03.11.2019

Maphia bán nước hại dân.- Người Buôn Gió

Maphia bán nước hại dân.

Người Buôn Gió

Gần đây trên chương trình truyền hình xuất hiện một phụ nữ sang trọng, đài các tham dự trong chương trình Shark tank ( thương vụ bạc tỷ ). Người phụ nữ đó tên là Đỗ Thị Kim Liên.

Từ một giáo viên bà Liên nhảy sang hoạt động bảo hiểm, năm 2005 bà sáng lập bảo hiểm AAA và chỉ vài năm sau đó bà bán hãng bảo hiểm này cho tập đoàn Úc thu về hàng triệu usd vào năm 2013. Bà Liên còn là chủ nhiều hạ tầng cơ sở như cảng biển hoặc các dự án BOT. Sau khi bán bảo hiểm AAA vào thời điểm lò tôn của Nguyễn Phú Trọng bắt đầu khởi lửa, bà đầu tư vào một nhà hàng cực lớn ở trung tâm Berlin, Rathausstrasse 23.

Việc đầu tư vào nhà hàng với số vốn hàng triệu Euro này đủ tiêu chuẩn cho cả gia đình nhà bà được cấp giấy phép định cư tại Đức. Một thời gian sau đó bà nhượng bớt cổ phần ở quán này cho thương hiệu quán Ngon.

Vào thời gian nóng rẫy của lò tôn ông Trọng, vợ chồng bà nằm im ở Đức. Gần đây, đặc biệt sau sự kiện tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lâm bệnh , bà Liên hoạt động trở lại rất công khai, không thầm kín như những năm trước, bà xuất hiện liên tục trên truyền hình rất nổi bật trong vai trò nhà đầu tư cho những thương vụ bạc tỷ.

Nhưng nổi bật nhất là việc báo chí đưa tin bà là chủ nhà máy nước mặt nước Sông Đuống với vốn đầu tư đến 5000 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng đến 80% là 3998 tỷ đồng.  Hiện nay nhà máy này đã bán bớt 34% cho người Thái với giá 2000 tỷ đồng. Tính sơ sơ đã lãi 300 tỷ đồng ngay lập tức khi nhà máy mới vừa hoàn thành qua việc bán cổ phần. Chưa kể thực chất giá trị xây dựng nhà máy này có bị đội giá, khai khống vốn đầu tư hay không?

Theo báo Vietnamnet đưa tin, thì nhà máy nước Sông Đà mỗi năm thu lãi ròng hàng trăm tỷ, lãi suất trên 50%. Đó là giá nước của nhà máy sông Đà chỉ hơn nửa giá nước của nhà máy sông Đuống.

Nhà máy nước sông Đà với mức giá hơn 5 nghìn một khối, lãi ròng hơn nửa. Đang làm ăn ngon lành, bỗng nhiên bị xảy ra sự cố phá hoại đổ dầu thải vào nguồn nước, dường như những kẻ chủ mưu đổ trộm đã nghiên cứu kỹ phòng vệ của nhà máy nước sông Đà, cho nên phương án đổ trộm dầu thải được tính toán tinh vi, các điểm đổ rải rác nhiều nơi. Nơi tưởng như là công khai, nơi đổ kín đáo. Đầu tiên nhà máy nước sông Đà nghĩ đơn giản rằng đây chỉ là vụ đổ trộm dầu thải, thế nên khi phát hiện chỉ khoanh khu vực đổ để xử lý. Nhưng khi xử lý rồi vẫn bị, tìm hiểu thêm mới vỡ lẽ ra kẻ đổ trộm còn đổ ở nhiều khu vực khác nhưng cùng mẫu số chung là cùng loại dầu và cùng đổ về nguồn nước của nhà máy sông Đà.

Điều lạ lùng là khi nhà máy nước sông Đà bị sự cố phá hoại, trùng hợp với thời điểm nhà máy nước sông Đuống khánh thành giai đoạn 1 và bắt đầu bán nước ra thị trường. Sự gấp vội của nhà máy nước sông Đuống khánh thành mặc dù còn chưa được giấy phép nghiệm thu khiến người ta hoảng sợ.

Người ta hoảng sợ vì tại sao một doanh nghiệp bị phá hoại, và doanh nghiệp canh tranh với nó bỗng nhiên được ưu đãi, bỏ qua những thủ tục để bán sản phẩm ra thị trường. Thậm chí địa bàn cấp nước của sông Đà bị bắt buộc phải thu hẹp lại, để nhà máy nước sông Đuống chiếm thị phần. Lạ lùng hơn là như có sự chuẩn bị từ trước, đường ống của nhà máy nước sông Đuống đã đến những nơi này trước, như một sự sắp đặt chỉ cần có sự cố xảy ra với sông Đà, là sông Đuống cấp nước được cho nơi ấy ngay.

Đến nay việc đổ dầu phá hoại nguồn nước sông Đà đi đến chỗ bế tắc, người ta không điều tra ra được động cơ của Nguyễn Đình Vũ khi đổ dầu xuống nguồn nước Sông Đà. Vũ chủ động liên hệ xin xử lý dầu thải cho nhà máy Gốm Sứ Thanh Hà, thuê xe tải chở dầu, xe con đi áp tải ( sao mà phải áp tải ?) chạy lòng vòng xa hơn điểm đổ hàng trăm km. Sau khi đổ thì tất cả bọn trốn luôn, không thèm quay lại nhà máy Gốm Sứ Thanh Hà nhận tiền công.

Nguyễn Đình Vũ không hề có chức năng xử lý chất thải.

Nhu cầu dùng nước của Hà Nội là 1, 1 triệu mét khối một ngày đêm. Các nhà máy nước hiện nay có thể cung cấp cho Hà Nội 1,3 triệu mét khối một ngày đêm.

 Nhìn vào con số ấy, nếu nhà máy nước sống Đuống không nhờ những phép mầu ngẫu nhiên như sông Đà bị phá hoại, chính quyền Hà Nội tăng giá nước khi sông Đà chiếm thị phần của sông Đuống, chưa nghiệm thu đã được bán hàng.....thì có lẽ nhà máy nước sông Đuống của chị Đỗ Liên chẳng thuận buồn xuôi gió, bán được ngay 34 % thu về 2000 tỷ. Tiếp đến là thu lãi ròng qua việc vừa được bán giá cao, vừa được mở rộng thị phần.

Ai là người tạo phép mầu ngẫu nhiên ấy cho Đỗ Liên.

Trời và Phật ư?

Nói thế cho trẻ con nghe, thời nay chỉ có những quan chức cấp cao có lợi ích chung với Đỗ Thị Kim Liên mới tạo ra được những phép mầu cho doanh nghiệp mà thôi.

Bao giờ thì những quan chức cấu kết với doanh nghiệp, kinh doanh theo kiểu Maphia như trên sẽ được lôi ra ánh sáng ? Chúng là ai, chúng ở đâu, giữ chức vụ gì.

Các câu hỏi đặt ra sẽ dần dần được trả lời, sẽ sớm thôi.