16.05.2017

Việt Nam sẽ chịu thêm sức ép quốc tế vì các vụ bắt giữ?

Việt Nam sẽ chịu thêm sức ép quốc tế vì các vụ bắt giữ?
Image caption Đã có đến tám vụ bắt giữ các nhà hoạt động xã hội và nhà báo tự do từ đầu năm 2017 đến nay

Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực từ trong và ngoài nước sau một số vụ bắt giữ nửa đầu năm 2017, theo ‎một số bình luận.

Trong 5 tháng đầu của 2017, Việt Nam đã chứng kiến ít nhất tám vụ bắt giữ liên quan đến các nhà hoạt động xã hội dân sự và các nhà báo tự do.


Xen kẽ giữa các vụ bắt giữ là các diễn biến lên án các nhà hoạt động, và người dân biểu tình phản đối công ty Đài Loan Formosa vì tai họa môi trường xảy ra năm 2016. Cơ quan truyền thông nhà nước nói nhiều người đã "lợi dụng" việc này để "kích động".

Tuần này xảy ra vụ nhà hoạt động Hoàng Đức Bình đột ngột bị bắt giữ, khiến hàng ngàn người dân biểu tình đòi trả tự do cho ông, nhưng sau đó có cáo buộc họ bị hàng trăm cảnh sát cơ động trấn áp.

Hôm 15/5, cùng ngày nhà hoạt động Hoàng Đức Bình bị bắt giữ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến về tình hình an ninh trật tự.

Cuộc họp nhắc đến "nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến vụ việc Formosa đang gây bất ổn tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội", theo Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An.

Báo cáo với Thủ tướng tại hội nghị, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Hữu Cầu đề cập 2 linh mục Nguyễn Đình Thục và Đặng Hữu Nam.

Ông Nguyễn Hữu Cầu nói hai người này đã "lợi dụng sự cố môi trường" để "kêu gọi, kích động một bộ phận giáo dân biểu tình, bao vây trụ sở công an, gây ách tắc quốc lộ".

Hai người còn "rao giảng tại nhà thờ, nói xấu chế độ, xuyên tạc lịch sử dân tộc về ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4)", theo Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An.

Nhận định về các vụ việc bắt giữ gần đây, luật sư Lê Công Định nói với BBC hôm 16/5 rằng:

"Rõ ràng các nhà cầm quyền ý thức được tình trạng xã hội bật ổn bởi vì chính sách của họ. Nhưng thay vì thừa nhận thất bại và cải tiến, họ lại bảo vệ lợi ích nhóm và cá nhân và dùng biện pháp bạo lực với người dân."
Luật sư Định cho rằng "họ không muốn có sự tồn tại của các tổ chức đối lập."

Về hình ảnh hàng trăm cảnh sát cơ động tràn ra đường để uy hiếp đoàn biểu tình hôm 15/5 tại Nghệ An, ông Định nói "đó là một hình ảnh rất khủng khiếp, rõ ràng nhà cầm quyền chỉ nghĩ đến giải pháp đàn áp."

"Viễn cảnh trong tương lai gần sẽ có đổ máu nhưng tôi tin không chỉ có sự đổ máu từ phía người dân mà còn có sự đổ máu ngược lại của chính quyền."

"Lúc đầu người dân chưa quen thì sẽ sợ hãi, lâu ngày họ sẽ quen dần và đáp trả. Làm sao nhà cầm quyền có thể kham nổi? Tôi tin sẽ có loạn lạc xảy ra."

Ông Lê Công Định, sinh 1968, được trả tự do trước thời hạn một năm vào năm 2013.

Ông bị bắt ngày 13/6/2009 để điều tra vi phạm Điều 88 Bộ Luật hình sự, Tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN.

Cùng đợt với ông có ba người khác, là các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long.

Tội danh của các ông sau bị chuyển sang thành Hoạt động lật đổ, theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự, là tội nặng hơn.

Ngày 20/01/2010, Tòa sơ thẩm TP Hồ Chí Minh đã tuyên án từ 5 năm tới 16 năm tù giam, thêm từ 3 tới 5 năm quản chế tại gia cho các bị cáo trên, trong đó ông Lê Công Định lãnh án 5 năm tù, cộng thêm 3 năm quản chế tại gia.

Quốc tế sẽ lên tiếng?

Trao đổi với BBC hôm 16/5, phó giám đốc khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch - HRW), ông Phil Robertson cho rằng chính quyền Việt Nam sẽ sớm phải chịu áp lực từ quốc tế trước tình trạng mà ông nói là "đàn áp nhân quyền" tại Việt Nam.

"Đây rõ ràng là một cuộc truy quét với tất cả những nhà bất đồng chính kiến liên quan đến Formosa. Nhưng trong một bức tranh lớn hơn, cái chính quyền Việt Nam mong muốn là quyền lực tuyệt đối."

Bản quyền hình ảnh PHONG TRÀO LAO ĐỘNG VIỆT Image caption Người dân Nghệ An biểu tình yêu cầu chính quyền thả nhà hoạt động Hoàng Đức Bình hôm 15/5

"Họ coi tất cả các chiến dịch vận động như việc người dân phản đối chính sách đường lưỡi bò tại biển Đông, phản đối chặt cây ở Hà Nội, hay việc xâm chiếm đất đai trái phép, công nhân đình công…Bất cứ hình thức vận động quy mô lớn với sự quan tâm tham gia của nhiều người dân, họ đều cho đó là một mối đe doạ đến quyền lực của họ."

"Formosa là dấu chỉ gần đây nhất của sự sợ hãi đầy hoang tưởng của chính quyền Việt Nam về bất người dân nào mong muốn đấu tranh cho quyền lợi của mình."

"Họ muốn họ là kẻ độc tôn quyền lực, đưa ra mọi quyết định về vấn đề trong xã hội mà người dân không được phép thách thức, chất vấn, chỉ trích cách họ làm việc."

Bản quyền hình ảnh PHONG TRÀO LAO ĐỘNG VIỆT Image caption Hàng trăm cảnh sát cơ động được điều động chiều 15/5

Ông nói, cái Việt Nam cần là "trách nhiệm" nhưng những gì người ta thấy là sự "miễn nhiệm".

"Miễn nhiệm cho những công an thường phục đánh đập người dân ngay trong nhà của họ, là lôi họ khỏi xe, tấn công họ trên đường. Miễn nhiệm cho những kẻ chiếm đoạt đất đai trái phép. Miễn nhiệm cho những kẻ uy hiếp các nhà hoạt động trên mạng xã hội," ông Robertson phê phán.

Ông nói Tổ chức Theo dõi Nhân quyền sẽ sớm đưa ra một báo cáo trong vài tuần tới, gửi đến cộng đồng quốc tế và điều này sẽ khiến các quốc gia làm việc hợp tác với Việt Nam sẽ phải "cân nhắc lại trước tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam".

Chính phủ Việt Nam vẫn thường bác bỏ các phê phán của những tổ chức như Human Rights Watch (HRW).

BBC Tiếng Việt