27.07.2017

Tin Tổng Hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 26.07.2017)

Tin Tổng Hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng 
(ngày 26.07.2017)

Ngừng khoan dầu: Việt Nam bị Trung cộng đe dọa như thế nào?
Lực lượng hải quân Việt Nam tuần duyên trên biển Đông. Trung cộng đưa nhiều tàu tới khu vực gần bãi Tư Chính ở Trường Sa để đe dọa các hoạt động khoan dầu khí của Việt Nam ở đây.

Kể từ khi có tin Việt Nam phải ngừng khoan thăm dò dầu khí trên biển Đông do bị Trung cộng đe dọa, truyền thông Việt Nam vẫn im lặng và Bộ Ngoại giao cũng “im lặng một cách khác thường.”


Cho tới hết ngày 26/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng về vụ việc này và thông tin về việc Việt Nam yêu cầu một công ty con của tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol ngừng khoan thăm dò dầu khí ở lô 136-03 trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam không xuất hiện trên truyền thông chính thống.

Nguồn tin của các chuyên gia về biển Đông, giáo sư Carl Thayer của Học viện quốc phòng Úc và học giả Bill Hayton của viện nghiên cứu Chatham House, cho biết Trung cộng đã đưa ra yêu cầu này thông qua đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh. “Sau khi Bộ Chính trị (của Đảng Cộng Sản Việt Nam) xem xét yêu cầu này đã quyết định ngừng khoan dầu,” học giả và nhà báo chuyên viết về Việt Nam Hayton cho biết.

Người dân phản đối Trung cộng trước cửa Tòa Đại sứ  Trung cộng ở Hà Nội. Lời đe dọa của Trung cộng được gửi tới Hà Nội qua đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh, theo nguồn tin của giáo sư Carl Thayer và học giả Bill Hayton.

Các chuyên gia về biển Đông cho rằng lối đe dọa này của Trung cộng là chưa từng có tiền lệ khi Bắc Kinh dọa dùng vũ lực, và trong bối cảnh đó Việt Nam phải nhượng bộ để có thời gian thay đổi chiến lược đối phó với Trung cộng.

Sự giằng co giữa Việt Nam và Trung cộng về vấn đề khoan dầu trên biển Đông, theo giáo sư Alexander Vuving của Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương, bắt đầu từ khi tướng Phạm Trường Long cắt ngắn chuyến thăm tới Hà Nội và chương trình giao lưu quốc phòng giữa 2 nước bị hủy bỏ.

Kể từ đó, Trung cộng và Việt Nam đều huy động 1 lượng lớn các tàu tuần duyên và tàu đánh cá tới khu vực bãi Tư Chính (Vanguard Bank) nằm ở phía Tây Nam trong quần đảo Trường Sa và cách Vũng Tàu khoảng 200 hải lý về phía Đông Nam.

Hôm 23/7, một ngày trước khi bài báo của BCC và giáo sư Carl Thayer nói về quyết định của Việt Nam ngừng khoan dầu trên biển, giáo sư Vuving và Jonathan London đều đưa tin trên trang Twitter cá nhân về việc Trung cộng đang triển khai dàn khoan HYSY-760 cùng 40 tàu hải giám tới khu vực gần bãi Tư Chính, quanh lô 163-03, là nơi Việt Nam lúc đó đang triển khai dự án khai thác dầu Cá Rồng Đỏ do PetroVietNam hợp tác với Repsol trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Dù Việt Nam và Trung cộng đều chưa lên tiếng xác nhận hay phủ nhận về thông tin Trung cộng yêu cầu Việt Nam ngừng khoan dầu, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung cộng hôm 26/7 được Reuters dẫn lời nói “Trung cộng thúc giục bên liên quan dừng các hoạt động vi phạm đơn phương và có hành động thiết thực bảo vệ cho khu vực biển mà không dễ có được.”

Phần xây dựng của Trung cộng trên bãi đá Vành Khăng trong quần đảo Trường Sa, mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền, qua hình ảnh vệ tinh của CSIS đưa ra hôm 19/6. Việc tiếp tục quân sự hóa của Trung cộng trên biển Đông là một trong những hành động leo thang căng thẳng trong khu vực.

Trung cộng ngày càng hung hăng

“Sự đe dọa này của Trung cộng đối với Việt Nam cho thấy sự hung hăng ngày càng tăng của Trung cộng,” theo giáo sư Thayer.

Cùng chung nhận định này, giáo sư Vuving nói “hành động của Trung cộng cho thấy họ tiếp tục quyết liệt với các tuyên bố chủ quyền quá đáng của mình trên biển Đông và tự tin về khả năng bắt nạn những nước khác cũng có tuyên bố chủ quyền (trong vùng biển này).”

Kể từ cuối những năm 2000 và đặc biệt sau 1 năm tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung cộng, nước này vẫn không thay đổi gì trong cách hành xử và thậm chí còn có thêm nhiều hành động hung hăng hơn.

Vào tháng 5 vừa qua, tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte đã nói trước công chúng rằng chủ tịch Tập Cận Bình của Trung cộng đe dọa “có chiến tranh” nếu Phi Luật Tân trở lại khai thác dầu và khoan thăm dò ở bãi Recto. Vụ máy bay chiến đấu của Trung cộng áp sát máy bay do thám của hải quân Mỹ trên biển Đông hôm 24/7 là ví dụ mới nhất cho thấy sự can thiệp của Trung cộng vào các chuyến bay của Mỹ trên vùng trời phía đông và nam của biển Trung Hoa. Trung cộng hiện cũng đang tiến hành các cuộc tập trận hải quân ở vùng biển Baltic với hải quân Nga, theo truyền thông quốc tế.

Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình từng nói sẽ "có chiến tranh" nếu Phi Luật Tân nối lại hoạt động khoan dầu trên biển Đông.

Việc tiếp tục quân sự hóa của Trung cộng trên biển Đông cũng cho thấy nước này đang coi thường phản ứng của cộng đồng quốc tế.

Những hình ảnh vệ tinh mới nhất do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) của Mỹ ở Washington đưa ra hôm 19/6 cho thấy Trung cộng xây thêm các cơ sở quân sự mới trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.

Washington luôn cáo buộc Bắc Kinh quân sự hóa tuyến hải lộ trọng yếu trong khu vực, nơi có lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được giao thương hàng năm.

Thượng nghị sỹ Mỹ Cory Gardner hôm 18/7 đã lên tiếng cáo buộc Trung cộng gần đây có những hành động gây mất ổn định khu vực biển Đông và biển Hoa Đông, làm trái với luật lệ quốc tế và tạo ra hiểm họa xung đột trong tương lai.

Việt Nam phải làm gì?

Nếu Trung cộng thực sự đe dọa dùng vũ lực để tấn công các thực thể của Việt Nam trên biển Đông để buộc Việt Nam ngưng thăm dò dầu khí thì đây là một sự leo thang chưa từng có và đáng báo động, theo ông Thayer, cũng là giáo sư của Đại học New South Wales.

Việt Nam phải ngưng khoan dầu ở lô 136 bởi vì các lực lượng của họ quá mỏng và không đủ khả năng để bảo vệ các hoạt động khoan thăm dò thêm lâu hơn trước số lượng quá đông của các tàu Trung cộng, theo nhận xét của giáo sư Vuving.

Trung cộng gửi gần 200 tàu tới khu vực bãi Tư Chính phía tây nam Trường Sa nơi Việt Nam khoan dầu. Lực lượng Việt Nam, với hơn 50 tàu, được cho là không có khả năng chống đỡ, theo nhận định của tiến sỹ Alexander Vuving.

Các nguồn tin từ Việt Nam mà vị giáo sư của Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương có được cho biết có gần 200 tàu của Trung cộng được điều tới khu vực bãi Tư Chính trong khi Việt Nam chỉ có hơn 50 tàu ở khu vực khoan dầu này. Tuy nhiên, cũng theo nguồn tin của giáo sư Vuving, việc khoan thăm dò này cũng đã gần hoàn tất nhiệm vụ và họ đã phát hiện ra một mỏ khí có trữ lượng lớn.

Mặc dù một số chuyên gia trong nước cho rằng việc Việt Nam hủy bỏ khoan thăm dò vì bị Trung cộng đe dọa là “hành động bất lực, hèn nhát” nhưng các chuyên gia quốc tế lại cho rằng đây là một sự rút lui đúng lúc.
Nếu Việt Nam tiếp tục khoan dầu với (đối tác) Repsol vào thời điểm này thì Trung cộng sẽ đưa các tàu tới thách thức. Họ sẽ gửi tàu thăm dò và thậm chí tàu khoan tới khu vực mà Việt Nam đang khoan dầu. Những hành động này sẽ làm mỏng lực lượng tuần duyên và tàu theo dõi các hoạt động đánh bắt cá của Việt Nam và lúc đó buộc Việt Nam phải dừng các hoạt động khoan dầu để tập trung vào việc ngăn cản các hoạt động thăm dò và khoan dầu của Trung cộng,” theo tiến sĩ Vuving.

Giáo sư Carl Thayer cũng nhận định rằng nếu Việt Nam tiếp tục khoan dầu thì “không nghi ngờ gì Trung cộng sẽ can thiệp” hoặc bằng việc cắt cáp tàu khoan dầu, hoặc gửi tàu đánh cá tới hoặc có các hành động quân sự chống lại một trong các thực thể của Việt Nam trong khu vực này.

Việt Nam luôn dùng cả ngoại giao và hành động để đáp trả các hành động của Trung cộng. Việt Nam không muốn hành động vội vàng trong một thế mà họ không có lợi,” theo giáo sư Thayer và ông cho rằng Việt Nam cần có thời gian để huy động những ý kiến từ quốc tế để đưa ra một chiến lược thích hợp.

Tiến sĩ Vuving cũng cho rằng hành động ngừng khoan dầu của Việt Nam là “một sự rút lui chiến lược chứ không phải là một sự đầu hàng” và Việt Nam “chắc chắn sẽ không từ bỏ các tuyên bố chủ quyền của mình trong khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.”

Để làm được việc này, bước tiếp theo, theo giáo sư Thayer, là “Việt Nam cần tìm kiếm sự ủng hộ của Nhật, Mỹ, Ấn Độ, Úc và châu Âu đồng thời gặp gỡ các đại diện của các công ty dầu khí nước ngoài đang hoạt động trong EEZ của Việt Nam để tham khảo các đánh giá của họ.

VOA Tiếng Việt



Chuyên gia: Hợp tác tìm kiếm dầu khí giữa Phi Luật Tân và Trung cộng sẽ khiến Việt Nam đơn độc
Ngư dân Phi Luật Tân và các nhà hoạt động mang thuyền gỗ diễu hành đến lãnh sự quán Trung cộng ở Manila hôm 12/7/2016 để biểu tình  AFP

Hôm 24 tháng 7, Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte tuyên bố chính phủ Phi Luật Tân đang thảo luận với Trung cộng về việc hợp tác khoan tìm dầu khí ở biển Đông là khu vực tranh chấp giữa Trung cộng và một số nước trong khu vực. Tuyên bố này ngay lập tức đặt ra một loạt các câu hỏi về tính khả thi của dự án, và nếu trở thành sự thực thì liên doanh này sẽ ảnh hưởng thế nào tới những nước khác trong tranh chấp biển Đông, nhất là Việt Nam, nước cũng đang có các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ngoài biển Đông.

Tính hợp hiến

Hồi đầu năm nay, ông Duterte cũng đã lên tiếng nói về khả năng hợp tác phát triển với Trung cộng ngoài biển Đông khi ông nói rằng quân đội Phi Luật Tân không có khả năng đối đầu với Trung cộng ngoài biển Đông. Tuy nhiên theo Giáo sư Renato Cruz de Castro thuộc trường đại học De la Salle, Phi Luật Tân, tuyên bố mới của Tổng thống Phi Luật Tân là không chắc chắn

Ông ấy không nói một cách chắc chắn điều này sẽ xảy ra. Việc hợp tác với Trung cộng như vậy đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận đòi hỏi chủ quyền không tranh cãi của Trung cộng ở biển Đông. Thêm vào đó là hoạt động này không được phép căn cứ theo hiến pháp của chúng tôi.

Trung cộng hiện là nước đòi chủ quyền khoảng 90% diện tích biển Đông chủ yếu qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra. Trung cộng coi khu vực này là phần chủ quyền không tranh cãi của mình bất chấp phản đối từ những nước trong tranh chấp. Các nước tham gia tranh chấp trong khu vực bao gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei và Đài Loan. Đài Loan cũng đòi chủ quyền với khu vực nước trong đường đứt khúc 9 đoạn. Phán quyết của tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) hôm 12 tháng 7 năm ngoái xác định đường đứt khúc này là không hợp pháp. Tuy nhiên Trung cộng đã lên tiếng phủ nhận phán quyết của tòa.

Mặt khác, cản trở lớn nhất trong hợp tác chung giữa Phi Luật Tân và Trung cộng chính là tính hợp hiến của hoạt động này vì hiến pháp Phi Luật Tân không cho phép các hoạt động khai thác chung với nước khác tại vùng nước mà nước này đòi chủ quyền. Giáo sư Renato de Castro giải thích:

Tổng thống Phi Luật Tân sẽ phải vượt qua chướng ngại về hiến pháp. Sẽ có người nói rằng điều ông ấy làm là vi hiến bởi vì điều này đã xảy ra trước kia trong dự án nghiên cứu địa chấn giữa hai nước. Cho nên câu hỏi về tính hợp hiến của dự án này sẽ được đưa ra trước tòa tối cao Phi Luật Tân.

Hồi năm 2004, một thỏa thuận về hợp tác nghiên cứu chung trên biển tại khu vực biển Đông giữa Phi Luật Tân và Trung cộng đã được ký kết dưới thời của Tổng thống Gloria Arroyo. Vào năm 2005, Việt Nam cũng tham gia vào dự án này. 3 nước ký thỏa thuận khảo sát địa chấn tại một số khu vực nhất định ở biển Đông (gọi tắt là JMSU). Tuy nhiên hợp tác đã bị chấm dứt sau 3 năm vì nhiều tiếng nói ở Phi Luật Tân lúc đó đã chỉ trích chính phủ của bà Arroyo vi phạm hiến pháp khi cho phép Trung cộng vào nghiên cứu tại khu vực thuộc chủ quyền của Phi Luật Tân.

Cây gậy và củ cà rốt của Trung cộng

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Duterte, hôm 25 tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng, Vương Nghị đang ở thăm Phi Luật Tân cũng lên tiếng ủng hộ ý tưởng này. Ông Vương Nghị còn cảnh báo rằng bất cứ hành động đơn phương nào cũng sẽ chỉ gây ra các vấn đề và làm phương hại đến mối quan hệ hai nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng hôm 25 tháng 7 cũng nói với báo chí tại Bắc Kinh rằng Trung cộng có chủ quyền không tranh cãi tại quần đảo Trường Sa và thúc giục bên thứ ba ngừng các hoạt động vi phạm đơn phương tại khu vực này. Phát biểu này được đưa ra cho câu hỏi của phóng viên liên quan đến thông tin hồi đầu tuần này cho biết Trung cộng đã gây sức ép khiến Việt Nam phải ngưng hoạt động tìm kiếm dầu khí ngoài khơi Việt Nam nơi đường đứt khúc 9 đoạn đi qua.

Tổng thống Duterte hồi tháng 5 vừa qua cũng cho biết Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình tuyên bố chiến tranh sẽ xảy ra nếu Phi Luật Tân xúc tiến việc khai thác dầu đơn phương ở biển Đông.

Giáo sư Castro cho rằng Tổng thống Duterte hiểu được tình hình hiện tại và cũng biết được những cản trở mà ông ta sẽ gặp phải khi đưa ra đề nghị hợp tác với Trung cộng nhưng ông Duterte vẫn tuyên bố như vậy vì những hứa hẹn về đầu tư từ Trung cộng.

Đó là vì tiền của Trung cộng. 24 tỷ đô la tiên đầu tư vào các dự án hạ tầng cơ sở đã khiến chính phủ hiện thời của Phi Luật Tân tìm kiếm cách làm hài long Trung cộng. Trung cộng đang đưa ra cái củ cà rốt trị giá 24 tỷ đô la cho Phi Luật Tân.

Trong chuyến thăm Trung cộng hồi tháng 10 năm ngoái của Tổng thống Phi Luật Tân Duterte, hai nước đã ký một bản ghi nhớ về cam kết đầu tư của Trung cộng vào Phi Luật Tân lên đến 24 tỷ đô la. Đây là một khoản đầu tư lớn mà Phi Luật Tân cần, theo lời của giáo sư Castro, nhưng cho đến giờ vẫn chưa có một đồng đô la nào theo bản ghi nhớ này được thực hiện.

Thách thức đối với ASEAN và Việt Nam

Tuyên bố về hợp tác dò tìm dầu khí giữa Phi Luật Tân và Trung cộng mặt khác cũng gây quan ngại đối với ASEAN, nhóm 10 nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Vì vậy, hôm 26 tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Phi Luật Tân Alan Peter Cayetano cho biết nước này sẽ hỏi ý kiến ASEAN về việc hợp tác tìm kiếm dầu ở biển Đông. Ông Cayetano nói sẽ không có hành động đơn phương và bất cứ hành động đơn phương của bất cứ ai cũng sẽ dẫn đến gây mất ổn định. Tuy nhiên ông Cayetano từ chối không chỉ ra cụ thể vùng thăm dò chung với Trung cộng sẽ nằm ở đâu trên biển Đông.
Hồi tháng 5 vừa qua ASEAN và Trung cộng đã đồng ý bộ khung bản thảo về một Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông (gọi tắt là COC). Cả Trung cộng và Phi Luật Tân đều đã lên tiếng bày tỏ mong muốn COC sẽ được hoàn tất trong năm nay khi Phi Luật Tân là nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Castro có nhiều khả năng ASEAN sẽ không trả lời dứt khoát có hay không đối với thông báo của Phi Luật Tân về vấn đề hợp tác chung với Trung cộng vì không muốn gây bất đồng trong khối hay làm Trung cộng tức giận.

Trong các tuyên bố chung của ASEAN, khối này thường không bao giờ chỉ đích danh Trung cộng hay lên án nước này về các hoạt động quân sự hóa khu vực biển Đông. Nhiều khả năng điều này cũng sẽ xảy ra trong tuyên bố chung sau thượng đỉnh ASEAN diễn ra vào tuần tới ở Phi Luật Tân.

Trước thượng đỉnh, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cũng đến thăm Thái Lan và Phi Luật Tân, hai nước thành viên ASEAN. Trong các chuyến thăm này, ông Vương Nghị luôn đánh giá cao quan hệ giữa Trung cộng và các nước liên quan, đồng thời kêu gọi ASEAN đoàn kết chống lại các lực lượng bên ngoài, ý nói đến Hoa Kỳ.

Giáo sư Castro nhận định hợp tác chung giữa Phi Luật Tân và Trung cộng nếu có thành hình thì có nhiều khả năng chỉ là một dạng hợp tác tương tự như thỏa thuận JMSU như hồi năm 2004 mà thôi. Tuy nhiên, nếu hợp tác này thành hình thì điều này cũng là một thách thức lớn với cả ASEAN và Việt Nam. Giáo sư Castro nói "Việt Nam sẽ bị đơn độc và ASEAN sẽ tiếp tục bị chia rẽ".

RFA



Biển Đông: Làm rõ tin 'VN phải dừng khoan'
Bản quyền hình ảnh GREG BAKER/GETTY IMAGES Image caption Bản đồ Biển Đông với hình Đường Chín Đoạn do Trung cộng nêu ra để đòi chủ quyền toàn bộ vùng này

Việc hãng Repsol ngưng hoạt động tại một dự án ở Biển Đông, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng Trung cộng cho là vùng tranh chấp, đang thu hút sự chú ý quốc tế.

BBC Tiếng Việt phỏng vấn phóng viên Bill Hayton, tác giả bài viết VN ngừng khoan dầu khí ở Biển Đông về một số vấn đề liên quan tới sự kiện này:

BBC Tiếng Việt: Theo nghiên cứu của ông thì vị trí chính xác của dự án Repsol nằm ở đâu, cách bao xa tính từ đảo chính là đảo Trường Sa?

Bill Hayton: Repsol hiện đang có một số dự án dầu khí khác nhau tại Việt Nam. Dự án vừa phải ngưng là nằm trong Lô 136-03, ở rìa đông nam của vùng Việt Nam tuyên bố là Đặc quyền Kinh tế. Các bạn xem bản đồ dưới đây để biết vị trí chính xác.

Bản quyền hình ảnh OTHER

Một nguồn tin nói với tôi rằng tại khu vực lô 136-03, người ta đã tìm được khí tự nhiên và một ít dầu, nhưng công tác khoan vẫn chưa đạt tổng độ sâu (Total Depth). Nguồn tin này cho biết chính phủ Việt Nam đã gây áp lực, muốn Talisman-Vietnam phải tìm l‎ý do kỹ thuật nào đó để có cớ ngưng sớm việc khoan tìm dầu.

Tuy nhiên, phía Talisman nói với giới chức Việt Nam rằng giếng khoan hoàn toàn tốt, không có lý do kỹ thuật nào cản trở công việc hết. Cuối cùng, chính phủ đã ra lệnh cho nhà thầu này phải chấm dứt hoạt động chừng một tuần trước khi mũi khoan theo kế hoạch sẽ đạt tổng độ sâu.

Bản quyền hình ảnh OTHER Image caption Bản đồ chi tiết các khu vực khai thác dầu khí ở vùng biển ngoài khơi đông nam Việt Nam

BBC Tiếng Việt: Nếu như nó nằm quanh khu vực Bãi Tư chính, thì liệu điều đó có đồng nghĩa với việc chúng ta đang chứng kiến tình trạng căng thẳng hồi 2014, khi mà có một số nguồn tin nói rằng các tàu thuyền Trung cộng cũng đã tiếp cận các cụm khu vực nhà giàn do Việt Nam xây dựng ở cùng khu vực không?

Bill Hayton: Tôi không rõ chuyện này.

BBC Tiếng Việt:Trong bài viết, khi dùng cụm từ "các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa" trong câu "giới lãnh đạo Repsol được chính phủ tại Hà Nội thông báo vào tuần trước rằng Trung cộng đã đe dọa sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu không dừng việc khoan thăm dò", ông muốn nói cụ thể tới các căn cứ nào?

Bill Hayton: Nguồn tin của tôi không nêu chi tiết.

BBC Tiếng Việt: Vị trí của lô khai thác khí đốt này nằm hoàn toàn trong vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam? Và theo Công ước Liên Hiệp quốc thì Việt Nam có quyền khai thác tài nguyên tại đó?

Bill Hayton: Nếu diễn giải theo Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp quốc UNCLOS thì đúng vậy. Những logic mà phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực đưa ra hồi năm ngoái cũng xác nhận điều này, tuy nói một cách chặt chẽ thì phán quyết này chỉ có giá trị ràng buộc đối với Trung cộng và Phi Luật Tân. Trung cộng chưa bao giờ nêu rõ cơ sở để họ đưa ra các đòi hỏi đó. Một số người nói rằng Bắc Kinh đòi hỏi dựa trên các quyền lịch sử ở khu vực, một số người khác nói họ tuyên bố vùng Đặc quyền Kinh tế dựa vào quần đảo Trường Sa như một cụm khu vực. Cả hai lập luận này đều không phù hợp với UNCLOS và cả hai đều bị Tòa Trọng tài bác bỏ.

BBC Tiếng Việt: Một số chuyên gia đã nêu câu hỏi về khả năng Việt Nam phải bồi thường cho đối tác dầu khí Tây Ban Nha. Theo những gì ông biết thì liệu đây có phải là điều sẽ xảy ra đối với trường hợp Repsol không?

Bill Hayton: Khó để nói nếu ta không nắm được nội dung hợp đồng k‎ý kết giữa hai bên. Tuy nhiên, Repsol đã chi một khoản tiền lớn cho Talisman và đã chi thêm nhiều triệu đô la vào việc thăm dò ở Lô 136-03. Có con số ước tính đưa ra rằng Repsol và các hãng hoạt động trước đó đã đầu tư khoảng 300 triệu đô la vào khu vực này.

Bản quyền hình ảnh OTHERImage caption Lô 136-03 nằm ở vị trí mà cả Trung cộng và Việt Nam cùng tuyên bố chủ quyền. Hình bên trái là bản đồ của Trung cộng tại triển lãm ở Nam Kinh gồm các tên tiếng Trung cho gần như mọi đảo và bãi đá trong 'Đường Chín đoạn', còn bên phải là bản đồ của PetroVietnam đưa ra trong một cuộc họp báo năm 2012

BBC Tiếng Việt: Có ‎ý kiến cho rằng lịch họp của Đại hội Đảng Trung cộng có thể là một yếu tố khiến Hải quân Trung cộng hạn chế các hoạt động tại Biển Đông nhằm tránh đối đầu với các nước như Việt Nam. Ông có nghĩ là cái nhìn này vẫn đúng ở thời điểm hiện tại?

Bill Hayton: Nếu là tuần trước thì tôi cũng nghĩ vậy. Vào thời điểm này thì tôi không còn chắc nữa.


Bill Hayton ngoài công việc tại BBC News còn là nhà nghiên cứu tại Viện Chatham House, một thinktank hàng đầu về chính trị quốc tế tại London. Ông đã xuất bản hai cuốn sách 'The South China Sea: the struggle for power in Asia' (2014) và 'Vietnam: rising dragon' (2010).

BBC Tiếng Việt



Biển Đông: Trung cộng ép Việt Nam để giành nguồn dầu khí
Vị trí của các lô 118 và 136 so với đường lưỡi bò Trung cộng trên Biển Đông. Địa điểm đặt giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 năm 2014 cũng được ghi chú.CSIS

Bắc Kinh không còn che giấu ý đồ khống chế Biển Đông giành quyền khai thác nguồn dầu khí trong vùng, và sẵn sàng đe dọa dùng võ lực để cấm các nước khác thăm dò trong vùng biển mà Trung cộng cho là thuộc chủ quyền của họ. Theo những nguồn tin chưa được chính thức xác nhận, thì vào thượng tuần tháng 07/2017, Bắc Kinh đã dọa Hà Nội là sẽ tấn công các cơ sở Việt Nam ở vùng quần đảo Trường Sa nếu Hà Nội không đình chỉ việc thăm dò vừa tiến hành tại một lô khai thác nằm trong vùng biển sát Việt Nam nhưng bị Trung cộng nhận là của họ. Cũng theo các nguồn tin trên thì Hà Nội đã phải lùi bước trước sức ép của Bắc Kinh.

Trong bài phân tích đăng ngày 25/07/2017, tập san Nhật Bản The Diplomat cho rằng sự kiện đó chứng tỏ là Bắc Kinh vẫn dùng đến những biện pháp cưỡng chế, ép buộc để đạt mục tiêu, cho dù vẫn phô trương bề mặt hòa hoãn.

Prashanth Parameswaran, tác giả bài viết, đã từng nêu bật cảnh giác đối với điều mà ông gọi là Ảo tưởng về một Biển Đông bình lặng và lấy ví dụ về việc Trung cộng mới đây, vào tháng 6, đã bất ngờ hủy bỏ một chương trình giao lưu quốc phòng thường kỳ với Việt Nam vì không tán đồng một số hoạt động dầu khí của Việt Nam tại Biển Đông. Đối với nhà báo của tờ The Diplomat, Trung cộng đã làm như vậy nhằm gây áp lực, buộc Việt Nam phải đình chỉ việc thăm dò dầu khí tại vùng Biển Đông mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của họ.

Không lạ vì Trung cộng đã quen thói bắt nạt

Về sự cố mới nhất được đài BBC tiết lộ hôm 24/07 theo đó Việt Nam đã bị buộc phải đình chỉ việc thăm dò lô dầu khí 136-03 sau khi bị Trung cộng dọa là sẽ đánh vào các căn cứ của Việt Nam tại vùng quần đảo Trường Sa nếu không chịu dừng, The Diplomat cho rằng, nếu tin trên được kiểm chứng, thì điều đó không có gì đáng ngạc nhiên.

Lý do theo tờ báo Nhật Bản, đó là vì "trong vài năm gần đây, Trung cộng đã có một loạt hành vi dùng sức mạnh thúc ép các láng giềng để áp đặt ý muốn của Bắc Kinh trong các vấn đề tranh chấp biển đảo. Nhật Bản đã bị Trung cộng dồn ép từ năm 2012 trong vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo đang quản lý; Phi Luật Tân thì bị Trung cộng lấy mất vùng bãi cạn Scarborough cũng bắt đầu từ năm 2012. Riêng đối với Việt Nam, thì nổi bật là vụ Bắc Kinh đưa giàn khoan HD-981 đến cắm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm 2014".

Theo nhận xét của The Diplomat, cách hành xử hung hăng đó của Trung cộng không hề có dấu hiệu thay đổi, kể cả khi Bắc Kinh ra sức tuyên truyền cho ý tưởng về một Biển Đông yên ắng trở lại kể từ năm nay nhờ việc Bắc Kinh và ASEAN đã thỏa thuận về bộ khung của một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Trong thực tế, theo The Diplomat, các nước Đông Nam Á đã nhận thức được rõ ba yếu tố mới có liên quan đến Biển Đông: Các giải thích trong phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông phủ nhận các yêu sách chủ quyền của Trung cộng; quan điểm mềm mỏng hơn đối với Trung cộng trên vấn đề Biển Đông của Phi Luật Tân dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte; và thái độ còn mập mờ của Hoa Kỳ thời tổng thống Donald Trump.

Căn cứ vào ba yếu tố đó các quốc gia Đông Nam Á đã có một loạt bước đơn phương để bảo vệ và thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền của mình. Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh cũng gia tăng các hành động nhằm chống lại những động thái này.

Việt Nam thành nước đi đầu chống Trung cộng tại Biển Đông

The Diplomat công nhận rằng trong số các động thái gần đây của các quốc gia Đông Nam Á liên quan đến Biển Đông, từ việc Nam Dương đổi tên một phần của Biển Đông, cho đến thông báo của một viên chức năng lượng Phi Luật Tân theo đó nước này sẽ khoan dò trở lại tại vùng Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) từ nay đến cuối năm, không một động thái nào táo bạo như các quyết định của Việt Nam, đã trở thành nước Đông Nam Á duy nhất đứng mũi chịu sào chống lại các đòi hỏi của Trung cộng. Và phản ứng của Bắc Kinh đối với Việt Nam cũng dữ dội hơn là đối với các nước Đông Nam Á khác.

Điều đáng ngại, theo bài viết trên tờ The Diplomat, là trong những năm qua, thái độ cứng rắn của Trung cộng lúc năng, lúc nhẹ tùy theo diễn biến của tình hình. Thái độ cứng rắn của Bắc Kinh đối với Hà Nội hiện nay được thể hiện trong giai đoạn được chính Trung cộng gọi là hòa dịu trở lại. Điều gì sẽ xẩy ra trong trường hợp tình hình nóng lên?

Riêng về sự cố liên quan đến việc Việt Nam phải tạm dừng đề án thăm dò, khai thác lô 136-06 sau khi bị Trung cộng dọa dùng võ lực, báo chí quốc tế đã có nhiều bài phân tích cho dù tin này vẫn chưa được xác minh một cách chính thức.

Việt Nam phải cẩn thận để chính sách năng lượng không bị tác hại

Nhật báo Úc The Australian, ngày hôm qua, 25/07 đã cho rằng sự cố đó nêu bật tính chất mong manh của tình hình yên lặng tương đối trên Biển Đông trong một năm gần đây.

Tờ báo đã ghi nhận là ngoại việc giao cho hãng Talisman Vietnam thuộc tập đoàn Tây Ban Nha Repsol thăm dò lộ 136-06, Việt Nam cũng để cho tập đoàn Mỹ Exxon Mobil quyền khai thác một khu vực nằm ở bìa vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng như triển hạn quyền thăm dò một lô ở Biển Đông cho tập đoàn Ấn Độ ONGC Videsh.

Việc Việt Nam phải chiều theo sức ép của Trung cộng, nếu được xác minh, sẽ có hệ quả tai hại đối với Hà Nội. Tờ báo Úc trích dẫn phân tích của giáo sư Úc Carl Thayer, một chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông, cho rằng nếu các công ty nước ngoài bị buộc phải rút đi, điều đó sẽ phá hoại chương trình năng lượng của Việt Nam, khiến cho Việt Nam khó mời được công ty ngoại quốc nào khác vào đấu thầu các dự án năng lượng tương lai của mình.
Đối với giáo sư Thayer, việc Trung cộng đe dọa đánh Trường Sa là một bước leo thang nghiêm trọng, và như vậy, Bắc Kinh có thể sẽ sử dụng đội tàu đánh cá của họ, đội dân quân biển và lực lượng Hải Cảnh trước khi viện đến Hải Quân.

Theo giáo sư Thayer, việc Trung cộng đe dọa Việt Nam cũng là một « kịch bản ác mộng » đối với giới lãnh đạo Việt Nam, vì lẽ bất cứ cuộc tấn công nào vào một thực thể do Việt Nam kiểm soát ở Biển Đông, đều sẽ kích động tinh thần bài Trung cộng của người dân Việt Nam.

Có điều, giáo sư Thayer cho rằng, nếu Trung cộng đánh Việt Nam, điều đó sẽ gióng lên hồi chuông báo động khắp khu vực, và sẽ lại chia rẽ khối nước Đông Nam Á về phương cách ứng phó. Ngoài ra, hành động đó đồng nghĩa với việc công khai thách thức Mỹ, Nhật và các cường quốc hàng hải khác.
Trong trường hợp đó, giáo sư Thayer đặt ra câu hỏi: “Liệu các nước đó có thực sự muốn chiến tranh với Trung cộng hay không, chỉ để bảo vệ nền công nghiệp dầu mỏ của Việt Nam, hoặc một vài mỏm đá nhỏ ở Biển Đông ? ».

Trọng Nghĩa (RFI)



Ngư dân Việt nói gì về cảnh sát biển Nam Dương
Tàu về  Courtesy Citizen

Truyền thông trong nước loan tin vào ngày chủ nhật 23 tháng 7, bốn ngư dân Việt Nam bị Cảnh sát biển Nam Dương bắn bị thương khi đang đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên hai ngày sau phía Nam Dương lên tiếng bác bỏ nói rằng chỉ bắn cảnh cáo khi phát hiện một chiếc tàu của ngư dân Việt Nam xâm phạm lãnh hải của Nam Dương.
Nhóm phóng viên RFA nói chuyện được với một ngư dân từng mấy lần gặp lực lượng tuần duyên Nam Dương cho biết lại thực tế đối với bản thân và những bạn đi biển khác
Bị kéo tàu, chuyện bình thường

Ông Lê Đức Anh, ngư dân Bình Thuận, chia sẻ:
"Họ vào vùng biển của mình gặp chiếc nào là bắt chiếc đó, tàu giã cào cũng bắt. Bắt xong là họ kéo qua vùng biển của họ và quay phim. Quay phim xong rồi họ yêu cầu tài công theo tàu của họ chạy qua bên đảo luôn; nhưng mình không biết đảo nào hết!”
Ông Anh cho biết thêm là trường hợp tàu cá Việt Nam bị tàu cảnh sát biển Nam Dương nhầm hoặc cố tình kéo về vùng biển của họ, sau đó chụp ảnh, lùa ngư dân lên tàu cảnh sát và cho chủ tàu lái tàu chạy theo họ vào một đảo nào đó của Nam Dương, từ đó nhốt tàu là chuyện xảy ra thường xuyên. Với ba lần bị bắt theo kiểu này, ông Anh cho rằng cảnh sát biển Nam Dương hoặc cố ý, hoặc hiểu nhầm do trước đó có một số tàu của Việt Nam tiến sang vùng biển Nam Dương để đánh bắt, khi thấy cảnh sát của họ thì chạy trốn về phía Việt Nam, họ tiến thẳng sang Việt Nam và kéo bất kỳ tàu cá Việt Nam nào mà họ gặp.
Như trường hợp mới xảy ra gần đây nhất với ông Anh, tàu của ông là một tàu giã cào và lặn các loại hải sản ở vùng nước sâu. Ông đang đánh ở ngay vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Lúc các ngư dân đăng lặn nghêu thì tàu cảnh sát biển Nam Dương tiến đến cặp vào tàu của ông. Đợi các ngư dân lặn được gần đầy nghêu thì họ móc xích vào tàu, kéo thẳng về vùng biển của họ và chụp ảnh, lập biên bản, bắt ngư dân Việt Nam ký vào đó và kéo thẳng về nước của họ.
Tàu của ông bị nhốt ở Nam Dương gần nửa năm, trong thời gian đó, các ngư dân được cung cấp gạo, nước mắm để sống qua ngày. Riêng gạo, nhắc đến nó là ông muốn ê răng bởi không hiểu loại gạo gì mà sạn nhiều không thể tưởng tượng được. Cho dù có đãi sạn trước đó rất kỹ thì khi ăn cơm, nếu nhai không nhẹ một chút sẽ bị mẻ răng sau tiếng cốp phát ra từ miệng.
Hằng ngày, các ngư dân bị đánh thức lúc 5 giờ sáng và chạy bộ, tập thể dục để giữ sức khỏe, tránh bệnh tật và không được uống rượu, bia. Có một số chủ tàu Trung cộng cập bến gần chỗ tàu Việt Nam bị bắt nhốt thường gạ các thuyền viên Việt Nam tháo trộm phụ tùng trên tàu để bán cho họ hoặc đổi rượu, bia, thuốc lá. Và hầu hết các chủ tàu Việt Nam sau khi bị bắt, chiếc tàu được thả ra hoặc không còn gì, phải bỏ luôn, hoặc phải bổ sung phụ tùng, có khi lên đến hàng trăm triệu đồng mới chạy được.
Thường thì ngư dân Việt Nam ra khơi luôn trong tình trạng cô độc bởi thiếu sự bảo vệ của cảnh sát biển Việt Nam. Cảnh sát biển Nam Dương luôn có mặt trên vùng biển của họ thì ngược lại cảnh sát biển Việt Nam hiếm khi có mặt trên vùng biển Việt Nam, đó là một thực tế.
Cảnh sát biển Việt Nam đi đâu?

Bày tỏ quan điểm về tình trạng bốn ngư dân Việt Nam vừa bị tàu cảnh sát Nam Dương bắn, ông Anh chia sẻ thêm:
“Không có một cảnh sát biển nào của mình hết. Họ nằm trên vùng Trường Sa chứ còn ráp ranh Mã Lai… không có ai luôn. Nhưng cảnh sát biển của họ thì nhiều lắm, cứ mỗi tuần họ lại thay phiên: anh trực một tuần thì anh vô, tui ra.”
Ông Anh cho rằng bản thân ông không hề ngạc nhiên khi ngư dân Việt Nam bị cảnh sát Nam Dương bắn. Bởi việc bắn hay bắt diễn ra quá dễ với họ. Thường thì mỗi nhóm cảnh sát trực một tuần ngoài khơi Nam Dương, hết phiên thì có tàu khác ra trực thế và tàu kia lại vào nghỉ ngơi. Vùng biển các nước trong khu vực luôn có tàu cảnh sát biển tuần tra mỗi ngày, riêng Việt Nam thì hiếm khi có tàu cảnh sát biển tuần tra.
Và ông Anh cũng khẳng định thêm là chính vì việc ít tuần tra, dẫn đến lượng xăng dầu dư thừa và một số cảnh sát biển bán xăng dầu cho ngư dân để đổi các loại hải sản quí hiếm, tìm một chỗ nào đó kín đáo để tổ chức ăn nhậu. Vì Cảnh sát biển Việt Nam hầu như vắng mặt trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam nên mỗi khi các ngư dân bị rượt đuổi, chỉ còn cách bỏ chạy, nếu không chạy kịp thì bị bắt. Mà thường là bị bắt trong lúc đánh cá ngay trong vùng biển Việt Nam, sau đó họ kéo tàu về vùng biển của họ để chụp ảnh làm bằng chứng và bắt nhốt.
Ông Anh cho rằng đó cũng là một chiến thuật xâm chiếm vùng biển một cách khôn khéo. Nghĩa là cứ bắt ngư dân Việt ngay tại vùng biển Việt Nam ở các khu vực giáp ranh, sau đó tìm bằng chứng giả để nhốt, làm nhiều lần như vậy thì ngư lùi dần vào thềm lục địa và phần biển giáp ranh giữa Việt nam và Nam Dương sẽ lệch dần về phía Việt Nam.
Ông Anh tỏ ra bức xúc bởi nếu như có sự can thiệp cũng như sự có mặt thường xuyên của lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam thì nhất định cảnh sát biển Nam Dương sẽ không thể lộng hành như đang có. Nhưng nghiệt nỗi, mỗi khi có sự cố gì cho ngư dân Việt Nam thì chẳng thấy cảnh sát biển Việt Nam nào có mặt, phía nước bạn muốn làm gì thì làm.
Như để kết câu chuyện, ông Anh khẳng định là cảnh sát biển Việt Nam vắng mặt thường xuyên trên vùng biển Việt Nam, đặc biệt là vùng giáp ranh Việt Nam với Nam Dương, ngược lại, cảnh sát biển Nam Dương luôn có mặt tại vùng giáp ranh này. Và hầu hết các cuộc bắt bớ ngư dân Việt Nam đều diễn ra trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng ngư dân Việt Nam đành chịu thua thiệt!
Nhóm Phóng Viên tường trình từ Việt Nam (RFA)