26.07.2017

Những Phản Ứng về việc kết án bà Trần Thị Nga

Những Phản Ứng về việc kết án bà Trần Thị Nga

Các tổ chức nhân quyền quốc tế phản đối bản án dành cho Trần Thị Nga
Nhà hoạt động Trần Thị Nga  Ảnh: Citizen

Hai tổ chức gồm Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International)Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), lên tiếng phản đối ngay sau khi có tin về bản án 9 năm tù và 5 năm quản chế mà tòa án tỉnh Hà Nam tuyên đối với nhà hoạt động nữ Trần Thị Nga.

Ân Xá Quốc Tế cho đó là một bản án vô nhân đạo và kêu gọi Việt Nam phải ngay lập tức hủy bỏ án đó vì tù nhân lương tâm Trần Thị Nga không làm gì khác ngoài việc ôn hòa bảo vệ quyền con người.
Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á- Thái Bình Dương của Ân Xá Quốc Tế, ông Josef Benedict, nói rằng bản án tuyên cho bà Trần Thị Nga vào ngày 25 tháng 7 là lần tuyên án thứ hai trong vòng không đầy một tháng đối với một nhà hoạt động nữ chuyên bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam.
Ông Josef Benedict cho rằng cơ quan chức năng Việt Nam đang tăng cường nỗ lực bỏ tù những nhà hoạt động ôn hòa trong nước. Chính quyền Hà Nội đang tiêu diệt những cá nhân can trường cũng như gia đình họ chỉ để nhằm đe dọa những người khác lên tiếng.
Đại diện của CPJ tại khu vực Đông Nam Á, ông Shawn Crispin, cũng kêu gọi Việt Nam phải chấm dứt biện pháp đàn áp đối với những blogger can đảm như bà Trần Thị Nga.
CPJ nhắc lại việc nhà hoạt động Trần Thị Nga bị giam giữ hơn 6 tháng trời trước khi bị đưa ra xét xử. Còn trước khi bị bắt bà này từng lên tiếng về tình trạng bị sách nhiễu trong nhiều năm. Vào năm 2014 bà bị tấn công bằng tuýt sắt khiến bị thương ở tay trái và chân phải.
Theo Ân Xá Quốc Tế thì hiện có hơn 90 tù nhân lương tâm tại Việt Nam và con số này đang tăng lên.
Tổ chức này kêu gọi Việt Nam phải chấm dứt ngay những hạn chế hà khắc đối với những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền.
Còn theo CPJ thì Việt Nam hiện bỏ tù ít nhất 8 nhà báo kể từ năm 2016 đến nay khi mà tổ chức này tiến hành thống kê hằng năm về tình trạng nhà báo bị tù tội khắp thế giới.
RFA


Đại sứ Mỹ kêu gọi trả tự do cho nhà hoạt động Trần Thị Nga 
Trong một thông cáo đưa ra tại Hà Nội hôm nay, 26/07/2017, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius bày tỏ sự lo ngại của ông về việc nhà hoạt động Trần Thị Nga vừa bị kết án tù với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước”.
Trong bản thông cáo đưa ra hôm nay, đại sứ Mỹ tại Hà Nội Ted Osius đã bày tỏ sự lo ngại “sâu sắc” của ông việc bà Trần Thị Nga bị kết án tù với một tội danh “mơ hồ”. Thông cáo của đại sứ Mỹ cho biết Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam “trả tự do cho bà Trần Thị Nga và các tù nhân lương tâm khác, đồng thời cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam được quyền tự do bày tỏ quan điểm và tự do tụ họp mà không sợ bị trừng phạt.
Hoa Kỳ cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam “bảo đảm cho các hành động và các đạo luật, kể cả bộ Luật Hình sự, phải phù hợp với các điều khoản về nhân quyền được ghi trong Hiến Pháp của Việt Nam và với các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam.”
Trước phiên xử hôm qua, tổ chức Phóng viên không biên giới, trụ sở tại Paris, cũng đã kêu gọi Hà Nội trả tự do cho bà Trần Thị Nga. Trả lời phỏng vấn đài RFI ban Pháp ngữ hôm nay, một đại diện của Phóng viên không biên giới, bà Catherine Monnet đã đưa ra phản ứng về việc kết án nhà hoạt động này:
Bị kết án 9 năm tù và 5 năm quản chế chỉ vì đăng lên mạng những bài viết, những video clip để thông tin về tình trạng đàn áp quá mức của chính quyền, đây quả là một bản án hoàn toàn không tương xứng, chỉ nhằm mục đích răn đe những ai dám thách thức chế độ bằng cách thông tin về thực tế của đất nước, một đất nước vẫn nằm dưới sự cai trị khắc nghiệt của một đảng độc quyền, không chấp nhận bất cứ một chỉ trích nào.
Cần phải nhắc lại rằng Việt Nam hiện đứng hạng thứ 175 trên bảng xếp hạng 180 quốc gia trong bảng xếp hạng thế giới về tự do báo chí. Thực tế cho thấy rằng Việt Nam ngày càng khẳng định là nhà tù lớn hàng thứ hai thế giới đối với nhà báo, chỉ sau Trung cộng.”

RFI

Nhật báo DER STANDARD xuất bản tại thủ đô Áo quốc WIEN (Vienna) ngày hôm nay 25.07.2017 lúc 13:16 loan tin bà Trần Thị Nga bị chế độ CSVN kết án 9 năm tù, 5 năm quàn thúc. Bản gốc do thông tấn xã Đức DPA (Deutsche Presse-Agentur) truyền đi từ Việt Nam.

Tại Việt Nam một phụ nữ phê bình nhà nước bị chín năm tù

25 Tháng bảy 2017

Tại Việt Nam một phụ nữ phê bình nhà cầm quyền đã bị kết án chín năm tù vì "tuyên truyền chống nhà nước". Như luật sư của bà công bố vào hôm thứ ba, tòa án thành phố Phủ Lý còn kết án  bà Trần Thị Nga, 40 tuổi, thêm năm năm quản chế tại gia, Bà bị bắt vào tháng Giêng và bị buộc tội đã phổ biến một loạt các bài viết và video qua Internet. 

Các luật sư cho biết người phụ nữ phê bình chính phủ đã bác bỏ tại tòa án tất cả những lời tòa cáo buộc bà đã vi phạm. Bà trình bày rõ ràng rằng bà chỉ muốn chống tham nhũng và bất công. Chồng của bị cáo, ông Phan Phan Phong, bị ngăn cản không được tham gia phiên tòa. Cả hai đứa con bà cũng phải ngồi bên ngoài.

Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) đòi hỏi phải trả tự do ngay cho bà.

Chuyên gia của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) ông Phil Robertson phát biểu "Trong nỗ lực bịt miệng các nhà phê bình, nay nhà nước Việt Nam càng cực đoan hơn".

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia độc đảng cộng sản còn lại. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty Intrentional) năm ngoái có ít nhất 91 tù nhân chính trị bị giam giữ trong tù ở quốc gia Đông Nam Á này. 




Giới hoạt động phẫn nộ trước bản án nặng của nhà hoạt động Trần Thị Nga (Thúy Nga)

Dương Đại Triều Lâm
Trần Thị Nga - tranh Tuấn Khanh

9 năm tù giam, 5 năm quản chế là bản án mà tòa án tỉnh Hà Nam đã tuyên phạt đối với nhà hoạt động Trần Thị Nga trong phiên tòa sơ thẩm kết thúc vào chiều 25/7.

Thông tin về bản án tù nặng nề và phi nhân đối với nhà hoạt động có 2 con nhỏ này đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều nhà hoạt động xã hội, vận động dân chủ tại Việt Nam đã bày tỏ thái độ phẫn nộ và lên án nhà cầm quyền.

Cựu TNLT Trần Minh Nhật (Nghệ An): "Bản án dành cho chị Thúy Nga thể hiện rõ sự phi nhân tính của chế độ với một bà mẹ đang nuôi hai con nhỏ và sự lo sợ của nhà cầm quyền trước sức mạnh của những người bình thường vùng lên đấu tranh. Bản án là một sự tính toán nhằm bịt miệng một người phụ nữ can đảm. Nhưng tôi nghĩ chính sự im lặng trong lao tù lại là một lời nói vang vọng có sức thuyết phục cao hơn".

Nhà báo Sương Quỳnh (Sài Gòn): "9 năm tù của Thúy Nga, 10 năm tù của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: Đó là sự bất nhân khi trả thù lên những người mẹ, những người phụ nữ dám dấn thân nói lên sự thật, nói lên hiện trạng thối nát của Đất nước. Nhà cầm quyền tưởng rằng kết án bất nhân như vậy thì làm nhụt chí những người đấu tranh cho sự phát triển đất nước cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ. Họ nhầm vì họ chỉ càng ngày càng phơi bày sự bất chính của họ. Và sau vụ Trung cộng xâm hại, giết ngư dân và dọa dẫm bắt nhà cầm quyền Việt Nam ngừng khoan, khai thác tại khu vực thuộc chủ quyền của mình thì họ càng lộ rỏ bản chất: "hèn với giặc, ác với dân."

Kỹ sư Trần Bang (Sài Gòn): "Tôi phản đối bản án oan nghiệt 9 năm tù, 5 năm quản chế với người phụ nữ dũng cảm, có công giúp đỡ người yếu thế và yêu nước như Trần Thị Nga. Phản đối phiên tòa bất công, bản án bỏ túi vi phạm nhân quyền! Khi còn điều luật mù mờ dễ áp đặt, quy chụp những người thực thi và hoạt động Nhân quyền, những người bất đồng chính kiến như Điều 258, 88, 79 BLHS thì nhiều người đáng được xã hội ghi công lại bị tù tội như chị Trần Thị Nga."

Cựu TNLT Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải (Hoa Kỳ): "Thúy Nga đã không khai, không ký bất cứ biên bản làm việc nào, đã chọn cách đối phó quyết liệt ngay từ đầu. Những người như thế thì nhà cầm quyền CS luôn tuyên án thật nặng để răn đe những người khác. Tôi nghĩ Nga đã chọn đối đầu với bản án và chiến đấu chứ không khuất phục."

Blogger Nguyễn Hoàng Vi (Sài Gòn): "Tôi nghĩ về tương lai của những đứa con chị Nga và chị Quỳnh. Tôi thấy sự tàn độc của chế độ đối với các chị và những đứa trẻ. Bản án của chế độ dành cho các chị có thể làm cho một số ít người dân bình thường sợ hãi nhưng sẽ thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh vốn đã cháy âm ĩ trong những con người yêu sự tự do - công bình - bác ái. Tôi tin sau bản án mà chế độ dành cho chị Nga, chị Quỳnh, sẽ có thêm nhiều người nữa trong đó có tôi sẽ mạnh mẽ bước tiếp con đường các chị đã đi vì tương lai của thế hệ con cháu chúng tôi. Cảm ơn các chị đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho tôi."

Luật gia Nguyễn Đình Hà (Hà Nội): "Bản án này giống như mọi bản án chính trị khác, là bất công và chà đạp lên nhân quyền."

Cựu TNLT Trương Minh Tam (Hà Nam): "Không khác biệt so với bản án blogger Mẹ Nấm và nhà cầm quyền coi đây như 2 món hàng để trao đổi, thu hút sự quan tâm của quốc tế. Bản án cũng như một chỉ dấu cho giai đoạn cuối tàn khốc của băng đảng CS".

Anh Nguyễn Mạnh Hiền (Nghệ An): "Bản án cho chị Thúy Nga là một hành động leo thang khủng bố tinh thần những người yêu nước của một chế độ phi nhân và hèn mạc. Điều này cũng chứng tỏ nhà cầm quyền không coi tiếng nói phản biện, nguyện vọng xây dựng xã hội người dân ra gì cả".

Ông Lương Dân Lý - chồng chị Thúy Nga (Hà Nội): "Nga vô tội, kêu án 1 năm cũng là chà đạp lên Hiến pháp. Hôm nay, Nga ra tòa để "nhận án" bởi tòa án này họ có xử xét gì đâu.

Nhà cầm quyền tuyên án 9 năm hay bao nhiêu cũng chỉ là việc của họ. Bao nhiêu năm cũng không khuất phục được ai, không khủng bố được những người yêu nước. Mà ngược lại chỉ chứng tỏ họ đang ở thế đường cùng, không xử bắn được thì tuyên án thật nặng để tách người tù tách ra khỏi cuộc sống cộng đồng, đồng thời khủng bố tinh thần những người yếu bóng vía mà thôi".

Anh Lê Trung Hiếu (Đà Nẵng): "Chúng ta có thể thấy đây là một bản án được định sẵn mà ai cũng biết. Nó cho thấy một chủ ý của nhà cầm quyền Hà Nội nhằm 2 mục tiêu:

- Răn đe tinh thần giới đấu tranh trong nước;

- Đầu cơ các tù nhân chính trị như một nhà (nước) buôn.

Nhưng cả 2 mong muốn trên của họ hầu như không tác dụng với giới đấu tranh trong nước cũng như các nước khác trên thế giới.

Bên cạnh bản án phi nhân trên, hành động đánh đập người tham dự phiên toà của lực lượng công an thường phục đã thể hiện bản chất man rợ của nền hành pháp toàn trị của nhà nước cộng sản hiện nay."

Dương Lâm, thành viên Mạng lưới Blogger Việt Nam ghi nhận.