08.09.2016

Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 08.09.2016)

Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 08.09.2016)

Cựu Đại sứ Trung cộng cảnh báo: Đắc tội với Mỹ phải trả giá rất lớn

Những lùm xùm đón tiếp đoàn Mỹ tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, theo cựu Đại sứ Mexico ở Trung cộng, có thể giúp nước chủ nhà bắn đi thông điệp “không sợ cường quyền”, nhưng với cựu Đại sứ Trung cộng ở Iran, việc đắc tội với Mỹ sẽ phải trả giá rất lớn.
 Ông Hoa Lê Minh
Mấy năm lại đây, dù là trong vấn đề Biển Đông hay vấn đề kinh tế, Trung cộng đều thể hiện rõ lập trường cứng rắn và tư thế chủ động tiến công, khiến thế giới tròn mắt. Dường như, Bắc Kinh đang tích cực thúc đẩy chuyển đổi trật tự quốc tế.


Tuy nhiên, với cách nhìn thực sự cầu thị, cựu Đại sứ Trung cộng tại Iran Hoa Lê Minh cho rằng Mỹ hiện là siêu cường duy nhất thế giới, không chỉ mạnh nhất về thực lực quân sự, mà còn mạnh nhất về thực lực kinh tế. Quan trọng hơn, sức mạnh mềm của Mỹ cũng rất mạnh.

Phát biểu trên Truyền hình Vệ tinh Phượng Hoàng của Hong Kong (Trung cộng), ông Hoa Lê Minh nhấn mạnh:“Nếu Mỹ muốn đối địch với một quốc gia nào, quốc gia đó sẽ phải trả giá đắt, điển hình nhất là trường hợp của Iran.

 Sau cuộc cách mạng năm 1979, Iran đã lựa chọn con đường đối địch với Mỹ và trong gần 38 năm qua, nước này đã phải trả giá lớn, thậm chí đã hy sinh cả một thế hệ mãi tới khi ký được thỏa thuận hạt nhân (vào tháng 7/2015).

 Điều đó có nghĩa Mỹ không thể bị đắc tội. Mỹ không cần phải đưa tàu chiến, máy bay tới xâm lược, nhưng chỉ bằng đòn trừng phạt kinh tế hoặc tiến hành cô lập về ngoại giao, nước đối tượng sẽ khốn khổ”.

 Vì vậy, ông Hoa Lê Minh cho rằng Trung cộng cần phải nâng cao sức mạnh mềm, nỗ lực thật nhiều, nhất là phải kết giao thêm nhiều bạn bè, để Trung cộng được tôn trọng hơn trên thế giới, trở thành điểm đến của người dân thế giới.

Tuy nhiên, theo ông Hoa Lê Minh, ở khía cạnh này, Trung cộng hiện nay có thể vẫn chưa làm được.

Trong một diễn biến liên quan, những lùm xùm đón tiếp đoàn Mỹ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, theo tờ Guardian của Anh, New York Times của Mỹ, là hành động đối xử theo cách làm người ta khó chịu cho dù là theo tiêu chuẩn của Trung cộng.

Về phần mình, cựu Đại sứ Mexico tại Trung cộng, ông Jorge Guajardo nhận định người Trung cộng là “bậc thầy về lễ tân”, họ không thể phạm lỗi lễ tân như vậy bởi mỗi chi tiết đều có quy định, không thể có sai phạm, ngoại trừ việc cố ý làm mất mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama để bắn đi thông điệp rằng: “Anh không phải là cái gì đặc biệt đối với chúng tôi. Chúng tôi không sợ cường quyền”.

Trước đó, vào ngày 3/9, khi máy bay chở ông Obama hạ cánh xuống sân bay Hàng Châu, một quan chức người Trung cộng bắt đầu lớn tiếng với đoàn nhân viên Tòa Bạch Ốc khi thấy một nhóm phóng viên Mỹ đi theo Tổng thống cùng xuống sân bay.

Viên chức Trung cộng này ngăn cản Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice và Phó Cố vấn Ben Rhodes khi thấy họ cố đến gần ông Obama. Đôi bên đã lời qua tiếng lại và cuộc cãi vã chỉ được giải quyết sau khi một nhân viên mật vụ Mỹ can thiệp.


Hải quân Hoa Kỳ lo ngại về việc Trung cộng chuẩn bị cải tạo bãi Scarborough
Tàu nạo vét của Trung cộng được thấy ở vùng biển chung quanh Đá Vành Khăn (Mischief Reef, quần đảo Trường Sa). Ảnh chụp từ máy bay Poseidon 8A của Mỹ, ngày 21/05/2015.Reuters/U.S. Navy/Handout via Reuters
Theo báo Navy Times của Hải quân Hoa Kỳ ấn bản trên mạng đề ngày 08/09/2016 chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy Trung cộng có dấu hiệu chuẩn bị xây dựng trên bãi cạn Scarborough, nhưng Hải quân Hoa Kỳ không loại trừ khả năng đây là bước đầu để Bắc Kinh cải tạo đảo như đã từng làm trong quá khứ.
Tờ báo nhắc lại ngày 05/9/2016 Manila đã yêu cầu đại sứ Trung cộng tại Phi Luật Tân giải thích sau khi phát hiện nhiều tàu Trung cộng hiện diện gần bãi cạn Scarborough, mà theo Manila thực thể đó thuộc chủ quyền của Phi Luật Tân. Bộ Quốc Phòng Phi Luật Tân nghi ngờ Bắc Kinh đang có ý định cải tạo bãi đá này.
Bộ Ngoại Giao Trung cộng đã lập tức bác bỏ những cáo buộc trên. Bên lề thượng đỉnh ASEAN tại Vientiane Lào, Trung cộng một lần nữa đã nhắc lại : lời tố cáo của chính quyền Manila là không có cơ sở.
Trả lời báo Navy Times, hai viên chức Hải quân Mỹ xin được giấu tên cũng ghi nhận là tới nay, chưa có bằng chứng rõ rệt về hoạt động cải tạo đảo của Trung cộng ở bãi đá Scarborough, nhưng tiếng chuông báo động của Phi Luật Tân cũng đủ làm phía Hoa Kỳ lo ngại vì 2 lý do : khả năng Trung cộng xây thêm đảo nhân tạo nói trên sẽ làm « gia tăng đáng kể rủi ro xẩy ra xung đột » và hai là trong quá khứ, sự hiện diện của tàu nạo vét Trung cộng thường là bước đầu cho các công trình xây dựng của quốc gia này ở những vùng có tranh chấp.

Nhật cung cấp tàu tuần duyên cho Việt Nam

Nhật Bản sẽ cung cấp tàu tuần cho Việt Nam trong tình hình tranh chấp lãnh hải hiện nay.
Một tàu tuần tra Trung cộng gần một tàu tuần tra Nhật Bản trong vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 11 tháng 7 năm 2012.  AFP photo

Hôm qua, chính phủ Nhật Bản nói sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam những tàu tuần tra mới. Đây được cho là bước mới nhất của Tokyo giúp Hà Nội tăng cường khả năng thực thi pháp luật tại vùng biển đang xảy ra tranh chấp giữa Trung cộng, Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei và Việt Nam.
Thông báo của phía Nhật như vừa nêu được đưa ra trong cuộc gặp giữa thủ tướng Shinzo Abe với người tương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc bên lề các cuộc gặp giữa khối ASEAN và các nước đối tác đang diễn ra ở Lào.
Vào ngày thứ ba vừa qua, Nhật Bản cũng thông báo đồng ý cấp cho Phi Luật Tân hai tàu tuần tra mới cũng như cho Manila mượn đến 5 máy bay trinh sát.
Nhật Bản “đặc biệt quan ngại” về vấn đề tình hình căng thẳng gia tăng tại Biển Đông do Trung cộng có thêm các hoạt động quân sự lẫn dân sự ở khu vực đó.

Hãng thông tấn AFP hôm qua loan tải lời phát biểu vừa nêu của Thủ tướng Shinzo Abe với lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tại thượng đỉnh ASEAN đang diễn ra ở thủ đô Vientiane, Lào.

Thủ tướng Nhật nhấn mạnh rằng ông rất quan ngại trước động thái Bắc Kinh tiếp tục đơn phương cố thay đổi hiện trạng ở vùng Biển Đông.

Ông Shinzo Abe nói thêm là hy vọng các quốc gia có tranh chấp ở khu vực Biển Đông tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế trong vụ Phi Luật Tân kiện Trung cộng, theo đó các bên phải cùng liên kết trên tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế để có thể đạt được một giải pháp hòa bình trong vùng biển có tranh chấp chồng lấn này.


Biển Đông : Tuần duyên Trung cộng là thủ phạm hầu hết các đụng độ

Tàu tuần duyên Trung cộng phun vòi rồng vào tàu cảnh sát biển Việt Nam, tiếp cận khu vực giàn khoan 981 nằm trong vùng thềm lục địa Việt Nam, ngày 08/05/2014.Ảnh : Reuters

Các hành động ngày càng hung hãn hơn của các tàu tuần duyên Trung cộng trên Biển Đông có nguy cơ gây bất ổn cho khu vực. Các « tàu lạ » ngang ngược trên Biển Đông hầu hết là tàu Trung cộng. Trên đây là kết luận của các tác giả một công trình nghiên cứu, mới được công bố, về các sự cố trên tuyến đường hàng hải quan trọng này, được Reuters loan tin ngày 07/09/2016.

Trong khi các nhà quan sát đang lo ngại nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột toàn diện tại vùng biển tranh chấp, không thể coi thường mối nguy hiểm từ những sự cố có liên quan đến các tàu tuần duyên Trung cộng. Bà Bonnie Glaser, chuyên gia an ninh khu vực của CSIS (Center for Strategic and International Studies – Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế) đặt tại Washington nhận định như trên.

Các nhà nghiên cứu của CSIS đã nêu ra chi tiết của 45 vụ đụng độ tại Biển Đông kể từ năm 2010, trong một công trình khảo sát được công bố tuần này trên trang web ChinaPower. Nghiên cứu trải rộng trên nhiều địa điểm và liên quan đến nhiều loại tàu khác nhau, nhưng hành vi của các tàu tuần duyên Trung cộng thống trị bức tranh toàn cảnh.

Lực lượng tuần duyên của Bắc Kinh có liên can 30 trường hợp trong số những vụ đụng độ được ghi nhận, tức đến hai phần ba. Bốn sự cố khác liên quan đến các tàu chấp pháp của hải quân Trung cộng.

Báo cáo nêu ra vụ gần đây nhất xảy ra vào ngày 9/7, hai tàu đánh cá QNg 90479 TS và QNg 95001 TS của Việt Nam đang hoạt động gần Đá Lồi (Discovery Reef) tại Hoàng Sa, đã bị hai tàu tuần duyên Trung cộng Haijing 46101 và Haijing 35103 đâm chìm, và ngăn cản không cho các tàu cá Việt Nam khác đến cứu vớt các ngư dân bị rơi xuống biển.

Bà Glaser nói với hãng tin Reuters : « Những bằng chứng rõ ràng cho thấy đây là cách hành xử tiêu biểu của Trung cộng, đi ngược lại với việc thực thi pháp luật thông thường. Chúng tôi thấy họ bắt nạt, quấy rối, đâm vào tàu tuần duyên và tàu đánh cá nhỏ hơn của các nước khác, thường là nhằm xác quyết chủ quyền tại Biển Đông ».

Công trình nghiên cứu này cũng tính đến vụ nghênh chiến giữa Bắc Kinh và Hà Nội, do Trung cộng cho kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 đến vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 2014, cũng như vụ đối đầu căng thẳng với Phi Luật Tân năm 2012 mà kết cục là Trung cộng chiếm luôn bãi cạn Scarborough.

Ngay giữa hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào hôm nay, có sự tham dự của tổng thống Mỹ Barack Obama, Phi Luật Tân đã cho công bố rộng rãi hình ảnh chứng minh các tàu tuần duyên và xà lan Trung cộng di chuyển đến Scarborough, nghi ngờ Bắc Kinh âm mưu xây đảo nhân tạo tại đây. Được hãng tin AP hỏi sự hiện diện của tàu tuần duyên Trung cộng gây phiền nhiễu cỡ nào, phát ngôn viên của tổng thống Rodrigo Duterte, ông Ernesto Abella trả lời : « Đủ để loan báo việc này ».

Quốc gia Hải dương cục, cơ quan chủ quản của lực lượng tuần duyên Trung cộng, hiện chưa trả lời câu hỏi của Reuters về công trình nghiên cứu của CSIS.

Công trình này định nghĩa một sự cố là khi tàu tuần duyên hoặc hải quân của một nước sử dụng những biện pháp cưỡng bách vượt ra ngoài khuôn khổ luật pháp cho phép.

Chuyên gia Bonnie Glaser nói rằng trong ngắn hạn, bà tin rằng nguy cơ gây thương tích hoặc tử vong có thể dẫn đến hậu quả tệ hại là đụng độ mang tính dân sự, hơn là giữa các lực lượng hải quân trên Biển Đông – xét đến tần số và cường độ các sự cố trong những năm gần đây. Thông tin liên lạc chưa được mở rộng để ngăn ngừa các vụ chạm trán giữa lực lượng tuần duyên các bên, cũng như đối với hải quân. 

Bản khảo sát dẫn ra những số liệu cho thấy việc Trung cộng hợp nhất các lực lượng hải cảnh, hải giám, ngư chính… vào năm 2013, đi đôi với việc tăng cao ngân sách, đã khiến lực lượng tuần duyên Trung cộng trở thành lớn nhất thế giới.

Theo tình báo Hải Quân Hoa Kỳ, hiện nay lực lượng này có 205 chiếc tàu, trong đó có 95 tàu trọng tải trên 1.000 tấn – một hạm đội quy mô vượt xa các nước khác trong khu vực, kể cả Nhật Bản. Còn Naval War College Review cho biết, trong 5 năm qua, ngân sách bình quân hàng năm dành cho tuần duyên Trung cộng là 1,74 tỉ đô la ; so với Nhật Bản 1,5 tỉ đô la, Việt Nam 100 triệu đô la và Phi Luật Tân 200 triệu đô la.

Tóm lại theo CSIS, các « tàu lạ » ngang ngược trên Biển Đông hầu hết là tàu Trung cộng. Các nhà nghiên cứu tố cáo việc huy động lực lượng tuần duyên - theo truyền thống chỉ nhằm thực thi pháp luật trên biển – vào việc xác quyết chủ quyền, khiến Biển Đông thêm sóng gió, làm mất ổn định tại châu Á.


Biển Đông: Quan điểm trung lập « tích cực » của Pháp

Tổng thống Pháp François Hollande được chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang (T) đón tiếp ngày 6/09/2016 tại Hà Nội.REUTERS/Minh Hoang/Pool

Trong chuyến công du đến Việt Nam ngày 05/09/2016, tổng thống François Hollande đã cho thấy mối quan tâm của Pháp đến Biển Đông, trong bối cảnh Paris được cho là ngày càng muốn đóng một vai trò năng động hơn tại châu Á. Mối quan tâm này đã được chính thức ghi nhận trong bản Tuyên Bố Chung Việt Pháp, công bố ngày 06/09/2019, sau cuộc tiếp xúc thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ François Hollande và Trần Đại Quang tại Hà Nội.
Trong số 19 điểm của bản Tuyên Bố Chung Việt - Pháp, điểm 18 được dành riêng cho vấn đề Biển Đông và ghi rõ :

« Hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở khu vực. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. »

Sự đặc biệt nằm trong phần thứ hai trong điểm 18 của bản Tuyên Bố Chung Việt-Pháp khi hai nước đều nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về Biển Đông :

« Sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực ngày 12/7/2016, hai bên khẳng định tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). »

Trong một điểm khác, Tuyên Bố Chung Việt-Pháp nhân chuyến công du Việt Nam của tổng thống Pháp François Hollande còn xác định hướng thắt chặt quan hệ hợp tác quân sự và quốc phòng giữa hai nước : « Hai bên nhất trí tăng cường đối thoại chiến lược về quốc phòng và tiếp tục hợp tác về (...) các chuyến thăm của tàu quân sự, trang thiết bị quốc phòng (...). Hai bên mong muốn mở rộng hợp tác về an ninh và an toàn hàng hải, hàng không. »

Trong buổi họp báo chung cùng với chủ tịch nước Việt Nam tại Hà Nội, tổng thống Pháp đã nhắc lại một số nguyên tắc trong đó có việc « tôn trọng quyền tự do hàng hải, tôn trọng Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ». Theo ông Hollande, nước Pháp sẵn sàng « hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ vùng biển của mình ». Theo ghi nhận của đặc phái viên báo Le Monde, ý sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam cũng đã được tổng thống Pháp nhắc lại trước các sinh viên và giảng viên đại học tại Hà Nội.

Theo các nhà quan sát, tổng thống Pháp như vậy đã làm rõ thêm lập trường của Paris trong vấn đề Biển Đông, đáp ứng phần nào mong đợi của Hà Nội, đã được chính chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang nêu lên ngày 24/08 khi ông tuyên bố với hãng tin Pháp AFP rằng Việt Nam « rất tán đồng việc Pháp và các nước khác tham gia vào tiến trình duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và trên Biển Đông... để bảo đảm an ninh và quyền tự do lưu thông trên không và trên biển ».

Về quan điểm của Pháp trên vấn đề Biển Đông, trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI trước khi tổng thống François Hollande đến Việt Nam, tướng Daniel Schaeffer, chuyên gia Pháp về Biển Đông thuộc trung tâm nghiên cứu Asie21 cho rằng cũng như Liên Hiệp Châu Âu hay là Mỹ, Paris giữ thái độ trung lập trên vấn đề tranh chấp chủ quyền nhưng rất quan tâm đến nhu cầu tôn trọng luật biển quốc tế và quyền tự do hàng hải:

DS : Để trả lời câu hỏi của ông, trước hết tôi xin nói là tôi không hề có quan hệ với các giới chức chính phủ Pháp, cho nên tôi không thể biết một cách chính xác là quan điểm của chính phủ Pháp về Biển Đông, cụ thể ra sao.
Điều duy nhất mà tôi có thể nói là thông qua phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tại Đối Thoại Shangri La ở Singapore mới đây, và những phát biểu trong khuôn khổ các cuộc họp của nhóm G7 tại Nhật Bản, nước Pháp muốn duy trì tuyệt đối một thái độ trung lập trên vấn đề Biển Đông, nhưng rất quan tâm đến việc tôn trọng luật biển quốc tế nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải.

Trên điểm này, lập trường của Pháp tương đồng với quan điểm của rất nhiều nước khác, từ Mỹ cho đến Nhật, Úc, vân vân.

Về yêu cầu giúp đỡ mà Việt Nam nêu lên, tôi cho rằng có một số hướng để đáp ứng. Tuy nhiên, nước Pháp cũng như phần còn lại của Châu Âu phải có quan điểm trung lập trên vấn đề này.

Điều duy nhất mà Pháp và Liên Hiệp Châu Âu có thể làm là yêu cầu Trung cộng tôn trọng luật biển quốc tế, điều mà Bắc Kinh nói là họ vẫn làm, nhưng trong thực tế thì không hẳn là như vậy nếu ta xem xét quan điểm của Trung cộng trên những vấn đề đang diễn ra.

Pháp có thể yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng phán quyết Biển Đông
Theo tướng Schaeffer, vấn đề yêu cầu Trung cộng tôn trọng luật biển quốc tế đã trở nên dễ dàng hơn sau khi quốc tế đã có phán quyết về tính bất hợp pháp của các yêu sách chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh:

DS: Pháp có thể yêu cầu Trung cộng tôn trọng phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye bởi vì phán quyết này không chỉ liên quan đến Phi Luật Tân – ta không nên giới hạn phán quyết này trong phạm trù song phương Phi Luật Tân-Trung cộng – mà còn liên quan đến tất cả các nước ven Biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Brunei, và cả Indonesia, vì đường « lưỡi bò » của Trung cộng cũng bao gồm một phần vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở khu vực quần đảo Natuna ở miền Đông Bắc.
Không chỉ có Phi Luật Tân được hưởng lợi từ phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye, mà tất cả các nước ASEAN đều có lợi.

Một ví dụ cụ thể là Việt Nam. Ít ra là trên bình diện pháp lý, toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được chính thức thừa nhận, kể cả khu vực trải rộng đến tận bãi Vanguard Bank, phía Tây quần đảo Trường Sa.
Nước Pháp như vậy là có thể yêu cầu Trung cộng tôn trọng các cam kết của họ khi ký kết Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982, đặc biệt là Điều 298.

Trong điều này, Bắc Kinh chỉ giữ lại phần đầu, tức là không chấp nhận các phán quyết của trọng tài quốc tế liên quan đến việc phân định hải phận, vùng tiếp giáp và vùng đặc quyền kinh tế, trong lúc mà điều khoản đó của UNCLOS đi xa hơn rất nhiều, và cho rằng việc không chấp nhận phán quyết chỉ có thể được thực hiện với một số điều kiện. Phi Luật Tân khi nộp đơn kiện Trung cộng đã tuân thủ các điều kiện đó, còn Trung cộng thì bỏ qua hẳn phần thứ hai này.

Pháp nỗ lực thuyết phục Châu Âu tuần tra Biển Đông, Luân Đôn ủng hộ Paris

Cho dù lập trường chung của Pháp trong vấn đề Biển Đông là trung lập, nhưng tướng Schaeffer cũng như nhiều nhà phân tích khác đều ghi nhận nỗ lực của Paris trong việc thuyết phục Liên Hiệp Châu Âu có biện pháp cụ thể trong việc bảo vệ luật biển quốc tế tại Biển Đông : Đó là tổ chức các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng không và hàng hải :

DS : Tôi không biết là nước Pháp có khả năng buộc Trung cộng hiểu ra điều đó hay không mà không tỏ ra thiên vị Việt Nam, Malaysia hay Phi Luật Tân. Theo tôi, nước Pháp phải giữ lập trường trung lập trên vấn đề Biển Đông, và nhấn mạnh trên sự thiết yếu phải tôn trọng luật lệ quốc tế.
Điều đó có thể làm phía Việt Nam phần nào thất vọng, nhưng Pháp không thể ngả hẳn theo phía Việt Nam. Pháp có thể đưa ra một số gợi ý, nhưng không thể có lập trường nào khác hơn là trung lập, và Châu Âu cũng vậy.
Cái hay là bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Le Drian đã mời các quốc gia châu Âu khác tham gia vào các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, như là Mỹ đã làm, không phải là để khiêu khích Trung cộng, mà là để nói với mọi người rằng « Pháp và châu Âu cũng có lợi ích trong việc quyền tự do hàng hải được tôn trọng ở Biển Đông, trong việc Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển được tuân thủ.

Ông Le Drian đã từng tuyên bố là nếu không được tôn trọng ở Biển Đông, luật lệ quốc tế có nguy cơ bị coi thường ở phần còn lại trên thế giới.
Vấn đề là phải làm sao cho Trung cộng hiểu được là phán quyết của Tòa Thường Trực không phải là nhằm vào Trung cộng, mà là để thực thi luật biển quốc tế.

Có đào bới bản phán quyết đến đâu, thì cũng không thấy điểm nào bất công đối với Trung cộng, cho dù nước này đã tập hợp được một số nước ủng hộ.

Phải nói là Pháp không đơn độc trong ý muốn tuần tra vì quyền tự do lưu thông trên Biển Đông. Hôm 05/09/2016, bộ trưởng Quốc Phòng Anh Quốc Michael Fallon đã khẳng định rằng Luân Đôn và Paris đều « tay trong tay » trên vấn đề quyền tự do hàng hải trên Biển Đông.


Theo tin RFI, RFA, VOA