21.09.2016

Cảm nghĩ về loạt bài Đối Thoại và Lòng Tin của TS Nguyễn Thị Từ Huy - Thạch Đạt Lang

Cảm nghĩ về loạt bài Đối Thoại và Lòng Tin của TS Nguyễn Thị Từ Huy
Thạch Đạt Lang
Đối thoại. Ảnh: internet

Từ lúc đọc bài Đối Thoại Và Lòng Tin của Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy, phần I đăng ngày 31.08.2016, tôi đã định viết lên nhận định và cảm nghĩ của mình về bài viết, nhưng thấy cuối bài ghi  “còn tiếp” nên tôi chờ đợi đọc hết những gì TS. Từ Huy muốn bày tỏ rồi mới nêu lên ý kiến. Đến nay, bài thứ III, khi tác giả Từ Huy kết thúc loạt bài của mình với câu:

“Dĩ nhiên quý vị hoàn toàn có quyền không đồng tình với tôi. Nhưng khi đi tìm lý do để đồng tình hay không, mong quý vị hãy đặt lợi ích quốc gia, tương lai dân tộc và số phận nhân dân thành một trong những lập luận quan trọng nhất của quý vị.

( Đối Thoại Và Lòng Tin - Ts Nguyễn Thị Từ Huy: phần I , phần IIphần III )

Tôi thấy đã đến lúc mình có thể nói ra suy nghĩ, nhận định về vấn đề Đối Thoại, phần Lòng Tin xin để một dịp khác.


Không thể phủ nhận rằng TS Từ Huy đã có những bài viết nghiên cứu về chính trị rất có giá trị. Những bài phân tích tình hình đất nước, nội bộ ĐCSVN, về thực trạng xã hội cùng những ưu tư, lo lắng cho tương lại dân tộc, vận mệnh quốc gia, chứng tỏ một công trình nghiên cứu sâu rộng, những suy nghĩ chín chắn với những tình cảm nồng nàn, thiết tha dành cho đất nước, dân tộc Việt Nam.

Những điều Từ Huy nêu lên trong ba bài viết Đối Thoại & Lòng Tin (ĐT & LT) không có gì để tranh luận, tất cả đều đúng, nhưng đem đặt thành một câu hỏi như phần cuối bài trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, tôi thấy không thích hợp, có vẻ viễn tưởng vì những nguyên nhân sau:

1. Người Việt Nam không hoặc chưa có khả năng đối thoại. Ngay cả những người có học, có bằng cấp, sống đã lâu trong một môi trường dân chủ, tự do, đòi hỏi sự đối thoại trong sinh hoạt hàng ngày, cũng rất ít người hiểu đối thoại là gì. Bởi muốn đối thoại, người ta phải biết lắng nghe, sau khi lắng nghe phải suy nghĩ, tìm hiểu, so sánh sự khác biệt giữa các ý kiến rồi đúc kết lại, đưa ra nhận định chung. Từ đó mới đưa đến biểu quyết.

Quan sát những buổi họp của các tổ chức, cộng đồng NVHN…, dễ dàng nhận thấy các ý kiến về môt mục đích, kế hoạch nào đó được đưa ra, thường có tính đối chọi nhau nhiều hơn là tìm cách dung hòa. Khi đã đưa đến biểu quyết theo tinh thần dân chủ, quyết định thường bị phe lép vế không phục. Phe thiểu số nhiều lúc không phản đối ngay tại buổi họp nhưng sau đó tìm cách phá thối hay tách ra, thành lập một hội đoàn, tổ chức tương tự và dùng những cái tên giống hệt nhau. Hơn nữa, trong rất nhiều buổi họp, một ý kiến đưa ra không hợp với cảm tính của đám đông rất dễ bị đả đảo thay vì họ cần im lặng suy nghĩ, tìm những điểm tương đồng để đi đến môt giải pháp tốt đẹp.

Trước đây, cũng trên trang Anh Ba Sàm tôi có viết một bài với tựa đề “40 năm ta đã trưởng thành?” (*) nhận định về cá tính của người Việt Nam trong cộng đồng NVHN. Cộng đồng NVHN ở Mỹ là cộng đồng đông nhất với 1.724.508 người (thống kê năm 2013), do đó cũng là cộng đồng tiêu biểu để đánh giá về sự phát triển. Nhìn vào những sinh hoạt cộng đồng người Việt ở Mỹ, dễ dàng nhận thấy sự chia rẽ, manh mún, thiếu hẳn sự đoàn kết cần thiết để trở thành một cộng đồng mạnh mẽ so với các cộng đồng khác.

2. Chế độ CS Ba Lan không được thành lập bởi phong trào giải phóng đất nước. Dân tộc Ba Lan bị áp đặt chủ nghĩa CS bởi hồng quân Xô Viết vào năm 1945, khi chế độ quốc xã của Hitler bị đánh bật khỏi Ba Lan, Hồng quân Liên Xô ồ ạt tiến vào thủ đô Warsaw thành lập chính phủ Ba Lan dưới quyền kiểm soát của họ. Vì chế độ không hình thành bởi người dân Ba Lan nên mầm mống chống đối Liên Xô của hầu hết những người trong chế độ lúc nào cũng âm ỉ trong lòng, nhưng vì sự sống còn của bản thân, gia đình, họ đành cam tâm nhẫn nhục, im lặng cho qua ngày, chờ cơ hội, bản thân tướng W. Jaruzelski là một thí dụ cụ thể.

Ở cương vị của mình, tướng Jaruzelski nhận ra sự sụp đổ của Liên bang Xô viết sớm hơn người khác, vì thế ông lên tiếng ủng hộ hội nghị bàn tròn để tìm đường đưa đất nước nhanh chóng thoát khỏi sự kềm kẹp của Liên Xô. Cũng chính nhờ điểm này mà ông đã được bầu làm Tổng thống Ba Lan trước khi có bản hiến pháp mới. Hơn nữa, ngay cả khi chế độ CS Liên Xô chưa có dấu hiệu sụp đổ rõ rệt, người dân Ba Lan cũng được hưởng nhiều tự do hơn người dân VN. Người viết đã từng mời 2 người quen từ Ba Lan qua Đức chơi vào năm 1987-1988. Sau khi đến Đức họ chạy qua Pháp xin tị nạn chính trị.

Dân tộc Ba Lan sở dĩ thành công trong hội nghị bàn tròn ngày 19.07.1989 là nhờ có Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan hoạt động hữu hiệu với cả chục triệu thành viên từ thập niên 80. Ba Lan cũng là một nước có nền công nghiệp phát triển, giai cấp công nhân ý thức được quyền lợi của mình nên có tinh thần đoàn kết cao, dễ dàng kết hợp thành tổ chức thống nhất hơn người công nhân Việt Nam, đa số vốn gốc nông dân, bản tính ích kỷ, không nhìn xa, không chịu hy sinh một chút quyền lợi bản thân nhỏ nhoi để chiến đấu, đòi hỏi quyền lợi nhiều hơn, lâu dài, chắc chắn hơn.

Dân tộc VN không may mắn như người dân Ba Lan. Chế độ CSVN hình thành bởi sự tự nguyện du nhập chế độ CS của ông Hồ Chí Minh. Do đó hầu hết cán bộ, đảng viên đảng CSVN đều trở nên những kẻ cuồng tín, cộng với sự tuyên truyền, tiêm nhiễm vào đầu óc từ lúc còn thơ, lòng sùng kính lãnh tụ là ông Hồ Chí Minh, điều mà dân Ba Lan không có.

3. Do bị Pháp đô hộ gần một thế kỷ, ước mơ thoát vòng nô lệ của dân tộc VN đã bị lợi dụng cho mưu đồ cá nhân ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN. Xâm chiếm miền Nam bằng bạo lực, ông Minh và đảng CS đã kích động, gây chia rẽ, hận thù giữa người miền Nam với người miền Bắc, giữa Phật giáo và Thiên chúa giáo, giữa các giai cấp khác nhau trong xã hội… để dễ bề thao túng, cướp lấy chính quyền.

Sau hơn 71 năm cai trị ở miền Bắc, 41 năm ở miền Nam, dùng tuyên truyền dối trá, bạo lực, nhà tù, chế độ CSVN đã thuần hóa được dân chúng, tạo nên quan niệm sống từ trong tâm thức là thờ ơ, vô cảm với xã hội, tê liệt trong phản kháng với những biến động của đất nước, hoặc chỉ hành động theo sự điều khiển, giật dây của chính quyền, của chế độ. Đảng CSVN vì thế mặc tình thao túng, khuynh đảo xã hội từ kinh tế đến văn hóa, từ ngoại giao đến đối nội, quốc phòng… Chỉ một số ít người yêu nước ý thức được sự tồn vong của dân tộc, đất nước, tìm cách phản kháng, chống đối với phương pháp bất bạo động thì bị đàn áp, giam giữ, đe dọa, khủng bố một cách dã man từ trong trứng nước.

Bài viết của tiến sĩ Từ Huy phần I có nói đến lời đề xuất của giáo sư Chu Hảo, kêu gọi một cuộc Đối Thoại giữa chính quyền, đại diện các mạng xã hội, đại diện nhân dân, vì tình hình đất nước đã khẩn cấp lắm rồi, không thể chờ đợi thêm được nữa.

Tôi không dám nghi ngờ tấm lòng yêu nước của ông Chu Hảo hay của bà Từ Huy nhưng quả thật thấy lời kêu gọi này giống như một đứa trẻ đang van xin ông bố đừng uống rượu say xỉn, cờ bạc, đánh vợ, chửi con nữa, hãy nói chuyện với chúng con, nhà đã hết gạo rồi, con và các em đang đói, đồ đạc trong nhà không còn gì để bán, chủ nợ đang chửi bới, hăm dọa đốt nhà ồn ào trước cửa… nhưng ông bố vẫn đang say sưa cười đùa, vui vẻ nhậu nhẹt với tên hàng xóm to lớn, mạnh khỏe, giàu có, vừa tiếp tế rượu, đồ nhắm, vừa dúi tiền vào túi ông bố.

Hơn thế nữa, nhân sự được đề nghị đối thoại trong bài của ông Chu Hảo về phía quần chúng không hợp lý bởi họ là những nhân sĩ, trí thức, không là những người trực tiếp đấu tranh cho tự do, dân chủ của đất nước. Như thế, giả sử đảng CSVN đồng ý tổ chức một cuộc đối thoại thì ai sẽ là người đại diện cho các tổ chức, mạng xã hội dân sự, cho người dân trong tình trạng các tổ chức dân sự đều bất hợp pháp dưới mắt chính quyền? Tôi không rõ nhân sự được đề nghị trong bài của ông Chu Hảo gồm những ai nhưng chắc chắn không có những khuôn mặt hoàn toàn đối lập với chính quyền đã từng bị tù tội, giam hãm, tra tấn, đánh đập… Trong tình trạng phân tán, chia rẽ, không ai phục ai thì ai có thể là những đại diện để đi đối thoại với chế độ CS cầm quyền? Đó là chưa kể có những khuôn mặt nổi bật trong mạng xã hội dân sự, có bề dầy trong thành tích đấu tranh, tù tội nhưng đời sống riêng tư thì bê bối như trai gái, rượu chè, tiền bạc lem nhem… chẳng hạn, liệu họ có được mọi người chấp nhận, tha thứ để họ hoàn thành nhiệm vụ được giao phó không?

4. Cuối cùng là nhu cầu đối thoại của đảng CSVN. Những chỉ dấu và những biến cố liên tiếp xảy ra gần đây như vụ án mạng Yên Bái, vụ Trịnh Xuân Thanh, phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang bỏ trốn vì làm thất thoát 3.200 tỉ VNĐ, bị truy nã quốc tế, việc san bằng chùa Liên Trì… chứng tỏ cộng sản Hà Nội chưa bao giờ nhận ra họ đang có nhu cầu cần phải đối thoại. Họ chỉ có một nhu cầu là giữ sự tồn tại của ĐCSVN bằng mọi giá, kể cả bán nước, làm nô lệ cho Tầu Cộng.

Việc một cá nhân lãnh đạo cao cấp nào đó trong đảng CSVN có đủ tư cách đứng ra đảm nhận vai trò như tướng Jaruzelski ở Ba Lan, chỉ có thể là một uớc mơ đẹp nhưng sẽ không bao giờ xảy ra. Do biết rằng không thể xảy ra nên tôi… bỏ phiếu trắng. Không ai có thể biết mình có nên lượm đồng tiền rơi trên mặt đường khi chưa thấy nó.

Với hiểu biết hạn hẹp, kiến văn ít ỏi, nghèo nàn, sự nhận định thiếu bao quát của mình, tôi thấy chỉ có một biến động quốc tế ở tầm mức to lớn, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia ở Đông Nam Á mới có hi vọng thay đổi tương lại đất nước VN, không bị Bắc thuộc lần thứ ba.


(*)  Đọc thêm:

 40 năm: Ta đã trưởng thành?

Thạch Đạt Lang   (13-1-2016)

Chữ Ta trong bài viết này có nghĩa là chúng ta – Người Việt hải ngoại sống ở khắp nơi trên thế giới, những người còn ưu tư, lo lắng về vận mệnh, tương lai đất nước, về tiền đồ dân tộc. Hai chữ trưởng thành ngụ ý nói về nhận định, suy nghĩ, cách hành xử trong các vấn đề chính trị liên quan đến Việt Nam, cộng đồng NVHN.

Với những người thờ ơ, không quan tâm đến tình hình chính trị trong nước, những diễn biến thời sự, không xót xa trước những cảnh màn trời, chiếu đất của dân oan đi khiếu kiện vì bị cướp đất, không giận dữ vì những cái chết tức tưởi, bí ẩn trong đồn công an, không chướng mắt vì cảnh theo dõi, bắt giữ, đàn áp người dân đi biểu tình chống Trung cộng có hành động xâm lăng…không nằm trong hai chữ chúng ta mà người viết nói tới.
Dấu hỏi được đặt sau tựa bài cũng dùng cho chính người viết.

Nhận định trong bài chắc chắn phiến diện, còn nhiều thiếu sót hay sai lầm do kiến văn nông cạn, tầm nhìn và hiểu biết hạn chế cộng với tính chủ quan. Ước mong nhận được sự đóng góp ý kiến, phê bình trong tinh thần tranh luận thẳng thắn, tương kính, nhã nhặn.

Đã sống ở Đức 29 năm, ở Mỹ hơn 5 năm, tham gia vào những sinh hoạt văn hóa cũng như chính trị trong cộng đồng ở cả 2 nước, người viết nhận thấy có những khác biệt rất nhiều trong hai khối cộng đồng Mỹ và Đức.

Đầu thập niên 80 trên nước Mỹ, cộng đồng NVHN bắt đầu hình thành ở nhiều nơi, nhưng đông nhất và nhanh chóng nhất là tại San Jose và Orange County, khi người Việt ở rải rác khắp nơi trên đất Mỹ từ năm 1975 bắt đầu tìm kiếm, rủ rê, tụ tập lại với nhau.

Nước Đức khác với Mỹ, dù có hai cộng đồng người Việt, chia ranh giới ảo rõ ràng, không liên lạc, không đụng chạm, sinh hoạt với nhau. Trong khi cộng đồng người Việt ở Đông Đức cũ ( đa số ở Berlin ) khoảng 80.000 người sống chùm đụp vào với nhau thì cộng đồng người Việt phía Tây hơn 40.000 sống rải rác khắp nước Đức, không tụ tập, sống gần nhau thành một khu phố rõ rệt.

Chỉ khi nào có những dịp như các hội đoàn tổ chức Tết âm lịch, văn nghệ, hội thảo văn hóa, biểu tình chống cộng sản…, người Việt phía Tây mới tụ tập lại với nhau, còn không thì đèn nhà ai nấy sáng, ít gặp gỡ, tiếp xúc nhau.
Do đó cộng đồng người Việt ở phần đất Tây gần như hội nhập, hòa tan trong xã hội Đức. Không có những va chạm, xung đột trong sinh hoạt chính trị, văn hóa giữa người Việt với nhau trong cộng đồng này, họ cũng không bị ảnh hưởng, sự lèo lái, tuyên truyền của chủ nghĩa cộng sản thông qua tòa đại sứ như cộng đồng phía đông, đa số là người miền Bắc Việt Nam qua Đức theo dạng khách thợ (Guest worker).

Có thể nói cả hai cộng đồng người Việt ở Đức hoàn toàn không có ảnh hưởng gì tới các chính sách kinh tế, đường lối ngoại giao của chính phủ Đức đối với Việt Nam.

Việc Philipp Rösler, người Đức, gốc Việt, chủ tịch đảng FDP ( Free Democratic Party ) từ tháng 5.2011 đến tháng 12.2013, trở thành Phó thủ tướng CHLB Đức do hệ thống bầu cử, chia ghế trong quốc hội theo đảng, là một trường hợp hi hữu và cũng là một thất bại của đảng FDP.

Năm 2013, đảng FDP thất bại trong cuộc bầu cử liên bang, không đủ số phiếu để liên danh với CDU, ông bị mất chức Phó Thủ Tướng chỉ sau 2 năm, trong khi bà Angela Merkel vẫn tiếp tục là Thủ tướng đến ngày hôm nay. Philipp Rösler đẹp trai, tài giỏi, tháo vát, ăn nói duyên dáng, đối đáp nhanh nhạy ít người bì kịp, nếu ở Mỹ hoạn lộ chính trị của ông chắc sẽ thênh thang hơn nhiều.

Trở lại với nước Mỹ. Số người Việt sống ở Hoa Kỳ là trên 1.700.000 tức khoảng 0,6% dân số Mỹ (thống kê năm 2013), đông nhất ở California (834.000), thứ nhì là Texas (396.000) .

Cộng đồng NV ở Mỹ do đó là cộng đồng mạnh nhất, có khả năng tiềm tàng, phong phú, đa dạng nhất để có thể giúp đỡ đất nước Việt Nam khi cần thiết về mọi phương diện.

Do mật độ đông đảo này, người Mỹ gốc Việt cũng có phần nào ảnh hưởng đến các chính sách của chính quyền các tiểu bang, các quận hạt, nhất là ở các vùng có đông người Việt như Orange County, San José, Houston…

Ảnh hưởng dù không lớn, không đủ mạnh để làm thay đổi chính sách, đường lối ngoại giao của chính quyền Mỹ đối với chế độ cộng sản VN nhưng nhiều lúc cũng gây ra những trở ngại, trục trặc trong giao tiếp của chính phủ hai nước.

Việc công nhận cờ vàng ba sọc đỏ là một biểu tượng của NVTNCS tại nhiều thành phố, quận hạt đã gây nhức nhối cho cán bộ, viên chức của chế độ CSVN khi qua thăm Hoa Kỳ ngoại giao hay thương mại.

Tuy nhiên, ảnh hưởng chính trị của các cử tri Mỹ gốc Việt cũng chỉ ngừng lại ở đó, không tiến xa hơn được và đây là điều đáng suy nghĩ, bàn bạc.
Làm thế nào để cử tri Mỹ gốc Việt có thể ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng hơn vào các chính sách đối ngoại của Mỹ với nhà cầm quyền CSVN?

Trước đây, dưới thời tổng thống Clinton, người Việt ở Mỹ tìm đủ mọi cách để ảnh hưởng, kéo dài lệnh cấm vận của Mỹ đối với CSVN. Lệnh cấm vận này kéo dài 19 năm, được ban hành ngay sau khi cộng sản Hà Nội chiếm được miền Nam. Thật ra lệnh cấm vận cộng sản Bắc Việt đã có từ năm 1964 trong thời ký chiến tranh quốc-cộng.

Việc bực tức, giận dữ hay phản đối chính phủ Mỹ bải bỏ lệnh cấm vận đối với VN nói lên sự thiếu tầm nhìn xa của các tổ chức chống cộng ở hải ngoại. Họ hoàn toàn không biết rằng trong chính trị không bao giờ có kẻ thù truyền kiếp hay người bạn muôn đời.

Là công dân của một nước đang tìm cách bắt tay, liên minh với kẻ thù, chúng ta chỉ có thể phản đối bằng lá phiếu. Một cá nhân, đoàn thể, tổ chức khôn ngoan phải dự trù, thấy trước được những bước đi của Mỹ với Việt Cộng để tìm cách suy nghĩ, lợi dụng những chính sách đó cho mục đích của mình chứ không nên tìm cách phản đối nó khi biết rằng sự phản đối sẽ vô vọng, không có hiệu quả.

Khi tuyên thệ nhập tịch Mỹ, dù không bị bắt buộc từ bỏ quốc tịch gốc bằng chứng từ như ở Đức trước đây ( Bescheinigung über Entlassung aus der vietnamesischer Staatsbürgerschaft ), người nhập tịch Mỹ đương nhiên mất quốc tịch gốc vì Mỹ không có luật hai quốc tịch ( Double Citizenship ).

Mọi quyền lợi, bổn phận, trách nhiệm từ ngày tuyên thệ nhập tịch là đối với nước Mỹ chứ không phải một quốc gia nào khác. Ngay cả những người như chuẩn tướng Lê Xuân Việt, khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, Nguyễn Xuân Vinh… cũng không có ngoại lệ.

Hơn thế nữa, những người này cũng chỉ là những cá nhân xuất sắc (outstanding) trong chuyên môn của họ chứ không trong lãnh vực chính trị, điều hành đất nước.

Trong thời đại hiện nay, người lãnh đạo chính trị nếu không phải là người được đào tạo chuyên môn về chính trị học (không kể chính trị Mác-Lê) thì ít nhật cũng phải là người tốt nghiệp các khoa học xã hội, nhân văn, kinh tế, luật…có nhiều kinh nghiệm trong chính trường.

Cho nên không phải bất cứ điều gì ông L.X. Việt, bà D.N. Ánh, Ông N.X.Vinh nhận định về tình hình VN, về cộng đồng đều đúng, đều là khuôn mẫu để theo. Mỗi con người trong chúng ta phải có suy nghĩ độc lập, phải biết phân tích, so sánh, tổng hợp, suy luận, đánh giá rồi mới kết luận.
Thập niên 80 và một nửa thập niên 90, muốn tìm hiểu một biến cố, một sự kiện, một vụ án mạng…cách xa nơi mình ở người ta phải chờ ít nhất vài tiếng đồng hồ cho đến vài ngày.

Hiên nay với internet, smartphone, tablet…, chỉ cần vài cái nhấp chuột, mọi người có thể so sánh, đối chiếu tin tức, biết đâu là thật, đâu là giả, nguồn gốc các tin tức, information đó…chỉ trong vài giây đồng hồ. Có phải người Việt chúng ta dường như chỉ thích nghe tin đồn hay để cho các cơ quan truyền thông, báo chí, các đài truyền hình chạy theo lợi nhuận lèo lái, định hướng dư luận hơn là tìm hiểu sự thật?

Những tranh cãi về chuyện Điếu Cầy được tiếp đón ở phi trường Los Angeles tháng 10.2014 với lá cờ vàng là một thí dụ cho thấy sự non yếu của cộng đồng sau 40 năm sinh sống ở Mỹ.

Thay vì đi tìm hiểu sự thật, nhiều người trong chúng ta chỉ thích hành động theo cảm tính với thành kiến đã có từ trước, Điếu Cầy là bộ đội chính quy miền Bắc, đã từng cầm súng trong đạo quân xâm chiếm miền Nam.

Một chuyện khác nữa, chúng ta lấy lý do gì, tư cách nào để đòi bãi nhiệm đại sứ Ted Osius vì ông không chịu chụp hình với lá cờ vàng, biểu tượng của một thể chế, một quốc gia không còn hiện hữu? Biểu tượng đó ngày hôm nay chỉ là biểu tượng của một cộng đồng với 0,6% dân số Mỹ.

Với người viết bài, đó là một hành động thiếu khôn ngoan trong chính trị. Ông Ted Osius là nhân viên ngoại giao của chính quyền Mỹ. Mỹ và Việt Cộng đang có bang giao, nếu Ted Osius chụp hình đứng dưới lá cờ vàng có khác nào ông ta tát vào mặt chế độ cộng sản VN?

Phản đối thì còn có thể hiểu được vì đó là quyền tự do, nhưng đòi bãi nhiệm Ted Osius thì đúng là không biết mình là ai, giá trị như thế nào? Đã không biết mình, lại cũng không biết người, bách chiến bách bại là điều khó tránh.
Không nên hành động ngu xuẩn như Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội. Trong khi đang cố gắng liên kết quân sự với Mỹ để ngăn cản sự bành trướng của Trung Cộng tại biển Đông, việc đem tặng TNS McCain tấm hình ông bị bắt khi phi cơ của ông bị bắn hạ trên bầu trời miền Bắc là hành động ngu xuẩn của kẻ vô trí, thất học, không hiểu thế nào là ngoại giao.

Chính trị là một con đường dài 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí 50 năm, 100 năm, tùy theo các mục tiêu ngắn hay dài hạn mà những người vạch kế hoạch, các think tank cần suy nghĩ, tính toán, hoạch định từng bước đi theo từng trụ mốc.

Hầu hết người Việt ở Mỹ đã có quốc tịch. Thế hệ di dân thứ nhất, những người đã 60 -70 tuổi hoặc hơn, đa số khó lòng thay đổi trong suy nghĩ, nhận định để có hành động thích ứng, phù hợp với những diễn biến của tình hình thế giới. Quan trọng là thế hê thứ hai, thứ ba…những thế hệ sinh ra, được giáo dục, trưởng thành ở Mỹ.

Cần phải xây dựng những thế hệ này, hướng dẫn họ gia nhập sinh hoạt chính trị trong dòng chính ( main stream ) bằng cách ứng cử vào thượng viện, hạ viện, tiểu bang, liên bang…để họ hành động, cư xử như một công dân Mỹ nhưng không quên đất nước, dân tộc VN, lý do hiện diện của họ trên mảnh đất này.

Chế độ CSVN vẫn đang tồn tại, trong thời gian gần đây đã có những dấu hiệu khủng hoảng nội bộ trầm trọng, những xung đột gay gắt có thể làm tan vỡ đảng và sụp đổ chế độ.

Do đó không chỉ người dân trong nước, những người, tổ chức đang tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí, công đoàn tự do…, ngay cả người Việt HN cũng nên đặt câu hỏi:- Chuyện gì sẽ xẩy ra khi đảng CSVN tan rã, chế độ độc tài sụp đổ?

Chúng ta cần phải làm gì, phải chuẩn bị điều gì khi chuyện này xẩy ra?

Hải ngoại có kế hoạch gì để giúp đỡ trong nước? Cũng nên dự trù kịch bản Trung Cộng có thể nhân danh những ký kết với ĐCSVN để đem quân xâm chiếm VN bằng vũ lực.

Có khả năng một chế độ khác sẽ lên thay thế hay CSVN sẽ chấp nhận đa đảng, cho bầu cử, ứng cử tự do?

Khi chế độ CS sụp đổ, làm thế nào để tránh khỏi hỗn loạn xã hội, cướp bóc, thanh toán, trả thù nhau, những cuộc trả thù, tắm máu của người dân với công an, những kẻ đã từng bắt bớ, đánh đập, tra tấn người dân vô tội khắp nơi?

Ai, thế lực nào trong nước có khả năng giữ được yên ổn cho xã hội để có thể thành lập một chính quyền lâm thời tiếp nói?

Chúng ta học được điều gì qua tấm gương Miến Điện?

Liệu có thể tin được những tổ chức, đảng phái trong quá khứ đã từng lừa bịp, gian dối, hăm dọa, hành hung đồng hương, đồng thời bị nghi ngờ thanh toán, giết hại ký giả, bịt miệng truyền thông… dưới chiêu bài kháng chiến, phục quốc?

Nếu thật lòng yêu nước, người Việt hải ngoại nằm trong các tổ chức, đoàn thể đấu tranh chính trị phải biết đặt ra những tình huống có thể xẩy ra trong tương lai cho đất nước. Mỗi tình huống cần phải có một kế hoạch tương ứng, hữu hiệu để đối phó, giúp đỡ người dân trong nước.

Nếu không sáng suốt nhận định, chỉ mù quáng vì lòng căm thù cộng sản, để cho lòng yêu nước nhiệt thành bị lợi dụng, dẫn dắt thì cuối cùng người dân VN có thoát được ách cộng sản cũng lại sẽ rơi vào sự cai trị độc tài, gian ác, lưu manh khác.

Học được cái hay của kẻ thù đã khó, bỏ cái dở của mình đi lại càng khó hơn.