16.02.2016

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung Cộng (ngày 16.02.2016)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung Cộng  (ngày 16.02.2016)

Đô đốc Mỹ cảnh báo Trung cộng chớ đưa chiến đấu cơ tới Biển Đông

Phó Đô đốc Joseph Aucoin, chỉ huy Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ.

Bất kỳ động thái của Trung cộng nhằm cất cánh phi cơ chiến đấu từ các phi đạo mới xây trên đảo nhân tạo ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp sẽ gây mất ổn định và sẽ không ngăn chặn được các chuyến bay của Hoa Kỳ ở khu vực này, một sĩ quan hải quân cấp cao của Mỹ cho biết hôm thứ Hai.


Phó Đô đốc Joseph Aucoin, chỉ huy Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ, cũng kêu gọi Bắc Kinh cởi mở hơn về các ý định ở Biển Đông. Ông nói rằng điều này sẽ làm giảm bớt “một số cảm giác lo lắng mà chúng ta đang chứng kiến”.

Ông Aucoin nói về các động thái của Trung cộng trong một buổi họp báo ở Singapore: “Chúng tôi không chắc chắn về ý định của họ. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục tuần tra trên biển, trên không, hoạt động trên khắp các vùng biển này… như chúng tôi đã làm từ rất lâu”.

Phó Đô đốc nói thêm, điều đó bao gồm cả “bay trên không phận đó”.
Các nhà phân tích an ninh Hoa lục và khu vực nhận định rằng Bắc Kinh bắt đầu sử dụng phi đạo mới tại quần đảo Trường Sa đang tranh chấp cho các hoạt động quân sự trong vài tháng tới.

Tháng trước, Trung cộng lần đầu tiên cho thử nghiệm các chuyến bay dân dụng trên phi đạo dài 3.000m được xây dựng trên Đá Chữ Thập xuất phát từ Đảo Hải Nam.

Ông Aucoin nói, ông không thể đưa ra một ước tính về thời gian các phi cơy quân sự của Trung cộng bắt đầu hoạt động tại quần đảo Trường Sa.

“Đó là một sự không chắc chắn gây bất ổn”, ông Aucoin nói khi được hỏi về tác động của các cuộc tuần tra có thể có của chiến đấu cơ của Trung cộng. Ông nói, điều này sẽ làm dấy lên những nghi ngờ về mục đích.

Mối quan tâm của cộng đồng quốc tế đang ngày càng tăng về những căng thẳng trên đường biển, nơi có ước tính khoảng 5 tỉ đôla thương mại qua lại hàng năm, bao gồm cả sản phẩm dầu khí được sử dụng bởi các quốc gia Đông Bắc Á.

Kể từ tháng 10 năm ngoái, hai chiến hạm của Hoa Kỳ đã tuần tra gần khu vực Trung cộng tuyên bố chủ quyền trong quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa với danh nghĩa tự do hoạt động hàng hải mà Bắc Kinh đã cảnh báo là khiêu khích.

Các tàu chiến và tàu dân sự của Trung cộng thường xuyên đe dọa tàu hải quân Hoa Kỳ trong khu vực, nhưng Phó Đô đốc Aucoin cho biết quan hệ giữa hải quân hai nước sẽ tiếp tục, và coi mối quan hệ này là “tích cực”.
Luật Biển Quốc tế đã giúp (Trung cộng) trong nhiều năm. Chúng tôi chỉ muốn họ tôn trọng những quyền này để tất cả chúng ta có thể tiếp tục phát triển thịnh vượng”, ông Aucoin nói.

Đô đốc Tư lệnh Hải quân Trung cộng Ngô Thắng Lợi hồi tháng Một nói rằng Trung cộng không có kế hoạch quân sự hóa Biển Đông. Tuy nhiên, nước này sẽ “không bao giờ mất khả năng tự vệ”, ông Ngô nói, và cho biết thêm rằng, mức độ phòng thủ cơ bản phụ thuộc vào việc Trung cộng bị đe dọa nhiều hay ít.

Trung cộng đã gần hoàn thành một tàu bảo vệ bờ biển khổng lồ và có thể sẽ triển khai trang bị súng máy và đạn pháo ở Biển Đông, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin vào tháng Giêng, gọi tàu này là “quái thú”.

Theo Reuters, Bloomberg

Trung cộng liên tục gửi thông điệp cho Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN

Khánh An (VOA)
Hải quân Trung cộng bắn tên lửa trong một cuộc thao dượt ở Biển Đông. Bài viết trên Tân Hoa Xã cảnh cáo rằng ‘đánh giá thấp quyết tâm của Trung cộng để bảo vệ những lợi ích cốt lõi sẽ là một sai lầm chết người’.

Tân Hoa Xã, tờ báo chính thức của nhà nước Trung cộng, hôm thứ Hai (15/2) liên tiếp đăng các bài viết gửi đi những thông điệp từ Bắc Kinh đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, diễn ra trong hai ngày 15/2 – 16/2 tại Sunnylands, tiểu bang California, Hoa Kỳ.

Bài viết trên Tân Hoa Xã cảnh cáo rằng ‘Washington nên nhớ Trung cộng sẽ không bao giờ làm ngơ trước bất kỳ mưu toan nào thách thức chủ quyền không thể tranh cãi của mình’ và việc ‘đánh giá thấp quyết tâm của Trung cộng để bảo vệ những lợi ích cốt lõi sẽ là một sai lầm chết người’.

Trong bài nhận định có tựa đề ‘Chính sách châu Á ích kỷ của Hoa Kỳ là cội nguồn căng thẳng khu vực’, Tân Hoa Xã nhắc đến phát biểu của Phó cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Ben Rhodes nói rằng Mỹ sẽ gửi đi một ‘thông điệp cứng rắn’ đến Trung cộng, ngụ ý nói Bắc Kinh là kẻ quấy rối, hiếp đáp các láng giềng nhỏ về vấn đề Biển Đông.

Tác giả bài viết nói thay vì là cơ hội để Mỹ và ASEAN tăng cường quan hệ, hội nghị thượng đỉnh ở Sunnylands có thể bị phía Mỹ biến thành một mưu toan nhằm lợi dụng các nước ASEAN để đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung cộng.

Mỗi một quốc gia đều có ‘national interests’ tức là quyền lợi quốc gia, mà quyền lợi quốc gia chủ chốt của mỗi nước là lãnh thổ, độc lập, chủ quyền của mình. Vậy thì tại sao ông Tàu lại bắt những nước nhỏ không được đứng về phía này phía kia. Nếu bị Tàu bắt nạt, thì họ phải dựa vào một đế lực, tức là các cường quốc Âu, Mỹ chớ."
Giáo sư Tạ Văn Tài, Đại học Harvard, nói.

Bài báo nói ‘mỉa mai thay, trong khi kêu gọi những nỗ lực nhằm tránh có những hành động quân sự ở Biển Đông’, thì Washington lại gửi  khu trục hạm đến gần đảo nhân tạo mà Trung cộng xây dựng cũng như những phát biểu của các giới chức Hoa Kỳ liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Trong một bài phỏng vấn khác với chuyên gia Campuchia, Tân Hoa Xã nhắc Mỹ không nên sử dụng thượng đỉnh để chống Trung cộng. Trước đó, phát biểu trước báo giới, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á Daniel Russel, từng khẳng định thượng đỉnh Mỹ-ASEAN không nhằm bài Trung cộng.

Bài nhận định của Tân Hoa Xã không quên so sánh Trung cộng, ngược lại với Mỹ, đã luôn luôn ‘cổ xúy cho sự phát triển và ổn định trong khu vực’ qua sáng kiến ‘một vành đai, một con đường’ cũng như việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu. Bắc Kinh, theo tác giả, luôn thúc đẩy cho quy tắc ứng xử Biển Đông và việc xây dựng ‘hạ tầng dân sự’ của Trung cộng là để đảm bảo tự do hàng hải.

Một bài viết khác cũng của Tân Hoa Xã nhắc nhở các nước thành viên ASEAN không nên đứng về phía nào giữa Mỹ và Trung cộng trong hội nghị thượng đỉnh.

Cuối bài, Tân Hoa Xã khẳng định ‘Hoa Kỳ không phải và sẽ không bao giờ là phát ngôn viên cho một tổ chức độc lập như ASEAN về bất kỳ vấn đề gì’ và nói ‘đây là thời gian để cho các quốc gia ASEAN tỉnh táo đầu óc để tách ra khỏi sự can thiệp của Hoa Kỳ’.

Ngoại trưởng Úc chất vấn TC về tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop.

Ngoại trưởng Úc Đại Lợi Julie Bishop hôm 14/2 đã lên đường đi thăm Nhật Bản và Trung cộng. Đứng đầu nghị trình của bà ở Trung cộng là chất vấn Bắc Kinh về ý đồ của chương trình xây đảo ồ ạt ở Biển Đông.

Nhiều nước lo ngại rằng Trung cộng có thể quân sự hóa các cấu trúc nhân tạo nằm ở vùng biển có nhiều tranh chấp.
Bà Bishop nói bà sẽ thúc ép Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị giải thích khi bà gặp ông.
Bắc Kinh luôn phủ nhận họ có kế hoạch quân sự hóa các đảo. Năm ngoái, Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình nói với Ngoại trưởng Bishop rằng việc xây dựng ở các đảo là dành cho các hoạt động “nhân đạo” như tìm kiếm và cứu nạn. Nhà lãnh đạo Trung cộng cũng cam kết không quân sự hoá Biển Đông trong cuộc họp với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại California hồi tháng 10.
Kể từ đó, Trung cộng đã xây các phi đạo đạt tiêu chuẩn quân sự và tháp hải đăng trên một số đảo nhân tạo. Còn hiện nay họ đang xây các cơ sở hạ tầng cảng có thể tiếp nhận tàu hải quân.
Tôi sẽ tập trung quan điểm vào việc Trung cộng dự kiến làm gì với các cấu trúc ở đó, chúng ta có thể trông đợi sẽ thấy điều gì từ các tháp hải đăng và các cơ sở ở đó. Tôi sẽ chú ý quan tâm đến những điều đó. Họ sẽ làm gì với điều đó?” bà Bishop phát biểu.
Một chủ đề khác được cho là cũng là ưu tiên cao trong nghị trình chuyến công du của bà là kế hoạch thành lập hạm đội tàu ngầm mới của Úc và các vấn đề an ninh trên bình diện rộng hơn ở khu vực. Trong chuyến thăm, bà Bishop sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tưởng Trung cộng Lý Khắc Cường.
Chiến dịch tuần tra Biển Đông 'Operation Gateway' là sự đóng góp của Úc vào công cuộc duy trì an ninh và ổn định tại Đông Nam Á.

Chuyến thăm diễn ra vào lúc chính phủ Úc tiếp tục cân nhắc có tham gia cùng Mỹ thực hiện các cuộc tuần tra khẳng định tự do hàng hải ở vùng có tranh chấp trong Biển Đông hay không. Các hoạt động này có mục đích làm suy yếu tuyên bố chủ quyền thái quá của Trung cộng và kiểm nghiệm những cam kết trước đây về việc không quân sự hóa các đảo.
Các tin tức cho hay úc Đại Lợi đã gia tăng các chuyến bay do thám quân sự ở vùng tranh chấp trong Biển Đông trong 12 đến 18 tháng trở lại đây.
Một hoạt động tuần thám thường lệ ở khu vực trong khuôn khổ cuộc hành quân mang tên Operation Gateway của Úc đã châm ngòi cho một phản ứng trên tờ Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung cộng.
Báo này đe dọa trong một bài xã luận rằng “Phi cơ quân sự Úc không nên thường xuyên đến Nam Hải (tức Biển Đông) và đặc biệt là đừng thử thách sự kiên nhẫn của Trung cộng bằng cách bay sát các đảo của Trung cộng. Thật xấu hổ nếu có ngày một máy bay bị rơi và tình cờ đó lại là máy bay của Úc”.
Theo Business Insider Australia, The Sydney Morning Herald.

Phi Luật Tân cân nhắc đàm phán song phương với TC nếu thắng vụ kiện Biển Đông
Ngoại trưởng Phi Luật Tân Albert del Rosario.

Phi Luật Tân có thể cân nhắc tới các cuộc đàm phán tay đôi với Trung cộng để giải quyết tranh chấp Biển Đông, nhưng với điều kiện nhất định.
Sau khi khước từ đề nghị của Trung cộng về các cuộc thảo luận song phương, ba năm trước, Manila đệ đơn ra tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc nhờ minh định các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông là quá đáng và vi phạm luật quốc tế. 
Ngoại trưởng Phi, Albert del Rosario, hôm 12/2 cho hay tòa có thể ra phán quyết trước tháng 5 năm nay.
Ông Rosario nói Phi Luật Tân có thể đề xướng các cuộc đàm phán Biển Đông song phương với Trung cộng nếu thắng vụ kiện bản đồ đường lưỡi bò.
Theo Reuters, Rappler.