02.05.2016

Quảng Bình và biển chết: nguy cơ nạn đói tràn lan.

Quảng Bình và biển chết:  nguy cơ nạn đói tràn lan. 

Trong lúc này, không còn riêng gì Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế,  có hiện tượng xác cá trôi nổi. Có một tình trạng chung ở miền Trung là nhân dân bắt đầu bất mãn, phản ứng dữ dội, các cuộc biểu tình phản đối nhà nước CS dung túng TC, đã diễn ra ở Kỳ Anh - Hà Tĩnh, Quảng Trạch-Quảng Bình, trên các trang mạng xã hội đang kêu gọi biểu tình ở Đồng Hới-Quảng Bình, Đông Hà, Quảng Trị, Kỳ Anh-Hà Tĩnh và nhiều nơi khác nữa ..

Những người phụ nữ đang đào hố để chôn cá chết. (Hình: Liêu Thái/Người Việt).

Không khí đầy bất an:
Điều mà chúng tôi chứng kiến, và cảm nhận rõ nhất là:  không khí bất an bao trùm từ Huế ra đến Hà Tĩnh. Trên đường đi, thỉnh thoảng xe công an xuất hiện, hụ còi, xe nhà binh chở bộ đội di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác ...


Ra đến Quảng Trạch, Quảng Bình vào đúng chiều 29 tháng 4, chừng 4 giờ chiều, chúng tôi thấy rất nhiều xe công an hụ còi, và đến ngã tư Ba Đồn (đây cũng là một trong những nơi có cá chết dọc bờ biển nhiều nhất, và người dân nơi đây đã bắt giữ một số ngư dân ở Kỳ Anh đưa thuyền con vào vớt cá chết,  mang về Hà Tĩnh để bán) thì xe chúng tôi bị công an chặn, yêu cầu rẽ hướng khác, mà không giải thích lý do gì hết .

Mọi xe lưu thông trên quốc lộ 1A đều bị chặn, yêu cầu chuyển hướng đi, công an giao thông và cảnh sát cơ động đứng dàn đầy mặt đường, xe cảnh sát giao thông chắn ngang đường và barie rào kín ngã tư này. Chúng tôi bị hỏi một cách gay gắt “đi đâu?” bởi một cảnh sát giao thông trẻ. Anh tài xế taxi trả lời:  “Dạ tụi em đi ra biển thăm đứa bạn !”, và quẹo xe xuống hướng biển Quảng Phú-Ba Đồn.

Trên đường xuống biển, các đường dân sinh song song với quốc lộ đều có công an giao thông chốt ở mỗi ngã tư. Người đi cùng chúng tôi dự đoán chắc có duyệt binh hoặc biểu tình. Nhưng khả năng biểu tình cao hơn, vì không ai duyệt binh mà chặn quốc lộ rồi bẻ hướng đi cả.

Những người đàn bà biển:
Chúng tôi tiếp tục rẽ xuống bờ biển Ba Đồn, cũng giống như một số bờ biển du lịch khác ở Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Ba Đồn-Quảng Bình cũng vậy. Chỉ có gió, sóng cuồn cuộn, xác cá chết hôi thối, và những người dân từng tốp kéo nhau đi tìm xác cá để chôn. Gió biển bốc mùi hôi thối nồng nặc, cách 5km nữa mới vào đến biển, thì đã nghe mùi nồng và thối, buộc phải kéo gương xe kín mít mà chạy.

Gặp một nhóm cựu thanh niên xung phong thời chiến tranh, hiện nay là các mẹ, các chị trong hội phụ nữ xã đang tay cuốc tay xẻng, kéo thùng xốp đi dọc bờ biển để tìm xác cá chết. Chúng tôi đưa máy lên chụp hình. Và hiếm khi chúng tôi đưa máy chụp hình một cách hớ hênh như vậy, nếu không xin phép trước, hoặc chụp lén. Lần này hầu như các o, các mệ để chúng tôi chụp thoải mái, sau đó chủ động đến bắt chuyện với chúng tôi.

Một o tự giới thiệu tên Hằng, bắt chuyện: “Anh là nhà báo à? Anh cố gắng đưa hình ảnh cá chết lên báo, và nói thêm là chịu hết nổi rồi nhé !. Bà con chịu hết nổi rồi, kiểu này thì chỉ có mà chết thôi !”

Cá chết trôi dạt vào biển Quảng Bình. (Hình: Liêu Thái/Người Việt).

Khi nghe tôi hỏi là mức độ trầm trọng đến nỗi nào, thì một mệ tên Cúc nói luôn một lèo: “Chết đói, chết vì không có tiền để xài, chết vì nhiều thứ, tương lai nữa. Vì cho đến lúc này, riêng nhóm các mệ đã chôn hàng chục tấn cá, mà toàn là cá nước sâu, có con nặng đến cả tạ, hầu hết các loài cá quí ở đây đều chết. Biển không còn cá sống đâu. Con nào không may bơi vào đây là chết!”

Người ta nói là do Thủy triều đỏ. Nhưng mệ thấy hoàn toàn sai. Vì Thủy triều đỏ chỉ ở lớp mặt, từ mặt nước xuống đáy chừng ba mét trở lại, hiếm có Thủy triều đỏ nào lại ở sâu dưới nước hàng chục, thậm chí vài chục mét. Bởi Thủy triều đỏ là do Tảo đỏ gây ra, loại này nhẹ, chỉ nằm trên mặt nước, xuống thấp lắm thì ba mét là cùng!”

“Đằng này những con cá chết đều là các ở độ sâu hàng chục mét, thậm chí vài chục mét dưới đáy biển. Không thể tin là Thủy triều đỏ được. Nhiều con còn ngắc ngoải thở bị tấp lên bờ thì thịt của nó đỏ ứng lên, da tái xám, mắt lờ đờ. Rõ ràng là độc tố trong nước quá cao!”

Đói kém tràn lan:
Dừng một lúc, mệ Cúc cho biết thêm: “Đời sống ở đây bế tắc thực sự !. Vì hầu hết bà con nơi đây làm nông, làm biển, nuôi tôm, và kinh doanh quán ngoài bờ biển. Làm nông thì lúa thua tê tái, vì nắng hạn và sương muối, còn làm biển thì ngưng trệ hai mươi ngày rồi, quán xá thì không có khách, vắng ngắt người !.

Cùng lúc mệ Cúc nói chuyện thì ông Chuyên, và ông Trung, chủ hai quán hải sản lớn nhất trên bờ biển này ghé đến bắt chuyện: “Quán của anh em tụi tôi gần một tháng nay nằm bẹp dí. Nguyên gần mười ký mực, hai chục ký cá thu, cá ngừ, rồi ốc biển các loại, tôm, cua, ba ba... chẳng ai đụng tới. Chỉ riêng chuyện đông lạnh giữ nó lại không thôi cũng đủ chết rồi !”

“Toàn là hàng đánh bắt xa bờ nhưng không ai thèm đụng tới. Tụi tôi mới mang đi chôn sáng nay. Mỗi quán chôn gần hai chục triệu đồng. Trong một ngày mà hai chục quán đi chôn hải sản, mất hết gần nửa tỷ bạc. Đau lắm!

Thuyền ghe nằm bờ vì không ra biển được. (Hình: Liêu Thái/Người Việt).

Nói chung là ở đây có khả năng bị đói rất cao. Chiều nay nghe đâu gạo cứu tế đang được đưa về. Nhưng làm sao chúng tôi đang yên đang lành, làm ăn bình thường thì lại phải nhận cứu tế? Lẽ ra phải điều tra rõ nguyên nhân cá chết,  và làm thật sớm để mà xử lý chứ? Giờ thứ chúng tôi cần cứu tế nhiều nhất là nước mắm và muối. Vì gạo còn có thể mua được!”

Vì biển như vậy thì mai mốt ăn muối, ăn nước mắm ai dám bảo đảm không chết ?. Đó là chưa kể đến một số cá không được mang đi chôn, mà lại mang vào miền Nam để làm nước mắm. Chuyện này chúng tôi nói có cơ sở. Vì ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh không có nhà máy chế biến hải sản,  mà ngư dân ngoài đó lại chạy vào đây vớt cá bỏ đầy ghe chở về tiêu thụ. Tôi chính là người phát hiện họ đầu tiên và kêu gọi bà con, báo động chính quyền can thiệp mà!”

“Khi chúng tôi hỏi họ vớt về làm gì thì họ nói thật là vớt về để đưa lên xe đông lạnh, đưa vào Nam làm nước mắm. Hèn chi mấy bữa trước xe đông lạnh đi đường vào ban đêm, nghe xả ra toàn mùi hôi thối... Kiểu này thì còn chết dài dài nữa ...”

“Mấy anh chị thử lên chợ xem đi, bây giờ không khí cứ như sắp có chiến tranh vậy, đói kém tràn lan!”

Nghe theo chỉ dẫn của ông Chuyên, chúng tôi ngược vào chợ Bố Trạch, nhưng không thấy gì cả. Mới 5 giờ chiều mà chợ không có bóng người, chợ Ba Đồn cũng vậy, mặc dù các chợ này hoạt động cả ngày. Lòng vòng một lúc, chúng tôi tiếp tục đi ra Hà Tĩnh bằng những con đường mà không tài nào nhớ nổi, bởi anh tài xế taxi từng là tài xế xe tải nhỏ chở hàng bỏ mối, nên anh hết lạng vào xóm này lại lách sang xóm nọ để đến Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Đường A1, AH7 vẫn còn bị phong tỏa, chưa đi được.

Đến nơi, chúng tôi lại lòng vòng tìm phòng trọ, các phòng trọ đều báo là hết phòng. Cuối cùng, quyết định quay vào Quảng Bình rồi mai hẳn tính.

Lúc này đã hơn 10h đêm, không thấy công an chặn ở đầu phía Bắc, chúng tôi đường cứ theo quốc lộ 1A chạy thẳng. Hóa ra lúc chiều công an chặn đường vì bà con ngư dân đánh bắt xa bờ đang biểu tình, mang cá ra đổ đầy đường lộ, đoạn qua xã Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình để yêu cầu nhà nước CS trả lời thỏa đáng, và giải quyết thảm họa biển bị nhiễm độc này.  

(Người Việt)