25.07.2016

Đi làm nhà hàng Việt ở Oslo - Di Nguyễn

Đi làm nhà hàng Việt ở Oslo
Di Nguyễn
Vietnam House. Từ đây có thể đi thẳng tới, hoặc đi ngược lại. Đi thẳng, nếu quẹo phải ở ngã tư đầu tiên, một lúc sẽ thấy Đà Lạt; nếu không quẹo mà tiếp tục đi thẳng, sẽ thấy bên kia đường có Lille Saigon 1. Đi ngược lại, nếu đi một lúc rồi quẹo trái ở ngã tư đầu tiên, đi một lúc sẽ thấy Hải cafe, đi thêm chút nữa sẽ gặp Øst, có một chủ người Việt một chủ người Hoa; còn nếu không quẹo mà tiếp tục đi thẳng, chừng vài bước sẽ gặp Far East, cũng là nhà hàng Việt.

Cả Na Uy có khoảng 21,000 người Việt, riêng ở Oslo chừng 6,000 – xét về số lượng có lẽ chẳng là bao so với một số nơi khác, nhưng ở xứ 5 triệu dân, là 1 trong 10 cộng đồng nhập cư lớn nhất. Oslo ngập tràn nhà hàng Việt,
thường tập trung quanh Sentrum hoặc Grünerløkka-Vietnam House, Nambo, Lille Saigon, Ðà Lạt, Xích Lô, Hải café, Phở Mai…; vài năm gần đây mọc lên các tiệm bán trà sữa trân châu, hoặc bán thức ăn đường phố như Bánh Mì hoặc Miss Gin. Một số nhà hàng tên Châu Á chung chung cũng của người Việt, như Far East, Øst, Lille Asia, East Kitchen… Thậm chí nhiều nhà hàng chẳng có hơi hướm liên quan đến Việt Nam, đặc biệt các tiệm sushi, cũng có chủ người Việt.

Thời gian vừa qua, vừa để lấy thu nhập thêm cho vui, vừa để quan sát và lấy kinh nghiệm, tôi đi làm ở một nhà hàng Việt. Sau đây là 7 quan sát thú vị sau một thời gian chạy bàn:

1.    Người Na Uy sẵn sàng thử cái mới.

Không phải người Việt nào cũng cương quyết trung thành với ẩm thực quê nhà, nhưng tôi từng thấy có người Việt đi nửa vòng trái đất sang Mỹ rồi cặm cụi đi tìm nhà hàng Việt, hoặc sang Paris suốt cả tuần mỗi ngày cứ kiên định ra quận 13 ăn phở, hoặc từ Mỹ sang du ngoạn 2 tuần Châu Âu mang theo gạo, nồi cơm điện và 1 lọ tương. Tôi cũng biết khá nhiều người Việt bê nguyên lối sống của Sài Gòn thập niên 70-80 sang California, vài chục năm ở Mỹ không bao giờ đặt chân vào một quán ăn không phục vụ món Việt. 

Người Na Uy chịu khó thử, và sẵn sàng thử. Mọi quán ăn của dân nhập cư ở Oslo đều có nhiều khách Na Uy; ở nơi tôi làm, đa phần khách là dân Na Uy hoặc dân nước khác. Và họ sẵn sàng thử. Ăn đũa? OK. Nước mắm? OK. Cà phê pha với sữa đặc? OK. Ðó là món gì? Bánh xèo? Ðể thử. Bò cuốn lá lốt, phải tự cuốn? OK, sẵn sàng thử, chỉ cần chỉ cách.

Thức ăn viết bằng tiếng Việt trong tiệm đường phố Miss Gin

2.    Người Việt và người Na Uy chọn đồ uống khác nhau

Ở đây người Việt thường gọi nước lạnh, cà phê, cà phê sữa đá, hoặc soda sữa hột gà. Người Na Uy thường chọn nước lạnh, bia, hoặc rượu, đôi khi chọn cà phê (nóng).

3.    Ở nơi tôi làm, những món được nhiều người thích nhất và chọn đi chọn lại là:
– Chả giò
– Gỏi cuốn
– Bò cuốn lá lốt
– Súp/ mì hoành thánh
– Phở bò tái hoặc phở đặc biệt
– Phở bò kho
– Bún bò/ gà xào
– Bún thịt heo nướng
– Mì xào thập cẩm
– Hủ tiếu xào gà hẹ cần
– Bò/ vịt xào thập cẩm
– Bò/ gà cà ri
– Bò/ gà/ tôm xào sả ớt
– Gà xào hột điều
– Bò/ gà xào mè
– Cơm chiên Dương Châu
– Gà/ vịt xào gừng ngò
– Tôm lăn bột
– Cơm đậu hủ xào sả ớt
– Hủ tiếu/ mì xào đậu hủ cần giá

Takeaway menu của Lille Saigon 1.

4.    Người Na Uy có thể ăn nước mắm.

Một trong những món khai vị đặc biệt hot là chả giò, tất nhiên ăn với nước mắm. 3 món được gọi nhiều nhất – bún gà xào, bún bò xào và bún thịt heo nướng, đi chung với một bát nhỏ để nước mắm. Khách ăn thoải mái, trừ người chay hoặc bị dị ứng.

Trường hợp duy nhất yêu cầu thay nước mắm bằng cái khác, trong toàn bộ khoảng thời gian tôi làm việc ở nhà hàng đó, là một gia đình người Việt (gọi chả giò): “Mấy em đẻ ở đây, không ăn được nước mắm.”

5.    Người Na Uy thường bị dị ứng nhiều hơn người Việt:

Tôi không bị dị ứng, cũng không thấy ở bất kỳ người Việt nào tôi quen hoặc tiếp xúc ở quán, trừ những người sống ở phương Tây một thời gian dính phải dị ứng phấn hoa.

Dân Viking lại bị khá nhiều – có người không ăn được gluten, có người dị ứng đậu phộng, người này tránh ớt chuông, người kia né hải sản, người khác lại không dung nạp lactose…

6.    Người Na Uy thường yêu cầu thay đổi thành phần nhiều hơn người Việt

Trừ một số trường hợp như kể ở điều số 4, đa phần người Việt chọn món nào chấp nhận món đó.

Khách Na Uy, có nhiều người gọi món kèm theo tí chút yêu cầu: gỏi cuốn nhưng bỏ tôm; gỏi cuốn nhưng không có thịt; gỏi cuốn nhưng không thịt không tôm, thay đậu hủ; bún gà xào nhưng đậu hủ thay gà; bún bò xào nhưng thay bò bằng tôm; phở bò tái nhưng không ăn bò, chỉ ăn rau; phở đặc biệt nhưng thêm tôm bỏ bò; cơm chiên Dương Châu nhưng không ăn thịt heo, đổi sang thịt gà, hoặc thay tôm nhỏ bằng tôm lớn; mì xào không bỏ hành; mì xào nhưng thay mì bằng hủ tiếu; món này bỏ ớt chuông; món kia thêm hạt điều; người muốn ít cay; người muốn cay nhưng “cay kiểu Na Uy, không phải cay kiểu Thái”; người khác lại muốn càng cay càng tốt, v.v…

Hải cafe.

7.    Không phải người Na Uy nào cũng trung thực

Tôi ghét lối suy nghĩ trắng đen, và hiển nhiên chưa bao giờ nghĩ mọi người Na Uy đều tử tế trung thực như nhau. Tuy nhiên, sống vài năm ở một quốc gia (tương đối) an toàn, trạm metro không cửa và trường đại học không cổng, đi chơi với đám bạn Na Uy thấy 1-2 trạm vẫn mua vé, và nếu lâu lâu đầu óc lãng đãng để quên túi đâu đó vài tiếng sau quay lại vẫn còn, người ta dễ dàng tin tưởng người khác, đặc biệt khi bản thân cũng được người khác tin tưởng. Chưa kể, thế giới vẫn thường ca ngợi các xứ Bắc Âu. Dần dần, tôi nghĩ, có những chuyện dân Na Uy sẽ không làm.

Cho tới khi tôi chạy bàn cho một nhà hàng Việt, và phát hiện ra có rất nhiều người Na Uy ăn xong đi luôn không trả tiền.

Không phải 1 lần. Không phải 2 lần. Không phải 3-4 lần.

Tháng tôi bắt đầu là tháng 7 – trong vài tháng đầu, tức là trong mùa hè và mùa thu, có thể bắc sang mùa đông, trung bình 2-3 tuần lại có một trường hợp ăn không trả tiền. Ngay lúc đó thì không biết, vì quán rất đông, và vì đám chạy bàn là một đám sinh viên đi làm thêm chưa qua một ngày đào tạo bài bản, nhưng sau đó đều biết. Mọi trường hợp tôi biết đều là dân da trắng. Mọi trường hợp. Da trắng, giọng chuẩn, nét Na Uy, khả năng cao chính là người Na Uy. Trong đó có 3 vụ tôi đặc biệt nhớ: 1- Một bà vào ăn với con nhỏ, sau đó trốn mất; 2- Một trong những ngày đầu, tôi ngờ ngợ một thanh niên vừa bước ra không trả tiền, tới khi kiểm tra và báo với anh đồng nghiệp, vị khách đã cách một quãng xa, sau đó anh đồng nghiệp phải rút tiền túi bù vào; 3- Một ông khách ngồi ăn một phần cơm, gọi 2 ly bia, gọi thêm một món tráng miệng, rồi đợi lúc quán đông nghẹt không ai để ý, bỏ đi.

Tôi nhớ được khoảng 5 trường hợp tôi phát hiện sớm và chặn lại trước khi ai đó bỏ đi, vì quên hoặc vì không muốn nhớ. Trong đó, nhớ rõ nhất là một lần ông nọ cười rất thản nhiên, bảo trả tiền rồi và không muốn quay trở lại, cù cưa qua lại cả buổi, thấy mình lì nhưng tôi còn lì hơn mới trở vào quán, và chấp nhận trả tiền.

Nếu một số người lựa lúc chen chúc để lẻn ra, một số người khác viện cớ để khỏi trả tiền. Chẳng hạn như 2 ông Na Uy nọ ăn vịt xào gừng ngò, một trong những món đắt nhất của tiệm. Ðôi khi, một số khách phàn nàn trong thức ăn có tóc, hoặc vụn bao plastic, hoặc cả một con ong đang giãy giụa- những chuyện đó có thể xảy ra, tôi tin họ. Nhưng lần đó, một ông bảo tìm thấy trong đĩa vịt một miếng nhựa thường dùng để cột bao hàng, trong quán không người nào nhận ra miếng nhựa đó- ai biết được nó có trong đấy, hay được bỏ vào? Thông thường người ta trả lại đòi phần mới, còn ông khách này ăn gần hết mới báo, và từ chối trả tiền. Không chỉ thế, miếng nhựa tìm thấy trong một đĩa, nhưng 2 vị khăng khăng không trả tiền cho cả 2 phần ăn, và lớn tiếng dọa đưa lên báo về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cuối cùng, vì chẳng ai thích rầy rà phiền phức, và mặt khác nhân viên cũng chẳng được tình cảm hay quyền lợi gì bao nhiêu để hết mình bảo vệ chủ và nhà hàng, mọi người để 2 vị khách đi.

Trong bài khác, tôi sẽ viết về điều kiện làm việc và quan hệ chủ- nhân viên trong (một) nhà hàng Việt ở Oslo.

Khách Na Uy ở Bambus Sushi- Byporten. Chuỗi Bambus có 8 tiệm ở Oslo.