03.05.2016

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 03.05.2016)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 03.05.2016) 

Biển Đông: Bắc Kinh tăng áp lực trước ngày toà án quốc tế phán quyết
Các viên chức ASEAN và thứ trưởng Ngoại Giao Trung cộng Lưu Chấn Dân nhân hội nghị ASEAN-Trung cộng về thực thi DOC tại Singapore ngày 27/04/2016. REUTERS/Edgar Su
Toà án Trọng tài Thường trực tại La Haye sắp ra phán quyết về vụ Phi Luật Tân kiện Trung cộng tranh giành chủ quyền tại Biển Đông qua đường 9 đoạn. Dự đoán sẽ bị bất lợi, Bắc Kinh cố gắng chiêu dụ một số nước ủng hộ lập trường của mình và gây chia rẽ nội bộ ASEAN.

Bắc Kinh cảm thấy bất an vì một loạt các động thái ở Tây phương, theo South China Morning Post. Các đại cường tây phương như Mỹ, châu Âu đã kêu gọi Bắc Kinh hãy tuân thủ phán quyết của Toà Án Trọng Tài Thường Trực.
Một chiến dịch vận động công luận lên án Bắc Kinh đang diễn ra rất mạnh tại Hoa Kỳ. Washington chuyển quân thường xuyên hơn, trấn đóng năm căn cứ mới tại Phi Luật Tân và tuần tra chung tại Biển Đông. Nỗ lực dài hơi của Nhật đã huy động G7 lên án hành động vũ lực độc đoán ở Biển Đông và Hoa Đông.
Theo Japan Times, trong hai tuần vừa qua, Bắc Kinh đã thu được một số thành quả trong chiến thuật lôi kéo một số quốc gia ủng hộ lập trường chống « quốc tế hóa » hồ sơ Biển Đông. Ấn Độ, Nga, Pakistan, Belarus, hai nước Lào và Brunei, tuy là thành viên của ASEAN, đã nghiêng theo Trung cộng.
Nỗ lực chiêu dụ của Bắc Kinh được khởi động từ tháng Tư, nhân một cuộc họp tay ba cấp ngoại trưởng của Trung cộng, Nga và Ấn Độ. Lần đầu tiên một bản thông cáo chung về Biển Đông được công bố, nhưng với nội dung hoàn toàn là một bản sao của lập trường Trung cộng: giải quyết xung khắc bằng đàm phán song phương giữa hai bên có liên can.
Vài ngày sau, bộ ngoại giao Trung cộng ra thêm một bản thông cáo cho là ba nước Đông Nam Á là Cam Bốt, Lào và Brunei đồng thuận với Trung cộng. Ngay lập tức, Phnom Penh, mặc dù có tiếng « thân » Bắc Kinh, đã vội vã cải chính. Phát ngôn viên chính phủ Hun Sen tuyên bố hoàn toàn « không thảo luận, không thỏa hiệp » với Vương Nghị, khi ngoại trưởng Trung cộng đến vận động. Brunei, đến hôm nay cũng không lên tiếng là có ủng hộ hay không.
Cũng trong chiến thuật hóa giải mọi chống trả trong khu vực, chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình, mà từ nay kiêm nhiệm tổng tư lệnh tối cao quân đội Trung cộng, hôm thứ năm 28/04, đề nghị thăm dò « cách tiếp cận mới về an ninh khu vực », để thay thế điều mà ông gọi là « tư duy lỗi thời » dựa trên một liên minh do Mỹ lãnh đạo.
Và sau khi đã xây dựng một loạt đảo nhân tạo lấn chiếm của Việt Nam và Phi Luật Tân để làm tiền đồn, trong bản tin của Tân Hoa Xã cùng ngày 28/04, Bắc Kinh đưa ra « sáng kiến hợp tác quốc tế » đặt trên nền tảng « đối tác giữa Trung cộng, ASEAN và Đông Á ».
« Mưu sự tại nhân… »
Theo nhận định của chuyên gia an ninh Châu Á Thái Bình dương Jonathan Bershire Miller, thâm ý của Bắc Kinh là dùng quyền lợi làm mồi nhử để phân hóa và làm rạn nứt ASEAN, bỏ rơi Phi Luật Tân. Lãnh đạo Trung cộng nghĩ rằng có thể làm phán quyết của Toà Án Trọng Tài Thường Trực mất tính chính danh, khi có nhiều thành viên của ASEAN và cường quốc như Nga, Ấn, Pakistan … không ủng hộ.
Nhưng theo chuyên gia Jonathan Bershire Miller, mưu kế của Bắc Kinh sẽ khó thành, vì Trung cộng chỉ lôi kéo được « khách hàng hay chế độ thân thiện ». Tiếng nói ủng hộ lập trường của Bắc Kinh do vậy mất hết trọng lượng.
Mặt khác thâm ý gây chia rẽ của Trung cộng đã bị ASEAN tố giác. Giới ngoại giao Singapore đặt câu hỏi như tát vào mặt « phải chăng Trung cộng muốn can thiệp vào nội bộ ASEAN ? »
Tú Anh (RFI)


Căng thẳng gia tăng trước phán quyết về Biển Đông

Những nhà hoạt động sinh viên Phi Luật Tân cầm mô hình tàu Trung cộng để phản đối việc xây dựng đảo gần đây và yêu cầu Trung cộng ra khỏi nhóm các đảo đang tranh chấp ở quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông, trong một cuộc biểu tình tại Manila, Phi Luật Tân, ngày 03 tháng 3 năm 2016. 
Trong khi Phi Luật Tân chờ đợi phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế về vụ kiện thách thức những tuyên bố chủ quyền của Trung cộng đối với gần như toàn bộ Biển Đông, dường như rõ ràng là bất kể phán quyết ra sao thì tranh chấp cũng đang gia tăng cường độ.
Trung cộng nói những mối quan hệ quân sự đang gia tăng của Washington và sự hiện diện của Mỹ trong khu vực là điều đang khơi lên căng thẳng ở Biển Đông - không phải những tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Bắc Kinh chồng lấn những vùng đặc quyền kinh tế của những nước khác.
Dù quốc tế đã kêu gọi Bắc Kinh chấp hành phán quyết, Trung cộng nói rằng họ sẽ phớt lờ phán quyết mà dự kiến sẽ được đưa ra trong vài tuần tới.
Các viên chức Mỹ nói rằng việc tăng cường quân lực không nhắm vào Trung cộng, nhưng những lo ngại về những ý định và hành động của Bắc Kinh trong khu vực rõ ràng đang đóng một vai trò.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói: "Chúng tôi đang tăng cường vai trò quân sự của mình trong khu vực nhưng việc đó không phải là để khiêu khích bất cứ điều gì. Việc đó là để tiếp tục ủng hộ hệ thống những nguyên tắc và hòa bình và an ninh mà đã cho phép khu vực này phát triển thịnh vượng suốt mấy thập niên ở đây."
Hành động mà Trung cộng có thể đưa ra để đáp trả là Bắc Kinh có thể bắt đầu cải tạo đất để xây cất Bãi cạn Scarborough, một bãi đá đang tranh chấp mà Trung cộng gọi là Đảo Hoàng Nham. Bãi đá này cách Vịnh Subic chưa đầy 200 kilômét và nằm hẳn bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng Hoa Xuân Oánh nói: "Tôi muốn nhắc lại rằng Bãi cạn Scarborough là một phần cố hữu của lãnh thổ Trung cộng. Bất kể hành động nào mà Trung cộng có thể thực hiện hoặc không thực hiện thì nó vẫn nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung cộng."
Dù phán quyết đứng về bên nào, Bắc Kinh sẽ không im tiếng.
Chỉ mới cuối tuần này, một hàng không mẫu hạm của Mỹ đã bị từ chối cho cập cảng ở Hong Kong. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã lên chính hàng không mẫu hạm này vào tháng 4 trong khi nó đang hoạt động ở Biển Đông.
Tin VOA


Nam Dương kêu gọi Mã Lai và Phi Luật Tân cùng tuần tra trên biển

Một chiếc tàu Mã Lai bị cướp biển bỏ rơi gần bãi Tubbatahha thuộc vùng biển Sulu. Ảnh do lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân công bố ngày 29/04/2012.AFP
Vào ngày 05/05/2016 tới đây, ngoại trưởng và lãnh đạo quân đội ba nước Nam Dương, Mã Lai và Phi Luật Tân sẽ họp lại tại Jakarta để thảo luận vấn đề tăng cường an ninh hàng hải. Một trong những biện pháp đề nghị là khả năng tuần tra hỗn hợp giữa ba nước.
Cuộc họp được triệu tập theo sáng kiến của Nam Dương, đang đặc biệt lo ngại sau vụ 14 thủy thủ Nam Dương bị bắt cóc ở vùng biển Phi Luật Tân hồi tháng 3.
Theo các nguồn tin báo chí, nhân hội nghị này, đại diện ba nước sẽ đề cập đến khả năng tổ chức những cuộc tuần tra hỗn hợp, một kế hoạch từng được nêu lên trong quá khứ, nhưng đã bị tạm gác qua một bên do các tranh chấp chủ quyền chồng chéo trong khu vực.
Vấn đề là trong thời gian gần đây, cướp biển đã lộng hành trở lại, và từ khi lên cầm quyền vào năm 2014, Tổng thống Nam Dương Joko Widodo đã đưa vấn đề an ninh hàng hải lên hàng ưu tiên.
Theo bộ trưởng Nam Dương phụ trách an ninh Luhut Panjaitan, vùng biển giữa Nam Dương và Phi Luật Tân đang càng ngày càng mất an ninh, do đó các nước trong khu vực không thể để nơi này biến thành một « Somalia mới ».
Từ giữa thập niên 1960 đến nay, đây là một trong những nơi có nhiều hải tặc hoạt động. Bên cạnh đó, từ khi các thành phần Hồi Giáo cực đoan ở Mindanao, miền Nam Phi Luật Tân, nổi dậy chống chính phủ, khu vực đã trở thành ổ bạo loạn Hồi Giáo.
Mai Vân (RFI)


Trung cộng lập đội dân quân trên biển

Đoàn tàu cá Tàu cộng tại một cảng phía Tây đảo Hải Nam (Trung cộng). Ảnh chụp ngày 18/06/2014.Reuters
Đoàn tàu đánh cá Trung cộng ở đảo Hải Nam được tổ chức thành đội ngũ, học tập quân sự, trang bị vũ khí, được cấp xăng và nước đá miễn phí để vừa đánh bắt hải sản vừa « bảo vệ chủ quyền » ở Biển Đông. Tin này do chính quyền Hải Nam xác nhận với Reuters.
Theo tuyên bố của phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung cộng Lục Khảng thì « không bao giờ có chuyện Trung cộng huy động ngư dân để khẳng định chủ quyền biển đảo ».
Trên thực tế, theo Reuters, hàng chục ngàn tàu cá được trang bị vũ khí, hệ thống truyền tin, ngư phủ học tập quân sự trở thành dân quân phục vụ trên vùng Biển Đông.
Khóa huấn luyện đầu tiên gồm cứu hộ, chiến đấu và thu thập thông tin tình báo được tổ chức trên bộ và sẽ thực tập trên biển từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay. Chính quyền Hải Nam cho biết trả tiền cho các ngư dân đi học quân sự. Khoảng 50.000 tàu đánh cá được trang bị hệ thống liên lạc với lực lượng tuần duyên, báo cáo tình hình, sự hiện diện của hải thuyền nước ngoài.
Ngư dân Trung cộng được tài trợ thay thế thuyền gỗ bằng thuyền vỏ thép và có trang bị súng. Họ tin rằng quân đội Trung cộng đã « đủ mạnh » để bảo vệ họ nếu gặp kháng cự .
Trả lời phỏng vấn của Reuters, một chủ công ty họ Trần cho biết hãng của ông được nhà nước tài trợ để mua tàu đánh cá loại lớn bằng thép, trọng tải hàng trăm tấn, để đánh cá tận Trường Sa và « bảo vệ chủ quyền tổ quốc » chống tàu cá nước ngoài xâm phạm.
Tàu cá của công ty của ông Trần dừng chân ở đảo Phú Lâm, đảo Hoàng Sa, nơi có các dàn hỏa tiễn lửa phòng không, để lấy thêm nhiên liệu và báo cáo với tuần duyên. Ông này cho biết rất mong sử dụng các trạm tiếp liệu mà quân đội Trung cộng đang xây dựng ở Trường Sa.
Một chuyên gia quốc tế cho biết là lực lượng dân quân ngư phủ của Trung cộng có nguy cơ gây xung đột với hải quân quốc tế . Cho đến nay chỉ có chiến hạm mới có nguyên tắc ứng xử và liên lạc với nhau để tránh đụng độ vì hiểu lầm.
Vấn đề là một khi dân quân Trung cộng với đội tàu cá đông đảo và tối tân thực hiện ý đồ thống trị biển Đông của Trung cộng, thì tương lai ngư dân các nước láng giềng ra sao ? Các nước liên can có đối sách bảo vệ ngư dân hay thụ động?
Tú Anh (RFI)


Mỹ Ấn bàn việc chống tàu ngầm xâm nhập vì lo ngại Trung cộng

Tầu ngầm lớp Song, do Trung cộng tự đóng.Wikimedia
Ấn Độ và Hoa Kỳ đang thảo luận về việc giúp đỡ lẫn nhau truy lùng các tàu ngầm tại Ấn Độ Dương. Reuters hôm nay 02/05/2016 dẫn lời các viên chức quân sự cho biết như trên. Việc hợp tác này có thể giúp siết chặt quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn trước tình hình Trung cộng tăng cường các hoạt động dưới đáy biển.
Cả Hoa Kỳ và Ấn Độ đang hết sức quan ngại trước tầm vóc và tham vọng của Hải quân Trung cộng, hiện đang ngày càng hung hăng hơn tại Biển Đông đồng thời thách thức vị thế hiện nay của New Delhi ở Ấn Độ Dương. Sau nhiều thập kỷ do dự không muốn ngả về phía Mỹ, rốt cuộc tháng trước Ấn Độ đã chấp nhận mở cửa các căn cứ quân sự cho Hoa Kỳ, để được chuyển giao công nghệ vũ khí nhằm rút ngắn khoảng cách với Trung cộng.
Hai bên cũng cho biết Hải quân Mỹ-Ấn sẽ bàn thảo về việc chống chiến tranh tàu ngầm (ASW), một lãnh vực kỹ thuật quân sự nhạy cảm và về mặt chiến thuật, chỉ có các đồng minh gần gũi mới chia sẻ cho nhau. Các viên chức Hải quân Ấn Độ nói rằng tàu ngầm Trung cộng được phát hiện trung bình bốn lần mỗi ba tháng. Một số được trông thấy gần các đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ, nối với eo biển Malacca, ngõ vào Biển Đông mà hiện trên 80% số nhiên liệu cung ứng cho Trung cộng phải đi qua.
Hoa Kỳ và Ấn Độ đã tiến hành tập trận hải quân chung, đều sử dụng kiểu phi cơ P-8 mới, nên có thể chia sẻ dễ dàng hơn các thông tin siêu nhạy cảm về các hoạt động của tàu ngầm. P-8 là vũ khí săn tàu ngầm hiện đại nhất của Mỹ, được trang bị các bộ cảm biến có thể truy tìm và nhận diện tàu ngầm bằng sóng siêu âm và các phương tiện khác.
Phát ngôn viên Hải quân Ấn Độ từ chối đưa ra lời bình luận, nhưng một nguồn tin khác cũng của binh chủng này nói với Reuters là mục tiêu sắp tới của cuộc tập trận chung sẽ diễn ra ở phía bắc Biển Phi Luật Tân vào tháng Sáu tới là nhằm chống tàu ngầm xâm nhập. Nhật Bản, đồng minh thân cận của Mỹ và cũng đang truy lùng tàu ngầm Trung cộng ở Biển Hoa Đông, cũng sẽ tham gia.
Theo các chuyên gia, có hai nhân tố liên quan đến việc hợp tác. Viễn cảnh các tàu ngầm nguyên tử Trung cộng tuần tra đã khiến các nước phải giám sát các hoạt động xung quanh căn cứ tiềm thủy đĩnh của nước này ở đảo Hải Nam. Trong khi đó Ân Độ đang chuẩn bị khai trương tàu ngầm tự đóng đầu tiên, trang bị hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân.
Nếu tàu ngầm tấn công của Mỹ truy tìm các tàu ngầm nguyên tử Trung cộng ở Thái Bình Dương, thì Bắc Kinh cũng dự kiến điều nhiều tàu ngầm tấn công hơn đến Ấn Độ Dương để theo dõi các động tĩnh của New Delhi.
Hoa Kỳ hiện dẫn đầu thế giới về việc chống tàu ngầm xâm nhập, và theo các chuyên gia, việc hợp tác có thể mở rộng với Úc, một đồng minh khác của Mỹ vừa đặt mua 12 chiếc tàu ngầm tiên tiến.
Được hỏi về vấn đề hợp tác Mỹ-Ấn, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung cộng cho biết Bắc Kinh « hy vọng sẽ là sự hợp tác bình thường, có ý nghĩa đối với hòa bình và ổn định trong khu vực ».
Ấn Độ tham gia tập trận ở Biển Đông
Trang mạng MarineLink.com hôm nay, 02/05/2016 loan tin là Ấn Độ sẽ cùng với Hoa Kỳ và Nhật Bản tham gia tập trận chung trên biển ở khu vực gần Biển Đông và Biển Hoa Đông, hai nơi mà Trung cộng tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.
Đây là cuộc tập trận đa phương diễn ra tại Singapore và Brunei, kéo dài từ ngày 02/05 đến 12/05/2016, trong khuôn khổ cuộc họp các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), để thao dượt bảo đảm an ninh hàng hải và chống khủng bố. Tham gia cuộc tập trận này, ngoài ba nước nói trên còn có các nước ASEAN, Nga, Úc, Hàn Quốc và Trung cộng.
Ngày 28/04/2016, Trung cộng loan báo sẽ gởi một chiến hạm và lực lượng đặc nhiệm đến tham gia cuộc tập trận đa phương này. Trong số những nước tham gia, có những quốc gia đang tranh chấp chủ quyền với Trung cộng trên Biển Đông, như Việt Nam và Phi Luật Tân. Đây là lần đầu tiên hải quân Việt Nam gởi một chiến hạm tham gia một cuộc tập trận quốc tế.