17.05.2017

Con Đường Tơ Lụa Mới OBOR

Con Đường Tơ Lụa Mới OBOR

OBOR : Mô hình « toàn cầu hóa » kiểu Trung cộng
Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình đọc thông cáo chung kết thúc thượng đỉnh "Con Đường Tơ Lụa Mới OBOR", Bắc Kinh, ngày 15/05/2017.REUTERS/Jason Lee

Trong hai ngày 14-15/05/2017, Thượng đỉnh « Con Đường Tơ Lụa Mới - OBOR (One Belt, One Road) » đã diễn ra tại Bắc Kinh. Le Monde nhận xét : « Tại Bắc Kinh, Tập Cận Bình trải thảm ‘những con đường tơ lụa’ ». Trong bài diễn văn khai mạc hôm Chủ Nhật, chủ tịch Trung cộng khẳng định đây là một « dự án thế kỷ » và kêu gọi « xây dựng một khối cộng đồng lớn cùng chia sẻ các lợi ích ».


Thế nhưng, theo quan điểm của Les Echos, « Trung cộng đang tìm cách áp đặt quan điểm của mình về toàn cầu hóa ». Bởi vì, theo nhận xét của nhật báo, ngoài những lợi ích kinh tế từ Con Đường Tơ Lụa Mới này, thì Bắc Kinh dự định sử dụng dự án trên như là một bàn đạp trên bình diện địa chính trị cho phép Trung cộng mở rộng tầm ảnh hưởng và gây được nhiều áp lực hơn trong việc điều hành thế giới.

Les Echos trích phân tích của ông Christian Deseglise, giáo sư đại học Columbia và chuyên gia về thị trường mới trỗi dậy thuộc ngân hàng HSBC, cho rằng : « Kể từ giờ Trung cộng muốn có một vai trò lãnh đạo trên chính trường quốc tế. Với dự án Con Đường Tơ Lụa Mới OBOR, Trung cộng có những phản ứng trước những chỉ trích về hiện tượng toàn cầu hóa và việc từ bỏ hệ thống Bretton Woods, một hệ thống mà ở đó các nước mới trỗi dậy cảm thấy chưa được đại diện một cách thỏa đáng ».

Hệ thống Bretton Woods này được ký kết vào năm 1944, tại một hội nghị diễn ra tại Bretton Woods, New Hampshire, quy tụ hơn 730 đại biểu đến từ 44 lãnh đạo quốc gia. Hệ thống này thống nhất mức tỷ giá cố định cho các đồng tiền chính và cho phép ngân hàng trung ương được can thiệp vào thị trường tiền tệ. Chế độ Bretton Woods quy định một ounce vàng có giá 35 đôla Mỹ. Hệ thống Bretton Woods kéo dài từ năm 1944 đến năm 1971.
Như để thuyết phục các đối tác Bắc Kinh đã cam kết một gói hỗ trợ về mặt tài chính trị giá 113 tỷ euro để phát triển nhiều công trình hạ tầng ở những nơi dự án OBOR đi qua (từ cầu cảng, đường bộ, cho đến đường sắt…), vốn tập trung đến hơn 60% dân số thế giới và chiếm đến 1/3 tổng thu nhập toàn cầu.

Tuy biết rằng đó là « một tham vọng quá khổ » nhưng đối với Bắc Kinh « dù chỉ là một phần dự án được thực hiện có hiệu quả, tiến bộ có được cũng sẽ rất là to lớn », như nhận định của ông Jean-François Di Meglio, chủ tịch Trung Tâm Cố Vấn Asia Centre.

Mặc dù cố sức bảo vệ « một sáng kiến đôi bên cùng có lợi » dựa trên sự « hợp tác » và đảm bảo mang lại « hòa bình và thịnh vượng », nhưng chủ tịch Tập Cận Bình vẫn không dỡ bỏ được mọi sự kháng cự của một số nước. Nhiều quốc gia láng giềng lo ngại chính sách bành trướng khu vực này của Trung cộng, nhất là Ấn Độ và Nhật Bản.

Về phần mình, nhiều nước châu Âu cũng đã từ chối ký vào bản thông cáo chung do Trung cộng soạn thảo khi cho rằng bản thông cáo này chưa đề cập đầy đủ những mối bận tâm của châu Âu trên phương diện minh bạch hóa thị trường công hay những chuẩn mực về xã hội và môi trường.

Tuy nhiên, về điểm này, Le Figaro có bài viết của nhà báo Renaud Girard chỉ trích Liên Hiệp Châu Âu đang thiếu một chiến lược trước đà tiến của Trung cộng. Tác giả lưu ý là trên phương diện thương mại, Hoa Kỳ đã có một hình thức chiến lược riêng của mình là theo chủ nghĩa cơ hội. Nghĩa là tùy theo từng lợi ích tức thì mà Hoa Kỳ có thể luân phiên thay đổi mầu áo : tự do trao đổi mậu dịch hay bảo hộ mậu dịch.

Minh Anh (FRI)



Con Đường Tơ Lụa Mới
Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình phát biểu trong bữa tiệc chào mừng lãnh đạo các nước tham dự Diễn đàn Vành Đai và Con Đường tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh vào ngày 14 tháng 5 năm 2017.  AFP photo

Ngay từ năm 1999, vào thời Chủ tịch Giang Trạch Dân đã có đề xuất về Con Đường Tơ Lụa. Nó xuất phát từ thực tế nghiệt ngã về địa dư của Trung cộng. Tại hướng Đông là vùng duyên hải có các tỉnh tương đối trù phú và tăng trưởng mạnh sau khi mở ra buôn bán với bên ngoài. Về hướng Tây và hướng Bắc hoang vu, là các tỉnh nghèo nàn lạc hậu bị khóa trong lục địa, khó thông thương ra ngoài mà lại là nơi tập trung các dị tộc thiểu số.

Đây là nan đề ngàn năm của Trung cộng đang trở thành sức ép chính trị. Vì vậy các nhà lãnh đạo Trung cộng hiện có một ưu tiên cấp bách, đó là tái phân lợi tức từ các tỉnh tương đối trù phú tại vùng duyên hải ở miền Đông vào các địa phương nghèo đói và lạc hậu ở miền Tây không tiếp cận được với thế giới.

Khu vực miền Tây này chiếm hơn 70% diện tích lãnh thổ, bao trùm lên các tỉnh Cam Túc, Thanh Hải, Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Vân Nam, năm đặc khu tự trị của các sắc dân thiểu số, là Quảng Tây, Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông, Ninh Hạ, cùng một thành phố thuộc quyền quản lý của trung ương là Trùng Khánh. Tập Cận Bình muốn mở ra các “tẩu lang kinh tế” chính là để khu vực hoang vu bát ngát này có thể buôn bán với bên ngoài. Vùng bát ngát này có bốn tỷ 400 triệu dân, là 62% dân số địa cầu, mà chỉ sản xuất có 30% sản lượng toàn cầu thôi. Hai con số ấy, 62% dân số và 30% sản lượng, cho thấy sự nghèo nàn của khu vực.

Chiến lược “Tây Tiến” của Bắc Kinh đã được Thủ tướng Chu Dung Cơ chỉ đạo từ năm 2000 nhằm phát triển các vùng nghèo khốn tại miền Tây để tránh dị biệt quá lớn về lợi tức và nhận thức.

Ngoài ra hiện nay cũng như trong tương lai xa xôi, vùng đất hoang vu ấy có quá nhiều tranh chấp và bất ổn có thể gây loạn cho Trung cộng. Vấn đề an ninh của cả một vùng rộng lớn đang có khủng bố Hồi giáo cực đoan và sự nghi kỵ về sự can thiệp của ngoại bang là một vấn đề lớn.

Tóm lại, yêu cầu chính của Con Đường Tơ Lụa chính là an ninh và kinh tế cho nội tình Trung cộng.

Trong lịch sử, chưa khi nào kinh tế Trung cộng lại cần buôn bán với thế giới như hiện nay. Ngoại thương hay xuất nhập khẩu là lẽ sống của họ, mà 90% hàng hóa lại được chở qua biển vì là phương tiện rẻ nhất. Nhìn từ Bắc Kinh ra biển, với tâm trạng của một kẻ từng bị hạm đội xứ khác khuất phục, họ thấy ba mặt biển cận duyên là biển Hoàng hải, biển Hoa Đông và biển Hoa Nam lại bị ngăn bởi các quần đảo mà họ gọi là “Đệ Nhất Đảo Liên”, như chuỗi xích kéo dài từ Nhật Bản, Đài Loan tới Phi Luật tân và Nam Dương.

Nhiều quốc gia quần đảo này lại là đồng minh của Mỹ. Luồng giao dịch hàng hóa từ các hải cảng của Trung cộng tại vùng duyên hải với thế giới phải qua nhiều eo biển, thí dụ như eo biển Malacca, hiện nay vẫn do một siêu cường bảo vệ. Khi thấy an ninh kinh tế của mình lại nằm trong tay của Hoa Kỳ, Bắc Kinh sợ là có ngày bị Mỹ xiết họng! Vì vậy, họ mới có nhiều động thái đáng ngại.

Thứ nhất là họ cưỡng đoạt quần đảo hay bãi cạn của các lân bang nghèo yếu hơn; thứ hai là quân sự hóa các bãi cạn đã chiếm và biến thành đảo nhân tạo; thứ ba là ly gián các nước trong Hiệp hội ASEAN theo kiểu bẻ đũa từng chiếc để nhóm kinh tế Đông Nam Á này không thể thống nhất hành động chống cự; thứ tư là mua chuộc hai thành viên của ASEAN đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với họ tại Đông Nam Á, là Việt Nam và Phi Luật Tân; thứ năm là tránh gây hấn trực tiếp với Hoa Kỳ. Dù vậy, Bắc Kinh vẫn chưa yên lòng nên tìm cách tiến thẳng ra Ấn Độ Dương mà tránh các eo biển Đông Nam Á. Đấy cũng là mục tiêu của “Tẩu lang Kinh tế Đông Dương” với bảy nước Việt, Miên, Lào, Thái Lan, Mã Lai Á, Brunei và Nam Dương và của “Tẩu lang Kinh tế Bangladesh, Trung cộng, Ấn Độ, Miến Điện”.

Việc thực hiện dự án Con Đường Tơ Lụa  

Có nhiều vấn đề:

Chuyện tiền bạc. Khi công bố kế hoạch bốn năm về trước, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết kinh phí dự trù là năm ngàn tỷ đô la, dùng trong bao lâu thì chưa rõ. Ngân hàng Hongkong Shanghai của Anh thì tính ra nhu cầu từ bốn đến sáu ngàn tỷ trong 15 năm, và Ngân hàng Phát triển Á châu ADB ước lượng rằng là từ nay đến năm 2030 các nước Châu Á cần 26 ngàn tỷ cho các dự án xây dựng hạ tầng! Tính đến nay thì các ngân hàng có vốn của Trung cộng mới chỉ gạn được khoảng ba trăm tỷ thôi và một số dự án đầu tiên đã lỗ vốn.

Chuyện kế tiếp là trong 65 nước liên hệ đến Con đường Tơ lụa mới thì chỉ có 20 nguyên thủ tham dự hội nghị tuần qua ở Bắc Kinh với Chủ tịch Tập Cận Bình, tức là lãnh đạo của 44 quốc gia vẫn đứng ngoài nghe ngóng mà đấy lại là các nước giàu có. Các quốc gia Âu châu thì thấy không có bảo đảm tính cách bình đẳng cho các doanh nghiệp dự thầu vì ai cũng cho là Trung cộng sẽ tìm cách nâng đỡ doanh nghiệp của mình.

Một số quốc gia cũng nhìn thấy dụng ý của Bắc Kinh trong kế hoạch này, chẳng hạn như là khi Bắc Kinh không có đủ tiền nên sẽ yêu cầu các nước dần tìm nguồn tài trợ rẻ tiền để thực hiện dự án và khi ấy sẽ phải sử dụng đồng Nguyên của Trung cộng.

Các nước trong Hiệp hội ASEAN thì sợ đòn ly gián của Bắc Kinh.

Riêng Ấn Độ chẳng yên tâm trước ảnh hưởng lớn mạnh của Trung cộng với Pakistan và đe dọa quyền lợi của mình tại bang Kashmir

Các tướng lãnh Miến Điện và bà Aung San Suu Kyi thì thấy bàn tay Bắc Kinh đằng sau các lực lượng thiểu số đòi ly khai tại biên giới giữa hai nước. 

Liên bang Nga có thể ủng hộ sáng kiến của Bắc Kinh nhưng vẫn phải canh chừng quyền lợi của mình tại Trung Á….

Cho nên chưa biết Con đường Tơ lụa mới có thành chăng thì các nước cũng ngại sự xuất hiện của một cường quốc với các dự án kinh tế khả dĩ chi phối an ninh của họ.


Tóm lược từ bài của Nguyên Lam (RFA) phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa:   Con Đường Tơ Lụa Mới