05.06.2016

Hội nghị Shangri-La lần thứ 15 - Chủ đề Biển Đông

Hội nghị Shangri-La lần thứ 15
-       Chủ đề Biển Đông

Hotel Shangri-La, Tân Gia Ba, Hình Internet


Việt Nam đề cập đến vấn đề Biển Đông

Trong bài phát biểu của mình tại diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La, Trưởng đoàn Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh,  đã nhắc tới những yếu tố được cho là “đang gây quan ngại” cho an ninh khu vực, nhất là tại điểm nóng Biển Đông.


Nguyễn Chí Vịnh ngay từ đầu bài phát biểu đã nhắc tới các “tranh chấp bất đồng” mà ông giải thích là “do khác biệt về lợi ích, tham vọng, cạnh tranh chiến lược diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, bất chấp luật pháp quốc tế”.

Tuy không chỉ rõ là quốc gia nào, ông nói tới “sự không nhất quán trong lời nói và việc làm; sự khác biệt và bất bình đẳng trong cách thức giải quyết tranh chấp” đồng thời chỉ trích thái độ “hành xử áp đặt, theo đuổi lợi ích vị kỷ, hẹp hòi, không tính đến lợi ích của nước khác, lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế”.

Người đứng đầu đoàn Việt Nam cũng thừa nhận cơ chế hợp tác, công cụ ngoại giao và pháp lý quốc tế “chưa đủ mạnh và chưa thực sự được tôn trọng”.

Ông nói: “muốn có hòa bình và thịnh vượng không thể không có đấu tranh, nhưng muốn đạt mục đích trong đấu tranh thì phải có hợp tác”.

Có lẽ đây là một trong những lần đầu tiên cụm từ ‘đấu tranh’ được đặt bên cạnh 'hợp tác' trong bài phát biểu của người đứng đầu ngành đối ngoại quốc phòng của Việt Nam. Tuy nhiên ông Vịnh không đi xa tới mức nói rõ đấu tranh với ai và như thế nào.

Nhận xét về phát biểu của ông Nguyễn Chí Vịnh, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS, nói đã có một số điểm mới.
Ông ấy đã đề cập tới tranh chấp với Trung cộng, đồng thời chỉ ra cái gì giải quyết được song phương thì giải quyết song phương, cái gì cần đa phương và quốc tế hóa thì phải đa phương.”

Trung cộng lớn tiếng với Phi Luật Tân

Image caption Trưởng phái đoàn Trung cộng Tôn Kiến Quốc nói về Phi Luật Tân với lời lẽ nặng nề

Bài phát biểu kéo dài nửa tiếng đồng hồ của Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung cộng, nói nhiều tới vụ kiện này, mà Trung cộng đã nhiều lần khẳng định là không tham gia.

Lần đầu tiên tại một diễn đàn quốc tế, lãnh đạo cao cấp của Trung cộng ‘điểm mặt chỉ tên’ Phi Luật Tân với những từ ngữ nặng nề nhất.

Đô đốc Tôn, với giọng điệu căng thẳng, tuyên bố Phi Luật Tân, với hành động kiện Trung cộng ra tòa trọng tài, là đã vi phạm luật pháp và thỏa thuận giữa hai bên.

Ông cáo buộc Phi Luật Tân làm việc đó để che đậy sự chiếm đóng trái phép các đảo của Trung cộng và nói rằng việc kiện lên tòa trọng tài là hành động vi phạm chủ quyền.

Người đứng đầu đoàn Trung cộng tuyên bố: “Trung cộng sẽ không bao giờ chấp nhận việc trọng tài này”.

Ông cũng không tiếc lời chỉ trích các nước “bên ngoài”, nhất là Hoa Kỳ, đã can dự vào công việc trong khu vực dưới các chiêu bài như tự do lưu thông hàng hải.

Giới quan sát trong cử tọa cho rằng, bài diễn văn được truyền hình trực tiếp ở trong nước khiến ông đô đốc phải lên giọng thị uy một cách đao to búa lớn như vậy.

Các ngôn từ gay gắt và lập luận cực đoan cho thấy một thái độ hiếu chiến một cách đầy chủ ý, cho dù ông Tôn Kiến Quốc khẳng định: “Trung cộng không có tham vọng bành trướng”.

Một viên chức quốc phòng khu vực, đề nghị giấu tên, nhận xét rằng thái độ của Trung cộng lần này là đáng lo ngại và “tình hình có thể xấu đi” sau phán quyết của tòa.

Hoa Kỳ tiếp tục cảnh báo Trung cộng

Image copyright REUTERS  Image caption  Bộ trưởng Ash Carter nói Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bảo trợ an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong nhiều thập niên
Trong bài diễn văn quan trọng có tựa đề ‘Mạng lưới an ninh có nguyên tắc ở châu Á-Thái Bình Dương’, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter nhận định: “Đáng tiếc là đang có sự quan ngại ngày càng lớn trong khu vực... về các hoạt động của Trung cộng trên biển, trong không gian ảo và trên không”.
Điều này, theo ông “đang tách riêng Trung cộng trong khi cả khu vực cùng hợp nhau lại”.
“Đáng tiếc, nếu tiếp tục các hành động như vậy Trung cộng sẽ dựng bức Trường thành để tự cô lập mình”.
“Thế nhưng, Hoa Kỳ sẽ cùng các đối tác trong khu vực bảo vệ các nguyên tắc cơ bản như quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không, cũng như giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và phù hợp luật pháp quốc tế.”
Tài liệu chủ quyền
Diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La 15 diễn ra trong khi tòa trọng tài quốc tế được trông đợi sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Phi Luật Tân đối với yêu sách chủ quyền của Trung cộng ở Biển Đông.
Ngay tại Đối thoại Shangri-La, đoàn Trung cộng đã phân phát tập tài liệu tiếng Trung tựa đề ‘Các khía cạnh của vấn đề Nam Hải (Biển Đông)’ tuyên truyền cho yêu sách chủ quyền của mình.
Tập tài liệu mỏng đề cập tới các dữ kiện lịch sử mà Trung cộng nhiều lần đưa ra để chứng thực cho chủ quyền của mình tại Biển Đông.
Đề cập về sự việc này, trưởng đoàn Việt Nam, Thượng tướng Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, nói với BBC  "Tôi chưa nghiên cứu và cũng chưa biết chắc ai làm việc này, nhưng nếu là tôi thì tôi sẽ không làm như thế vì đây [Đối thoại Shangri-La] là diễn đàn mở, công khai minh bạch và tất cả các nước đều lắng nghe nhau một cách tôn trọng."
Tập tài liệu được tung ra sau khi hai đoàn Việt Nam và Trung cộng có tiếp xúc song phương chiều thứ Sáu 3/6. Hành động này của đoàn Trung cộng một lần nữa cho thấy dường như hợp tác và thiện chí chỉ là động tác ngoại giao, bởi vì Việt Nam cũng là quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Image copyright GETTY Image caption Đối thoại Shangri-La bước vào năm thứ 15

Đối thoại Shangri-La, bước vào năm thứ 15, được cho là hội nghi quan trọng về an ninh, nơi giới chức quốc phòng cao cấp của các nước có thể thảo luận và đối thoại trong môi trường không chính thức.

Vào buổi sáng trước khi Đối thoại Shangri-La mở màn, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter và người đồng nhiệm Tân Gia Ba Ng Eng Hen đã có chuyến bay thị sát ngoài Biển Đông trên máy bay do thám P8 của Hoa Kỳ.

Hành động này được cho là nhắm vào Trung cộng, cũng giống như ‘phép thử’ nhắm vào Washington mà Bắc Kinh đưa ra ngay trước hội nghị khi tung tin sắp thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Không phải ngẫu nhiên mà một trong các chủ đề trên nghị trình của Đối thoại Shangri-La lần này là ‘quản lý cạnh tranh’.

Đối thoại Shangri-La diễn ra ngay trước khi Tòa trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết được trông đợi là sẽ bất lợi cho Bắc Kinh về vụ kiện của Phi Luật Tân đối với yêu sách chủ quyền của Trung cộng ở Biển Đông.

Phái đoàn Việt Nam

Ngược lại với Trung cộng, Biển Đông là một trong các chủ đề quan tâm chính của Việt Nam tại các diễn đàn an ninh quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch hủy tham gia diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La vào phút chót, hiện chưa rõ lý do. Thay thế là Thứ trưởng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu đoàn Việt Nam và sẽ có bài tham luận vào ngày Chủ nhật 5/6.

Đây là năm thứ hai Việt Nam cử cấp thứ trưởng tham gia diễn đàn thường niên này. 

Image caption Thứ trưởng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu đoàn Việt Nam

Bên cạnh ông Nguyễn Chí Vịnh, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cũng có mặt tại Shangri-La. Đặc biệt lần đầu tiên, Việt Nam cử lãnh đạo công an tham gia hội nghị, chứng tỏ chủ đề Biển Đông không chỉ là trách nhiệm của quân đội.

Các phái đoàn khác tại Shangri-La:

Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Gen Nakatani phát biểu tại hội nghị Shangri-La, Tân Gia Ba, 04/06/2016.REUTERS/Edgar Su
Phát biểu trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-la lần thứ 15, tổ chức tại Tân Gia Ba, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Gen Nakatani tuyên bố : Tokyo sẵn sàng hỗ trợ Đông Nam Á đương đầu với các hành động đơn phương, nguy hiểm và mang tính cưỡng chế trong khu vực Biển Đông.
Tuy không nêu đích danh Trung cộng, nhưng trong bài tham luận tại Hội nghị An ninh Châu Á ngày 04/06/2016, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Gen Nakatani ghi nhận : « Những hoạt động bồi đắp, xây dựng đã diễn ra nhanh chóng, được thực hiện với quy mô lớn và được sử dụng cho các mục tiêu quân sự tại Biển Đông ». Do vậy, « không một quốc gia nào có thể khoanh tay ngồi nhìn trước những động thái này ».
Tokyo quan ngại Trung cộng kiểm soát Biển Đông, nơi hàng năm có tới một lượng hàng hóa trị giá lên tới 5 ngàn tỷ đô la qua lại. Đây cũng là một tuyến đường hàng hải huyết mạch đối với an ninh của bản thân nước Nhật. Tung hoành tại Biển Đông, Trung cộng sẽ tiến gần hơn đến vùng Biển Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương.
Hãng tin Reuters trích lời bộ trưởng Quốc Phòng Nhật nói rằng để hỗ trợ cho các nước trong vùng Đông Nam Á đối phó với Trung cộng, Tokyo đã và đang giúp đỡ các đối tác này tăng cường khả năng tuần tra, mở các đợt tập trận chung hay hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ và trang thiết quân sự bị mới.
Reuters nhắc lại tháng 5/2016, Nhật Bản đã thông báo viện trợ trực tiếp cho quân đội nước ngoài, qua việc cho Phi Luật Tân thuê 5 chiếc máy bay TC-90 King Air, giúp Manila tăng cường khả năng giám sát biển. Ngoài ra, vẫn theo Reuters, Tokyo đang có kế hoạch thắt chặt hợp tác quân sự với nhiều nước trong vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Nam Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đề nghị một « khuôn khổ » an ninh khu vực không giải quyết tranh chấp bằng đe dọa và vũ lực.
Đại diện cho Pháp tại diễn đàn an ninh khu vực, bộ trưởng Quốc phòng Jean- Yves Le Drian tuyên bố « tranh chấp Biển Đông có liên quan trực tiếp đến Liên Hiệp Châu Âu, không phải chỉ vì quyền lợi kinh tế mà còn vì nguyên tắc tự do lưu thông phải được tôn trọng». Bộ trưởng Pháp đề nghị « Hải quân Liên Hiệp Châu Âu » tham gia tuần tra tại Biển Đông một cách « thường xuyên và rõ rệt ».
Bộ trưởng Quốc Phòng Mã Lai, Hishammuddin Hussein
Bộ trưởng Quốc phòng Mã Lai Hishammuddin Hussein tại Shangri-La ngày 4/6 nhấn mạnh cần sự đoàn kết, thống nhất giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong vấn đề Biển Đông.


Ông cho rằng trước hết các nước thành viên ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cần giải quyết các tranh chấp, bất đồng trong khối và điều đặc biệt quan trọng đối với các nước nhỏ như các quốc gia thành viên ASEAN là phải đảm bảo được sự đoàn kết, để không bị các cường quốc gạt ra ngoài cuộc chơi.

Đối thoại Shangri-La là gì?

 Diễn đàn an ninh khu vực mang tên Đối thoại Shangri-La bắt đầu từ năm 2002 dưới sự chủ trì của Việt Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Luân Đôn và Chính phủ Tân Gia Ba.

Hội nghị này mang tên của khách sạn nơi các cuộc gặp diễn ra.
Đối thoại Shangri-La tổ chức hàng năm, năm nay là lần thứ 15. Nó quy tụ viên chức quốc phòng cao cấp từ 28 quốc gia châu Á và Thái Bình Dương để thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực trong bối cảnh không chính thức.
Các quốc gia tham gia hội nghị lần này gồm có Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Ấn Độ, Nam Dương, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Mã Lai, Tân Tây Lan và Tân Gia Ba tham gia ở cấp bộ trưởng.

Trung cộng cử Phó Tổng tham mưu trưởng, Đô đốc Tôn Kiến Quốc.

Trưởng đoàn Việt Nam là Thứ trưởng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Các chủ đề chính tại Đối thoại Shangri-La 15

  • Khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên
  • Căng thẳng Biển Đông
  • An ninh liên quan di dân, an ninh mạng, chống khủng bố và hợp tác quốc phòng

 Tin tổng hợp từ BBC, RFI Tiếng Việt