03.05.2016

Vụ cá chết: Báo nước ngoài nói gì?

Vụ cá chết: Báo nước ngoài nói gì?
Thực trạng cá chết hàng loạt tại miền Trung Việt Nam được truyền thông nước ngoài đưa tin trong những ngày qua. 
Reuters

Hãng tin của Anh vào hôm 01/05 cho biết hàng trăm người biểu tình tại Việt Nam vào ngày Chủ Nhật cáo buộc một công ty của Đài Loan gây cá chết hàng loạt ở bờ biển các tỉnh miền Trung, với một số người chỉ trích chính phủ phản ứng chậm trước một thảm họa lớn về môi trường.
Mặc dù điều tra ban đầu chưa thể xác định mối liên hệ giữa Formosa, nhà máy trị giá 10.6 tỉ USD của Đài Loan, với thực trạng cá chết hay không, dư luận vẫn chưa nguôi giận với công ty này.

Những người tham dự biểu tình giương khẩu hiệu: “Ai đã đầu độc vùng biển miền Trung?” hoặc “Formosa cút khỏi Việt Nam.”
Bộ trưởng tài nguyên môi trường đã yêu cầu Formosa Hà Tĩnh đưa hệ thống nước thải đang ở ngầm dưới biển lên mặt đất để chính phủ có thể kiểm tra.
Trước đó, chính phủ điều tra sơ bộ đi đến kết luận có thể “Thủy triều đỏ” hoặc con người thải hóa chất độc khiến cá chết hàng loạt.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận giận dữ chính là phát ngôn của một quan chức Formosa nói Việt Nam chỉ được chọn hoặc là tôm, cá hoặc là ngành công nghiệp thép.
Đây là lãnh thổ của Việt nam và quan chức Formosa không có quyền nói người dân Việt Nam phải chọn làm gì”, một người biểu tình nói.
Cũng có hàng trăm người xuống đường tại sài Gòn nhưng truyền thông do nhà nước kiểm soát không hề đưa tin về bất kỳ cuộc biểu tình nào.
Reuters tại Hà Nội đã phỏng vấn một số người biểu tình (xem video trên).

Bloomberg 

Image caption Cá chết gây ảnh hưởng tới một số tỉnh miền Trung Việt Nam.

Vụ cá chết là phép thử về phản ứng của tân chính phủ Việt Nam là tựa của trang tin kinh doanh Bloomberg của Hoa Kỳ đưa tin hôm 02/05.
Cá chết hàng loạt trải dài bờ biển trên 200 km là phép thử lớn nhất cho tới nay đối với chính phủ mới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Chính quyền Cộng sản bị chỉ trích trên mạng xã hội vì phản ứng chậm, thiếu minh bạch với hàng ngàn người biểu tình nổ ra tại các thành phố lớn hôm Chủ nhật.
Trong một đất nước mà biểu tình hiếm khi xảy ra thì vụ cá chết hàng loạt là một thách thức cho chính phủ.
Trong khi chi nhánh của công ty Nhựa Formosa của Đài Loan bị nghi vấn về sự cố này và là tâm điểm chỉ trích trên mạng xã hội thì chính phủ đồng thời vẫn phải đảm bảo với nhà đầu tư nước ngoài rằng Việt Nam hoan nghênh hoạt động kinh doanh của họ vì đây là lực đẩy cho nền kinh tế.
Đây là vụ khủng hoảng đầu tiên đối với chính phủ mới và cũng là vụ việc khó xử,” Fred Burke, giám đốc điều hành hãng luật Baker & McKenzie (Vietnam) Ltd của Hoa Kỳ nói.
Hàng triệu sinh mạng con người đang hứng chịu rủi ro. Dân chúng hết sức bất bình.” Ông Burke, thành viên của Hội đồng tư vấn cho chính phủ Việt Nam về đầu tư nước ngoài, được báo này dẫn lời.
Vụ việc cũng dấy lên lo ngại về ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và quản lý đối với doanh nghiệp.
Các báo trong nước đặt dấu hỏi đối với hệ thống ống nước thải của Formosa xây dựng ngầm dưới biển.
Thông cáo của nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh nói tiền hãng đầu tư xây dựng nhà máy là 10.5 tỉ USD, còn hệ thống ống thải có trị giá 45 triệu USD phù hợp yêu cầu và tiêu chuẩn của Việt Nam.
Các cuộc biểu tình tại Hà Nội và Tp HCM đều trưng các khẩu hiệu “Trả lại biển sạch cho dân” và “Không được xả nước thải xuống biển
Ngành hải sản và du lịch cũng bi ảnh hưởng. Ngư dân tại Quảng Bình đã thất thu lên đến 115 tỉ VND, tương đương 5.2 triệu USD, theo tin từ nhà chức trách địa phương.
Khoảng 30% lượng du khách cũng hủy bỏ các chuyến thăm đến tỉnh Quảng Bình, nơi có hang động Sơn Đoòng nhân dịp nghỉ lễ 30/4.

China Post

Image copyright doisongphapluat.com Image caption Ông Chu Xuân Phàm, đứng giữa, đã bị Formosa sa thải

Một trong hai tờ báo tiếng Anh tại Đài Loan hôm 02/05 chạy bài của hãng tin AFP nói hàng trăm người biểu tình tại thủ đô Hà Nội phản đối một công ty Đài Loan bị nghi xả chất độc gây hại cho ngành cá ở bờ biển miền trung.
Tin trên mạng xã hội nói hàng trăm người tại Sài Gòn cũng xuống đường.
Mặc dù điều tra chính thức đang được tiến hành, truyền thông nhà nước nhắm tới một đường ống thải 1.5 km từ công ty thép Formosa ra biển.
Ông Chu Xuân Phàm, một quan chức của Formosa bị sa thải sau khi nói người Việt “cần chọn giữa bắt tôm cá hoặc xây nhà máy thép hiện đại.”
Công ty này đã xin lỗi về bình luận và tự tiến hành điều tra riêng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết “xử nghiêm” bất kể ai là thủ phạm.
Truyền thông trong nước trước đó đưa tin Formosa nhập 300 tấn hóa chất có độc tố để tẩy rửa đường ống xả tuy không nói liệu số hóa chất này đã được dùng hay chưa.

BBC News

Image copyright AFP

Cơ quan truyền thông của Anh hôm 01/05 đưa tin hàng trăm người xuống đường phản đối vụ cá chết bất thường tại các tỉnh miền trung Việt Nam.
Điều tra sơ bộ của chính phủ Việt Nam chưa cho thấy có sự liên hệ giữa sự cố này với một công ty thép của Đài Loan.
Nhưng nhiều người biểu tình tại Hà Nội cáo buộc công ty này và mang biển hiểu "Formosa cút xéo".
Một số người khác mang biển hiểu "Formosa hủy hoại môi trường là tội ác" và "Ai gây độc cho biển miền trung?
Hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà nói rằng các cơ quan chức năng đã lúng túng, xử lý chậm, và không có kinh nghiệm ứng phó sự cố có tính chất thảm họa.
Ngư dân tại các khu vực bị ảnh hưởng được lệnh không được bán hải sản, tuy giới chức ngành hải sản nói xuất khẩu, vốn mang lại 6.6 tỉ USD mỗi năm từ ngành này, sẽ không bị ảnh hưởng.


Theo tin BBC