21.09.2016

NHỮNG MẢNH ĐỜI KHỐN KHỔ - Fb Nguyễn Thị Bích Ngà

„Những người nông dân hiền lành chất phác bỗng trở thành luật sư bất đắc dĩ, để tự cãi, tự đòi công bằng, công lý cho bản thân mình…

Họ cần lắm những người trí thức lên tiếng. Họ cần lắm sự dũng cảm bênh vực công lý của trí thức.“

NHỮNG MẢNH ĐỜI KHỐN KHỔ

Những người dân kêu oan cho chị Cấn Thị Thêu bên ngoài phiên tòa. Nguồn: internet

Chị đã đi tù (lần thứ nhất) khi tôi biết đến cảnh bà con ngày ngày đi khiếu kiện. Anh thì cùng bà con các tỉnh phía Nam ngày qua ngày lội rã cẳng từ số 1 Ngô Thì Nhậm-Hà Đông đi ra phủ chủ tịch, tòa nhà quốc hội, phủ thủ tướng, văn phòng tiếp dân của mặt trận tổ quốc, các tòa soạn báo…liên tục 5 tháng ròng, không kết quả, không một tấm hình, không ai biết đến.


Tôi chỉ nghe tên chị và biết những người con trai của chị, những bạn trẻ bền bỉ, chịu khó lao động, chịu khó học hỏi. Tôi tiếp xúc với anh lần đầu tiên khi tôi ngượng ngùng đưa cái phong bì lép kẹp, được nhét vội ít tiền vì không chuẩn bị trước, lí nhí, “Em muốn giúp bà con ít gạo mà không biết mua chỗ nào, anh giúp em mua gạo bà con nấu cơm.

Rồi sau đó, cứ cuối tuần là tôi chạy chục km xuống thăm bà con. Khi thì gạo, khi thì thịt cá, rau củ được mua bằng tiền đi dạy của mình. Vỉa hè, phía trước đồn công an quận Hà Đông, đối diện trụ sở tiếp dân của văn phòng chính phủ, trở thành nơi nấu ăn, sinh hoạt của bà con. Lúc cao điểm lên đến vài trăm người. Sau, tôi tham gia nhóm cùng một vài anh chị để giúp bà con được nhiều hơn.

Vài trăm con người từ các tỉnh miền Nam tụ về số 1 Ngô Thì Nhậm, với niềm mong mỏi đơn thư của mình sẽ được tiếp nhận, chuyển lên cấp có thẩm quyền, giải quyết. Có dự án vài trăm người, có dự án vài chục, có dự án chỉ vài người hoặc cá nhân đi thưa kiện. Mỗi một trường hợp là một sự phức tạp. Có trường hợp dự án lấy hàng trăm ha đất, ảnh hưởng cả nghìn hộ, có trường hợp tranh chấp giữa cá nhân có tiền và người yếm thế, có trường hợp bị lấy đất đã mấy chục năm không bồi thường, không quyết định. Và trường hợp nào cũng đầy nước mắt.

Bà con bị oan ức, gặp ai cũng lôi hồ sơ giấy tờ ra đưa cho coi để chứng minh mình đúng và nhờ lên tiếng dùm. Tôi, hồi đầu còn đọc, sau thì sợ, vì tôi có giúp được gì đâu về pháp lý. Những tập hồ sơ ám ảnh. Những người nông dân hiền lành ít học đó giỏi hơn tôi rất nhiều khi họ nói vanh vách không cần cầm giấy, nghị định nào, số bao nhiêu, sai ở điểm nào và vì sao họ bị oan, theo luật ở điểm nào và nghị định nào thì mới đúng. Những người nông dân hiền lành chất phác bỗng trở thành luật sư bất đắc dĩ, để tự cãi, tự đòi công bằng, công lý cho bản thân mình. Các bạn nên biết rằng, trong số đó, có chị mới học hết lớp 3, để thấu hiểu rằng họ đã phải cố gắng vượt bậc để tự tìm hiểu, để học và đấu tranh cho mình như thế nào. Và họ phải oan ức thế nào thì họ mới phải nỗ lực như thế, mới quyết tâm như thế.

Mỗi khi tôi nghe ai đó nói bà con đi đòi đất, thưa kiện chẳng qua là vì tham, vì muốn hơn, vì tiền… tôi đều bảo những người phát biểu câu đó hãy đi đi, hãy đến đi, hãy tiếp xúc với bà con đi, để nhìn thấy sự thật, để cảm nhận và thấu hiểu. Họ không làm điều đó. Họ chỉ ngồi một chỗ, nghe đài đảng, gõ phím chửi những người yếm thế. Bởi chửi người yếm thế thì dễ dàng và không bị đánh, không bị bắt như phản biện chính quyền.

Hàng trăm con người, không một chiếc smartphone, không có ai sử dụng facebook, không biết tự bảo vệ mình trước truyền thông của đảng, không thể tự biện minh cho mình trước sự hắt hủi và khinh khi, xa lánh của cộng đồng. Nỗi oan không được tỏ bày, không được thấu hiểu và không được sẻ chia.

Người đàn bà lớp ba, bò ra sàn nhà, nắn nót kẻ từng chữ lên mặt trong cái bao gạo cũ. Nguyên đêm, được đúng hai hàng. Đêm sau, tẩn mẩn ngồi vẽ một con mắt tuyệt đẹp với giọt lệ máu, bên cạnh hàng chữ. Bảo bối kêu oan của chị. Đi đâu cũng quấn trong người. Người đàn bà khác, sáng đi khiếu kiện, tối đi nhặt ve chai, chị mua xăng đổ vào người, quyết chết tại sân trụ sở số 1 Ngô Thì Nhậm. Trong giây phút bi phẫn tột cùng, vẫn lủng lẳng hai bên hông hai cái túi ni-long đựng vỏ chai nhựa, gia tài.

Anh, người đàn ông theo đạo Phật, ăn chay trường, hiền lành như cục đất, bàn tay thô mộc với những ngón tay to bè, vụng về, lần dò từng chữ cái trên bàn phím cái smartphone được tôi tặng. Anh tự học cả đêm, lần mò từng chữ, gõ được một trang trên điện thoại, kể về câu chuyện oan ức của bà con mình, đến sáng, bấm nhầm, mất sạch. Lại hì hục ngồi gõ lại từ đầu. Nếu anh không oan, anh có làm được như vậy?

Tôi bật cười khi nghe anh kể mà khóe mắt cứ cay xè. Anh, bị bắt cóc, bị di lý về địa phương bằng hình thức tống lên xe 16 chỗ, trói tay chân, trùm túi ni lông đen vào đầu, miệng nhét giẻ, và tất nhiên, kèm đấm đá. Không một lần được thăm, không cho tiếp xúc luật sư, tám tháng sau, anh bị kêu án 3 năm 6 tháng theo điều 258 bộ luật hình sự trong một phiên tòa anh bị dán băng keo vào miệng không cho kêu oan. Phiên xử có bản án trước ngày xử án một ngày. Sau bao lần xử lại, hoãn, hủy, sơ thẩm, phúc thẩm kéo dài, các luật sư vào cuộc bào chữa miễn phí, anh vẫn bị kêu y án, cái án bỏ túi, 3 năm 6 tháng. Anh-người tù không chịu mặc áo tù-liên tục kêu oan và chất vấn, biến phiên xử mình thành phiên tòa tố cáo tham nhũng.

Chị, người đàn bà mạnh mẽ, quyết liệt nhưng nhẹ nhàng, đoàn kết bà con và thấu hiểu vì sao mình lại bị oan, vì đâu mình mất đất. Những ngày tháng giam cầm không làm thui chột ý chí đấu tranh của chị mà chỉ làm cho chị kiên cường hơn. Và, điều đó là một việc không thể chấp nhận đối với những kẻ đàn áp. Chị bị bắt, và ra tòa lần nữa, lãnh 20 tháng tù giam trong một phiên tòa lố bịch. Bên ngoài, người đi dự phiên tòa công khai thì bị ngăn chặn, bắt, đánh.

Bây giờ, bà con dân oan nhiều người đã biết sử dụng smartphone, biết dùng facebook để nói lên tiếng nói của mình, bà con đã được đón nhận nhiều tình cảm hơn và sự thấu hiểu, chia sẻ của người dân. Nhưng điều đó chưa đủ. Họ cần lắm những người trí thức lên tiếng. Họ cần lắm sự dũng cảm bênh vực công lý của trí thức. Họ cần lắm mỗi người trong chúng ta thấu hiểu và nhận ra rằng nếu điều 53 hiến pháp vẫn còn tồn tại thì bất cứ khi nào chúng ta cũng có thể gia nhập đội ngũ dân oan, trở thành họ-những mảnh đời khốn khổ.