„So với 8 năm trước, số lượng người dũng cảm xuống đường bày tỏ
thái độ không hề tăng lên, nếu không muốn nói là ít hơn. Mỗi đợt biểu tình chỉ
độ vài chục người, quá ít trên con số hơn 90 triệu dân Việt đa số vẫn bàng
quan, thờ ơ với thời cuộc, với vận mệnh đất nước…“
Nỗi Đau Việt Nam
Song
Chi
8 năm trước, vào những ngày Chủ Nhật của tháng
12.2007, khi người Việt xuống đường biểu tình phản đối Trung Cộng ở Sài Gòn và
sau đó là Hà Nội, đó là những cuộc biểu tình tự phát phản đối Trung Cộng đầu
tiên đồng thời mang ý nghĩa chính trị đầu tiên của người dân kể từ khi VN thống
nhất và cả nước sống dưới chế độ do đảng cộng sản cầm quyền.
Khi ấy, người Việt xuống đường để phản đối việc Quốc
vụ viện của Trung cộng tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam,
có phạm vi quản lý 3 quần đảo trên biển Đông, trong đó có hai quần đảo tranh chấp
với Việt Nam: quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (mà Trung cộng gọi là Tây
Sa và Nam Sa). Các cuộc biểu tình này có lúc khoảng vài trăm người, có lúc lên
đến cả ngàn người, chủ yếu là học sinh, sinh viên, có cả một số văn nghệ sĩ,
trí thức tham gia.
Những năm sau đó, thỉnh thoảng người Việt lại có những
cuộc biểu tình mỗi khi Trung cộng có những hành xử ngang ngược quá đáng, xâm phạm
quá đáng chủ quyền và toàn vẹn lãnh hải của VN.
Vào những ngày này của tháng 11.2015, người Việt lại
phải xuống đường. Lần này là để phản đối chuyến viếng thăm cấp nhà nước của Tập
Cận Bình, Tổng Bí thư đảng cộng sản Trung Hoa, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân
Trung Hoa; cũng là phản đối việc đảng và nhà nước cộng sản VN đã trải thảm đỏ
rước giặc vào nhà giữa lúc sự căng thẳng trên biển Đông cũng như ý đồ quân sự
hóa khu vực biển Đông của Trung Cộng không hề có dấu hiệu dừng lại hay giảm bớt.
So với 8 năm trước Trung Cộng đã tiến rất xa trên chặng
đường từng bước hợp thức hóa “đường lưỡi bò” trên biển Đông, từng bước biến biển
Đông thành “ao nhà” từ đó làm bàn đạp vươn ra bá chủ toàn cầu theo đúng ý đồ của
họ. Trong khi đó VN vẫn không chuẩn bị được gì cho mình, vẫn đang vật lộn với
những khó khăn về kinh tế, nợ nần, vẫn không thay đổi, cải thiện hệ thống kinh
tế chính trị xã hội để thoát ra khỏi những trở ngại làm trì trệ sự phát triển của
đất nước và tập hợp được sức mạnh của toàn dân. Đối ngoại, cũng chính vì không
chịu thay đổi nên cho đến giờ này VN vẫn cô độc, chưa xây dựng được cho mình mối
liên minh chặt chẽ với một nước lớn nào. Không những thế, tình hình kinh tế
nguy ngập càng khiến VN phải quỵ lụy, nhẫn nhục nhiều hơn vì cần đến túi tiền của
Trung Cộng.
So với 8 năm trước, số lượng người dũng cảm xuống đường
bày tỏ thái độ không hề tăng lên, nếu không muốn nói là ít hơn. Mỗi đợt biểu
tình chỉ độ vài chục người, quá ít trên con số hơn 90 triệu dân Việt đa số vẫn
bàng quan, thờ ơ với thời cuộc, với vận mệnh đất nước, hoặc có quan tâm nhưng
vì lý do này lý do khác không thể hoặc không dám xuống đường. Còn thái độ của
nhà cầm quyền đối với những cuộc biểu tình ôn hòa bày tỏ lòng yêu nước của người
dân thì vẫn thế-nghĩa là tìm mọi cách cô lập, giải tán, đàn áp, kể cả hành
hung, bắt về đồn câu lưu dăm ba tiếng đồng hồ… Đã có những tấm hình được post
lên facebook cho thấy người biểu tình bị đánh đổ máu. Nhà báo, blogger Trương
Duy Nhất viết trên blog “Một góc nhìn khác” của mình: “Máu của người Việt đã đổ. Để làm thảm đỏ rước Tập Cận Bình”.
Chua chát hơn, như người biểu tình kể lại, có những chiếc xe phường vừa chạy
lòng vòng vừa bắc loa rao giảng: Nào “Tình hữu nghị Việt-Trung đời đời
bền vững không thể thay đổi”, rồi nào “bán anh em xa mua láng giềng
gần”…Rõ là một hoạt cảnh lố lăng, bi hài.
Và cùng lúc đó ở một khung cảnh khác, là sự tiếp đón
nồng nhiệt và trọng thị mà nhà nước này dành cho vợ chồng Tập Cận Bình-Bành Lệ
Viện. Giữa lúc 21 phát đại bác ròn rã và những tiếng kèn tiếng trống vang lên
tưng bừng, mấy ai biết có những tiếng hô phản đối Tập Cận Bình, đòi trả lại Trường
Sa Hoàng Sa cho VN của những con người yêu nước cô đơn ngay giữa đất nước mình.
Càng mấy ai nghe, ai nhớ những tiếng súng của kẻ thù mới nổ trên đất nước này
chưa lâu, trong trận hải chiến năm 1974 khi Trung Cộng tiến chiếm Hoàng Sa, trận
hải chiến năm 1988 khi Trung Cộng cướp Hoàng Sa, tiếng súng của những cuộc chiến
tranh biên giới năm 1979, 1984, 1988…khi VN mất đi một phần lãnh thổ dọc biên
giới phía Bắc vào tay giặc…Cả những tiếng súng của lính Trung Cộng nã vào những
chiếc tàu nhỏ bé của ngư dân VN và tiếng kêu cứu của ngư dân vẫn đang xảy ra
ngoài khơi những năm tháng này, giữa thời bình…
Cờ xí rợp trời tràn ngập một màu đỏ, có ai nhớ màu
máu của những người lính và người dân VN đã ngã xuống cho những trận chiến trên
biển và trên bộ giữa hai bên, chỉ mới trong vòng mấy chục năm trở lại đây thôi,
chưa nói đến máu của hàng triệu triệu người trong quá khứ đã đổ xuống để giành
lại VN trong suốt 1000 năm đô hộ bởi giặc Tàu. Giành, trao lại vẹn nguyên và mở
rộng thành một dải đất hình chữ S, đế bây giờ đám hậu duệ của Lê Chiêu Thống,
lũ Hán gian bán nước ngự giữa Ba Đình, Hà Nội đã làm mất đi, hoặc tự nguyện đem
sang nhượng, cầm cố cho Tàu. Và bên cạnh bộ mặt đầy vẻ viên mãn, đầy vẻ bề trên
của vợ chồng Tập-Bành, là những bộ mặt vừa vô cảm vừa hèn hạ, bạc nhược của đám
quan chức đầu não của đảng và nhà nước cộng sản VN.
Không chỉ bắn đại bác, trải thảm đỏ rước giặc vào
nhà, khòm lưng gập người xun xoe cúi chào kẻ xâm lược, bọn Hán gian còn dành
cho họ Tập cái vinh dự được phát biểu trước Quốc hội VN. Và như chúng ta có thể
thấy trước, bất luận Tập phát biểu cái gì, kể cả ngang ngược tuyên bố chủ quyền
trên biển Đông, ngầm đe dọa VN không được theo gương Philippines kiện Trung Cộng
ra tòa án quốc tế hay ngả theo các nước phương Tây, hay ngọt nhạt giả dối hứa hẹn
về tình hữu nghị đời đời bền vững, về chung sống hòa bình…bất luận Tập nói gì,
cũng sẽ chẳng có ông bà nghị nào trong cái đám trên dưới 500 người đó dám bày tỏ
bất cứ phản ứng nào.
Định mệnh VN thế là đã an bài. Ngẫm lại lời tiên
đoán của Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm năm xưa:
“Nếu bọn Việt Cộng thắng, thì
quốc-gia Việt-Nam cũng sẽ bị tiêu-diệt và sẽ biến thành một tỉnh nhỏ của
Trung-hoa Cộng-sản. Hơn nữa toàn-dân sẽ phải sống mãi mãi dưới ách độc tài của
một bọn vong bản vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo."
(nhân dịp khánh thành đập Đồng Cam, Tuy-Hòa
17-9-1955).
Và tương tự, là câu nói của bào đệ Tổng Thống Ngô
Đình Diệm, Cố vấn Ngô Đình Nhu:
“Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt
thôn tính, thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian.
Trong hoàn cảnh hiện tại, sự
tồn tại của miền Nam vừa là một bảo đảm cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị của
Trung Cộng, vừa là một bảo đảm một lối thoát cho các nhà lãnh đạo Cộng Sản Bắc
Việt, khi họ ý thức nguy cơ họ đang tạo cho dân tộc. Nhưng ngày nào họ vẫn tiếp
tục thực hiện ý định xâm chiếm miền Nam thì họ vẫn còn chịu sự chi phối của
chính sách chiến tranh xâm lăng của Trung Cộng, thay vì chính sách sống chung
hòa bình của Nga Sô.” (Chính
đề VN)
Không thể trông chờ gì vào đảng cộng sản VN như đã
thấy, định mệnh của đất nước bây giờ
hoàn toàn tuỳ thuộc vào người dân VN. Chỉ có người dân VN mới có thể thay đổi
được cái viễn cảnh đen tối đang ngày càng trở thành sự thật đó mà thôi.
Song Chi