23.02.2017

Lao Động Người Việt ở Đài Loan

Lao Động Người Việt ở Đài Loan

Người Việt ở Đài Loan làm nhiều ngành nghề đa dạng như làm tiệm nail, mát xa, bán trầu, giúp việc nhà... Phần lớn họ đều xác nhận việc gì cũng làm, miễn lương cao và không bị phân biệt đối xử.

Tốt nghiệp Đại học ở Đài Loan vẫn đi làm thợ Nail

Anh Sang đang cần mẫn làm móng tay cho khách ẢNH: LUCY NGUYỄN

Bước vào tiệm nail Little Sea, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy một chàng trai Việt khá điển trai, cao lớn đang tỉ mỉ ngồi sơn phết móng tay cho khách hàng nữ. Bên cạnh là một thợ học việc nữ cũng người Việt đang chú ý quan sát.

Sang học đại học tại Đài Loan từ 11 năm trước, sau khi tốt nghiệp chàng trai Sang (29 tuổi) từng có nhiều thời gian đi làm tại các công ty Đài Loan với mức lương cũng thuộc loại khá, song anh vẫn quyết định nghỉ việc, đi học một khóa làm nail và tự mở tiệm cùng chị gái suốt 2 năm qua trong một con hẻm nhỏ đường Tùng Giang, khu Trung Sơn, TP.Đài Bắc.


Vừa nhẹ nhàng bôi nốt lớp sơn bóng lên móng tay khách, Sang cho biết anh phải tốn 35.000 Đài tệ/tháng (25 triệu đồng) để thuê mặt bằng và vừa làm ông chủ, vừa làm nhân viên. Anh sơn móng thành thạo, dán lông mi, còn chị gái anh phụ trách xăm chân mày. Sang cho biết do móng tay của tiệm anh vẽ theo gu thời trang Nhật Bản, giá vừa phải nên được khách hàng ưa chuộng và ủng hộ. Để tạo công ăn việc làm cho những người Việt khác yêu thích công việc này, Sang nhận đồng hương vào học việc để truyền nghề.

Một khách hàng Việt đang ở tiệm nail cho biết, từ khi tiệm này mở đến nay đều rất đông khách, hầu như không nghỉ ngày nào trừ mấy ngày tết do quá mệt không làm xuể. Các khách quen người Việt và người Đài thường mách nhau tới đây, có khi rủ cả các nhân viên cùng chung công ty tới làm. Giá làm một bộ móng tay trung bình từ 500 - 1.000 Đài tệ (350.000 - 700.000 đồng), giá cặp một bộ lông mi giả khoảng 2.200 Đài tệ (1,5 triệu đồng).

Chạy hai việc một lúc

Phương (33 tuổi, người Cần Thơ) vừa thoăn thoắt gói trầu, vừa kể làm công việc bán trầu ca đêm tại tiệm trầu ở đường Cát Lâm, khu Trung Sơn, TP.Đài Bắc này đã 11 năm qua (nam giới Đài Loan ăn trầu rất phổ biến). Thời gian đầu, cô làm liền 2 ca bán trầu, gói trầu, cho vào bao bì đóng gói 16 miếng/gói. Công việc cũng không vất vả, có thể vừa làm, vừa chat webcam với người thân. Các gói trầu sau khi đóng gói trong túi ni lông sẽ được xếp vào từng khay, để trong ngăn làm lạnh.

Trầu để lạnh ăn sẽ ngon hơn”, Phương giải thích. Cô cho biết gần đây cô mới thay đổi, chỉ làm ca tối, còn buổi sáng đi phụ bán thêm đồ ăn sáng. Để có được thu nhập 60.000 Đài tệ/tháng (42 triệu đồng), cô phải làm việc liên tục 15 - 16 tiếng đồng hồ. Giải thích lý do phải làm việc vất vả như vậy, Phương cho biết cô đã ly dị người chồng Đài Loan và phải nuôi hai đứa con 13 tuổi và 11 tuổi. “Không vất vả như vậy, làm sao nuôi được 2 đứa con”, Phương nói.

Khác hẳn với ấn tượng cũ về các cô gái bán trầu ở Đài Loan thường ăn mặc hở hang, xinh đẹp và trẻ trung đứng trong các khu lồng kính, Phương lại ăn mặc kín đáo khi đứng bán trầu. Giải đáp thắc mắc này của tôi, Phương cho biết gái bán trầu thời nay khác với thời xưa, ăn mặc kín đáo nhưng vẫn đắt khách. Chủ tiệm cũng không quy định nhân viên phải ăn mặc mát mẻ đứng bán trầu nữa. “Bán trầu đắt hàng lắm, chủ tiệm của em có 16 cửa hàng bán trầu, riêng tiệm em làm có 3 cô VN, nghề dạy nghề, cứ tự hướng dẫn cho nhau. Còn số lượng các cô gái Việt bán trầu ở Đài Loan nhiều không kể xiết,” Phương cho biết.

Anh Hiền (quê Quảng Ngãi) cho biết hiện cũng đã có thu nhập đảm bảo nhưng phải chạy đua làm hai việc ở hai nơi: sáng làm quét dọn, chiều nấu ăn cho một quán lẩu của người Đài Loan. Cũng như chị Phương, anh Hiền, số người lao động Việt tranh thủ làm hai nghề một lúc với 15 - 16 giờ đồng hồ/ngày càng nhiều bởi ai cũng muốn tranh thủ thời gian để kiếm tiền. 

Đằng nào cũng khổ rồi, đã mang tiếng lao động nước ngoài làm thuê rồi thì cũng mong đổi sức lao động để có được một khoản thu nhập xứng đáng”, Thu - một cô gái bán ở tiệm ăn VN nói. Được biết số người Việt làm việc tại các tiệm trầu, tiệm nail và các quán ăn Việt ở Đài Loan hiện chiếm con số không nhỏ.

Ngoài ra, các nghề như nuôi người bệnh tại bệnh viện, chăm sóc người già tại nhà... cũng phải làm việc trung bình 16 tiếng/ngày với thu nhập trung bình 40.000 Đài tệ/tháng. Thu nhập trung bình của cô Anh (40 tuổi, quê Thái Bình) làm nghề mát xa với thâm niên 4 năm qua cũng được trung bình từ 50.000 - 80.000 Đài tệ/tháng (35 - 56 triệu đồng).

Nghề giúp việc nhà: Nước mắt nơi đất khách

Để có được thu nhập ổn định và đủ tiền gửi về, thu vén cho gia đình, không ít người lao động Việt phải cắn răng nhẫn nhục làm việc và đánh đổi không ít máu và nước mắt.

Chị Vĩnh đã trải qua nhiều tháng ngày cay đắng nơi đất kháchẢNH: LUCY NGUYỄN

Khóc ròng nơi đất khách

Sang Đài Loan với một chữ tiếng Hoa bẻ đôi không biết, chị Vĩnh, 41 tuổi, quê Hải Dương, cũng như phần lớn người Việt khác mới sang đều chỉ biết nhẫn nhịn làm việc, dù công việc vất vả tới mấy cũng không biết cách nói và phản ứng lại với chủ ra sao. Thời gian đầu khi chưa phổ cập internet, việc liên hệ về nhà qua điện thoại còn đắt đỏ, nhiều lao động Việt rất thiếu tình cảm. Nhiều người chỉ biết khóc thầm vào đêm khuya sau khi cả nhà chủ đã ngủ say. Người nào may mắn gặp chủ nhà tốt thì đỡ, còn người nào không may gặp phải chủ tồi thì chỉ biết khóc.

Chị Vĩnh từng có những ngày tháng phải phục vụ cả đại gia đình lên tới hơn 10 người, dù trong hợp đồng lao động không như vậy. “Phần lớn người trong nhà bà chủ đều là thanh thiếu niên. Chúng rất nghịch. Chỉ riêng phục vụ họ suốt ngày như vậy đã đủ mệt. Bố của chủ nhà, trên 85 tuổi, rất khó tính, ăn trưa phải đúng 12 giờ, ăn tối phải đúng 7 giờ. Thức ăn phải đủ các món mặn, rau canh, thiếu món nào, ông sẽ tức giận ngay. Nếu tôi bưng cơm từ lầu 1 lên lầu 3 nơi ông ở, sớm có 3 phút, ông cũng không ăn, còn mắng nhiếc. Nhưng tôi bưng cơm lên muộn 5 phút, ông sẽ tức giận hất ngay mâm cơm, ném đồ ăn”, chị Vĩnh kể. Chủ nhà còn cương quyết không cho chị Vĩnh được gặp em gái, dù em gái đến tận nhà chủ để thăm sau nhiều năm không gặp.

Chị Hoa, một giúp việc khác, than vãn chỉ vì nghi ngờ bị mất đồng hồ đeo tay, bà chủ nhà đã mắng chửi và nhẫn tâm đuổi chị ra ngoài trong mùa đông giá rét. Tiếng Hoa không đủ giỏi để thanh minh, đập cửa mãi bà chủ không chịu mở, chị Hoa chỉ biết đứng khóc ngoài cửa trong đêm. Nhờ hàng xóm can thiệp, chị Hoa mới được mở cửa cho vào nhà, và chỉ được chủ cải thiện thái độ đối xử khi tự tìm ra chiếc đồng hồ.

Nhiều giúp việc người Việt đều xác nhận chủ nhà người Đài Loan khi thuê được giúp việc người Việt thì họ đều rất mừng vì có thể nhồi nhét làm nhiều thứ mà lao động Việt ít kêu ca do kém về ngôn ngữ bản địa, phần lớn đều gắng chịu làm hết 3 năm hợp đồng để có tiền trả nợ môi giới. Nhiều người giúp việc phải làm quần quật từ sáng đến đêm, với đủ công việc không tên, từ nấu nướng giặt giũ, tới chăm sóc người già trẻ nhỏ.

Chị Hương (quê Nam Định) cho biết ngoài lo việc nhà chủ, chị còn bị chủ giao thêm việc nấu nướng ngày 3 bữa cho 10 nhân viên bán hàng của chủ, nhưng lương không hề được tăng thêm. “Tôi phải nấu nướng làm việc không ngơi tay. Hết nấu cơm nhà lại đến cơm thợ. Mùa đông thì đỡ hơn, chứ mùa hè cứ phải ngồi rửa cả chậu ngập bát đũa và các hộp cơm, mùi cơm thừa bốc lên chỉ muốn ói”, chị Hương kể. Đã vậy, chị Hương còn bị chủ nhà quỵt tiền làm thêm dù đã hứa sẽ trả khi giao thêm việc.

Chị Vĩnh kể: “Nhiều lúc tay xách nách mang đi trong ga tàu điện ngầm sau khi tan ca về mỗi đêm, nhìn mọi người đi lại tấp nập trong ga, lòng chán chường chỉ muốn vứt hết mọi thứ, bỏ cuộc đi về nước, rũ bỏ mọi gánh nặng và áp lực. Nhưng rồi lại cắn răng vượt qua, tiếp tục ở lại làm. Nhiều người trong nước không hiểu, cứ cho rằng lao động ở Đài Loan sướng lắm, nhàn nhã và kiếm được nhiều tiền lắm nên nhiều người như chúng tôi ở lại, không về. Có ai biết chúng tôi phải trải qua những ngày tháng cay đắng và gian truân ra sao”.

Theo Thanh niên (từ Đài Bắc)