Phải biết bao nhiêu năm, mới xây dựng được một nền văn hóa ?
“Vì lợi ích 10 năm, trồng cây. Vì lợi ích 100
năm, trồng người” Và chỉ sau thời gian ngắn, với chính sách trồng
người này đã phá nát nền văn hóa Hà Thành thanh lịch như thế nào ?
Nền văn hóa thanh lịch của Hà nội, được hình thành,
phát triển, và củng cố từ mấy trăm năm, qua bao nhiêu thế hệ tiếp nối nhau, vẫn
phát huy rực rỡ dưới 80 năm đô hộ của thực dân Pháp , nhưng lại bị yểu tử dưới
bàn tay của những người Cộng Sản …
Hơn nửa thế kỷ trước, Hà nội được mệnh danh là đất “ngàn năm văn vật”,
nơi đã trải qua “4,000 năm văn hiến”. Hà nội được
xưng tụng là “Hà Thành thanh lịch”, đào tạo
ra những “trai thanh, gái lịch”. Các“nam
thanh, nữ tú” đã làm Hà nội hãnh diện bằng 2 câu thơ:
Chẳng
thơm cũng thể hoa nhài.
Dẫu
không thanh lịch, cũng người Tràng An
Hà nội xa xưa, chỉ
là một thành phố xinh xắn,hiền hòa, với 36 phố phường và 5 cửa ô. Phố
xá Hà nội ngắn, gọn, và sạch sẽ,nhà cửa khang trang. Người Hà Nội hầu như quen
biết nhau gần hết. Họ chung sống hài hòa, và đối xử với nhau lịch sự tới độ
khách sáo. Khoảng cách giữa giàu và nghèo không chênh lệch là mấy.
Hà nội còn nổi tiếng về các vùng phụ cận như làng Nhật
Tân ven Sông Hồng, nhờ thổ nhưỡng đặc biết đã trồng được loại hoa đào đẹp nhất
miền Bắc. Hoa đào Nhật Tân, sắc hồng thắm rực rỡ, cánh kép lâu tàn, nụ hoa chi
chít trên cành. Ngày mùng một Tết, đào Nhật Tân nở rộ, những bông hoa tươi thắm
còn ngậm sương mai, xen lẫn với các nụ hoa chúm chím, và lất phất những cánh lá
non mươn mướt trên cành, trông đẹp vô tả. Theo dòng lịch sử, ngày mùng 5 tháng
Giêng năm Kỷ Dậu, khi vừa chiến thắng trận Đống Đa, vua Quang Trung vào thành
Thăng Long, và đã tới ngay làng Nhật Tân để chọn một cành đào đẹp nhất, gửi về
tặng Bắc Cung Hoàng Hậu, là công chúa Ngọc Hân.
Hà Nội còn nổi danh với khu Khâm Thiên, nơi giải trí
của các bậc thức giả phong lưu. Họ đã ngẫu hứng sáng tác ra những bài ca trù,
cho các ả đào ngâm nga bên khay rượu. Giọng ngâm thơ, xen lẫn với tiếng trống
chầu thưởng, phạt, khen, chê đã nâng cao trình độ nghệ thuật của một thú ăn
chơi nửa thanh nửa tục. Nhiều bài hát ả đào đã nổi danh, được lưu truyền trong
văn học, và làm phong phú thêm cho nền văn hóa Việt Nam.
Hà Nội mang nhiều dấu ấn lịch sử, trải qua nhiều triều đại. Năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư, ra thành Đại La, đột nhiên thấy trên trời hiện ra đám mây mang hình dáng một con rồng đang bay lượn. Vua cho đó là điềm lành, nên đổi tên ra Thăng Long thành. Rồi tới đời vua Minh Mạng, năm 1831, lại đổi tên từ Thăng Long ra Hà Nội.
Hồ Hoàn Kiếm, một danh lam thắng cảnh ở trung tâm Hà
nội, ghi lại huyền thoại vua Lê Thái Tổ du ngoạn trên hồ, khi vừa đại thắng
quân Minh, năm 1428. Một con rùa vàng trồi lên mặt nước, đòi lại thanh bảo kiếm,
đã cho nhà vua mượn diệt giặc. Nhận được thanh kiếm, rùa bèn ngậm vào miệng, và
lặn xuống đáy hồ. Vua Lê Thái Tổ bèn đặt tên cho hồ, là Hồ Hoàn Kiếm.
Thăng Long thành còn ghi lại chiến tích oai hùng của
trận Đống Đa, khi vua Quang Trung đại phá quân Thanh vào ngày mùng 5 Tết năm Kỷ
Dậu, 1789, khiến Thái Thú Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự vận, và tướng giặc Tôn
sĩ Nghị phải bỏ cả ấn tín, tháo chạy về Tàu.
Đất Hà Thành là đất địa linh nhân kiệt. Người Hà Thành tao nhã, lịch sự từ lời ăn tiếng nói, tới cách phục sức, và giao tế.
Cái văn hóa của người Hà nội xa xưa, là hình ảnh của
những người đàn ông phong lưu, lịch lãm, tề chỉnh mỗi khi bước ra khỏi cửa, là
các bà nội trợ nề nếp, đảm đang, khăn nhung, áo lụa, khoe tài nữ công gia chánh
qua những mâm cỗ thịnh soạn vào các ngày giỗ, ngày Tết, là các cô thiếu nữ
duyên dáng, e ấp trong tà áo nhung, tấm khăn quàng, lên chùa lễ Phật buổi đầu
năm. Người Hà nội, khi vui không sôi nổi, ồn ào, khi bất bình, giận dữ, biết kiềm
chế lời ăn tiếng nói, để tránh xung đột.
Cái thanh lịch của người Hà Nội không phải
chỉ tập tành trong một sớm một chiều mà có được. Cái phong thái
đó, phải có sẵn trong nếp nhà, từ trước khi đứa trẻ sinh ra đời, để rồi khi lớn
lên, đứa trẻ cứ rập khuôn theo cái nếp có sẵn, mà học theo cách cư sử, phép
giao tế, lời ăn tiếng nói, nếp sinh hoạt của những bậc trưởng thượng. Thêm vào
đó, là sự theo dõi, uốn nắn, dạy dỗ của các bậc phụ huynh, để rồi khi tới tuổi
trưởng thành,người con trai trở nên một thanh niên phong lưu, lịch lãm, mạnh dạn
bước vào đời, và người con gái trở thành một thiếu nữ đức hạnh, đảm đang, có khả
năng quán xuyến một gia đình mới.
Có người nhận xét, người Hà
nội khéo ăn khéo nói, nhưng không thực lòng, xử sự mềm mỏng nhưng thiếu chân
tình, lịch sự, nhã nhặn nhưng ngầm kiểu cách. Có người còn nói, người Hà Nội coi trọng thể diện, giữ gìn mặt mũi, và sợ dư
luận, nên họ sống cho người ngoài, nhiều hơn cho chính họ.
Những nhận xét đó, không phải là sai. Ngày tôi còn
nhỏ, mẹ tôi thường nhắc nhở: “ Ở trong
nhà thiếu thốn, thì cũng chỉ có mình biết, nhưng bước ra ngoài, mà sử sự hẹp
hòi, thì sẽ bị thiên hạ chê cười, làng nước đàm tiếu.” Bởi vậy, các khoản
chi tiêu về giao tế như hiếu, hỷ, hay mọi đóng góp, mẹ tôi đều rất hào phóng. Để
bù lại, bà thẳng tay cắt xén những khoản chi tiêu trong gia đình, kể cả khoản
tiền chợ mỗi ngày. Mẹ tôi còn kể cho tôi nghe rằng ngày bà còn trẻ, trước khi
đi ăn giỗ, ăn cưới, bà đều bị bà ngoại tôi ép ăn cơm trưóc ở nhà, để khi tới
nơi, không vì đói mà ăn uống thô tục. Con gái của gia đình lễ giáo là phải …khảnh
ăn, thanh cao, và đài các.
Tôi đã từng theo mẹ tôi đi tham dự các buổi họp mặt
với bạn bè của bà. Vừa ăn xong, là các bà tranh nhau trả tiền, để chứng tỏ rằng
mình là người lịch sự, hào phóng, nhưng khi về nhà, thì lại ngồi tiếc tiền. Có
lần tôi nghe bà bạn hỏi ý kiến mẹ tôi về cái áo choàng của chồng bà vừa mua tặng
từ Hồng Kong. Mẹ tôi hết lời khen ngợi, nhưng khi bà khách vừa ra về, thì mẹ
tôi lại nói với ba tôi là cái áo màu mè, coi thiếu thẩm mỹ. Tôi thắc mắc về
thái độ này, thì mẹ tôi giải thích rằng: “chiếc
áo đã lỡ mua rồi, không thay đổi được, thì can chi làm buồn lòng người khác !”
Ngày còn nhỏ, tôi cứ phân vân, không biết những thái
độ này là đúng hay sai, nhưng từ khi biết suy nghĩ, tôi lại thấy, có lẽ những
cách xử thế này, đã góp phần không nhỏ trong việc kiến tạo cái xã hội thanh lịch
của người Hà thành. Vì họ luôn muốn vui lòng người khác, trọng “thể diện”, và sợ
tai tiếng, nên họ thận trọng từ lời ăn, tiếng nói, tới cách thức giao tế, và dạy
dỗ con cái. Thà là bản thân và gia đình chịu o ép, thiệt thòi, chứ không để cho
thiên hạ dị nghị, chê cười.
Đó là những người Hà Nội của
hơn nửa thế kỷ trước.
Người xưa nói, “cùng
một giống quýt, trồng ở Giang Nam thì ngọt, trồng ở Giang Bắc thì chua”.
Như vậy, môi trường đã đóng góp không nhỏ vào việc hình thành phẩm chất của cây
trái.
Con người cũng vậy. Bản chất con người cũng thay đổi
theo hoàn cảnh và môi trường sống. Sau khi đất nước bị
chia đôi năm 1954, miền Bắc được giao cho CS, thì từ cảnh quang, tới con người
Hà nội, đều mau chóng….bị phá sản. Nếp sống lễ giáo, gia phong của người
Hà nội, bị CS lên án là “phong kiến”, “tiểu
tư sản”, và hô hào từ bỏ, để học theo “nếp
sống mới”.
“Nếp sống mới” khai thác sức lao động của con người.
Nông trường và công trường được thành lập để mọi người tham gia lao động tập thể.
Tà áo dài duyên dáng, thướt tha, được thay thế bằng quần đen, áo ngắn, vừa gọn
gàng, vừa đỡ tốn vải. Có lao động mới được nhà nước bán cho 15 kí gạo mỗi
tháng, đuợc mua nhu yếu phẩm theo giá quy định, và được phân phối 3 mét vải may
quần áo mỗi năm. Văn chương, thi phú, và âm nhạc bị kết tôi là văn hóa nô dịch,
văn chương tiểu tư sản, ủy mị, ru ngủ con người, nên bị cấm lưu hành và trình
diễn. Vụ án “Nhân Văn Giai Phẩm” năm 1957, đã tận diệt các nhà trí thức, và các
văn nghệ sĩ đòi hỏi quyền được tự do sáng tác. Nhà nước nắm quyền chỉ đạo văn
hóa, xử dụng cho mục đích tuyên truyền và khích động đấu tranh. Bằng chính sách
văn nghệ chỉ huy, CS đã bóp nghẹt tự do ngôn luận, và tước đi cái khả năng sáng
tạo của người làm văn nghệ. Tôn giáo cũng bị bài xích, vì cho là thuốc phiện,
làm mê muội trí óc.
Tiếp thu Hà nội, CS chào mừng dân chúng bằng “Tuần Lễ
Vàng”, kêu gọi mọi người đóng góp vàng và các quý kim, để nhà nước có tiền kiến
thiết đất nước. Ban đầu, là tự nguyện, nhưng sau khi “ tuần lễ vàng” kết thúc,
cán bộ ngầm tiếp xúc với những gia đình khá giả, rỉ tai hăm dọa và bắt buộc họ
đóng góp theo mức ấn định của nhà nước. “Tuần lễ vàng” là hình thức cướp của,
và bần cùng hóa nhân dân,giống như những đợt đánh tư sản tại miền Nam, năm 75,
sau khi CS cưỡng chiếm.
Ngay khi vừa ổn định, chính quyền CS đã
có kế hoạch dồn những người Hà nội ra các vùng phụ cận thành phố, để lấy chỗ
cho những người có công với cách mạng, từ các vùng nông thôn
Hà Đông, Nam Định, và Ninh Bình vào nhập cư. Những người Hà nội còn sót lại,
như cá nằm trên thớt, cố uốn mình để thích nghi theo nếp sống của những người mới
nhập cư, mong được yên thân.
Để củng cố thể chế, nhà nước đã đặt tai mắt
khắp mọi nơi, mọi chỗ, ngấm ngầm chỉ định những người láng giềng,
bạn bè, thân tộc, nhòm ngó, theo dõi lẫn nhau, để báo cáo cho chính quyền. Ngay
cả các học sinh, cũng được cán bộ chỉ dẫn về nhà nghe lén những lời trò chuyện
trong gia đình, để rồi báo cáo lại với thầy cô, tạo ra một bầu không khí ngột
ngạt, bất an, nghi kỵ lẫn nhau trong gia đình và xã hội.
Đợt cải cách ruộng đất trời long đất lở,
vào những năm 54-56, đảng CS đã phá vỡ cái kỷ cương và lễ giáo của một xã hội đặt
nặng đạo đức và nền tảng gia đình,của người dân miền Bắc. Để
đạt chỉ tiêu, cán bộ đã bắt buộc, thúc đẩy, hăm dọa,để con cháu đứng lên đấu tố
ông bà, cha mẹ, học trò tố khổ thầy, những tay chân thân tín kể tội chủ bằng những
câu chuyện bịa đặt, các lời lẽ hỗn hào, thô lỗ, thậm chí “mày tao chi tớ”, “thằng này, con kia” bất kể tới tuổi tác và tôn ty
trật tự, ngay trước mặt đám đông.
Nhà nước giữ độc quyền quyết định và phân
phối những nhu cầu sống căn bản của người dân như gạo, đường, muối, vải….
Trong thời kỳ kinh tế bao cấp, người dân triền miên sống trong tình trạng thiếu
thốn, và trở nên thèm thuồng đủ thứ. Con người dần “biến
chất”, trở thành ích kỷ, hẹp hòi, và ty tiện. Đi chơi xa, phải xách theo
khẩu phần gạo của mình, nếu không,chỉ được ngồi nói chuyện xuông, nhìn gia đình
chủ nhà ăn cơm, vì mỗi người chỉ có đủ khẩu phần gạo cho mình. “Bần cùng sinh đạo
tặc”, xã hội nảy sinh ra nhiều tệ trang như tham nhũng, móc ngoặc, cắt xén, phe
phẩy. Người ta sẵn sàng bán rẻ bạn bè, thân tộc, vì những quyền lợi vật chất nhỏ
nhen. Con người mất hết nhân phẩm.
Trong các sinh hoạt công cộng, những buổi học tập chính trị, diễn giả đã không ngần ngại dùng những từ ngữ … thiếu văn hóa “thằng này, con nọ”, “mày, tao,chi, tớ”. để khích động lòng căm thù của người nghe. Thậm chí, đến những câu vè, câu thơ, công cụ tuyên truyền, cũng mang đầy tính chất bạo lực đến… rợn người:
“
Bún xào thịt giặc mới ngon.
“Cơm chan máu địch cho con no lòng…”
hoặc
Giết! Giết nữa,bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Stalin bất diệt“ (1)
Được trưởng thành trong một môi trường…
vô văn hóa, thiếu nhân bản, và tràn ngập hận thù như vậy, người dân dễ dàng trở
nên hiếu động, hung hăng, sẵn sàng đỏ mặt, xăn tay áo gây gổ, mở
miệng ra là chửi thề, dùng các danh từ thô lỗ “đéo…” “đếch…” để mở đầu câu chuyện.
Xã hội cũng xuất hiện những hàng quán loại“cơm mắng, cháo chửi”, chẳng giống
ai. Ở đây, khách hàng không phải là thượng đế, mà bị đối xử tàn tệ hơn cả … con
ở. Nhiều người đã lập lại ngôn từ của bà chủ quán: “ Này ! không chờ được thì.. xéo đi, lấy chỗ cho người khác, đừng có đứng
đó mà lải nhải…”, hoặc là “Mắt để ở
trên trán hay sao mà xớn xác, không chịu nhìn. Nước mắm để ở góc bàn kia kìa…”
Điều ngạc nhiên, là mỗi lần nghe chửi mắng, thì thực
khách trong quán đã không tức giận, mà lại còn nháy mắt với nhau, và…rú lên cười.
Người ta bảo, sở dĩ quán đông khách là vì các món ăn vừa rẻ, vừa ngon. Hóa ra,
chỉ vì tham ăn, tục uống mà người Hà Nội bây giờ mất hết cả tư cách.
Ăn uống ở Hà nội, thực khách xả rác vô tư.Những
xương xẩu, giấy chùi tay, đàm rãi khạc nhổ đều dùng sàn nhà, ngay dưới chân. Cười
nói, đùa rỡn quang quác như ở chỗ không người. Ra đường, muốn đi tiểu thì quay
đi quay lại, thấy vắng người là vạch quần …xả xú bắp.
Về cảnh quang, Hà nội ngày nay, không còn
là một thành phố hiền hòa và sạch sẽ như nửa thế kỷ trước.
Cho dù, Hà nội đã có những tòa cao ốc chọc trời, những sân golf trưởng giả, những
khách sạn nguy nga, nhưng sự phát triển của Hà nội, là sự phát triển không đồng
đều, và thiếu kế hoạch. Khu giàu sang sát ngay bên khu nghèo khó, giống như một
cái áo cũ mang nhiều miếng vá khác nhau. Hệ thống thoát nước không được phát
triển song hành, nên sau mỗi trận mưa lớn, là thành phố ngập lụt, gây trở ngại
giao thông. Cảnh sống tập thể của 5, 7 gia đình trong một căn nhà, đã thường
xuyên xảy ra xung đột, xô xát, gấu ó lẫn nhau. Vì cảnh “cha chung không ai
khóc”, nên không ai quan tâm tới việc tu bổ hoặc bảo trì nhà cửa. Vôi tường
tróc lở, mái ngói rêu phong, cửa nẻo xộc xệch, quần áo phơi kín ban công. Ngoài
phố xá, thương buôn ngồi la liệt chật kín vỉa hè, xả rác vô tội vạ, bất chấp
khách bộ hành.Trên trời, đường dây điện chằng chịt như bát quái trận đồ. Dưới
lòng đường, xe cộ quá tải, bụi bậm mờ mịt, khói xe đầy trời, tạo nên nạn ô nhiễm
môi trường.
Người Hà nội ngày nay, giàu nghèo cách biệt
như hai thái cực. Giai cấp giàu có tụ tập trong những khu
sang trọng, ở nhà cửa kiến trúc theo kiểu Âu Mỹ, có bảo vệ giữ an ninh, có xe
hơi sang trọng, có con cái ra ngoại quốc du học, và khi đau ốm, thì bay sang
các nước tân tiến điều trị. Giai cấp nghèo thì buôn gánh bán bưng, ăn bữa sáng
lo bữa tối, sống trong những căn nhà lụp xụp, bên đống rác. Sự cách biệt vật chất, tạo nên tình trạng phân hóa trong xã
hội.
Thương buôn ở Hà nội ngày nay đã biết mánh mung, lừa
lọc, làm hàng giả, hàng nhái, pha trộn hóa chất vào thực phẩm để trục lợi. Du
sinh sang Nhật, móc nối với tiếp viên hàng không, ăn cắp mỹ phẩm trong siêu thị,
mang về VN bán kiếm lời. Nữ sinh đánh lộn, xé quần áo, lột trần nhau giữa chốn
thanh thiên bạch nhật. Thanh niên giựt bóp, cướp xe ngay giữa ban ngày…
Bảy mươi năm trời, vận nước oan khiên đã
đưa Hà nội vào vòng tay sắt máu của chế độ CS, khiến Hà nội bị… phá sản, cả về
hình thức, lẫn nội dung. Nền văn hóa của Hà nội hiện nay, là loại
“văn hóa chợ trời” do cuộc sống sô bồ, chụp giựt.Các nam thanh nữ tú, cũng được
thay thế bằng các chị cán bộ cục mịch, dữ dằn,và các anh thanh niên vai u, thịt
bắp, chửi thề như …pháo nổ.
Trở về thăm cố hương, những người Hà nội năm xưa,
không khỏi ngậm ngùi, tiếc nuối cho một nền văn hóa đã từng vang bóng một thời,
và dư âm còn kéo dài cho tới ngày nay. Và rồi đây, nếu chế độ CS còn tồn tại,
thì nền văn hóa “Hà Thành thanh lịch” năm nào, sẽ dần đi vào quên lãng với thời
gian.
Đoan
Nghi
(1) Trăm Hoa Đua Nở trên đất Bắc, trang 37