24.06.2016

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung Cộng (ngày 24.06.2016)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung Cộng (ngày 24.06.2016)

Mỹ cảnh báo Trung cộng dùng tàu cá trong tranh chấp lãnh hải
Tầu chiến Nam Dương KRI Imam Bonjol (T) kiểm soát một tầu đánh cá Trung cộng trong vùng biển gần quần đảo Natuna của Nam Dương. Ảnh : Handout/Nam Dương Navy/ via REUTER

Ngày 22/06/2016, một viên chức cao cấp của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cảnh báo việc Trung cộng đang dùng các đội tàu cá có quân đội hộ tống cho mục đích tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Theo viên chức này, hành vi của Trung cộng « gây quan ngại ».


Bình luận của phía Hoa Kỳ được đưa ra sau khi các tàu chiến của Nam Dương bắn cảnh cáo và bắt giữ một tàu cá mang cờ Trung cộng và một số thủy thủ gần quần đảo Natuna ở Biển Đông tuần trước. Bắc Kinh đã phản ứng mạnh với hành động của Jakarta.

Không giống như các nước khác trong khu vực, về  nguyên tắc, Nam Dương khẳng định không có yêu sách chủ quyền chồng chéo với Trung cộng trên Biển Đông không có những tranh chấp chồng lấn với Trung cộng liên quan đến các đảo nhỏ và bãi đá ngầm. Tuy nhiên, khi đòi quyền đánh cá gần quần đảo Natuna, dường như Bắc Kinh đang nhắm tới việc tạo ra một khu vực chồng lấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Jakarta.

Kể từ năm 2014, Jakarta đã mạnh tay với việc đánh cá trái phép. Từ đó, xảy ra nhiều va chạm giữa Trung cộng và Nam Dương. Theo chỉ huy Hạm đội phía Tây của Nam Dương, Bắc Kinh đã thay đổi cấu trúc và trang bị của các tàu cá. Việc đưa tàu cá ngụy trang đến vùng biển Natuna là một mưu mẹo của Trung cộng để tạo ra tranh chấp. Hồi tháng Ba vừa qua, tuần duyên Trung cộng đã giải cứu một tàu cá nước này bị bắt giữ gần quần đảo Natuna.



Tàu vũ trang Trung cộng hộ tống tàu cá ở Biển Đông

"Hạm đội" tàu đánh cá của ngư phủ Trung cộng. Hình Internet

Các nhà nghiên cứu nói tàu cá là 'công cụ tuyệt vời' của Trung cộng trong chính sách bành trướng ở Biển Đông.

Một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ hôm qua cho biết rằng Trung cộng đang sử dụng đội tàu cá với sự yểm trợ của tàu hộ tống vũ trang, ra khơi đánh bắt ở những vùng lãnh hải tranh chấp nhằm khẳng định chủ quyền.

Hãng tin AFP dẫn lời một viên chức Mỹ không muốn nêu danh tính nói rằng đây là một xu hướng “đáng ngại”.

Nhà ngoại giao này nói rằng việc các tàu tuần duyên hộ tống tàu cá cho thấy “sự vươn rộng của các lực lượng quân sự và bán quân sự” Trung cộng, và điều đó có thể “gây hấn” và “gây bất ổn”.

Trước bước đi của Trung cộng, ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội nghề Cá, nói với VOA Việt Ngữ rằng đó là việc Việt Nam “tất yếu phải làm”. Ông nói thêm:

Mình không bảo vệ ngư dân thì làm sao người dân ra được. Tàu bè của Trung cộng nói đi đâu là có hải quân Trung cộng đi kèm. Việc đó rất khoát mình phải làm. Chỉ có nước nghèo, không có tiền, mới không làm thôi, chứ còn các nước phải làm rồi. Lực lượng hải quân, kiểm ngư phải thường xuyên có mặt chứ”.

Viên chức Mỹ trên cho biết rằng Washington hy vọng phán quyết của Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc vào ngày 7/7 về vụ kiện của Phi Luật Tân về “đường lưỡi bò” của Trung cộng ở biển Đông sẽ “buộc các quốc gia tuyên bố chủ quyền phải đàm phán” để tìm giải pháp.

Trong một diễn biến khác liên quan tới biển Đông, Tổng thống đắc cử của Phi Luật Tân, ông Rodrigo Duterte, hôm 21/6 cho biết rằng mới đây ông đã hỏi Đại sứ Mỹ tại nước ông rằng liệu Washington có hỗ trợ Phi Luật Tân nếu xảy ra một cuộc đối đầu với Trung cộng ở biển Đông hay không. Và ông Philip Goldberg đã trả lời rằng “chỉ khi nào quý vị bị tấn công”.
Phi Luật Tân đâm đơn kiện tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông của Trung cộng tại tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc năm 2013.



Hoa Kỳ quan ngại hành xử tiếp theo của Trung cộng ở biển Đông

Hình ảnh biển Đông trên một quả địa cầu bày bán tại một hiệu sách ở Bắc Kinh vào ngày 15 tháng 6 năm 2016.    AFP photo

Hoa Kỳ cảnh báo Bắc Kinh không nên có những hành động mang tính gây rối, sau khi tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết về đơn của chính phủ Phi Luật Tân kiện Trung cộng xâm chiếm chủ quyền.

Cảnh báo này được bà Colin Willett, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Đông Á đưa ra trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Reuters.
Trong cuộc phỏng vấn, bà Willett nói rõ rằng phán quyết sẽ được tòa công bố trong một vài tuần nữa, nhấn mạnh Washington có nhiều cách để đối phó với thái độ của Bắc Kinh, nhắc lại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực rất quan trọng cho quyền lợi của nước Mỹ.

Bà nói rằng theo cái nhìn của Hoa Kỳ, phán quyết của tòa trọng tài quốc tế là phán quyết có giá trị về mặt luật pháp, và tất cả các nước phải tôn trọng. Vì thế, Hoa Kỳ hy vọng Trung cộng xem phán quyết là cơ hội để bàn thảo nghiêm chỉnh với những nước láng giềng, nhắm giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Về câu hỏi gần đây, Bắc Kinh nói có 40 quốc gia ủng hộ lập trường và quan điểm của Bắc Kinh, tức công nhận chủ quyền của Hoa Lục ở Biển Đông theo bản đồ mà Trung cộng đưa ra, bà Willett trả lời rằng có rất nhiều điểm thắc mắc về tuyên bố của Trung cộng, không rõ những nước trong nhóm đó có thật sự đồng ý như Bắc Kinh nói hay không.

Về chuyện ASEAN không đoàn kết khi các vị ngoại trưởng ASEAN đưa ra bản tuyên bố với nội dung bày tỏ mối quan tâm xâu sa về tình hình Biển Đông rồi sau đó bản tuyên bố này bị rút lại, một viên chức ngoại giao cao cấp của Hoa Kỳ nói với hãng thông tấn Reuters là Washington hiểu rằng có một số nước ASEAN bị áp lực, và Hoa Kỳ đang cố gắng vận động để giảm bớt sự bất đồng giữa các nước Đông Nam Á.

Châu Âu kêu gọi tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông
Hình ảnh vệ tinh cho thấy một trạm ra-đa được xây dựng trong quần đảo Trường Sa có tranh chấp trên Biển Đông.REUTERS/CSIS Asia Maritime Transparency Initiative/DigitalGlobe/

Các nước phải được "tự do lưu thông tại Biển Đông". Ủy ban Châu Âu hôm 22/06/2016 đưa ra cảnh báo ngoại giao đầu tiên với Bắc Kinh, sau vụ phi cơ Trung cộng ngăn chận một phi cơ quân sự Mỹ trên không phận Biển Đông tháng trước.

Thông cáo phát hành ngày hôm qua của Ủy Ban Châu Âu ghi rõ : « Khối lượng lớn hàng hóa thương mại đường biển qua vùng này cho thấy tự do hàng hải và hàng không là điều quan trọng hàng đầu đối với EU. Liên Hiệp Châu Âu cần cổ vũ Trung cộng đóng góp vào sự ổn định của khu vực…và ủng hộ trật tự quốc tế trên cơ sở luật pháp ».

Ủy Ban Châu Âu tránh chỉ trích trực tiếp Bắc Kinh, đối tác thương mại chủ yếu của Liên Hiệp Châu Âu (EU), nhưng cảnh báo trong một văn bản mới về chính sách, là Châu Âu « phản đối các hành động đơn phương có thể phương hại đến nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng ». Đây là dấu hiệu cho thấy sự quan ngại của Châu Âu trước việc Trung cộng bồi đắp và quân sự hóa các đảo trên Biển Đông.

Dự thảo chính sách đối với Trung cộng trong năm năm tới của Ủy ban Châu Âu viết : « EU muốn rằng tự do hàng hải và hàng không được tôn trọng tại Biển Hoa Đông và Biển Đông ». Các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ phải thông qua dự thảo này.

Trong khi Liên Hiệp Châu Âu giữ thái độ trung lập trong vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa Trung cộng và các quốc gia Châu Á khác, Washington thúc giục Bruxelles lên tiếng phản đối việc Bắc Kinh yêu sách hầu như toàn bộ Biển Đông. Hoa Kỳ nói rằng Trung cộng có hành vi cưỡng chiếm tuyến đường hàng hải huyết mạch mà Việt Nam, Phi Luật Tân, Malaysia, Brunei, Đài Loan cũng đòi hỏi chủ quyền.

Dù cẩn trọng trong từ ngữ, Liên Hiệp Châu Âu ngày càng quan ngại trước tình trạng căng thẳng hiện nay, và bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian trong tháng 6/2016 đã kêu gọi Châu Âu tiến hành các cuộc tuần tra « thường xuyên và công nhiên » tại Biển Đông.


Dân Phi Luật Tân biểu tình trước phán quyết


Hơn 100 ngư dân Phi Luật Tân ở thành phố cảng Masinloc, tỉnh Zambales đã xuống đường biểu tình trước thềm phán quyết của tòa trọng tài LHQ trong vụ Phi Luật Tân kiện yêu sách chủ quyền Trung cộng ở Biển Đông.
Ông Ruperto C. Apilado, lãnh đạo ngư dân tỉnh Zambales nói với BBC Tiếng Việt: "Cách đây khoảng ba năm, các tàu cá Trung cộng đi cùng với các tàu cảnh sát biển Trung cộng đã đẩy ngư dân ở đây ra khỏi những khu vực có cá.

Ngư dân ở Zambales chủ yếu là thợ lặn, chúng tôi cần lặn xuống những khu vực có cá nhưng giờ không thể được nữa. Tàu Trung cộng đuổi tàu của ngư dân ở đây, bắt nạt, đụng vào tàu và không cho chúng tôi vào các nơi có cá. Ở bãi cạn Scarborough ngư dân cũng bị như vậy."


Thành phố Masinloc nằm bên bờ biển và nhiều gia đình đã làm nghề đánh cá từ đời này sang đời khác.

Masinloc cũng là địa phương được chính phủ Phi Luật Tân giao cho quyền quản lý hành chính bãi cạn Scarborough/bãi đá Hoàng Nham, nơi xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Trung cộng và Phi Luật Tân, và các tàu Trung cộng từng bị cáo buộc ngăn cản ngư dân Phi Luật Tân vào khu vực bãi cạn đánh bắt cá.

Ông Apilado nói: “Chúng tôi tổ chức buổi tuần hành cùng với các tổ chức khác trong khi chờ phán quyết của toà trọng tài. Chúng tôi chỉ muốn đánh bắt cá như từ xưa đến giờ. Không ai muốn chiến tranh cả. Chúng tôi hy vọng Trung cộng sẽ tôn trọng phán quyết của toà án.”



Cuộc xuống đường diễn ra với sự có mặt của Phong trào Thanh niên vì Biển Tây Phi Luật Tân (tên gọi khu vực Biển Đông với người Phi Luật Tân) và Cựu nghị sĩ, cựu cố vấn an ninh quốc gia Phi Luật Tân, ông Roilo Golez.

Phi Luật Tân đã kiện yêu sách chủ quyền của Trung cộng lên Tòa Trọng tài quốc tế và phán quyết được trông đợi sẽ được đưa ra trong thời gian tới.
Đơn kiện của Phi Luật Tân nói yêu sách 'đường chín đoạn', hay 'đường lưỡi bò' mà Trung cộng dùng để khoanh vùng chủ quyền của mình ở Biển Đông, là trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà cả Trung cộng và Phi Luật Tân đều là thành viên ký kết.



Tổng Thống Nam Dương thăm đảo Natuna, họp Nội Các trên tàu chiến

Tổng Thống Nam Dương Joko Widodo thăm quần đảo Natuna hôm 23/6/2016. AFP photo

Ngày 23.06.2016 Tổng Thống Joko Widodo của Nam Dương dùng chiến hạm để đi thăm quần đảo Natuna, nơi binh sĩ hải quân nước này mới nổ súng để đuổi tầu cá Trung cộng ra khỏi hải phận.

Bản tin do chính phủ Jakarta phổ biến nói rằng chiến hạm chở Tổng Thống ra thăm quần đảo chính là chiếc chiến hạm hôm thứ Sáu tuần trước đã nổ súng đuổi tầu cá của Trung cộng.

Hai ngày trước đây, Tư Lệnh Hạm Đội Tây Nam Dương gọi việc Bắc Kinh đưa tầu đánh cá xâm nhập hải phận Nam Dương là một thủ đoạn, được Trung cộng thực hiện với mục đích dần dà sẽ tự nhận chủ quyền ở quần đảo Natuna.

Trước đây Trung cộng nói rằng họ công nhận chủ quyền lãnh hải của Nam Dương tại Natuna, nhưng sau khi vụ nổ súng xảy ra, Bộ Ngoại Giao Hoa Lục lại nói rằng có những khu vực chủ quyền chồng lấn lên nhau, ý muốn nói không chỉ Nam Dương mà Trung cộng cũng có một phần chủ quyền ở quần đảo Natuna, nằm cách bờ biển Hoa Lục tới khoảng 3,000 cây số. 

Tổng thống Nam Dương Joko Widodo trên tàu Hải quân Nam Dương KRI Imam Bonjol trong chuyến thăm tới các vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna, ngày 23/6/2016.

Sau đó Tổng thống Nam Dương đã họp nội các trên một chiến hạm ở ngoài khơi quần đảo Natuna, nằm ở phía nam biển Đông, sau khi xảy ra đối đầu với tàu Trung cộng.

Nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia, ông Joko Widodo đã tới thị sát quần đảo hẻo lánh cùng với bộ trưởng an ninh, ngoại trưởng, và bộ trưởng quốc phòng. Đây được coi là thông điệp mạnh mẽ nhất chuyển tới Bắc Kinh.
Trong cuộc họp, ông Widodo kêu gọi lực lượng quân sự nước này tăng cường tuần tra, sau khi xảy ra một loạt các va chạm trên biển giữa tàu Nam Dương và Trung cộng.

Thông cáo từ phủ Tổng thống Nam Dương dẫn lời ông Widodo nói: “Khả năng quân sự nhằm bảo vệ các vùng biển cần phải được cải thiện, dù đó là về mặt công nghệ hay tư thế sẵn sàng”.

Các viên chức cho biết nội các Nam Dương cũng thảo luận các vấn đề liên quan tới chủ quyền và phát triển. Nam Dương thiết lập vùng đặc quyền kinh tế ở vùng biển giàu khí đốt quanh quần đảo Natuna, cách đảo Borneo hơn 340 km.

Bộ trưởng An ninh Luhut Pandjaitan được báo chí trong nước dẫn lời nói rằng chưa khi nào Nam Dương lại thể hiện sự cứng rắn với Trung cộng như hiện nay, và chuyến thăm Natuna cho thấy Tổng thống Widodo không xem nhẹ vấn đề chủ quyền.

Bắc Kinh hôm nay lặp lại quan điểm rằng dù Trung cộng không tranh chấp với Nam Dương về quần đảo Natuna, nhưng “một số vùng lãnh hải ở biển Đông” hiện nằm trong vòng tranh chấp “chủ quyền chồng lấn nhau”.



Biển Đông : Có 8 hay trên 40 nước ủng hộ Trung cộng ?

Bản đồ Biển Đông trên quả địa cầu bày bán tại một quầy sách ở Bắc Kinh, Trung cộng, ngày 15/06/2016GREG BAKER / AFP

Bộ Ngoại Giao Trung cộng hôm 23/06/2016 cố biện hộ trước những nghi ngờ về số các quốc gia ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về vụ Phi Luật Tân kiện tại tòa quốc tế và nói rằng con số đang gia tăng mỗi ngày.

Reuters nhận định, Bắc Kinh đang trổ tài hùng biện trước khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về vụ kiện của Phi Luật Tân. Trung cộng từ chối tham dự, nói rằng mọi bất đồng phải được giải quyết qua thương lượng song phương.

Theo Bắc Kinh, có trên 40 quốc gia ủng hộ quan điểm của mình, và mới nhất là Zimbabwe và Sri Lanka.

Tuy nhiên theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, chỉ có 8 nước công khai tuyên bố ủng hộ, trong đó có những nước không hề có biển như Niger hay Afghanistan. Hôm qua, một quan chức cao cấp Mỹ cho biết rất nghi ngờ về con số do Bắc Kinh đưa ra.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung cộng Hoa Xuân Oánh hôm nay nói rằng có ít nhất 47 nước ủng hộ lập trường của Bắc Kinh, tuy nhiên một số nước chưa chính thức công bố. Bà nói : « Số quốc gia ủng hộ Trung cộng tăng lên mỗi ngày, vì vậy tôi không thể đưa ra con số cụ thể cho quý vị ».
Hoa Xuân Oánh nói thêm : « Miễn là có quan điểm khách quan và công bằng, miễn là hiểu được các điểm chính trong lịch sử Biển Đông và bản chất của cái gọi là ‘‘vụ kiện ở tòa trọng tài’’, bất kỳ quốc gia, tổ chức hay cá nhân nào không thiên vị đều sẽ không ngần ngại chọn lựa quan điểm đúng đắn của Trung cộng ».

Tuy nhiên Reuters cho biết, các viên chức và nhà phân tích đều có cùng nhận định là phán quyết sẽ rất bất lợi đối với Bắc Kinh.

Theo Reuters, Jakarta Post


Tin tổng hợp từ VOA, BBC, RFI, RFA