh ngạc. Tại sao vụ Đồng
Tâm đã được tháo ngòi nổ”, từ cuối tháng Tư đến nay không có bất kỳ biểu hiện
“nguy hiểm” nào từ phía người Đồng Tâm, thậm chí Đồng Tâm còn được báo đảng quảng
bá là “yên vui và tin đảng”, Thanh tra Hà Nội đang tiến hành thanh tra đất đai,
lại đang diễn ra kỳ họp quốc hội…, mà công an lại tung ra một lệnh khởi tố khiến
xáo động đời sống người dân, khiến ông Lê Đình Kình phải thốt lên “Đồng Tâm lại
trở thành điểm nóng!”?
Cứ như thể có một bàn tay quyền lực từ bóng tối thò
ra khuấy động trở lại vụ Đồng Tâm, biến người dân nơi đây thành vật hy sinh cho
một âm mưu sâu hiểm nào đó.
Âm mưu đó là gì?
Vài ngày sau, đã tràn đầy giả thiết - những giả thiết
không những không hoang đường mà còn gần gũi với thực tế.
Ông David
Brown, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ ở Việt Nam, cho VOA Việt Ngữ biết rằng:
“Cũng không có gì khó hiểu nếu bước đi táo bạo của
ông Chung có thể đã khiến một số người trong Bộ Công an không hài lòng, và
chính vì thế, họ tìm cách khôi phục kỷ cương bằng cách điều tra và truy tố các
dân làng. Nói tóm lại, vụ khởi tố này là bằng chứng cho thấy một sự đấu đá ở hậu
trường”.
Một cư dân Hà Nội và đặc biệt quan tâm chính sự là
Giáo sư Nguyễn Đình Cống cũng nêu ra một giả thiết: “Vài lời với ông Hoàng
Trung Hải và Nguyễn Phú Trọng. Sự việc Đồng Tâm vừa qua và gần đây các ông biết
cả chứ. Quan điểm của các ông thế nào khi việc này trực tiếp ảnh hưởng đến uy
tín của Đảng. Phải chăng các ông làm ngơ, kệ cho ông Chung và CA Hà Nội làm gì
thì làm. Không được. Các ông chủ trương Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối.
Trong việc này tôi thấy lờ mờ bóng của các ông đàng sau lưng CA. Có thế nào các
ông nên có ý kiến công khai để dân còn biết đường xoay xở”.
Nhiều người trong nhiều giới, khi bàn về lệnh khởi tố
Đồng Tâm, cũng xoáy vào nguyên nhân “nội bộ”.
Cần nhắc lại, tình trạng an nguy chính trị của Nguyễn
Đức Chung đã râm ran từ khi nổ ra vụ Đồng Tâm. Khi đó có dư luận cho biết nếu
ông Chung không giải quyết “êm” vụ này thì ông ta tất phải chịu trách nhiệm về
điều hành yếu kém và phải bị thay thế tại Hội nghị trung ương 5 của đảng - diễn
ra vào tháng 5/2017.
Nhưng cho dù đã phải cúi đầu cam kết với dân, hoạn lộ
của Nguyễn Đức Chung vẫn chưa kết thúc. Hình như vẫn âm thầm đâu đó một thế lực
chính trị muốn “bế” ông Chung khỏi cái ghế chủ tịch Hà Nội ngồn ngộn quyền và lợi.
Rất có thể, đây chính là nguyên nhân mà đã khiến người dân Đồng Tâm một lần nữa
phải mất ngủ vì sôi sục, trong khi lẽ ra chính quyền có thể tạm yên tâm trong
không khí hoàn toàn ôn hòa và “tạm tin đảng” của nông dân thôn Hoành.
Nói cách khác, lệnh khởi tố Đồng Tâm đã lộ
thẳng thừng một sự thật: đảng chẳng hề quan tâm đến số phận của người Đồng Tâm.
Nói
cách khác, cái đảng ấy cùng lý tưởng của nó đã trở nên quá trừu tượng, trong
khi vẫn để mặc những đại diện của đảng lợi dụng vụ Đồng Tâm thành vật mặc cả,
hoặc sống mái hơn thì có thể tạo ra một vụ khủng hoảng “Hậu Đồng Tâm” để tranh
giành quyền lực và lợi ích vương bá.
Đã “sáng mắt, sáng lòng”?
Cùng với tâm trạng thất thần của người Đồng Tâm trước lệnh khởi tố ngày 13/6 của Công an Hà Nội, dư luận xã hội cũng bùng nổ. Một trong những luồng dư luận là “Nhân dân Đồng Tâm sẽ “sáng mắt, sáng lòng” sau vụ này”.
Quả vậy, đã có chút “cải cách dân chủ” từ phía người
dân Đồng Tâm. Nếu trong và cả sau cuộc khủng hoảng tháng Tư năm 2017, hầu như
không có người nào trong Đồng Tâm có mối liên hệ đáng kể nào với các tổ chức xã
hội dân sự độc lập đấu tranh cho dân oan đất đai và quyền sở hữu tư nhân đất
đai, cũng không chịu trả lời phỏng vấn và thông tin cho các trang mạng lề dân
và báo đài quốc tế, thậm chí chỉ hãn hữu tiếp xúc và trả lời báo chí nhà nước…,
thì sau ngày 13/6, chính đảng viên 56 tuổi đảng Lê Đình Kình đã lần đầu tiên trả
lời phỏng vấn đài BBC Việt ngữ với độ bức xúc chưa từng có, trong đó ông Kình
thẳng miệng gọi Chủ tịch Hà Nội, ủy viên trung ương đảng Nguyễn Đức Chung là
“phản bội”.
Dường như người dân và đặc biệt là những
đảng viên hưu trí Đồng Tâm đã bắt đầu nhận ra sự thật về những tổ chức xã hội
muốn giúp đỡ họ trong cuộc đấu tranh không mạnh thì chỉ có nước chết này.
Trong chiến dịch “rào làng chiến đấu” vào tháng
4/2017, Đồng Tâm đã trở nên mạnh mẽ với tinh thần đồng lòng và được dẫn dắt bởi
giới cựu binh vốn đã quá quen với việc xây dựng “thế trận nhân dân”. Nhưng nếu
không có các trang mạng xã hội cùng nhiều tổ chức xã hội dân sự trong nước và
ngoài nước, kể cả báo chí quốc tế cũng phải quan tâm và đưa tin liên tục, liệu
Bộ Chính trị chóp bu của đảng có chịu “xuống nước” nhanh đến thế với một bản
cam kết không chỉ ký sống mà còn lăn tay của Nguyễn Đức Chung?
Bài học gần nhất là phong trào biểu tình phản kháng Formosa. Đó là một sự kết nối hoàn
hảo giữa phong trào này và mạng xã hội, các cộng đồng trong nước và quốc tế. Thậm
chí còn có một chuyến đi châu Âu để tố cáo Formosa và quốc tế vận của Giám mục
Nguyễn Thái Hợp. Chính quyền Việt Nam đã không thể che tai bịt mắt…
Trước đó nữa, nếu không có mạng xã hội thì liệu những
vụ đình đám nội bộ như Nguyễn Bá Thanh, Phùng Quang Thanh, nợ công, nợ xấu, sân
golf trong sân bay Tân Sơn Nhất… có được đảng “chủ động thông tin” cho dư luận
xã hội?
Hãy cùng suy nghĩ: Đồng Tâm
hiện thời, và có thể những Đồng Tâm khác trong tương lai, sẽ mạnh mẽ cứng cỏi
hơn, tự bảo vệ mình hiệu quả hơn nếu biết gác lại tư tưởng - lá chắn “có đảng
là có tất cả”, để ít nhất cũng làm cho tin tức xung đột dân - quan không
còn thuộc về thói sở hữu độc tài của đảng.
Blog VOA