Gia Minh (RFA)
Bản đồ vị trí nhà máy giấy Lee & Man tại Hậu
Giang. Courtesy
of ndh.vn
Cảnh báo về một thảm họa môi trường sẽ do nhà máy giấy
Lee & Man Hậu Giang gây ra tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long được gióng
lên mạnh mẽ.
Giới
nuôi trồng thủy sản lên tiếng
Hiệp hội Chế biến và Xuất Khẩu Thủy sản Việt Nam - gọi
tắt theo tiếng Anh VASEP, vào ngày 16 tháng 6 vừa qua có công văn gửi quốc hội
và chính phủ Việt Nam.
Công văn nêu rõ hoang mang của 270 doanh nghiệp thành
viên VASEP trên toàn quốc trước tin sắp đi vào hoạt động dự án xây dựng nhà máy
giấy của Công ty TNHH Giấy Lee & Man
Việt Nam. Doanh nghiệp này thuộc Tập
đoàn Lee & Man Paper Hong Kong- Trung cộng.
Nguy
hại của chất thải
VASEP nêu rõ khi nhà
máy Lee & Man tại cặp bờ Sông Hậu ở hạ nguồn sông Mê kong đi vào sản
xuất giấy và bột giấy sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; khi mà thải ra khoảng 28.500 tấn
sud (NaOH) mỗi năm xuống Sông Hậu.
Theo VASEP thì để sản xuất ra được 1 tấn giấy hay bột
giấy cần đến 50 kilogram sud làm chất tẩy. Nếu như lượng sud đó đổ ra sông Hậu
và ra biển thì sẽ trở thành mối nguy lớn hủy hoại nguồn thủy sản trên sông và
biển, cũng như gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nuôi trồng thủy sản ở khu
vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Giáo
sư Lê Huy Bá, nguyên trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi
trường, Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh,cho biết:
“Sud là chủ yếu, sau đó tẩy sud, rồi sau đó lại trung
hòa một phần của acid nữa. Sud là chủ yếu ngoài ra còn nhiều hóa chất
khác nữa.
Nhà
máy của Trung cộng mà công nghệ sản suất giấy của Trung cộng là công nghệ rất
lạc hậu nên sẽ ảnh hưởng vùng đó. Vùng đó là vùng khó
thoát thủy vì là vùng trũng, lòng chảo. Chung quanh đó có rất nhiều kênh rạch
sẽ bị nhiễm. Việc nuôi tôm, nuôi cá sẽ khó; và rồi sẽ xảy ra những chuyện như ở
Sông Bưởi, Thanh Hóa cho mà xem!”
Tiến
sĩ Tô Văn Trường trong bài viết gửi đăng trên trang Bauxite Việt Nam
hôm ngày 24 tháng 6 vừa qua nêu rõ: ‘Dự
án Lee & Man Việt Nam bao gồm hai hạng mục chính: nhà máy sản xuất bột giấy
tẩy trắng công suất 330 ngàn tấn một năm và nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì
cao cấp công suất 420 ngàn tấn một năm.’ Ông nêu rõ nhà máy cần sud NaOH
trong qui trình xử lý nước thải, ít ra cũng gần 30 tấn mỗi ngày.
Tiến sĩ Tô Văn Trường nêu rõ ‘Các nhà máy sản xuất giấy, thép, hóa chất… được xếp vào loại báo động
vì chất xả thải độc ra môi trường. Công
nghiệp giấy còn bị xếp vào loại gây ô nhiễm còn hơn cả công nghiệp khai khoáng, bởi vì phải khai thác các nguồn
cellulose tự nhiên (rừng), sử dụng nhiều chất tẩy độc hại trong quá trình sản
xuất và đặc biệt việc tái chế giấy càng thải ra nhiều chất độc hại và nguy hiểm.’
Vị tiến sĩ này còn bày tỏ quan ngại về phát thải
dioxin và các chất giống dioxin do những nhà máy giấy và nhà máy hóa chất thải
ra. Theo ông thì công tác quản lý dioxin và các chất giống dioxin tại Việt Nam
còn rất yếu kém.
Đánh
giá tác động môi trường!
Thông thường những dự án công nghiệp đều phải có đánh
giá tác động môi trường trình cho cơ quan chức năng phê duyệt. Thế nhưng trong
dự án được đánh giá là nhà máy sản xuất giấy công suất khủng, lớn nhất Việt Nam
và thuộc TOP 5 trên thế giới; thực tế về công tác này của Lee & Man Việt
Nam được một chuyên gia tại Cục Đánh giá Tác động Môi trường thuộc Bộ Tài
Nguyên- Môi trường ở Hà Nội cho biết:
“Dự án nhà máy giấy Hậu Giang do tỉnh thẩm định chứ
không phải do bộ thẩm định; thế nhưng khi nghe thông tin Bộ cũng quyết liệt vào
để xem nguyên nhân cũng như và vấn đề khiếu kiện của dân thế nào. Đây cũng là
trách nhiệm quản lý của nhà nước nên cũng vào xem lại toàn bộ vấn đề liên quan
từ khâu đánh giá tác động môi trường đến những vấn đề liên quan người dân. Làm
thế nào để có xử lý thôi!
Ông Tụng Vi Phú – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee
– Man Việt Nam thuyết trình về hệ thống xử lý nước thải của công ty tại buổi
họp báo.
Bộ Tài nguyên - Môi trường vào đó để điều tra, đánh
giá mới có thể ra được kết luận cuối cùng, chứ nếu ngồi ở bộ võ đoán, phân tích
rất khó. Bởi vì nếu như hồ sơ đó là do Bộ Tài nguyên - Môi trường thẩm định thì
có thể có căn cứ đánh giá được; còn đó do tỉnh thẩm định nên bộ phải xem xét hồ
sơ của tỉnh thẩm định, rồi căn cứ vào thực tế điều kiện địa lý, địa hình mới có
thể đưa ra kết luận cuối cùng được.”
Tiến
sĩ Tô Văn Trường trong bài viết trên Bauxite Việt Nam trình bày rõ là
từ khi thành lập, dự
án nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam đã không làm báo cáo đánh giá tác động
môi trường mà chỉ làm bản cam kết bảo vệ môi trường.
Theo vị tiến sĩ này thì Nghị định số 21/2008/NĐ-CP về
việc bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị định 80/2006 buộc nhà máy Lee &
Man phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Giáo
sư Lê Huy Bá nêu ra một thực tế trong công tác đánh giá tác động
môi trường của các dự án công nghiệp tại Việt Nam như sau:
“Đặc thù của Việt Nam là đặt các nhà khoa
học và người dân trước sự việc đã rồi! Cơ chế đánh giá tác
động môi trường - ĐTM của Việt Nam là giao cho chủ đầu tư trả tiền đánh giá tác
động môi trường ĐTM.
Thế thì họ trích phần trăm từ dự án để trả. Tại Việt Nam
hiện nay các nhà tư vấn nhiều lắm, mọc lên như nấm. Họ ganh đua, tranh đua để
nhận lấy các dự án ĐTM. Họ hạ giá xuống và khi nhận tiền (của chủ đầu tư) thì
phải nói cho suông chứ! Nhận tiền của chủ đầu tư rồi nên nói tốt chứ có ai nói
không được đâu!
Đó là một sai lầm. Lẽ ra chính phủ phải có một quỹ
đánh giá tác động môi trường riêng do Nhà nước quản lý. Ai làm thì phải thuê tư
vấn một cách độc lập. Đánh giá một cách độc lập, tách khỏi chủ đầu tư thì khi
đó mới khách quan được.”
Chuyện
ngành giấy tại Việt Nam
Giáo sư Lê Huy Bá và tiến sĩ Tô Văn Trường chỉ ra một
số trường hợp nhà máy giấy gây ô nhiễm môi trường trong thời gian qua như nhà
máy giấy Tân Mai ở Đồng Nai và nhà máy giấy An Hòa ở Tuyên Quang.
Đối với nhà máy giấy An Hòa ở Tuyên Quang thì tiến sĩ
Tô Văn Trường có đưa ra so sánh về thiết bị được nói chủ yếu từ Thụy Điển và
Phần Lan. Còn công nghệ, thiết bị và quản lý của nhà máy giấy Lee & Man ở
Hậu Giang chắc chắn là của Trung cộng bị cho là lạc hậu và kém xa Thụy Điển và
Phần Lan.
Tuy vậy nhà máy giấy An Hòa ở Tuyên Quang từ khi đi
vào sản xuất cho đến nay luôn bị cơ quan chức năng ‘thổi còi’ vì xả trộm nước
thải, nguồn nước thải không đạt tiêu chuẩn mặc dù có hệ thống xử lý. Ngoài ra
mùi hôi bốc lên từ nhà máy giấy An Hòa ở xa hơn cây số vẫn ngửi thấy. Khối
lượng nước xả thải 7.500 mét khối mỗi ngày của nhà máy giấy An Hòa đổ ra Sông
Lô làm nước sông đổi sang màu đỏ sậm.
Chủ
tịch Hiệp hội Giấy Việt Nam, ông Vũ
Ngọc Bảo thì cho rằng các nhà máy giấy đang hoạt động tại Việt
Nam đều theo đúng qui định về xử lý chất thải. Dù ông này cho rằng những số
liệu được đưa ra liên quan nhà máy giấy Lee & Man ở Hậu Giang theo ông là
thiếu cơ sở, nhưng đó cũng là một ‘cảnh tỉnh’ cho các doanh nghiệp trong công
tác bảo vệ môi trường. Hiệp hội giấy sẽ kiểm soát chặt chẽ khi nhà máy Lee
& Man đi vào hoạt động:
“Chúng tôi cũng theo dõi trên mạng thì thấy có một vài
thông tin, nhưng những thông tin đó chúng tôi chưa thấy có cơ sở xác đáng.
Nhưng những cái đó có cảnh tỉnh các doanh nghiệp cần phải bảo vệ môi trường
trong quá trình thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình.
Tôi cho rằng cảnh tỉnh đó cũng tốt thôi đối với bất cứ
doanh nghiệp nào hoạt động trên đất nước Việt Nam phải tuân thủ đúng luật pháp
Việt Nam; trong đó có những qui định về xử lý chất thải trong quá trình sản
xuất.
Việt Nam cũng rất nghiêm khắc trong vấn đề kiểm tra,
kiểm soát trong vấn đề này. Tôi cho rằng bất cứ ý kiến nào trên trang mạng cũng
là điều mà chúng tôi ghi nhận, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm soát, giám sát;
đồng thời kiến nghị các doanh nghiệp theo đúng qui định của nhà nước.
Tuy nhiên dự án này (Lee & Man) chưa đi vào hoạt
động;
khi đi vào hoạt động chúng tôi sẽ kiểm soát rất chặt chẽ việc dự án cam kết
thực hiện bảo vệ môi trường trong ĐTM. Và chúng tôi đảm bảo sẽ giám sát rất
chặt chẽ dự án này cùng với các cơ quan chức năng của tỉnh Hậu Giang.”
Hứa
hẹn của chủ đầu tư
Truyền thông trong nước loan tin vào ngày thứ năm 23
tháng 6 vừa qua Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam họp báo về vấn đề xả
thải của nhà máy khi đi vào hoạt động.
Tổng
giám đốc Tụng Vi Phú (Chung Wai Fu) của Lee & Man Việt Nam cho biết nhà máy chỉ có một đường
ống xả thải trên mặt đất và khu vực cửa xả công khai.
Theo ông này thì cơ quan chức năng và người dân Việt Nam có thể kiểm tra, giám
sát.
Tin RFA
BBT: Tập
đoàn Lee & Man Paper Hong Kong- Trung cộng: Tập đoàn này thành lập vào năm 1994 tại Quảng Đông và một năm sau
chuyển về Hong Kong. Nhà máy giấy đầu tiên của Lee & Man hoạt động vào năm
2005 tại Quảng Đông chỉ với chi phí đầu tư là 461 triệu đô la, bằng 1/3 số vốn
của nhà máy giấy Hậu Giang, nhưng có mức sản xuất 2 triệu tấn giấy/năm tức là
gấp 4 lần. Quan trọng hơn, nhà máy hoạt động trên đất Tàu này thì có hệ thống
thanh lọc nước thải nhưng tại Việt Nam thì không!
Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam tại Hậu Giang là một dự án có mức đầu tư 1,2
tỷ đô la của Tập đoàn Lee & Man Paper này. Đây là dự án sản xuất giấy lớn
nhất Việt Nam, đứng hàng thứ 5 trên thế giới, nhưng không có hệ thống thanh lọc
nước thải chứa 28.500 tấn sud - Sodium Hydroxide (NaOH) rất độc hại mà lại đổ
thẳng ra sông Hậu mỗi năm.