24.03.2016

ASEAN VÀ CHIẾN TRANH LẠNH BIỂN ĐÔNG

“Tuy bị ảnh hưởng nặng nề về các hành động bá đạo của Bắc Kinh, nhưng, phản ứng của ASEAN dù có cứng rắn hơn cũng chẳng đủ liều lượng ngăn chặn. 
 ASEAN VÀ CHIẾN TRANH LẠNH BIỂN ĐÔNG
Đại-Dương

Đơn vị Tình báo Kinh tế trực thuộc Tập đoàn The Ecomomist đã xếp Biển Nam Trung Hoa vào vị trí thứ 8 trong danh sách các mối đe doạ hàng đầu trên thế giới.

Trung cộng tự nhận là “cường quốc mới nổi” đang hối hả làm thay đổi nguyên trạng Biển Nam Trung Hoa nhằm phục vụ cho chính sách bành trướng và thống trị.

Hoa Kỳ trong tư cách “siêu cường duy nhất” muốn duy trì nguyên trạng, giảm nguy cơ xung đột vũ trang, gìn giữ hoà bình, thúc đẩy phát triển kinh tế, tôn trọng luật pháp quốc tế ở khu vực Biển Đông.

Các quốc gia duyên hải Đông Nam Á, tuy chẳng giàu, ngoại trừ Tân Gia Ba, đang ráng hết sức bình sinh để tậu, xin mọi loại khí tài chiến tranh có thể được hầu gia tăng khả năng phòng thủ quốc gia.


Cả ba thế lực này tuy nghi ngờ mưu đồ đối phương, nhưng, vẫn cố gắng tránh xung đột vũ trang vì quyền lợi kinh tế ràng buộc chằng chịt trong môi trường toàn-cầu-hoá.

Thoả ước Tư vấn Hàng hải Quân sự (Military Maritime Consultative Agreement) Mỹ-Trung năm 1998 được Hoa Kỳ và Trung cộng hâm nóng từ năm 2015 để tránh xung đột trên Biển Đông.
Mặc dù vậy, Chiến tranh Lạnh trên Biển Đông ngày càng gay cấn, có nguy cơ vuột tầm kiểm soát bất cứ lúc nào.

Chủ tịch Tập Cận Bình thường xuyên kêu gào “bán anh em xa, mua láng giềng gần” hàm ý khuyên các quốc gia Châu Á “bán Mỹ, mua Tàu”.

Việt Nam bị đe doạ nhiều nhất trong cuộc Chiến tranh Lạnh Biển Đông. Năm 2014, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn xác định Trung cộng là “bạn láng giềng 4 tốt mà muốn hay không cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau”.

Thời hiện đại, trong mối quan hệ quốc tế “không có bạn hoặc thù vĩnh viễn mà chỉ vì quyền lợi quốc gia trường cửu”.

Đại Hàn, Đài Loan, 3 tiểu quốc ở Baltics coi trọng chủ quyền quốc gia, dân tộc nên không bị Trung cộng, Nga chi phối, lũng đoạn như Việt Nam.

Học giả về quan hệ quốc tế của Đại học Thanh Hoa, Yan Xuetong đã viết cuốn sách The Transition of World Power: Political Leadership and Strategic Competition nhấn mạnh đến “cốt lõi cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung cộng là xem ai có nhiều bạn phẩm chất cao hơn”.

Do đó, Bắc Kinh tung 2 biện pháp “dùng kinh tế lũng đoạn, dùng quân sự đe doạ láng giềng”.

Đường Tơ lụa trên Biển, Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á, Khu vực Tự do Thương mại Trung cộng-ASEAN trở thành công cụ để Bắc Kinh khống chế, lũng đoạn nền kinh tế các nước láng giềng.

Khu vực Tự do Thương mại Trung cộng-ASEAN, lớn nhất thế giới với 1.9 tỉ dân và tổng số GDP lên tới 6,000 tỉ USD, có hiệu lực từ năm 2010.
Tuy nhiên, thặng dư mậu dịch của ASEAN với Mỹ tương đương số thâm hụt của ASEAN với Trung cộng.

Hiện nay, Trung cộng đóng chiến hạm với nhịp độ nhanh nhất thế giới, bố trí lực lượng tuần duyên (Hải cảnh) kiểm soát khắc nghiệt Đường 9 Đoạn, chiếm hơn 80% Biển Đông. Quần đảo Hoàng Sa cưỡng chiếm từ năm 1974 biến thành một căn cứ quân sự hùng hậu nhất trên Biển Đông.

Bồi đắp 3,000 acres (mẫu Anh=0.4 hectare) 7 vị trí trấn đóng trong Quần đảo Trường Sa so với gần 100 acres mà Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Đài Loan đã làm trong 45 năm. Bắc Kinh dồn dập quân-sự-hoá 3 đảo nhân tạo trong số 7 vị trí thành các cứ điểm quân sự với phi đạo 3,000 m, cầu cảng tiếp nhận chiến hạm hạng nặng, tồn trữ vũ khí, phương tiện đủ thiết lập Khu Nhận dạng Phòng không phía Nam Biển Đông.

Hải quân Hoa Kỳ phát hiện hôm 18-03-2016, các hoạt động của Bắc Kinh như chuẩn bị cải biến Bãi cạn Scarborough (Panatag, Hoàng Nham), cướp của Phi Luật Tân năm 2012.

Hôm 16-03-2016, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố với báo chí "Trung Hoa lục địa cam kết phát triển hoà bình mà quyết bảo vệ chủ quyền, giải quyết khác biệt bằng đàm phán song phương".

Lập tức, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift nhận xét “Trung cộng áp dụng chính sách chân lý thuộc về kẻ mạnh”.

Đường lối ngoại giao của Chính phủ Obama đã không làm thay đổi cách hành xử ngang ngược, hiếp đáp nước nhỏ, coi thường công pháp quốc tế của Trung cộng buộc giới quân sự phải tăng cường các hoạt động trên Biển Đông kể từ Mùa Thu năm 2015.

Khu trục hạm USS Lassen đã hải hành trong vùng 12 hải lý của đảo nhân tạo Xu-Bi (Subi Reef) thuộc Trường Sa cuối tháng 10-2015.

Tháng 1-2016, khu trục hạm USS Curtis Wilbur hải hành trong vùng 12 HL của đảo Tri Tôn (Triton Island) thuộc Hoàng Sa.

Hai Hải đội Xung kích Hàng không mẫu hạm được bố trí hoạt động tại Biển Đông Á mà chưa từng có tiền lệ.

Mặc cho Bắc Kinh phản đối, giới quân sự Mỹ xác nhận sẽ tiếp tục chiến dịch “tự do hải hành và không hành” bất cứ nơi nào được Công ước LHQ về Luật Biển cho phép.

Nhật Bản, Úc Đại Lợi ngày càng có nhiều hoạt động phối hợp với Hoa Kỳ và ASEAN trên Biển Đông. Xứ Mặt Trời Mọc đã viện trợ các phương tiện tăng cường khả năng phòng thủ cho Phi Luật Tân, Việt Nam và tập trận chung.
Tuy bị ảnh hưởng nặng nề về các hành động bá đạo của Bắc Kinh, nhưng, phản ứng của ASEAN dù có cứng rắn hơn cũng chẳng đủ liều lượng ngăn chặn.

Duy chỉ có Manila lôi Bắc Kinh ra trước Toà án Trọng tài Thường trực về Luật Biển mà phán quyết hình như có lợi cho Phi Luật Tân và cả ASEAN.

Nhưng, Việt Nam, Mã Lai Á, Nam Dương vẫn chưa rục rịch nên Bắc Kinh thừa điều kiện làm càn.

Dấu hiệu thần phục Bắc Kinh càng rõ nét sau Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hà Nội đang cố mua thêm khí tài chiến tranh trong tham vọng xây dựng lực lượng Hải quân nước sâu (Blue Navy). Nhưng, tiếp tục tự cô lập bằng chính sách 3 không để vừa lòng Bắc Phương.

Như thế, Việt Nam sẽ tìm mọi cách để từ chối yêu cầu của Hoa Kỳ được tồn trữ vật liệu dù chỉ sử dụng trong hoạt động nhân đạo.
Trong khi đó, nhà cầm quyền Việt Nam cũng như dư luận quốc nội cố khích tướng để Hoa Kỳ hành động thay. Mỹ rất thực dụng, không dễ bị xúi giục đâu!

Mã Lai Á vẫn dịu giọng với Bắc Kinh mặc dù kêu gọi các quốc gia ASEAN đoàn kết trước nguy cơ xâm lăng của Trung cộng.

Nam Dương và Trung cộng đang căng thẳng về vụ bắt 1 tàu cá hành nghề trong Vùng Đặc quyền Kinh tế hôm 19-03-2016. Bắc Kinh nói tàu cá hoạt động trong ngư trường truyền thống của Trung cộng nên dùng Hải cảnh đoạt lại chiếc tàu.

Hành động hung bạo của Hải cảnh Trung cộng như muốn cảnh cáo các nước khác chớ động tới tàu bè của đế quốc này trên Biển Đông.
Bắc Kinh yêu cầu Jakarta đừng công bố cho báo chí vụ này vì “cùng là anh em” như từng làm năm 2013 mà bị từ chối.

Tân Gia Ba nằm bên ngoài Đường 9 Đoạn, có quan hệ khắn khít với Trung cộng, nhưng, cho phép các Cận duyên hạm Tác chiến được đồn trú thường trực tại quân cảng Changi.

Phi Luật Tân quyết liệt nhất khi sử dụng pháp lý để đấu với Trung cộng, tăng cường quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ, thiết lập quan hệ đồng minh và nhận viện trợ, thuê phi cơ hải tuần của Nhật Bản, cho phép Hoa Kỳ sử dụng 8 căn cứ quân sự dù bị Bắc Kinh hăm dọa.

Tổng thống Barack Obama chỉ muốn yên thân trước khi rời Toà Bạch Ốc, Tổng thống Phi Luật Tân, Benigno Aquino III, Thủ tướng Mã Lai Á, Najib Razak đều mãn nhiệm trong năm 2016 tạo điều kiện thuận lợi cho Chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh chính sách thay đổi nguyên trạng Biển Nam Trung Hoa.

Các quốc gia Đông Nam Á nên hợp tác tích cực với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Đại Lợi, Ấn Độ thay vì mong chờ bữa ăn miễn phí, không bao giờ có.
                                         
Đại-Dương

Tài liệu tham khảo:

China’s Coast Guard Rams Fishing Boat to Free It From Indonesian Authorities (NYT)

Cold War in the South China Sea (Brown Political Review)

How Obama Views Asia-Pacific Leaders (The Diplomat)

Exclusive: U.S. sees new Chinese activity around South China Sea shoal (Reuters)

Vietnam’s Quest for a Greenwater Navy (The Diplomat)