17.05.2017

Vụ Formosa: Thỉnh nguyện thư 200.000 chữ ký trao cho LHQ, châu Âu

Vụ Formosa: Thỉnh nguyện thư 200.000 chữ ký trao cho LHQ, châu Âu
Thị trưởng Gevena, Guillaume Barazzon (phải) tiếp Giám mục Nguyễn Thái Hợp.

Phái đoàn các linh mục thuộc giáo phận Vinh đang đi châu Âu vận động quốc tế và trao thỉnh nguyện thư về thảm họa Formosa.

Thông cáo báo chí cho biết trong tuần này, Ban hỗ trợ nạn nhân ô nhiễm môi trường biển thuộc Giáo phận Vinh đã trao thỉnh nguyện thư cho các tổ chức quốc tế về việc giải quyết thảm hoạ môi trường do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa-Hà Tĩnh gây ra.


Phái đoàn do Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, dẫn đầu đã trao thỉnh nguyện thư và tiếp xúc với LHQ, Liên hiệp Châu Âu, Bộ Ngoại giao các nước châu Âu, cũng như các tổ chức thuộc Giáo hội Công giáo và một số tổ chức xã hội dân sự với mong muốn cùng nhau hỗ trợ tích cực hơn cho các nạn nhân.

Sau thảm họa Formosa vào tháng 5 năm ngoái, Ban hỗ trợ nạn nhân ô nhiễm môi trường biển Giáo phận Vinh đã khởi xướng thỉnh nguyện thư nhằm đưa vấn đề ra trước công luận quốc tế. Thỉnh nguyện thư này có chữ ký của gần 200.000 người, hầu hết là các nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của thảm họa Formosa, theo thông cáo của Giáo phận Vinh.

Ngoài ra một số cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo, bảo vệ môi sinh, nhân quyền, chính giới, đồng bào trong và ngoài nước cũng ký tên với tư cách là những người ủng hộ, đồng hành với các nạn nhân.

Tại Geneva, Thụy Sĩ, đoàn đã nộp thỉnh nguyện thư cho Chương Trình Môi Sinh LHQ (UNEP) & Cơ quan Phản Ứng Thảm Hoạ Môi Sinh LHQ (OCHA).

Đoàn đã trao thỉnh nguyện thư cho Văn Phòng Đối Ngoại EU tại Brussels, Vương quốc Bỉ; Văn phòng Cao Uỷ Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR)Tổ chức Quyền Phổ Quát (Universal Rights Group) tại Geneva, Thụy Sĩ.

Linh mục Nguyễn Đình Thục thuộc giáo phận Vinh, người đã ký tên vào thỉnh nguyện thư, cho VOA Việt ngữ biết ông kỳ vọng thỉnh nguyện thư sẽ giúp gây áp lực lên chính phủ Việt Nam, cũng như tăng sức ép đối với công ty Formosa:

Họ cũng sẽ có tiếng nói để giúp cho vấn đề đấu tranh chống lại Formosa. Các tổ chức như tổ chức nhân quyền hay LHQ thì có thể bằng cách nào đó có thể gây áp lực đối với chính phủ, với công ty Formosa. Điều mà tôi nghĩ chúng ta cần là một tòa án quốc tế có thể nhận đơn kiện của chúng ta. Đó là điều mà chúng tôi rất mong muốn.”

Người Việt ở Đài Loan biểu tình đòi quyền lợi cho nạn nhân Formosa

Thông báo báo chí hôm 13/5 trên trang thamhoaformosa.com viết: “một năm sau, Formosa vẫn chưa có động thái khôi phục môi trường biển và giải pháp đền bù thiệt hại công bằng, thoả đáng. Trong khi đó, nhiều nỗ lực đi đòi công lý của các nạn nhân qua các kiến nghị, những cuộc xuống đường, tuần hành, hay khởi kiện đều bị nhà cầm quyền ra sức cản trở, thậm chí đàn áp bằng bạo lực.”

Linh mục Đặng Hữu Nam, cũng thuộc giáo phận Vinh cho VOA biết lý do thực hiện thỉnh nguyện thư như sau:

“Uỷ ban hỗ trợ ngư dân đã thực hiện một kiến nghị để gửi lên các cơ quan quốc tế cũng như quốc hội Đài Loan để yêu cầu can thiệp một cách rốt ráo về thảm họa Formosa tại biển miền trung Việt Nam, đi tìm công lý và nhất là giải quyết thảm họa để sau này khỏi ảnh hưởng đến tương lai, đến dân tộc.”

Theo linh mục Nam, trong gần một năm qua, chính quyền Việt Nam quay lưng lại lợi ích của người dân trong sự cố Formosa, người dân đệ đơn lên tòa án thì bị ngăn cản, bức hại, sách nhiễu.

“Formosa gây họa tại Việt Nam, người dân là nạn nhân trực tiếp của thảm họa này. Suốt ba tháng trời mặc dù người dân phản ứng bằng cách biểu tình khắp nơi, từ Hà Nội đến Sài gòn, nhưng nhà cầm quyền đàn áp một cách dã man, rồi chối tội cho Formosa, còn thảm họa thì nhân dân phải gánh chịu. Trong một hoàn cảnh như vậy, Ban hỗ trợ ngư dân, các linh mục trong giáo phận Vinh trợ giúp cho người dân, không chỉ là xuống đường biểu tình, lễ cầu nguyện, mà còn ký thỉnh nguyện thư xin can thiệp từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức nhân quyền, bảo vệ môi trường lên tiếng để góp phần làm minh bạch cũng như giải quyết thảm họa Formosa.”

Bất chấp những đe dọa và cản trở, người dẫn đầu vụ kiện tập thể chống lại Formosa.

Liên quan đến việc chính quyền Việt Nam bắt giữ và truy nã các nhà hoạt động vì môi trường trong tuần này, linh mục Nguyễn Đình Thục chia sẻ:

Tôi cũng không thể khẳng định được là do động cơ, lý do nào mà họ thực hiện việc truy nã anh Bạch Hồng Quyền cũng như là bắt anh Hoàng Đức Bình. Nhưng tôi nghĩ rằng những người bị bắt như anh Hoàng Đức Bình hay anh Nguyễn Văn Hóa, hay trước đó có một vài người nữa thì đều liên quan đến vấn đề đấu tranh Formosa. Qua đó cho thấy rằng họ cương quyết giữ lại Formosa bất chấp Formosa gây thiệt hại rất nặng nề cho người dân, bất chấp sự bức xúc, phẫn nộ của người dân về vấn đề này.”

Linh mục Nguyễn Đình Thục đặt nghi vấn rằng vấn đề Formosa có liên quan đến động cơ chính trị của chính quyền, khi họ muốn dùng sự kiện Formosa để “đổi chác lòng dân:”

Chính phủ này chẳng quan tâm đến ích lợi, nguyện vọng của người dân. Họ chỉ lo cho lợi ích, hay là vì một lý do, động cơ chính trị chăng? Vì nếu chỉ vì lý do kinh tế thì tôi nghĩ không đến nỗi mà họ đổi chác lòng dân như thế, cũng như thiệt hại của người dân đến mức độ như thế? Vì lợi nhuận mà Formosa mang lại nếu đem so sánh thì không thể cân bằng được. Theo tôi nghĩ là có động cơ chính trị chăng? Là công ty Formosa, vấn đề Formosa không đơn thuần là vấn đề kinh tế, mà là vấn đề liên quan đến chính trị.”

theo tin VOA Tiếng Việt