08.07.2017

Đằng sau Bản Dự Thảo Kết Luận Thanh Tra của Hà Nội

Đằng sau Bản Dự Thảo Kết Luận Thanh Tra của Hà Nội

 Chủ tịch Nguyễn Đức Chung trao đổi với bà con Đồng Tâm sáng nay 7/7. Ảnh: TP.

Các nhóm lợi ích dùng “an ninh, quốc phòng” để cướp của dân!

Sáng nay, trong buổi công bố dự thảo kết luận thanh tra đất đai ở Đồng Tâm, khi được hỏi vì sao đất quốc phòng mà lại bỏ không, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đáp rằng người dân "không được phép đòi hỏi đất quốc phòng sử dụng vào việc gì, vì sao bỏ không, vì điều này thuộc về an ninh quốc gia" và yêu cầu "đừng hỏi “cùn” để lý sự, che lấp âm mưu khác". [1]

Vì sao ông Chung phải gay gắt như vậy?

Vì đây là một trong những vấn đề mấu chốt quyết định cách nhìn của dư luận về sự việc, mà ông Chung không muốn mọi người đào sâu, không muốn ai đặt câu hỏi.

Tôi đăng lại status cách đây hai tháng để mọi người tự rút ra câu trả lời cho mình về mục đích thực sự của Viettel ở khu vực này.

Chỉ muốn nhắn gửi một điều thế này với ông Chung: Ở mức độ nào đó người dân chúng tôi sẵn sàng chịu thiệt nếu thực sự vì mục đích phòng thủ quốc gia, nhưng chúng tôi đã chán ngấy việc các nhóm lợi ích dùng "an ninh-quốc phòng" như tấm lệnh bài để hô biết đất quốc phòng thành sân golf, khách sạn, biệt thự, nhà hàng, khu đô thị khắp trong nam ngoài bắc nhằm vơ vét cho đầy túi tham trên danh nghĩa quốc gia.

Thêm nữa, dưới vòm trời này, không gì cao hơn lợi ích của dân, an ninh-quốc phòng thì cũng là để phục vụ lợi ích của dân, nên việc người dân đặt câu hỏi liên quan đến quyền lợi của họ là hoàn toàn chính đáng, nếu trong phạm vi bí mật nhà nước thì cứ chiếu theo luật định giải thích cho họ, cấm mọi loại cán bộ hỗn với dân, bảo dân là "cùn" hay "lý sự"

PS: Khi nói "ở một mức độ nào đó" người dân có thể chịu thiệt, nhường đất có công trình quốc phòng là bởi về bản chất đây là hi sinh lợi ích của thiểu số cho đa số (quốc gia là gì nếu không phải là tập hợp tất cả quốc dân), nên đa số phải có trách nhiệm đền đáp thoả đáng cho thiểu số. Hiến pháp Việt Nam cũng đã ghi nhận tinh thần này thông qua các quy định về trưng mua tài sản. 

[1] http://m.tienphong.vn/…/chu-tich-ha-noi-co-su-gian-doi-de-k…

_____________

VIETTEL XÂY CÔNG TRÌNH GÌ Ở MỸ ĐỨC?

Trong Thông cáo Báo chí của Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội về vụ việc ở Mỹ Đức, như để tô vẽ thêm sự ‘thiếu hiểu biết pháp luật’, ‘tham lam’, ‘cố chấp’ của dân làng Đồng Tâm trong mắt công chúng và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận cho khả năng đàn áp tới đây, họ đã nhắc đến chi tiết Viettel được cấp đất để xây dựng công trình quốc phòng cấp A1. Dù đa số công chúng không hiểu đây là loại công trình gì nhưng nghe qua thì có vẻ rất quan trọng với quốc gia và vì thế nên được ủng hộ.

Nhưng sự thực thì Viettel có dự án xây công trình quốc phòng tại đây?

Thật khó để có câu trả lời chính xác trong bối cảnh thiếu thông tin (đây là lần đầu tiên họ nhắc tới công trình quốc phòng A1 ở đây) nhưng có thể chỉ ra vài điểm đáng bàn.

Trong Biên bản Hợp tác Đầu tư [nhấn mạnh là "hợp tác đầu tư"] giữa UBND Hà Nội và Viettel tháng 6 năm ngoái có ghi rõ:

UBND thành phố Hà Nội sẽ có trách nhiệm: Tạo điều kiện, hỗ trợ các thủ tục hành chính để Tập đoàn Viettel đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trước mắt, tháo gỡ khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng tại huyện Mỹ Đức để xây dựng nhà máy sản xuất”

Nghĩa là dự án của Viettel ở đây thuần tuý là sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó theo Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 1994 thì công trình quốc phòng được định nghĩa là để phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc.

Tóm lại đây là công trình quốc phòng hay dự án đầu tư kinh doanh đơn thuần của Viettel?

Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
http://moj.gov.vn/…/l…/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx…

Tin về Biên bản Hợp tác Đầu tư giữa UBND Hà Nội và Viettel
https://www.sogtvt.hanoi.gov.vn/…/ay-manh-phat-trien-vien-t…



____________________________

Nguyễn Anh Tuấn

Sao có thể lên mặt dạy dân "phải lấy pháp luật làm trọng" khi chính mình chỉ đạo quân đi đánh đập, bắt giữ người già (cụ Kình, 82 tuổi) trái pháp luật về tố tụng hình sự, không đọc lệnh, cũng chẳng lập biên bản, cũng không hề thông báo gia đình?

Sao có thể lên giọng bảo dân "phải thượng tôn pháp luật" khi bản thân ký cam kết với dân một điều trái thẩm quyền luật định (không khởi tố dân) để rồi khi phá vỡ cam kết thì lại dùng chính điều này để biện hộ?