22.03.2016

Bầu cử Tổng Thống ở Hoa Kỳ: Ứng cử viên Donald Trump

Bầu cử Tổng Thống ở Hoa Kỳ: Ứng cử viên Donald Trump

‘Hội chứng lo Trung cộng’ ở Mỹ khiến Donald Trump nổi tiếng?

Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Câu lạc bộ Trump National Golf ở Jupiter, Florida, ngày 8/3/2016.

50% người Mỹ tin rằng Trung cộng là cường quốc dẫn đầu thế giới về kinh tế, trong khi chỉ 37% tin Mỹ là nền kinh tế đứng đầu.

Một khảo sát mới công bố của viện thăm dò Gallup đã giúp giải thích phần nào sự nổi tiếng của ông Donald Trump, ứng cử viên dẫn đầu của Đảng Cộng hòa hiện nay trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc, cũng như về những lo lắng của các cử tri Mỹ.


Trước đây, ông Donald Trump từng cam kết sẽ áp thuế 45% lên các mặt hàng Trung cộng để bù vào sự mất giá của đồng Nguyên mà ông nói là Bắc Kinh thao túng tiền tệ và đang giết chết các công ty của Mỹ. Những kế hoạch tương lai cứng rắn nhắm vào Trung cộng và một số nước châu Á của tỷ phú địa ốc Mỹ đã khiến cho Bắc Kinh lo lắng và lên tiếng cảnh báo Mỹ không nên thông qua những chính sách tiền tệ mang tính trừng phạt vì điều đó có thể phá vỡ mối quan hệ Mỹ-Trung, khi cơ hội trở thành tổng thống của ông Trump ngày càng tăng lên.

Tờ The Federalist nói nỗi lo ‘Trung cộng đang giết chết chúng ta’ của người Mỹ chỉ là sự hoang tưởng vì nếu so sánh về GDP bình quân đầu người, số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy Mỹ đạt 54.629 đôla, trong khi Trung cộng chỉ có 7.590 đôla.

Bất chấp việc Trung cộng vẫn còn thua xa Mỹ tính về nhiều mặt, nhưng nhiều người Mỹ vẫn lo lắng Trung cộng sẽ ‘vượt mặt’ Mỹ về GDP trong 20 năm tới.

Bài viết trên The Federalist cho rằng mặc dù kinh tế Mỹ thực sự cũng có những vấn đề của nó, nhưng cho rằng quyền lực của nền kinh Trung cộng đứng hàng đầu thì rõ ràng là một ảo tưởng. Việc tạo ra nhận thức kiểu như thế này là một chiêu trò về chính trị, khiến cho người dân tin vào những điều không có cơ sở.

Lý do ông Trump trở nên nổi tiếng và giành được nhiều sự ủng hộ về những chính sách liên quan đến Trung cộng, theo tờ Weekly Standard, có lẽ do người Mỹ hy vọng ông Trump sẽ kiềm chế được Trung cộng và thành công trong việc đưa GDP của nước Mỹ tăng mạnh trở lại.

Khảo sát của Gallup được thực hiện từ ngày 3 – 7/2/2016, với 1.021 người tham gia trong độ tuổi từ 18 trở lên, sống ở tất cả các tiểu bang của nước Mỹ.

Theo Weekly Standard, The Federalist, Gallup
(tin VOA)

Trung cộng “phát hoảng” sau khi ông Trump thắng ở Nevada

Trung cộng vừa cảnh báo Mỹ không nên thông qua những chính sách tiền tệ mang tính trừng phạt vì điều đó có thể phá vỡ mối quan hệ Mỹ-Trung, sau khi ứng cử viên tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Nevada.

Đó là nội dung lời người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Cộng Hoa Xuân Oánh trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm 24-2, ngay sau khi ông Trump giành chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Nevada.  Trả lời câu hỏi liệu Trung cộng có lo ngại là ông Trump, người đang ngày càng tiến gần hơn đến việc trở thành ửng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa, có thể thực sự hành động theo lời nói là tăng thuế đối với các mặt hàng Trung cộng để trừng phạt việc nước này thao túng tiền tệ một khi ông đắc cử tổng thống hay không, bà Hoa Xuân Oánh nói: “Chúng tôi theo dõi sát cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Vì đó là vấn đề quốc nội của Mỹ, nên tôi không bàn luận về những phát biểu cụ thể của ứng cử viên liên quan”.

Bà Oánh nói thêm: “Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng Trung cộng và Hoa Kỳ, là các quốc gia đang phát triển và phát triển lớn nhất thế giới, gánh vác trách nhiệm chính trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh thế giới và thúc đẩy phát triển trên thế giới. Chúng tôi hy vọng và tin rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ theo đuổi một chính sách tích cực đối với Trung cộng một cách có trách nhiệm”.


Tỷ phú địa ốc Donald Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Nevada với 45% số phiếu, mang lại nhiều cơ hội hơn cho ông Trump có được sự đề cử của đảng Cộng Hòa.

Tháng trước, ông Trump cam kết sẽ áp thuế 45% lên các mặt hàng Trung cộng để bù vào sự phá giá của đồng Nguyên.

Họ đang phá giá tiền tệ và họ đang giết chết các công ty của chúng ta”, ông Trump nói. “Chúng ta đang để cho họ sổng mất với chuyện đó, chúng ta không thể để cho họ chạy thoát được”.

Tờ The Washington Free Beacon cho rằng chính quyền của Tổng thống Obama đã thực hiện chính sách thỏa hiệp với Trung cộng trong nhiều vấn đề về thương mại và tiền tệ. Ông Trump, ngược lại, đã vạch ra một đường lối cứng rắn với Trung cộng trong chiến dịch vận động của mình.

“Sự hiện diện quân sự mạnh mẽ sẽ là một tín hiệu rõ ràng cho Trung cộng và các quốc gia ở châu Á và trên thế giới thấy rằng Mỹ đang quay trở lại trong việc lãnh đạo toàn cầu”, tỷ phú Trump khẳng định trên trang web của mình.

Nỗi lo sợ của Trung cộng

Ngoài nỗi lo trên, Trung cộng còn đối mặt một loạt thách thức khi kinh tế tăng trưởng chậm lại. Thị trường chứng khoán nước này hôm 25-2 giảm hơn 6%, mức cao nhất trong tháng này, do có những dấu hiệu thanh khoản bị siết chặt. Đáng chú ý là chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải mất tới 6,4%. Nếu tính từ đầu năm thì chỉ số quan trọng này giảm đến 23%, qua đó trở thành chỉ số chứng khoán có “màn trình diễn” tệ thứ hai thế giới, chỉ sau chứng khoán Hy Lạp.

Chiến lược gia Trương Cương thuộc Công ty Chứng khoán Central China Securities nhận định: “Thị trường đang trong trạng thái mong manh khi ai cũng muốn tháo chạy. Không một thông tin đơn lẻ nào trên thị trường hiện nay đủ để dẫn tới một phiên sụt giảm như vậy”.
Cơn biến động không đúng lúc này dội gáo nước lạnh vào những nỗ lực vớt vát hình ảnh thị trường chứng khoán của Bắc Kinh trước thềm hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm 20 nền kinh tế mới nổi và phát triển lớn nhất thế giới (G-20), dự kiến diễn ra tại Thượng Hải trong ngày 26 và 27-2.

Theo The Wall Street Journal, nền kinh tế số 2 thế giới còn đối mặt nguy cơ khác, đó là sự bùng nổ của trái phiếu doanh nghiệp, khiến các khoản nợ ở nước này thêm chồng chất. Giới phân tích cho rằng việc Bắc Kinh không ngừng khuyến khích hoạt động vay mượn để thúc đẩy tăng trưởng là hành động “đùa với lửa”, làm gia tăng nỗi lo ngại về nguy cơ xảy ra khủng hoảng tín dụng, cản trở nỗ lực chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng trong nước. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s cho biết nợ doanh nghiệp ở Trung cộng hiện đạt mức mức 160% GDP, so với tỉ lệ 98% năm 2008. Con số này ở Mỹ lúc này là 70%.

Trung cộng khiến người Việt ngả về tỷ phú Trump?

Một số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam nuôi hy vọng ứng viên Đảng Cộng hòa của Mỹ sẽ giúp “dẹp mộng bá quyền của Trung cộng”, trong khi cũng có quan điểm cho rằng “thế giới sẽ loạn” nếu “trùm bất động sản” lên làm tổng thống.

Một trong các ứng viên Tổng thống của Mỹ, ông Donald Trump, tuy gây tranh cãi ở trong nước với nhiều tuyên bố thẳng thừng, không kiêng dè, nhưng lại lấy lòng được một số người Việt.

Trong ý kiến gửi tới VOA Việt Ngữ, bạn đọc Nguyễn Đình Thiều viết: “Hy vọng biển Đông yên ả và hải đảo Việt Nam trả lại cho Việt Nam, vì ông Trump sẽ không những dùng sức mạnh quân sự với Trung cộng, mà áp dụng biện pháp kinh tế làm suy yếu cái gọi là kinh tế XHCN pha trộn tư bản của Trung cộng”.

Nhận định với VOA Việt Ngữ,  Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Đại học George Mason cho rằng ông Trump nhận được sự ủng hộ của một số người ở Việt Nam chính vì ông từng mạnh mẽ “chống” Bắc Kinh, dù ông từng tố cáo người Việt “cướp” việc làm của người Mỹ. Ông nói: “Họ để ý chính sách ngoại giao của Mỹ với Trung cộng. Người Việt Nam hiện nay đại đa số rất bất mãn việc Trung cộng lấn lướt Việt Nam, thành ra, cứ thấy một nước lớn ủng hộ mình thì thích. Một ông ứng cử viên tổng thống của Mỹ tuyên bố rất cứng rắn với Trung cộng thì họ phải ủng hộ là dĩ nhiên rồi, và họ rất hài lòng với lập luận rất cứng rắn, không nhân nhượng gì cả.

Ông Hùng nói thêm rằng ông Trump còn nhận được sự ủng hộ của giới thợ thuyền và người thất nghiệp ở Mỹ vì đã đánh vào vấn đề hệ quả của sự toàn cầu hóa nền kinh tế, khiến các việc làm của người Mỹ rơi vào tay các nước có giá nhân công rẻ hơn như Việt Nam, Trung cộng và Ấn Độ.

Một người khác là Jimmy Le cũng đồng tình, với ý kiến: “Chỉ có Trump mới đủ bản lĩnh trấn áp sự bành trướng của Trung Cộng”.

Trong cuộc đua ở phe Cộng hòa, tới hôm 9/3, trùm bất động sản Donald Trump hiện đang dẫn đầu về số phiếu đại biểu với hơn 400 phiếu. Ứng viên Ted Cruz đang bám sát phía sau với gần 350 phiếu.
Trong khi đó, bên phe Dân chủ, cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton giành được hơn 1.200 phiếu đại biểu, vượt xa đối thủ còn lại là Bernie Sanders.

Bà Clinton từng nhiều lần tới Việt Nam trên cương vị Ngoại trưởng và Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ. Theo các nhà quan sát, gia đình Clinton cũng có nhiều “fan” ở Việt Nam.

Trung cộng đã nhiều lần buộc phải lên tiếng sau các phát biểu của ứng viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa, và Bắc Kinh từng nói rằng ông Trump chỉ muốn “gây rối” sau khi tuyên bố rằng quốc gia đông dân nhất thế giới đã “làm giàu” nhờ Mỹ.

Không chỉ cáo buộc Trung cộng “đánh cắp” việc làm của người Mỹ, mà ứng viên này còn cho rằng quốc gia đông dân nhất thế giới này giữ đồng nội tệ ở mức giả tạo, khiến cho các công ty Mỹ khó có thể cạnh tranh với các đối thủ từ Trung cộng.

Tạp chí Fortune của Mỹ mới đây đã dẫn lời các nguồn tin giấu tên cho biết rằng các nhà ngoại giao của Hoa Kỳ ở khắp nơi, trong đó có châu Á, đã bày tỏ sự quan ngại với quan chức chính phủ về điều họ nói là các tuyên bố “kích động” và “xúc phạm” bị cho là “bài ngoại” của ông Trump.

Bộ Ngoại giao Trung cộng từ chối bình luận về một ứng viên cụ thể của Mỹ. Phát ngôn viên Hoa Xuân Ánh  chỉ nhấn mạnh rằng cả Trung cộng và Hoa Kỳ có “nghĩa vụ lớn” phải duy trì sự ổn định kinh tế và chính trị quốc tế.

Đại diện các quốc gia từng bị ông Trump công khai công kích như Iran, Iraq và Ả Rập Xê Út đều đã lên tiếng, trong khi đó, Việt Nam cho tới nay vẫn chưa có phát biểu nào.

Bạn đọc VOA Tiếng Việt Nguyễn Đình Thiều viết: „Hy vọng biển Đông yên ả và hải đảo Việt Nam trả lại cho Việt Nam, vì ông Trump sẽ không những dùng sức mạnh quân sự với Trung cộng, mà áp dụng biện pháp kinh tế làm suy yếu cái gọi là kinh tế XHCN pha trộn tư bản của Trung cộng.“

Theo các nhà quan sát, cuộc bầu cử kéo dài ở Mỹ hiện nay được cho là đã tạo cảm hứng, khiến nhiều người Việt “mơ được cầm lá phiếu thực sự”, “trực tiếp lựa chọn người lên tiếng cho mình”.

Trả lời VOA Việt Ngữ mới đây trước khi đột ngột qua đời trên đường tới Philippines, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch tổ chức có tên gọi Nghị hội Toàn quốc của người Việt ở Hoa Kỳ nói rằng việc người dân Việt để ý tới tiến trình dân chủ của Mỹ là “việc rất đáng mừng”.

Trong khi đó, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Đình Hà, ứng viên độc lập đang chạy đua vào Quốc hội Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ rằng hiện có các quan điểm trái ngược về ông Trump ở Việt Nam. Ông Hà nói : “Về ông Donald Trump cũng có rất nhiều luồng ý kiến. Đấy là biểu hiện rất tốt trong một xã hội ngày càng đa nguyên hơn ở Việt Nam. Có những người ghét Trung cộng thì ủng hộ ông Donald Trump, nhưng có những người suy nghĩ sâu xa hơn về các vấn đề kinh tế thì người ta nói rằng nếu ông Donald Trump mà lên thì cả thế giới này sẽ loạn. Có rất nhiều chiều, chứ không hẳn có một chiều ủng hộ ông Donald Trump tại vì ông ấy ghét Trung cộng đâu.

Nhìn sang cuộc bầu cử ở Mỹ, nhà hoạt động Nguyễn Đình Hà nói thêm rằng ông “mong đợi rằng việc tranh cử ở Việt Nam sau này cũng giống như ở các nước dân chủ tự do, tức là các ứng viên có thể tranh luận công khai trên truyền hình, trên báo chí để thể hiện các quan điểm của mình về các đường lối chính trị, kinh tế, xã hội của mình”.


(tin VOA)