Bản quyền hình ảnh GNSP Image
caption Linh mục Đặng Hữu Nam hiện cai quản Giáo xứ Phú Yên, huyện Quỳnh Lưu,
Nghệ An
Những 'hành vi sai trái'
mà giới chức cáo buộc đã xảy ra tại Nghệ An trong thời gian năm tháng đầu năm
2017 đều bắt nguồn từ việc các linh mục sát cánh, dẫn dắt người dân đấu tranh
phản đối Formosa, linh mục Đặng Hữu Nam nói với BBC Tiếng Việt.
Là một trong hai người bị Giám đốc Công an Nghệ An
Nguyễn Hữu Cầu nêu đích danh là "các
đối tượng cực đoan đội lốt tôn giáo", linh mục Đặng Hữu Nam nói giới
chức đã "sử dụng phương tiện truyền
thông đại chúng để xuyên tạc và bôi nhọ" ông và linh mục Nguyễn Đình
Thục.
"Thời
gian qua cho đến ngày hôm nay, trên khắp địa bàn các xã ở tỉnh Nghệ An, vào các
thời điểm đầu giờ sáng hoặc cuối giờ chiều, loa truyền thanh của các địa phương
đều phát đi các tin vu cáo, xuyên tạc sự thật nhằm bôi nhọ, kết án chúng tôi,
nhằm ngăn cản việc chúng tôi lên tiếng phản đối Formosa phá hại môi trường biển
Việt Nam," linh mục Đặng Hữu Nam nói.
"Chống Formosa là chống
Đảng, chống nhà nước"?
"Họ quy
việc chúng tôi chống Formosa thành chống Đảng, chống nhà nước."
"Họ
coi chúng tôi là phản động. Không chỉ chúng tôi mà bất cứ ai ở đất nước này nếu
nói cho người khác biết sự thật, phản đối sự giả dối, thì đều bị coi là phản động,
là kẻ thì của chế độ."
"Nếu
họ nói rằng tôi bôi nhọ Đảng và nhà nước thì họ hãy chỉ ra những điều tôi nói
sai. Tôi chỉ nói lên hiện tình đất nước, điều mà ai cũng thấy và chính bản thân
họ cũng thấy."
Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại một hội
nghị trực tuyến ngày 15/5, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Hữu Cầu nói thời gian gần
đây đã xảy ra tình trạng có sự "cấu
kết của các thế lực phản động ngoài nước với các đối tượng cực đoan đội lốt tôn
giáo", báo Nghệ An viết, đồng thời đề xuất chính phủ cho áp dụng các 'chiến lược nhằm sớm ổn định tình hình an
ninh trật tự trên địa bàn'.
Bản quyền hình ảnh LE VAN SON Image
caption Người dân tại giáo xứ Phú Yên tham gia đi kiện Formosa hồi tháng
10/2016
Báo Nghệ An cũng dẫn lời tướng Cầu nêu đích danh hai
linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục "liên tục có các hành vi nói xấu
chế độ qua việc rao giảng trên nhà thờ; bôi nhọ lãnh đạo Đảng và nhà nước; móc
nối với các đối tượng xấu tổ chức biểu tình gây bất ổn xã hội".
Trong khi đó, linh mục Đặng Hữu Nam nói giới chức đã
bóp méo sự thật. Ông cáo buộc giới chức đã 'cắt xén' lời nói của ông, và so
sánh việc này với trường hợp một vị khác của Giáo hội Việt Nam trước kia từng gặp
phải.
"Rất giống với việc họ cắt xén lời Đức Tổng
giám mục Ngô Quang Kiệt [nói về cuốn hộ chiếu Việt Nam] trước kia. Người ta cắt
xén để diễn dịch thành ý nghĩa khác," ông nói.
Tại cuộc họp, tướng Cầu cho rằng cần áp dụng các biện
pháp chiến lược, cụ thể là phải "quyết liệt xử lý các thành phần cực
đoan", trong lúc giới truyền thông phải "vào cuộc quyết liệt hơn nữa"
nhằm "vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch ngoài nước và các
linh mục cực đoan".
Ông Cầu cũng đề xuất việc "áp dụng các biện
pháp mạnh tay" trong trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật.
Đề xuất được Giám đốc Công an Nghệ An nêu trong cuộc
họp truyền hình trực tuyến giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều quan chức
trung ương với lãnh đạo địa phương ở 63 tỉnh thành vào sáng 15/5/2017.
Bản quyền hình ảnh PHONG TRÀO
LAO ĐỘNG VIỆT Image captionNgười dân Nghệ An biểu tình yêu cầu chính quyền thả
nhà hoạt động Hoàng Đức Bình hôm 15/5
Cuộc họp diễn ra diễn ra hầu đồng thời với vụ bắt giữ
nhà hoạt động Hoàng Bình, người đang đi cùng xe với linh mục Nguyễn Đình Thục ở
Nghệ An, dẫn tới việc nhiều người dân biểu tình phản đối tại Diễn Châu trong
ngày hôm qua.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình được báo Nghệ An dẫn lời
theo đó yêu cầu phải xử lý nghiêm "các đối tượng lợi dụng tôn giáo câu kết
với các tổ chức phản động" và "các đối tượng chống đối Đảng, nhà nước
một cách công khai".
Ngành công an phải tăng cường lực lượng trong lúc Bộ
Quốc phòng "phối hợp để bổ sung tăng cường lực lượng, phối hợp với Bộ Công
an" nhằm "ứng phó với mọi tình huống", báo Nghệ An dẫn lời Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu kết luận trong cuộc họp.
BBC
Tiếng Việt