16.09.2016

DÂN TRÍ THẤP”?! - Fb Nguyễn Thị Bích Ngà

"Người Việt Nam chưa bao giờ được dạy phương pháp tư duy độc lập."

DÂN TRÍ THẤP”?!

Ảnh phụ đề câu nói của Phó Chủ tịch Hội nhà báo VN Hà Minh Huệ “Dân trí thấp, không thể tùy tiện trưng cầu dân ý”. Nguồn: internet

Tập tính đám đông hay còn gọi là bầy đàn, là thuộc tính của con người. Nó chỉ mất đi khi con người biết tư duy bằng chính khối óc của mình. Những tiến bộ đột phá của nền văn minh nhân loại đều đến từ những cá nhân biết tư duy độc lập và hoài nghi về cái gọi là “trí khôn của đám đông.”


Một xã hội nơi mà con người không thể, không dám đào sâu suy nghĩ vào tận gốc rễ để hiểu bản chất sự vật, sự việc, con người mà chỉ hời hợt vật vờ với những sự kiện bề mặt thì tất yếu tập tính bầy đàn tăng cao và đó là một xã hội bất hạnh, dễ bị lợi dụng và chỉ tồn tại mà không sống.

Việt Nam trước kia thuộc chế độ phong kiến với tập quán làng xã, co cụm, nghèo và lạc hậu, con người bị bó buộc. Sau 1945, những tưởng sẽ có nhiều thay đổi, nhưng chính sách ngu dân để trị lại được chính quyền mới-chính quyền từ cướp được mà có-tiếp tục duy trì bằng những hình thức trí trá, tinh vi, khó phát hiện hơn.

Người dân liên tục bị áp bức, bóc lột bằng hình thức này hoặc hình thức khác. Tính phản kháng trong bản năng con người bị đè bẹp bởi những giáo điều phong kiến từ trong gia đình cho đến xã hội, sau đó là bởi những tuyên truyền dối trá, đe dọa và nhà tù. Người Việt Nam chưa bao giờ được dạy phương pháp tư duy độc lập.

Tôi đã nhiều lần tự hỏi, vì sao người Việt không sản xuất được cái gì, không có phát minh nào đóng góp cho nhân loại, không có một tư tưởng gì, không có cả một điệu múa đặc trưng. Từ con ốc vít trở đi cho đến văn hóa, tư tưởng, triết lý…đều phải đi vay mượn của người. Người Việt dở, lười, ngu ngốc? Không. Bởi khi đi ra nước ngoài, nơi mà con người được tự do tư duy, được dạy phương pháp tư duy độc lập, người Việt rất tài năng trong nhiều lĩnh vực.

Một xã hội muốn thay đổi, con người sống trong đó phải tích cực vận động. Muốn thay đổi xã hội tụt hậu hiện nay, việc đầu tiên phải là thay đổi phương pháp giáo dục. Nhưng với chế độ hiện hành, người dân không được phép thay đổi phương pháp giáo dục, không được phép tự do tư duy độc lập, mọi việc phải đúng định hướng.

Trong bối cảnh trí thức chưa dám phản biện, chưa dám quyết sống quyết chết để bảo vệ chân lý, công bằng và sự công chính, các thầy cô giáo chưa dám cương quyết phản đối chương trình dạy phản giáo dục, các bậc phụ huynh và sinh viên học sinh chưa dám xé sách và đòi bằng được một chương trình giáo dục nhân bản, có phương pháp, khơi gợi tiềm năng con người…thì người dân sẽ còn mãi thuộc thành phần “dân trí thấp,” đất nước sẽ tiếp tục tụt hậu, chính quyền cai trị sẽ mãi bền vững dù thối nát đã tới tận cùng.

“Dân trí thấp” là do đâu? Vì ai? Người dân có lỗi trong việc này không? Tôi cho rằng, trách nhiệm trước hết là ở nhà cầm quyền, sau đến thuộc thành phần trí thức. Một nghịch lý nữa ở Việt Nam là, những người cai trị và thành phần trí thức rất thường chửi dân ngu. Tại sao? Họ chửi dân ngu bởi đó là một hình thức đổ thừa một cách hay ho nhất mà họ có thể nghĩ ra cho người yếm thế nhằm rũ bỏ trách nhiệm của chính họ với cộng đồng.

Khôn quá hóa hèn”- chữ của nhạc sĩ Trần Tiến, trong ca khúc Trần Trụi.