10.05.2016

Chúng tôi lên tiếng - Phạm Mai Hoa

„Trái tim Việt Nam vẫn có thể làm chúng tôi đau khi nhìn những gì đang xảy ra trên quê hương Việt, nhìn chính quyền cộng sản đã làm gì với quê hương với người dân Việt Nam.“
Chúng tôi lên tiếng
Phạm Mai Hoa
Xem hình chị Hoàng Mỹ Uyên bị đánh trong tay vẫn ôm chặt con mình để bảo vệ tôi chỉ khóc.

Tôi vẫn hy vọng rằng, ngoài một số những kẻ hung hãn, thì trong đám đông an ninh công an mật vụ, vì nhiêm vụ mà phải thi hành nhưng ít ra trong đó cũng có những người còn có chút lương tri để hiểu ra vì sao dân xuống đường biểu tình, nhất là khi người biểu tình ôn hoà thì không có cớ gì để có thể đánh đạp vào đầu vào cổ trong khi họ không có một chút vũ khí gì trên tay. Không cớ gì là thanh niên trai tráng lại có thể ra tay đánh phụ nữ và trẻ em.

Tôi vẫn hy vọng rằng trong số các an ninh vẫn còn có người còn có chút lòng, nhưng mà không.


Chị Hoàng Mỹ Uyên kể lực lượng an ninh cột chỉ ngón tay ám hiệu cho nhau và chia ra cứ ba người biểu tình toạ kháng thì có một an ninh ngồi xen vào để xô đẩy chia nhỏ những người biểu tình. Như thế thì đủ thấy lực lượng an ninh này đông như thế nào, và đã được chuẩn bị kỹ càng như thế nào – cột chỉ tay làm ám hiệu để không đánh nhầm nhau. Và không một thông tin nào đến được người dân SG cho đến khi họ bị đánh tơi bời bởi những thanh niên lực lưỡng đeo ám hiệu này. Tôi không thán phục đội ngũ an ninh có thể quán triệt quân lính của họ đến như vậy. Tôi bàng hoàng vì chừng ấy con người từ trên xuống dưới, trong lực lượng giữ an cho dân mà không ai còn lấy một chút lương tri để thấy rằng họ đang đánh chính dân của mình. ‘Dân mình’ tôi không hiểu cụm từ này còn chút ý nghĩa nào trong lòng những con người mang danh đại diện chính quyền Việt Nam này hay không.

Đã có ai trong số các vị từ trên xuống dưới can ngăn hay phản đối, nương tay hay ít ra là không đàn áp Dân mình?

Tôi nhớ đoạn video clip anh Trương Minh Tam kể ngay sau khi anh bị bắt giam 6 ngày rằng chưa bao giờ anh muốn rời khỏi nước Việt Nam như bây giờ. Sáu ngày bị nhốt bị đánh và “ở đây chỉ có mày với tao thôi chứ không có luật” như lời các an ninh đánh anh nói để cho anh thấy rằng “chính quyền không thể thay đổi”, rằng mày ở được thì phải thần phục, không thần phục thì mày cút xéo chứ chúng tao không thay đổi”. Nhìn chị Hoàng Mỹ Uyên ôm con trong tay đau đớn khóc, nhìn những thanh niên áo xanh khỏe mạnh đằng đằng sát khí mang dùi cui đánh dân, những an ninh lực lưỡng mặc thường phục mang ám hiệu trên tay trà trộn vô dân và đánh người, tôi thấy tuyệt vọng. Tôi ước gì tôi không phải là người Việt Nam lúc này.

Cách nay 10 năm tôi rời Việt Nam. Tôi đi trong một tâm thế đi để còn có thể sống một cuộc sống bình thường, để tin tưởng rằng mình còn có một tương lai, để có thể lấy chồng và an tâm sanh con ra mà chúng sẽ không ngơ ngác hốt hoảng như mẹ chúng hay mẹ tôi. Lúc đó Việt Nam còn chưa có Bauxit, còn chưa có đàn áp biểu tình chống Trung Quốc, và chưa có Formosa. Biển Việt Nam vẫn là biển đẹp là nguồn cảm hứng của tình ca và khai thác tài nguyên hải sản chứ không phải là biển độc biển chết.

Lúc đó Sài Gòn kỷ niệm 30 năm giải phóng còn rầm rộ lắm. Lúc đó Sài gòn Tiếp Thị vẫn còn là một nơi để anh em văn nghệ sĩ tụ về và Đỗ Trung Quân vẫn còn đắt show dẫn chương trình; nhạc sĩ Tuấn Khanh dù trước đó có chút rắc rối với an ninh nhưng vẫn còn hăng say với các nhóm nhạc và vẫn vui vẻ trên truyền hình với các game shows; Nguyễn Quang Lập, Trương Duy Nhất chưa bị bỏ tù, và Huỳnh Ngọc Chênh vẫn còn đang làm báo chính ngạch chưa là một cái tên “phản động”. Lúc đó cái tên bị xem là “phản động”, là “ngu xuẩn”, “dại dột”, là “gan cùng mình”, dám “âm mưu lật đổ chế độ” là Luật sư Lê Công Định. Lúc đó mặc dù Sài Gòn truyền hình trực tiếp vụ cháy Trung tâm Thương mại Quốc tế ITC vô tình làm lộ nguyên hình ông Lê Thanh Hải chủ tịch thành phố đứng trực tiếp chỉ đạo lính cứu hoả phải cứu Trung tâm buôn bán vàng bạc đá quý TP HCM SJC vẫn còn đang nguyên vẹn bên cạnh toà nhà Thương mại bị cháy đùng đùng lửa khói ngút trời và người hoảng loạn nhảy từ lầu bốn xuống để thoát thân và chết thảm; bà Phạm Phương Thảo lên truyền hình nói rống riết một cái gì đó về vụ cháy mà dân Sài gòn chẳng còn ai nhớ ngoài ấn tượng rất xấu về bà; lúc đó người Sài Gòn có thất vọng về lãnh đạo của mình nhưng Sài gòn vẫn có thể bỏ qua. Thôi kệ, mắt nhắm mắt mở mà sống, và để còn có có thể có chút niềm vui vào công việc.

Mười năm nhìn lại nước Việt tôi tự hỏi chính quyền đã làm gì với đất nước này? Dân Việt Nam vốn nhẫn nhịn, an phận, dễ bằng lòng với bản thân chỉ cần chính quyền để cho dân sống và giữ giang sơn Tổ Quốc. Họ có thể là chính thể một đảng như là một vương triều nếu họ lo cho dân thì tôi nghĩ dân Việt cũng bằng lòng cam chịu. Đằng này!

Tẩt cả những ai có lòng với đất nước bị gán cho là những kẻ phản động bị đánh đập bị bỏ tù. Hình ảnh chị Hoàng Mỹ Uyên ôm con trong tay đau đớn khóc vì xuống đường đấu tranh cho môi trường Việt Nam và bị đạp thẳng vào đầu nói với chúng ta điều gì? Chị đã dạy con mình không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động là phải quan tâm đến xã hội, đến đất nước, đến những gì xung quanh, rằng phụ nữ và trẻ em phải được tôn trọng, ai cũng có mẹ và những bà mẹ phải được nâng niu trong ngày của mình. Chị đã dạy con và gieo trong cháu niềm tin để cháu quyết định cùng theo chị xuống đường lên tiếng vì điều mình cho là đúng và bị đánh không thương tiếc bởi những người đàn ông trong màu áo công lực của chính quyền. Nhìn chị Hoàng Mỹ Uyên ôm con trong tay đau đớn khóc trong ngày của mẹ tôi cũng ôm con mình và khóc. Tôi tự hỏi tôi có thể bỏ lại Việt Nam một lần nữa, lần này là ra khỏi tim mình, được chăng?

Trong bài phỏng vấn của SBS về việc VOICE – một tổ chức xã hội độc lập phi chính phủ của những người Việt trẻ lớn lên ở nước ngoài hoạt động vì quyền dân sự cho người Việt Nam, lên tiếng về việc Vũng Áng tại Quốc Hội Úc, Thiên Giang của VOICE Australia có nói “chúng em dù là công dân Mỹ Úc, Đức Hà Lan hay Na-Uy… nhưng cái ruột của chúng em vẫn là gốc Việt vì vậy chúng em quan tâm tới chuyện Việt Nam vì đó là núm ruột của mình”. Tôi không biết cha mẹ các em vui sướng hay khổ tâm khi con mình lo đau đáu chuyện Việt Nam nơi mà cha mẹ các em đã bỏ xứ ra đi để các em có một cuộc sống tốt hơn. Mười năm ở xứ người tôi tự hỏi cái gì khiến những người Việt lưu vong xa xứ, những em trẻ lớn lên hoàn toàn ở xứ sở văn minh đứng top đầu các quốc gia hạnh phúc mà chúng tôi vẫn không thể hoàn toàn hạnh phúc như những công dân của đất nước mà chúng tôi đang sống? Vẫn không thể vui vẻ với hạnh phúc được sống trong một đất nước đứng hàng thứ chín về chỉ số hạnh phúc như những bạn đồng trang lứa sở tại khác mà cứ phải khắc khoải về quê nhà? Trái tim Việt Nam vẫn có thể làm chúng tôi đau khi nhìn những gì đang xảy ra trên quê hương Việt, nhìn chính quyền cộng sản đã làm gì với quê hương với người dân Việt Nam.

Chúng tôi những bà mẹ, những người sản sinh ra thế hệ tương lai cho giống nòi, chúng tôi sẽ dạy gì cho con mình? Dạy con yêu nòi giống, yêu cội nguồn yêu nước Việt để bị đánh bị chà đạp bị làm nhục? Để đau khổ như tôi khi nhìn thấy Dân mình bị chà đạp ngay trên chính quê hương của mình? Dạy con lo cho thân mình đi, sống sung sướng an toàn đừng quan tâm xã hội, để cho ra đời một thế hệ vô cảm ích kỷ và ác độc với đồng loại giống nòi; để có thể vì lợi ích bản thân mà đầu độc lẫn nhau, làm giàu bằng mọi cách, thấy người chết không cứu và đánh bạn như đáng kẻ thù? Dạy con quên gốc tích Việt Nam đi hãy chăm lo con là người Úc, người Anh người Mỹ và chỉ quan tâm chuyện quốc gia mình, chuyện ngoài nước thì chỉ xem chó mèo hay động vật hoang dã coi chúng có bị ngược đãi hay không đã là điều tốt? Chúng tôi những bà mẹ Việt Nam dạy con như thế nào trong tình cảnh này? Cháu Saphia con chị Hoàng Mỹ Uyên cũng trạc tuổi con tôi. Rồi đây các cháu lớn lên mỗi người một xứ sở. Nhưng dù ở đâu thì gốc các cháu cũng là người Việt. Liệu tôi dạy con tôi yêu nước Việt để chúng đau khổ như những người Việt xa xứ chúng tôi hiện giờ khi nhìn về quê hương mình. Ngoảnh mặt đi hay hướng về quê hương đều cảm thấy bế tắc, chỉ vì là người Việt Nam. Nhìn những hình ảnh bà mẹ Hoàng Mỹ Uyên ôm con đau đớn khóc, nhìn đáy biển Quảng Bình chết trắng không một con cá một sinh vật biển nào sống sót, tôi ước gì lúc này mình không phải là người Việt để khỏi phải thấy bất lực và quá đau lòng.

Phạm Chi Lan trong một bài trả lời phỏng vấn có nói rằng “Người Việt Nam bỏ đi cả thì ai xây dựng quê hương?” 

Thưa bà, ai cho chúng tôi xây dựng quê hương khi mà tiếng nói của những người dân yêu nước bị coi là phản động, bị đánh đập và đàn áp? Chúng tôi muốn xây dựng một quê hương Việt Nam đa nguyên đa đảng đại diện tiếng nói của mọi tầng lớp nhân dân, ai cho chúng tôi cái quyền bầu ra những người đại diện mà chúng tôi thật sự muốn bầu? Ai cho chúng tôi cái quyền làm một công dân yêu nước? 

Thưa bà trước khi trách cứ người dân Việt xin bà lên tiếng với chính quyền và Đảng của bà rằng đất nước này dân tộc này không phải là của một Đảng phái. Để có một giang sơn Việt Nam, cha ông của tất cả từng con người sống trên dãi đất Việt đã chiến đấu chống phương Bắc, đã khẩn hoang và sinh con sinh cháu nuôi dạy các con mình yêu đất nước giống nòi và bảo vệ từng cái cây từng nguồn nước, phải biết đứng lên vì lẽ phải, bảo vệ từng tấc đất quê hương. 

Thưa bà trước khi trách cứ người Việt Nam xin bà hãy lên tiếng với Đảng của bà rằng Giang sơn Việt Nam không phải là của riêng của Đảng cộng sản cầm quyền hay của Bộ chính trị. Cuộc chiến tranh hai mươi năm chống Mỹ của quý vị không là gì so với bề dày bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của cả dân tộc Việt Nam, và chúng tôi coi đó là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn chứ không phải là giữ nước. Chúng tôi những người dân Việt Nam có quyền lên tiếng vì giang sơn này vì trong mỗi tấc đất của nước Việt có hồn thiêng có xương cốt của tất cả Tổ Tiên người Việt chúng tôi, có máu và nước mắt của cha ông chúng tôi. Tổ tiên Việt Nam trao lại Giang Sơn Xã Tắc này và thế hệ chúng tôi có nhiệm vụ phải giữ gìn và truyền lại cho con cháu mình. Giang sơn này không phải là của Bộ chính trị và của vài triệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Giang sơn này là của tất cả những người Việt Nam và chúng tôi có quyền lên tiếng về tương lai của con cháu chúng tôi tương lai của dân tộc. Bà và tất cả những đại biểu quốc hội có thể đại diện những người dân Việt Nam nói lên điều này hay không?

Trong bài trả lời phỏng vấn SBS, khi được hỏi liệu em có nghĩ hành động lên tiếng vì Vũng Áng của nhóm VOICE là phản động không, Thiên Giang nói rằng “em nghĩ mỗi người được đặt ra trên trái đất này là được có cái quyền suy nghĩ, quyền được nói. Nếu lên tiếng vì môi trường mà bị coi là phản động thì em thấy tức cười, em không hiểu chính phủ Việt Nam định nghĩa chữ phản động là như thế nào!”. Và em cười hồn nhiên.

Ôi chính phủ Việt Nam. Trẻ nhỏ còn hiểu ra điều này. Đừng để con trẻ nó cười vào mặt mình.

Nguồn: https://www.facebook.com/mai.h.pham.3/posts/10153495776426937?fref=nf