19.06.2017

Trung cộng thúc đẩy COC sau khi hoàn tất quân sự hóa biển Đông

Trung cộng thúc đẩy COC sau khi hoàn tất quân sự hóa biển Đông
Đá Chữ Thập chụp từ vệ tinh ngày 3/9/2015.  Photo: csis.org

Ngày 6 tháng 6 năm 2017, một báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho hay Trung cộng đã hoàn thành các cơ sở quân sự tại quần đảo Trường Sa và có thể triển khai ba trung đoàn máy bay chiến đấu tại đó.

Trước đó, vào đầu tháng 3 nhóm làm việc giữa Trung cộng và ASEAN đã đưa ra bản thảo đầu tiên bộ khung cho bộ qui tắc ứng xử trên biển Đông, gọi tắt theo tiếng Anh là COC.


Khoảng trống quyền lực của Hoa Kỳ?

Hai chuyên gia về biển Đông mà chúng tôi tiếp xúc là Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban biên giới chính phủ của Bộ ngoại giao Việt Nam, và Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên nghiên cứu về biển Đông tại Sài Gòn đều nói rằng tin tức về những khu căn cứ quân sự của Trung cộng trên quần đảo Trường Sa thực sự không có gì mới. Ông Hoàng Việt nói:

Điều này nằm trong chiến lược của Trung cộng từ trước, đặc biệt sau khi Tổng thống mới của Hoa Kỳ Donald Trump đưa ra chính sách mới có thay đổi. Nó đã dẫn tới chuyện là Trung cộng ngày càng mạnh hơn.

Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng do chính sách mới của Mỹ không coi trọng biển Đông nên tạo điều kiện cho Trung cộng lấp chổ trống, và điều này rất nguy hiểm khi Trung cộng hoàn tất được các căn cứ không quân trên Trường Sa, tạo nên cái mà ông gọi là một hạm đội không thể bị đánh chìm của Trung cộng.

Tiến Sĩ Trần Công Trục cũng đồng ý là những động thái của Trung cộng hiện không có gì mới, nhưng ông không đồng ý là Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ bỏ biển Đông cho Trung cộng:

“Qua các hoạt động ngoại giao, qua thực tế, chúng ta thấy chính quyền của ông Donald Trump thời gian gần đây đã biết được tất cả những tính toán của Trung cộng rồi. Tôi nghĩ không như người ta nói rằng Mỹ sẽ tỏ ra yếu đuối hay tỏ ra nhân nhượng Trung cộng. Tôi nghĩ sự thật là Trung cộng đang tranh giành vai trò, vị trí siêu cường của Mỹ tại châu Á Thái Bình Dương. Như vậy Mỹ chắc chắn sẽ có những hoạt động để khẳng định lại vai trò của mình đặc biệt trong những cam kết với các đồng minh mà từ trước đến nay như Philippines, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v…”

Ngày 24 tháng 5 vừa qua, chiến hạm của Mỹ là chiếc USS Dewey lại tiến hành một cuộc tuần tra đi ngang qua vùng biển 12 hải lý của bãi đá Vành Khăn mà Trung cộng đang chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa. Hành động này của Washington được xem như tiếp nối các chiến dịch tuần tra biển Đông mang tên Tự do hàng hải đã được bắt đầu thời chính quyền ông Obama.

Ông Trần Công Trục còn nhắc tới các đối tác mới ở khu vực như Việt Nam, mà chuyến thăm Hoa Kỳ gần đây của Thủ Tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thúc đẩy sự phát triển mối quan hệ một cách rất rõ ràng.

Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, chính sách mới về biển Đông, cũng như về châu Á, của chính phủ mới của Mỹ cũng sẽ không khác chính sách của Tổng thống Obama trước đây, mặc dù Nhà Trắng có thể không gọi là một chính sách xoay trục về châu Á như ông Obama.

Sau khi có tin Trung cộng đã hoàn thành các căn cứ quân sự trên các đảo mà họ chiếm đóng ở Trường Sa, vào ngày 15 tháng sáu Việt Nam lên tiếng phản đối nói rằng Trung cộng cần có hành động tích cực mang tính xây dựng ở biển Đông.

Đá Gạc Ma chụp từ vệ tinh hôm 9/2/2016. Photo: csis.org

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về những hoạt động của Việt Nam hiện nay để đối phó với Trung cộng, ông Hoàng Việt cho rằng Việt Nam lâm vào tình thế khó khăn nhưng cũng đã có nhiều cố gắng.

Chính phủ Việt Nam cũng có cố gắng, nhưng cố gắng của Việt Nam thì cũng có hạn. Ví du như gần đây thấy Việt Nam có thuê một công ty lobby (vận động hành lang) để nhắc nhở, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, qua đó để nhắc nhở Hoa Kỳ vấn đề về biển Đông, để cho sự có mặt của hải quân, quân đội Hoa Kỳ trên khu vực biển này làm thành một đối trọng. Nhưng mà Việt Nam thì rất khó, thế và lực của Việt Nam chỉ có hạn. Đặc biệt nếu không có các liên minh để hỗ trợ, các cường quốc khác hỗ trợ thì rõ ràng là cuộc chơi này khó mà nghiêng về phía Việt Nam được.”

Việc vận động hành lang của Việt Nam mà thạc sĩ Hoàng Việt nhắc tới cũng được báo chí quốc tế đề cập trong thời gian gần đây. Theo ghi nhận của ông Dương Danh Dy, một nhà nghiên cứu độc lập từng làm việc tại bộ ngoại giao Việt Nam, đăng trên trang mạng Viet-Studies, thì thời ông Obama, Việt Nam đã thuê những người vận động hành lang thân cận với đảng Dân chủ, còn sau khi ông Trump thắng cử thì thuê các nhóm thân với chính quyền mới thuộc đảng Cộng Hòa.

Bộ qui tắc ứng xử của Trung cộng

Đồng thời với việc hoàn tất các công trình quân sự tại khu vực biển Đông, Trung cộng trong năm nay cũng chủ động thúc đẩy đàm phán COC với các quốc gia ASEAN. Vào ngày 19 tháng 5 vừa qua các nước ASEAN và Trung cộng đã đạt được thỏa thuận về bộ khung này sau 15 năm chờ đợi. Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định về việc này:

Trước đó cách đây vài năm ASEAN đã thống nhất được một bộ COC, bản nháp đầu tiên, bản số 0 do Nam Dương soạn thảo. Nhưng bây giờ bộ khung của nó đã có những nhượng bộ nhất định đối với Trung cộng. Ví dụ, thứ nhất nó không nhắc tới phán quyết của tòa trọng tài quốc tế. thứ hai là nó không nhắc đến chuyện các bên kềm chế trong việc xây đảo, khi Trung cộng xây đảo như vậy, mà không hề nhắc tới.”

Phán quyết của tòa mà ông Hoàng Việt nhắc đến là Phán quyết của tòa trọng tài quốc tế ở La Haye, Hà Lan vào năm ngoái 2016 nói rằng tòa phủ nhận tuyên bố đường đứt khúc chính đoạn mà Trung cộng xem là biên giới lãnh hải của mình chiếm 90% diện tích biển Đông. Tòa Trọng tài quốc tế đã đưa ra phán quyết này để đáp lại đơn kiện của Philippines cho rằng Trung cộng đòi hỏi quá đáng trên biển Đông.

Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, COC có khả năng sẽ hình thành trong năm nay, nhưng sẽ có rủi ro là có nhiều nhượng bộ cho Trung cộng, vì hiện nay theo ông khuynh hướng của nhiều quốc gia ASEAN đang có chiều ngả về phía Trung cộng.

Quan điểm của Tiến sĩ Trần Công Trục lại không cho rằng bộ khung COC mà Trung cộng mới đưa ra là quan trọng:

“Đã là bộ khung thì các bạn nên hình dung nó là một cái dàn bài. Còn nội dung cụ thể thì chưa có, mà đó mới là quan trọng. Cho nên theo tôi việc đó không có nghĩa. Theo tôi vấn đề tòa trọng tài có được đưa vào hay không còn là một vấn đề. Nó có được dẫn chứng hay được đưa vào hay không? Mà nó cũng chẳng liên quan gì nhiều đến bộ luật ứng xử với tư cách là một bộ luật biển khu vực, như tôi thường nói, chắc chắn phải có nội dung cụ thể.”

ASEAN và Trung cộng đưa ra mục tiêu đạt được COC trong năm nay khi Phi Luật Tân là nước chủ tịch luân phiên của ASEAN. Tổng thống Phi Luật Tân, Rodgrigo Duterte từ khi lên nắm quyền hồi năm ngoái cũng tỏ rõ mong muốn cải thiện quan hệ với Trung cộng và sẵn lòng bỏ phán quyết của tòa sang bên khi đàm phán với Trung cộng. Tuy nhiên theo tiến sĩ Trần Công Trục thì Phi chưa bao giờ có ý định từ bỏ chủ quyền của mình ở biển Đông.


Kính Hòa (RFA)